TAM VÔ LẬU HỌC

Sau khi Đức Phật thành đạo, bánh xe Pháp đã được chuyển, vương quốc trí tuệ ra đời. Toàn bộ giáo pháp Đức Phật thuyết giảng trong gần 49 năm cho tất cả chúng sanh không ngoài “Sự thật khổ đau và con đường đoạn diệt khổ đau”. Hay nói cách khác, giáo lý ấy được Đức Phật giải trình qua ba môn học thù thắng: Giới học, Định học và Tuệ học mà chỉ có trong đạo Phật, chứ không có bất kỳ ở tôn giáo nào khác. Bởi vì, chính ba môn học này là cơ sở lý luận, phương thức hành trì giúp cho hành giả đoạn tận phiền não, không còn đọa lạc trong ba cõi, thể nhập tuệ giác vô thượng. Do có công năng như thế nên chúng được gọi là “Tam vô lậu học”. 

Giới vô lậu học

Giới vô lậu học là cái học thể nguyện sự hiểu biết và hành trì về giới, chứng nghiệm từ đời sống phạm hạnh, có giá trị tâm linh, hướng đến giải thoát vô lậu của một hành giả.

Giới, Hán dịch từ chữ Sìla, được hiểu là giới hạnh, chứa đựng các giá trị luật lệ đạo đức. Nguyên nghĩa “Sìla” là sự tự nhiên, thói quen. Do đó, giới vốn là thực tại tự nhiên, tương ưng với quy luật vận hành. Về sau, để đảm bảo con người không vượt ra ngoài quy luật tự nhiên và xã hội, giới bắt đầu mang các giá trị đạo đức. Tại đây, giới có công năng ngăn chặn điều quấy, trừ điều ác, gọi là “phòng phi chỉ ác” hay giới có khả năng đình chỉ việc ác, khai phóng điều thiện, còn gọi “chỉ ác tác thiện”. Giới còn có nghĩa là tịnh trú, trưởng dưỡng, trưởng tịnh và thiện túc. Giới trong Giới bổn (Patimokkha) có nghĩa là Biệt giải thoát, Xứ xứ giải thoát, Tuỳ thuận giải thoát đều mang nội hàm của việc hướng về giải thoát.

Biệt giải thoát là sự giải thoát từng phần, nghĩa là giữ giới phần nào sẽ được giải thoát phần đó. Sự giải thoát, an lạc nội tâm của hành giả tỷ lệ thuận vào công phu hành trì từng phần của giới. Biệt giải thoát là giải thoát theo từng đối tượng cá biệt của hành vi, vì khi thọ trì một giới mà Thế Tôn chế định thì giới đó có khả năng tẩy rửa một hành vi bất thiện trong nội tâm. Tùy thuận giải thoát là sự giải thoát tùy thuận vào trì giới theo phương thức nào mà đưa đến kết quả hữu vi hay vô vi. Ngoài ra, Patimokkha tức Giới bổn còn có nghĩa là sự liên kết, sự thống nhất chặt chẽ giữa các chúng hội Tỳ kheo. Tại đây, giới được giải trình là sợi dây liên kết hệ thống tổ chức Tăng già trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Giới bổn là nội dung tu học và thọ trì căn bản nhất để hành giả được thăng tiến đến giải thoát.

Rõ ràng, giới là những học pháp bao gồm những điều nên làm và không nên làm hay những điều cấm để tránh những lỗi lầm và những quy tắc phải hành trì. Nói khác đi, giới luật đều đặt trên nền tảng Chỉ trì và Tác trì, tức chỉ trì tác phạm và tác trì chỉ phạm. Điều này có nghĩa là đối với điều ác mà đình chỉ là giữ gìn, hành động là vi phạm, còn đối với điều thiện thì hành động là giữ gìn, đình chỉ là vi phạm. Do đó, Luật sư Đạo Tuyên nói: “Về chỉ trì, thì Giới bổn Tỳ kheo đứng ở hàng đầu, về tác trì thì các pháp Yết ma xếp vào đại khoa”. Qua đó, cho chúng ta thấy đặc tính của giới và luật là có sự đồng nhất, hỗ trợ lẫn nhau.

Về nguyên nhân thiết lập giới, trong thời gian đầu, tức là 12 năm đầu kể từ ngày Phật thành đạo, đời sống Tăng già hoàn toàn thanh tịnh, chư Tăng an trú trong giới bổn. Tuy nhiên, về sau có nhiều hiện tượng vi phạm đời sống phạm hạnh nên Đức Phật thiết lập giới bổn với mục đích là xây dựng Tăng già hưng thịnh, Chánh pháp trường tồn. Khi lập mỗi giới điều, Ngài đều nêu ra mười lợi ích để thấy rõ tầm quan trọng của các học giới. Luật tạng gọi mười lợi ích này là “Thập cú nghĩa”:

1. Nhiếp thủ ư Tăng: Giới luật Phật chế là để chư Tăng thọ trì. Người nào xuất gia có thọ trì giới pháp của Phật thì đó mới thuộc vào chúng Tăng.

 2. Linh Tăng hoan hỷ: Nhờ có giới pháp mà chúng Tăng được hành trì nghiêm túc, đời sống thanh tịnh, chúng Tăng hoan hỷ.

3. Linh Tăng an ổn: Khi có giới pháp, chính giới ấy kiềm chế sự phóng túng, chư Tăng theo đó được an ổn.

4. Linh vị tín giả tín: Những vị Tăng hành trì giới luật, sẽ gây được lòng tin cho người chưa tin đối với Tam bảo.

5. Dĩ tín giả linh tăng trưởng: Đối với những người đã có lòng tin Tam bảo rồi, nhờ gặp chúng Tăng hành trì giới pháp mà lòng tin củng cố thêm.

 6. Nan điều giả linh điều: Điều phục người có tánh ương ngạnh, căn cứ theo giới luật mà xử trị.

7. Tàm quý giả đắc lạc: Làm cho người có tàm quý nghiêm trì giới pháp được an vui.

8. Đoạn hiện tại hữu lậu: Là ngăn trừ được những lậu hoặc, bất thiện phát sinh trong đời hiện tại.

 9. Đoạn vị lai hữu lậu: Là ngăn chặn đề phòng ác pháp trong đời vị lai.

10. Linh Chánh pháp cửu trụ: Khiến cho Chánh pháp được trường tồn mãi mãi.

Tuy nhiên, tùy theo căn cơ chúng sanh và tùy thuộc sự phát tâm thọ lãnh giới pháp mà Đức Phật thiết lập giới pháp và phân ra nhiều giới loại để thực thi hành trì.

Giới tại gia dành cho hàng Phật tử tại gia, tức là những Cận sự nam, Cận sự nữ phát tâm thọ lãnh Năm giới, Thập thiện giới, Bát quan trai giới. Giới xuất gia dành cho hàng xuất gia phát tâm thọ trì, có 5 hội chúng: Sa di và Sa di ni thọ trì 10 giới; Thức xoa ma na giữ 4 giới cơ bản, 6 học pháp, 292 hành pháp; Tỳ kheo giữ 250 giới; Tỳ kheo ni thọ trì 348 giới. Còn giới đạo tục thông hành chính là giới Bồ tát bao gồm hàng tại gia và xuất gia lãnh thọ, gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh.

Mặt khác, căn cứ trên ý nghĩa nội dung của “thông” và “biệt”, giới được chia thành Thông giới và Biệt giới. Sở dĩ gọi là “thông” vì tại gia hay xuất gia đều được thọ lãnh, đây là giới mà chư Phật ba đời đều truyền thọ cho nhau, không phải đợi đến khi Phật Thích Ca thành đạo mới có. Khác với Biệt giới chỉ có tự thân hình thọ, khi hình tướng mất thì giới cũng mất. Theo Trí Giả đại sư: “Giới này khởi thì khởi tánh”. Tánh Phật tự thân mỗi người đều có, chỉ cần phát Bồ đề tâm là đắc giới. Người thọ giới Bồ tát hành Bồ tát đạo trang nghiêm cõi Phật. Khi nói đến giới Bồ tát tức là đề cập đến Tam tụ tịnh giới: Nhiếp luật nghi giới, còn gọi là Biệt giải thoát luật nghi, gồm các giới của tại gia và xuất gia để ngăn ngừa các điều ác, phát khởi các điều lành; Nhiếp thiện pháp giới là người chuyên tâm hành trì các việc thiện, xem việc thực thi các thiện pháp là hình thức hành trì giới; Nhiêu ích hữu tình giới là lấy mục đích làm lợi ích cho tha nhân và quần sinh như là một sự trì giới hữu hiệu nhất.

Sở dĩ gọi là biệt giới vì chỉ dành riêng cho giới Cụ túc (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni). Giới Tỳ kheo về phần rộng thì vô lượng, phần trung thì ba ngàn oai nghi, phần lược thì có 250 giới. Giới Tỳ kheo ni cũng thế, chỉ khác phần lược thì có 348 giới. Về sau các nhà Luật học còn chia thành 3 loại dựa trên cơ sở Tam vô lậu học gồm có Biệt giải thoát: Đó là nội dung nhiếp luật nghi giới; Định cộng giới: Lấy định làm giới do tu tập thiền định, từ đó ba nghiệp thanh tịnh, đoạn tận các lậu hoặc, giới thể tròn đầy; Đạo cộng giới: Do lấy tuệ làm giới, thấy rõ được các pháp, phát sinh tâm vô lậu, giới thể viên mãn. Trên đây là nội dung giới bổn của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni. Ngoài ra còn có các giới pháp của Thức xoa ma na có 4 giới cơ bản, 6 học pháp và 292 hành pháp, Sa di và Sa di ni có 10 giới và 22, 24 oai nghi.

Rõ ràng, Giới bổn chỉ nhằm bảo trì pháp thân huệ mạng của vị Tỳ kheo để vị đó an trú trong đạo lộ giải thoát. Hơn nữa, giới được thiết lập trên cơ sở tùy duyên, mục đích làm cho tâm thanh tịnh. Do đó tùy theo từng trường hợp mà áp dụng Khai, Giá, Trì, Phạm; chứng tỏ giới học mang tính chất uyển chuyển, không giáo điều. Ở bình diện giải thoát, theo tinh thần kinh Trung Bộ, Phật dạy có 5 lợi ích do việc trì giới đem lại: Có nhiều tài sản do kết quả tinh cần không phóng dật; Được tiếng lành đồn xa; Khi đi vào bất cứ hội chúng nào cũng không sợ hãi; Khi chết tâm bình thản, không tán loạn; Sau khi mạng chung được sanh thiện thú, thiên giới.

 

 Định vô lậu học

Định vô lậu học là cái học về thiền định đưa đến sự ổn định, thanh tịnh tâm. Giữ tâm ở trạng thái định tĩnh, vắng lặng, không tán loạn và từ đó, sự tập trung của hành giả đến một đối tượng trở nên mạnh mẽ, sáng tỏ, làm cho tuệ giác hưng khởi.

Định, Hán dịch của từ Samàdhi là sự vắng lặng, tức phương pháp thực tập làm cho tâm trở nên vắng lặng, đưa hành giả đến trạng thái tập trung cao độ, đỉnh điểm là nhất tâm. Thiền (Jhàna) là tư duy, tĩnh lự. Tư duy chính là phương thức hành trì qua suy nghiệm, quán sát những đối tượng của tâm thức. Tĩnh lự là dùng tâm thể vắng lặng để thẩm sát các pháp. Định (Samàdhi) là sự tập trung, sự nhất tâm trong nghĩa ngưng tụ, trái với sự tán loạn. Thiền định là sự tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất không tán loạn, tâm trở nên vắng lặng và tỉnh giác cao độ. Luận Thanh tịnh đạo, ngài Buddhaghosa nêu rõ “sự tập trung ấy là sự xoay quanh của tâm và tâm sở một cách đều đặn và chánh đáng vào một đối tượng duy nhất”.

Trong quá trình tu tập, định được giải trình như là ở cấp độ thứ hai sau giới. Nhờ sự hành trì giới một cách nghiêm ngặt nên đạt đến sự nhất tâm, an trú vào định. Giá trị thực hành giới tạo ra sự phòng hộ ngăn chặn không cho dòng lũ ác pháp tràn vào tâm thức, ngõ hầu tâm không bị tán loạn. Rõ ràng, “nhân giới sanh định, nhân định sanh tuệ”, đây là hệ quả tất yếu khi hành giả thực sự gia tâm hành trì, tu tập.

Theo Luận Câu xá của ngài Thế Thân thì định có hai, đó là Sinh đắc định và Tu đắc định. Sinh đắc định là định do đã tu tập từ đời trước, khi sanh ra đã đắc định. Còn Tu đắc định là do tu tập dần dần mà chứng đắc định. Tu đắc định có tám là bốn tịnh lự và bốn vô sắc. Tịnh lự nói cho đủ và chính xác là “tịch tịnh thẩm lự”, có khả năng phát sinh trí tuệ, không chỉ riêng định sắc giới mà định vô sắc giới cũng là tịnh lự. Tuy nhiên, định sắc giới có đặc điểm là chỉ và quán cân bằng đồng thời có khả năng suy xét mạnh nên gọi định sắc giới là bốn tịnh lự. Tịnh lự này có năm chi phần: tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Căn cứ năm chi này để phân chia bốn tịnh lự: Đủ năm chi là Sơ thiền. Lìa tầm, tứ; chỉ có hỷ, lạc, nhất tâm là Nhị thiền. Lìa tầm, tứ, hỷ; chỉ có lạc, nhất tâm là Tam thiền. Lìa tầm, tứ, hỷ, lạc; chỉ có nhất tâm là Tứ thiền. Bốn định vô sắc có bốn bậc: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Thứ hai, căn cứ ý nghĩa nội dung của định và tùy theo cấp độ thăng chứng mà  phân loại thành Định cận hành và Định an chỉ. Định cận hành là định đạt được do sự tập trung quán sát vào các đề mục như quán Tứ niệm xứ, quán tử thi, quán sự hình thành và hủy diệt của tứ đại… Còn Định an chỉ là sự nhất tâm đạt được liền sau Định cận hành, nhờ quán tưởng mà tâm ý lắng đọng không còn vọng tưởng.

Theo Phật giáo Nguyên thủy, thiền định thể hiện qua công phu hành trì thiền Tứ niệm xứ: quán thân nơi thân, quán thọ nơi thọ, quán tâm nơi tâm và  quán pháp nơi pháp. Theo Phật giáo Phát triển, sự thực tập thiền định dựa vào kinh Bát Nhã, Kim Cang, Hoa Nghiêm… quán chiếu năm uẩn đều Không, vạn pháp vô ngã. Tại đây, hành giả thấu đạt tánh Không, liễu tri các pháp, tâm an trú trong định, tuệ giác bừng khởi.

Trong ý nghĩa đó, theo Bồ tát hạnh, có mười kết quả lợi ích đem lại cho hành giả thực hành thiền định: An trú trong pháp thức uy nghi; thành tựu từ bi; không còn sanh tâm phiền não; phòng hộ được các căn; hoan hỷ vui thích; xa lìa ái dục; chứng được Chân không; cởi được các dây trói buộc, giải thoát; khai mở trí tuệ và trú trong cảnh giới chư Phật; đạt đến sự giải thoát, các hoặc nghiệp không còn nhiễu loạn.

 

Tuệ vô lậu học

Tuệ vô lậu học là cái học làm cho trí tuệ vô lậu phát sinh, có chánh kiến, thực chứng chân lý tối hậu Niết bàn. Phật giáo thiết lập trí tuệ bằng tiến trình tuệ tri về sự thật giải thoát khổ đau nhờ quá trình tu tập, hành trì mới có khả năng chứng đạt. Trí tuệ có nghĩa là thắng tri, có nghĩa là liễu tri, có nghĩa là đoạn tận. Với khả năng thắng tri, hành giả an trú sâu trong thiền định. Băng qua cái thấy biết do tưởng tri, thức tri, hành giả còn chứng đạt thêm cấp độ tuệ tri, thắng tri, hiểu biết ngang qua công phu thiền định, hiểu rõ các pháp một cách toàn diện, liễu tri,  thể nhập chân lý tối hậu.

Trong Đại cương Luận Câu xá, HT.Thiện Siêu nói trí tuệ có khi được gọi là Trí, có khi gọi là Tuệ. Bởi “đặc sắc của trí là tính quyết định, đặc sắc của tuệ là sự phân biệt các pháp”. “Trí và tuệ thực chất đều cùng một thể”, đều có điểm chung nhất là thông đạt các pháp, thể nhập chân lý tối hậu, đây chính là Tuệ vô lậu.

Nội dung Tuệ học được xác lập là toàn bộ giáo nghĩa Đức Phật đã tuyên thuyết bao gồm cả Giới học và Định học. Hay nói cách khác, nội dung Tuệ học được diễn dịch qua giáo lý Tứ Thánh đế, Duyên khởi, Ngũ uẩn… toàn bộ kinh điển Phật giáo. Khổ hay mọi khổ đau, phiền não đều phát xuất từ vô minh. Vô minh nghĩa là tối tăm, chấp ngã. Vì thế cần có mặt trí tuệ, phải thành tựu “cái học” về tuệ để phá vô minh, tức là phá sự nối kết 12 chi phần nhân duyên. Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cùng với sự tiếp xúc sáu giác quan và đối tượng của chúng là sáu trần khiến tạo thành năm thủ uẩn, chấp ngã hình thành. Chấp thủ là do tham dục và khát ái, tức là do một trong 12 chi phần nhân duyên hiện hành. Thế là thế giới hiện hữu sanh khởi và toàn bộ khổ uẩn sinh khởi hay nói cách khác, năm thủ uẩn là khổ. Từ các nội dung giáo lý trình bày trên, chúng ta thấy các pháp hiện hữu đều do nhân duyên sanh khởi và đoạn diệt, đồng nghĩa các pháp vốn vô ngã. Tại đây, chúng ta có thể nói tuệ vô lậu là trí tuệ thấy được các pháp đều do duyên khởi, không có ngã tính, trí tuệ này có được nhờ công phu và thể nghiệm qua con đường thực thi Giới- Định-Tuệ.

Về cơ bản có hai loại trí tuệ, trí hữu lậu và trí vô lậu hay còn gọi là trí tuệ thế gian và trí tuệ xuất thế gian. Trí tuệ hữu lậu là trí tuệ còn mang tính chất phiền não hữu lậu. Trí tuệ này chỉ có khả năng hiểu biết hiện tượng các pháp, câu hữu với tham sân si. Trí tuệ vô lậu là trí tuệ thanh tịnh, có khả năng đoạn tận phiền não hữu lậu. Thành tựu trí tuệ vô lậu này là thể nhập chân lý, chứng ngộ Niết bàn.

Mặt khác, căn cứ trên tính chất thì trí tuệ còn được chia thành Căn bản trí và Hậu đắc trí. Trong đó, Căn bản trí còn gọi Vô phân biệt trí, là tánh giác viên minh mà mỗi chúng sanh vốn có sẵn, nhưng bị phiền não che lấp nên không thể hiển lộ ra  ngoài. Còn Hậu đắc trí là trí tuệ thành tựu sau Căn bản trí, nhờ công phu thực hành Giới-Định-Tuệ. Ngoài ra, do y cứ trên phương diện tu tập mà đạt Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ. Trí tuệ có được nhờ vào quá trình ghi nhận nghe, học tập kinh điển giáo lý Đức Phật mà đạt được gọi là Văn tuệ. Trí tuệ phát sanh nhờ vào quá trình tư duy nghĩa lý giáo điển Phật Đà gọi là Tư tuệ. Còn tuệ phát sinh nhờ quá trình tu tập thực hành những giáo pháp gọi là Tu tuệ.

Với tuệ giác chánh kiến, con người sẽ hiểu rõ sự thật về chính mình và xã hội được vận hành theo nguyên lý Duyên khởi. Nhờ thực thi tuệ quán mà bước chân đầu tiên của người tu là sống an trú trong giới, sau đó tiếp tục quán chiếu với công phu thiền định. Trong thời gian này, hành giả thực sự sống trong bầu không khí tươi mát của tâm thức để khai mở nguồn tuệ giác vô biên, dẫn đến thành tựu an tịnh nội tâm để thể nhập chân lý, hằng sống với chơn tâm thường tịnh.

Rõ ràng, Tam vô lậu học là ba môn học thù thắng mang dấu ấn đặc trưng của Phật giáo. Chính ba môn học này giới thiệu cho con người hướng đến một đời sống giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết bàn như Đức Phật từng xác chứng nhiều lần trong kinh Đại Niết Bàn (Trường Bô I): “Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Giới cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc tức là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu”.

Ban Hoằng Pháp

Nghiên cứu: