Bàn tay độ lượng nở hoa…

Tuổi trẻ của tôi có cơ duyên hy hữu, đã bắt gặp suối nguồn đạo Phật trong những thao thức về con người, về thời cuộc và những vấn nạn đã được nêu ra, và mong tìm ra đáp số cho những vấn nạn đó cho chính mình.
 
Ngàn cánh chim bay toả khắp trời
vẫy vùng vũ khúc mở đường bay
vầng mây xanh ngát trời thương nhớ
người ở bên đời, có tỉnh say
 
hàng cây ẩn núp bóng sương mù
cành lá hoang vu, chở dáng thu
hương thơm hoa nở, thân thơm ngát
năm cánh sắc vàng, vạn sắc hương
 
bàn tay độ lượng cõi sa bà
cánh hoa ươm mộng dáng kiêu sa
mở từng suối nhạc, đơm hoài vọng
vô lượng tâm tình một sắc ca…….
Ngọn núi South Mountain ở Phoenix, Arizona cao vời vợi. Bóng đen đã về, đường thật tối để chạy xe leo lên núi. Gọi là leo, vì xe chạy thật chậm trến dốc lên, ngoằn ngèo ôm sát núi. Cũng sợ chứ, nhưng phải làm bộ để quên đi, chứ ai lại thú nhận là mình bị run vì sợ, dù là quán đến vô thường. Bóng tối nên không thấy gương mặt mọi người trong xe biến đổi ra sao, chỉ nghe tất cả mọi người đều nổ rang câu chuyện để mặc cho người bạn lái xe chăm chú theo con đường dài, lên cao. Thỉnh thoảng có xe chạy ngược chiều đổ dốc xuống, cũng chạy chậm rì. Ngọn đèn pha của xe chợt loáng qua, nhìn mặt nhau thấy nhờ nhợ…sợ.
Có lẽ, tôi là người nhát gan nhất, mang cái cảm giác sờ sợ, vì có thử nhìn ra ngoài cửa sổ xe, bóng đen đã bao phủ, đổ xuống tràn ngập mọi nơi. Sợ là phải vì núi cao quá, nếu lở mà xe có bị gì ….. lở chúng mình xa nhau thì sao?
Dù đã từng đến Phoenix rồi vì có gia đình người bạn thân ở đây. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ rằng thành phố nầy rất nhỏ, ít có nơi chốn để đến thăm viếng. Ai dè đâu, nguợc lại, nơi đây lại có nhiều nơi cần phải đến vãng cảnh quá, vì nhiều danh lam, nhiều địa điểm mà khi đến đó, mình phải trầm trồ, khen ngợi, vì cảnh đẹp lại hữu tình và cảnh cũng làm sinh tình.
Nhưng rồi xe cũng lên được đỉnh cao của ngọn núi, có một khoảng mặt bằng thật lớn, đã có nhiều xe đậu và rất đông người lên viếng cảnh vào buổi đêm. Đẹp quá khi nhìn thấy một không gian rộng lớn, bao la, trên cao, chung quanh, cái không khí nầy hay hay, lạ lạ, nhất là đối với tôi- một con người sống nhiều về tình cảm, nên làm cho lòng ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên về đêm.
Em đẹp quá, ta chưa từng gặp mặt
nhưng sao lòng như đã biết từ lâu
chạy vội ôm, bỏ thương nhớ thưở nào
sợ vấp ngả, lao mình vào vực thẳm
 
nên đứng lặng bên đời, dòng sanh tử
ngắm nhìn em cho thoả mộng nhân tình
em có đến đi, lòng ta hoài mộng
thiên nhiên ôi, ta có mặt bên người….
Nhìn xuống núi, cả thành phố nằm phía dưới trải dài, đang mở hội hoa đăng bằng muôn vạn bóng đèn điện màu nhấp nháy, như tràn đầy ánh sáng những vì sao li ti, chi chit… do ở độ cao từ trên đỉnh dòm xuống. Tôi đã lặng mình để chiêm ngưỡng cảnh vật nầy, biết nói sao cho đủ, biết diễn tả như thế nào đây để biểu lộ lòng thành trước vẽ đẹp kỳ vĩ thân thương nầy.
Đêm nay lại là đêm rằm, không một áng mây trên bầu trời, làm cho bầu trời mở rộng thênh thang, để ôm ấp ánh trăng tròn, chở ánh sáng vằng vặc của trăng đi mọi nơi, làm sáng rực ngọn núi, cả không gian. Trăng như đang cười trọn niềm hoan lạc, tưới niềm vui rạng rỡ cho bao cảnh vật, đẹp quá. Tôi có thói quen khi đứng trước một vẽ đẹp nào, để diễn tả về đối tượng đó, thì chỉ thầm lặng chiêm ngưỡng, vì như thế như đã đủ nói lên tấm lòng rồi.
Từ đỉnh cao, trăng thật gần, như có thể lấy tay nắm bắt được, như nằm gần trên đỉnh đầu, bên cạnh, chung quanh, bởi ánh trăng, bởi ánh sáng chan hoà. Tôi tiếc là mình không phải là thi sĩ để nói đến về ánh trăng nầy… thôi thì….một chút gọi là….
Em sáng mộng, chở màu vàng rực
làm lòng ta ngơ ngẫn ngẫn ngơ
xin đừng cười, e tim bị mệt
thì làm sao, ca tụng em đây…
Những cảnh vật nầy, ánh sáng trăng, những con người đang đứng nơi đây chiêm ngưỡng, làm vưc dậy trong tâm tôi một nổi thao thức nào đó. Thiên nhiên vẫn là vẽ đẹp kỳ diệu, huyền ảo, là nguồn cảm hứng, là nơi bảo bọc cho nhân loại, cho vạn vật cùng trong bụng mẹ đất, là những gì cưu mang bằng sư sống của mạch máu, của trái tim … Nhìn thấy mọi người chung quanh, đang vui đùa, nói chuyện tâm tình… tôi nhìn thấy có nụ cười, không nhìn thấy có hận thù, chia rẽ, gây cấn lẫn nhau có mặt … nhưng tại sao chiến tranh vẫn còn mãi ở nhiều nơi, chết chóc vẫn nô đùa một cách vô lý tràn đầy trên thân phận con người, con người vẫn dẫy đầy sự khổ, nạn đói, lầm than … ngàn xưa đã vậy và cho đến bây giờ, sự khổ càng nhân lên gấp bội phần.
Bao triết thuyết vì con người, do con người tìm ra đâu? Tất cả thảm cảnh vì thiên tai hay tại nhân tai? Tôn giáo có mặt trên cõi đời nầy có đáp ứng và tìm đường cứu thoát nhân loại ra khỏi bi kịch đau thương nầy chăng?
Tôi là người lãng mạn trong cuộc sống, tính chất đó không phải để tìm cho mình sự ru ngủ trong đêm dài của những hão huyền nào đó hay đắm mình trong trường thiên mơ mộng của thơ văn, của triết thuyết … nhưng vì là con người trần tục, có khổ đau, có bất hạnh nên ngoi lên, muốn tìm ra được ngọn nguồn của sóng gió lặng hay vẫy vùng cho chính mình, vì cuộc sống thực tế buộc phải đối diện, đi tìm. “tại gió làm cho phuớng động hay chỉ tại tự phướng động?” (Kinh Pháp Bảo Đàn). Lãng mạn giúp tôi để tránh đi đau khổ, để thoát ra những bẫy sập vây bủa của cuộc đời, để nắm bắt từng nhịp thở tư tưởng, soi mói, tỏ tường trong cái tâm tràn ngập vọng tưởng.
Nhà tư tưởng Dwarko Sundrani nói về Thánh Gandhi như sau: “Ngài có rất nhiều sự yếu đuối, nhưng lại có một điểm rất mạnh, đó là khi tìm được một sự thật, thì Ngài theo tới cùng, không bao giờ từ bỏ” (Gandhi had many many weakenesses. But he had one strength -when he found truth, he wouldn't let it go).
Vâng, cuộc sống tràn ngập trong những khổ đau mà nghiệp lực đưa đẩy trong cuộc đời, nhìn thấy tương lai vô vọng, thấy cuộc đời vô nghĩa, thấy thần tượng không còn, thấy đời người sao bấp bênh, mạng sống vô thường.
Tuổi trẻ của tôi có cơ duyên hy hữu, đã bắt gặp suối nguồn đạo Phật trong những thao thức về con người, về thời cuộc và những vấn nạn đã được nêu ra, và mong tìm ra đáp số cho những vấn nạn đó cho chính mình. Muốn biết tại sao nhân loài vẫn còn đau khổ triền miên, cũng là muốn truy tìm, nhận thức được về cái tâm của mình.
“Nhất thiết duy tâm tạo”
 
Con tạo xoay vần, nhân sinh huyễn mộng, nhưng sự khổ vẫn còn đó, có phải vì nghiệp lực, vì tài sắc danh thực thụy, vì si tham sân là căn bản của sinh mạng con người đã tạo nên sóng gió ba đào hay tại cái tâm tạo vẻ nên môi trường ảo ảnh của cuộc đời?
Có người cho là đạo Phật bi quan, khi nhìn cuộc đời là Khổ, cũng như đó là ý nghĩ của tôi khi mới tập tễnh tìm đến đạo Phật. Nhưng càng nghiên cứu, có một chút tu tập trong đời sống, áp dụng những lời giáo pháp bằng sự tư duy, thực hành, tôi lại khám phá được những điều kỳ diệu mà đức Phật đã dạy, và Thầy Tổ truyền lại, cho đến nay.
Khổ chính là vấn nạn, là căn bản cho mọi truy phá, tìm kiếm đáp số, vì không tìm ra căn bản đó để truy nguồn đến tận căn nguyên, thì vẫn còn lăn mình trong vọng tưởng. Nghiệp lực đến từ đâu, phải chăng vì những hành động do tâm vọng gây ra, vì tham sân si và khởi ra thân khẩu ý, do không chánh kiến, chánh niệm hay đúng ra là vô minh, là tổng thể cái sai lầm… đem đến khổ đau, bất hạnh. Luân hồi là lăn chuyển trong cái sai lầm đó để làm nên mọi hình trạng.
Đạo Phật đặt nặng trên con người, vì con người hơn và trên muôn vật, có đầy đủ năng lực kỳ diệu làm nên tất cả mọi hiện cảnh, mọi dòng nghiệp, có thể luân chuyển qua sáu nẽo thăng trầm, có cơ chuyển phàm thành thánh, và có đầy đủ khả tính để thành Phật, khi chuyển hoá được những vọng tưởng điên đảo, đưa đến sự an lạc thực sự hoặc chân tánh. Phiền não tức bồ đề, do sự chuyển y, nên tất cả phiền não, nội kết, những khổ đau, hạnh phúc, bất hạnh, luân chuyển v.v… chỉ là thay đổi cách nhìn, cách nhận thức, để thấy được con người thật của mình.
Tiếng rống vang dội rừng xanh, kinh động muôn loài của chú sư tử con khi nhìn vào dòng nước suối trong, thanh tịnh… thấy được mặt mũi chúa sơn lâm của chính mình, hay mình sẽ chính là chúa sơn lâm, là một hạnh phúc vô biên và kỳ diêu. Chuyển được những nghiệp lực, vọng tưởng để bản tâm thanh tịnh, thấy được minh qua bao sóng gió của cuộc đời lưu lạc, là bước nhảy vọt, vượt qua muôn trùng của sát na của vọng niệm, của đảo điên, để đến với con người nhân bản của chính mình; cho nên, con người có thể sáng tạo ra tất cả vì tất cả đều đến từ tâm.
Đó là một Thông điệp quan trọng quan trọng, vô giá đối với con người, vì con người chính là chủ nhân ông của chính mình.
Để làm nên con người nhân bản, qua sự tu tập, qua sự chuyển hoá, qua đi sâu vào chiều sâu của tâm thức và thể nhập vào bản môn. Đến với đạo Phật không phải để tin, chỉ để cầu nguyện, cầu cứu thoát, cầu ban ơn phước, giáng hoạ v.v… nhưng đến với đạo Phật là để tìm, nghiên cứu (văn), để suy tư ( tư) và để áp dụng vào đời sống để chứng nghiệm lời Pháp đó cho chính mình (tu). Những gì không đem lại an lạc, hạnh phúc thì đừng bao giờ tin theo dù đó là của ai, là lời hoa mỹ, đẹp… vì đạo Phật là đạo sống, đạo như thật, tri và hành là một, không phải là những lời cầu xin, lời hứa hẹn hão huyền.
Con người nhân bản là con người của trần gian, đi và dấn thân vào cuộc đời, bên cạnh những con người khác để cùng đi đến an vui, hạnh phúc. Sự an lạc, hạnh phúc, tự tại của con người, của những người cùng chung sống trong trái đất nầy cũng là bước chân dấn thân của những người mang lý tưởng Bồ tát, sau khi đã và đang tu tập có được an lạc, thanh tịnh tâm và mở rộng không gian của tuệ giác.
Con người nhân bản của Tục đế cũng là con người biết tri ân, báo ân và cùng đưa nhau đến bờ giác, bước vào Chân đế.
Trên đỉnh núi cao, nhìn ánh trăng vàng toả sáng, lan rộng, ban ánh sáng đẹp cho khắp mọi nơi chốn trên cõi đời ô trược nầy. Là người con Phật, biết chút tu tập, lắng nghe lại bản tâm, lắng nghe lại cõi lòng trong những vọng niệm, tìm cho mình một chút gì đó an lạc, cần chia sẻ…Lòng tôi gợi lên những cảm khái kỳ lạ…
Những con người có mặt nơi đây, đang thân thiết, quay quần, cùng nhau hiện diện trên khoảng chu vi nhỏ bé nầy trên đỉnh núi… bỗng nhiên bị biến mất vì những hận thù, đố kỵ, ganh ghét nào đó. Những tài nguyên thiên nhiên, những thành phố, những văn minh, những xây dựng, những công trình v.v… của loài người … bổng nhiên bị phá hũy, tàn nát bởi những vô minh, cuồng tín nào đó, làm mất sạch. điêu tàn. Chúng ta phải làm sao?
Sự hiện hữu, sự chia sẻ, liên đới, cùng nhau mang trách nhiệm cho chính những nền văn minh, di sản của nhân loại, phải chăng cũng là bổn phận của tất cà chúng ta, dù là đời sống có vô thường, thịnh suy v.v…
Tôi chấp đôi tay lại, nhìn lên ánh trăng, thấy được hình ảnh của Bồ tát Quán Âm lại có mặt như từ tâm xuất hiện, đến để cảm nhận và chia sẻ. Lời chú Đại bi đã được thầm đọc, cùng phẩm Phổ Môn và kinh Từ Bi, những âm thanh nhẹ nhàng đó sao hôm nay trở nên vi diệu quá, như một sức mạnh nội tâm chan hoà trong tâm tôi, lớn mạnh, lan rộng ra không gian. Những pháp nhũ nầy đã theo tôi trên đoạn đường dài của cuộc đời, từ lúc biết đến đạo Phật cho đến nay, trở nên thành phần tế bào thân thiết của thân và tâm.
Lạy đức Bồ tát Quán Thế Âm, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm vinh nhục trong cuộc đời, là hình ảnh của người Cha là biểu tượng linh động đã giúp con người đi tìm về Trí tuệ và Đại nguyện. Là hình ảnh của người Mẹ, với tấm lòng bao dung, che chở, san sẻ, là pháp mầu biểu tượng, chỉ cho con trở về hạnh Từ bi và Hỷ xả.
Xin biểu lộ tấm lòng thành tri ân đến vũ trụ, trái đất là nơi chốn an lành mà loài người chúng con đang sống đẹp, dù có những tai ương do tai trời ách nước xẩy ra… nhưng cũng một phần do chúng con, con người tàn phá, gây nên.
Xin kính tri ân đến Tổ quốc, đất đai mà chúng con sinh sống, đã bảo bọc cho con người được sống trong lợi lạc, hạnh phúc, dù là chúng con luôn vì tư riêng, vị kỷ, tham sân si… đã làm nên bao nhiêu là sự phá hoại đến hành tinh xanh nầy.
Xin kính tri ân đến Thầy Tổ, Cha Mẹ, chồng vợ, con cái, cùng tất cả những người thân, người chưa quen… đã là quyến thuộc lẫn nhau, làm cho con người ý thức được tình liên đới, đến ý nghĩa tương duyên tương sinh trong cuộc đời, để tạo nên những ý nghĩa của đời sống.
Xin kính tri ân đến những người đã giúp cho con người được đầy đủ sự ăn mặc, từ những người nông dân, người buôn bán hoặc bất cứ ai, bất cứ người nào đã đóng góp cho sự trưởng thành về mọi mặt của con người để con người vươn cao, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau.
Xin kính tri ân đến muôn loài, dù là côn trùng nhỏ bé, dù là những loài súc sinh, những loài mà con người quan niệm là để nuôi dưỡng con người, hoặc bất cứ loài sinh vật, hoặc cây trái, rau cỏ nào có mặt trên trái đất nầy, cũng đều là ân nhân đã nuôi dưỡng con người.
Người con Phật là con người của tri ân vì được sống trong vũ trụ nầy và chung với con người, nên không bao giờ từ bỏ hoặc quên chia sẻ đến con người. Sống với tánh Phật, sống với cái tâm tuệ giác là một sự tri ân cao cả, tuyệt vời mà người con Phật mong đem đến chia sẻ cùng con người.
Tôi chợt nhớ đến lời của Ngài Lama Thubten Zopa Rinpoche nói rằng: “Sư an lạc và hạnh phúc chân thật đến từ trái tim, trong tâm.. Do đó, để tránh các cuộc chiến tranh và sự tàn phá xẩy ra, để tránh nạn đói, bệnh tật và xáo trộn xã hội, để tránh cho nhân loại thoát khỏi nạn tai do những hành xử không lợi ích; chúng ta có thể đem lòng thương yêu chia sẻ đến mọi người Khi bạn có trái tim với lòng từ thương yêu, thì những hành động tiêu cực sẽ không xuất hiện.” (Real peace and happiness has to come from the heart, from within. So therefore, to eliminate wars and destroying each other, to eliminate famine, disease and earthquakes, and to eliminate all other disasters an unfavourable experiences, all this can be stopped by having loving kindness toward each other. From having a good heart with loving kindness, negative action cannot arise).
Thưa bạn, vẫn lời xưa cũ, mộc mạc, chân thành của người con Phật biết chút tu tập, có chút suy tư… trước những vấn nạn chung của con người trong những bấp bênh của đời sống. Nhân ngày Lễ Tạ Ân, qua tấm lòng muốn chia sẻ, dù là muốn nói nhiều hơn nữa- vẫn biết khi những lời được nói ra, cũng là biểu lộ cho sự thiếu kém của một tâm hồn con người. Dù là vậy, nhưng đây cũng là những lời nguyện ước, mong mỏi của một con người.
Xin “bàn tay độ lượng” đưa người qua sông. Bàn tay có ngàn mắt ngàn tay; ánh mắt của trí tuệ soi sáng vô minh, biết được nổi khổ đau của nhân loài mà tìm đường cứu giúp, thể hiện lòng tấm lòng Từ bi, không phân biệt. Đó là hình ảnh đẹp tuyệt vời của đức Bồ tát Quán thế Âm, hiện diện trong cuộc đời. dấn thân vì con người khổ đau, bất hạnh cầu cứu, đưa con người qua con sông của khổ đau để đến bến bờ hạnh phúc chân thật.
Hình ảnh đó là biểu tượng linh thiêng, sống thực, linh động của Bồ tát đi bên cạnh cuộc đời, dù là ở bất cứ cảnh giới nào, tấm lòng đó không bao giờ thay đổi, thoái chuyển lòng bồ đề và đó cũng là những lời nguyện mà mỗi người con Phật khi hiểu được đạo Phật, có chút công phu tu tập… thì đều mong muốn, quán nguyện cùng Bồ tát để tu tập và mong được tiếp nối gánh vác với đôi vai gầy yếu, với tấm lòng thành bé nhỏ của mình và đó cũng là trách nhiệm của mọi con người khi ý thức về sự hiện hữu của mình, của nhân loại. Những lời chia sẻ trên chỉ là những tâm tình, dù bạn có đồng ý hay không, cũng xin nhận nơi đây một sự chia sẻ chân thành.
Xin cầu nguyện và kính dâng “Một đoá sen từ bi, một bàn tay độ lượng” …. Kính mong được mỗi người đón nhận nhân ngày Lễ Tạ Ân, để cùng nhau chia sẻ đến thân phận con người..
Xin thành kính cám ơn.
Viết xong lúc 1:10 sáng 
Ngày 26.11.2009
Cư sĩ Liên Hoa

 

Đời sống: