Chùa Phật Lớn trên núi Cấm

Núi Cấm/Cấm Sơn là tên gọi chính thức bằng văn tự đầu tiên xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC, biên soạn vào cuối thế kỷ XIX). Còn trước đó, ngọn núi này được gọi là núi Đoài Tốn (Gia Định thành thông chí, biên soạn đầu thế kỷ XIX). Ở ĐNNTC, núi Cấm được khảo tả rằng: “… thế núi cao ngất, cây cối tươi tốt, là một trong Bảy Núi. Vì núi cao nên ít người lên đến chót”. Cái danh xưng Bảy Núi có lẽ cũng xuất hiện trong ĐNNTC là chứng cứ văn liệu đầu tiên.

kinh_1205991836.jpg

Núi Cấm/Cấm Sơn là tên gọi chính thức bằng văn tự đầu tiên xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC, biên soạn vào cuối thế kỷ XIX). Còn trước đó, ngọn núi này được gọi là núi Đoài Tốn (Gia Định thành thông chí, biên soạn đầu thế kỷ XIX). Ở ĐNNTC, núi Cấm được khảo tả rằng: “… thế núi cao ngất, cây cối tươi tốt, là một trong Bảy Núi. Vì núi cao nên ít người lên đến chót”. Cái danh xưng Bảy Núi có lẽ cũng xuất hiện trong ĐNNTC là chứng cứ văn liệu đầu tiên. Chúng ta không có cứ liệu khác để xác định chính xác từ bao giờ người dân vùng đất mới phương Nam qui tất thảy nhiều ngọn núi ở khu vực này vào con số bảy, cũng như qui tất cả những cửa sông của các nhánh sông Mê Kông đổ ra biển vào con số chín: Cửu Long. Song điều có thể nhận ra là sông ấy, núi ấy đã được thiêng hóa: một thực tại văn hóa đã định hình, bao trùm lên trên thực tại tự nhiên… Và rồi, thời gian lịch sử lại không ngừng bồi đắp thêm muôn vàn sự kiện tạo nên những ký ức nối kết chiều dài quá khứ với hiện tại.

1. Quay lại buổi đầu khai hoang, năm 1757, Nguyễn Cư Trinh - người đứng đầu công cuộc bình trị vùng đất mới phương Nam đã đề đạt lập 3 cứ điểm quan yếu án ngữ đầu nguồn sông Hậu và sông Tiền: đạo Châu Đốc, đạo Tân Châu và đạo Đông Khẩu (Sa Đéc). Đó là tên gọi “hành chính”, còn đối với lưu dân thì vùng đất này được gọi là “Châu Đốc tân cương”, “Tân Châu ác địa”… bởi thời ấy đây là vùng đất úng thủy, hàng năm bị nước lũ từ Biển Hồ đổ tràn xuống. Đồng hoang đầy rắn và chuột, núi rừng lắm cọp beo, rắn rít và dưới sông sấu lội lềnh khênh. Mặt khác, nơi này còn là nơi binh lửa, chưa ổn định như Đồng Nai - Gia Định, chưa là xứ… “Tây An” như sau này, chưa được Thoại Ngọc Hầu đào kinh xẻ rạch nối thông qua Rạch Giá (kinh Thoại Hà), qua Đông Hồ, Hà Tiên (kinh Vĩnh Tế)…

Khi công cuộc khai phá đạt được kết quả ít nhiều thì thực dân Pháp xâm lược. Ba tỉnh miền Đông, rồi ba tỉnh miền Tây lần lượt lọt vào tay giặc. Các cuộc khởi nghĩa kháng Pháp dưới ngọn cờ yêu nước của sĩ phu lần lượt bị dập tắt. Đặc điểm nổi bật của những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là nghĩa quân thất trận, nông dân mất ruộng và cơ cấu văn xã truyền thống đứng trước những thách thức lớn lao của sự đổi thay.

Hạ ngươn Giáp Tý đầu niên,
Gẫm trong thiên hạ:
không yên chỗ nào.
(Vãn, Sư Vãi Bán Khoai)

Thực tế lịch sử đầy bi phẫn bấy giờ, dưới cái nhìn chuyển kiếp của nhà Phật… quả là thời mạt pháp, hay dưới cái nhìn biến dịch của Nho đạo thì hẳn đó là thời hạ ngươn (hạ nguyên). Những tín điều của dòng phái tiên tri Bửu Sơn Kỳ Hương được rao truyền từ thời Phật thầy Tây An… đã ứng nghiệm nhãn tiền, nên tự nó trở nên xu hướng thời thượng của thời buổi mọi con đường sáng đều bế tắc.

2. Núi Cấm có tên gọi khác là “Thiên Cẩm sơn” bởi cảnh sắc hoa cỏ, cây lá đẹp như dải gấm của trời. Đây là cách đặt tên hoa mỹ dưới cái nhìn thi vị hóa của các văn nhân và tuy cũng được thế nhân tán đồng, nhưng tên gọi phổ biến vẫn là núi Câm, được hiểu là “vùng cấm người lai vãng”, với nhiều lý giải suy nguyên khác nhau: hoặc đẩy về thời chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh hoặc thời Pháp thuộc. Song điều có thể dễ dàng nhận ra việc gọi núi Cấm là bắt nguồn tư nếp tư duy truyền thống về việc định danh các ngọn núi thiêng được coi là trục thiêng trung tâm của cộng đồng, là Cấm Sơn/Núi Cấm. Đây là một tập quán phổ biến từ lâu đời mà núi Nghĩa Lĩnh (nơi đặt đền thờ các Vua Hùng) ơ vùng đất Tổ Phú Thọ là một ví dụ. Ba đỉnh núi thiêng này được gọi là núi Cấm: Tam Sơn cấm địa.

Ở đây, chí ít là đến nửa sau thế kỷ XIX, Bảy Núi đã được các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tôn xưng là Bửu Sơn. Theo đó, núi Cấm, ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn, được xác tín là địa điểm Phật Di Lặc mở Hội Long Hoa, cuộc phán xét cuối cùng, kết thúc thời hạ ngươn/mạt pháp và khai mở kiếp đời thượng ngươn mới hạnh phúc và an lạc. Dấu hiệu chỉ báo là đến lúc đó, từ núi báu (Bửu sơn) sẽ tỏa ra mùi hương thơm kỳ diệu (Kỳ hương).

Về mặt tự nhiên, cứ như ghi chép của tác giả Gia Định thành thông chí, thì núi cao 50 trượng, chu vi 20 dặm dư (số đo thực: cao 705m), “hình như cai đài cao, nghiễm nhiên ở về cung Thìn Tỵ nên gọi là núi Đài Tốn… Núi cao đột ngột, sinh sản các loài trầm hương, tốc hương, súc sa, cây sao, giáng hương, thông tre. Cây cối tốt tươi có đường cong queo thông trong núi sâu, dấu người qua lại, gần nơi đồng ruộng, xa có bến nước, kẻ cày cấy, người đánh cá chia từng loại ở nơi chân núi”. Đoạn trích dẫn trên cho ta thấy hình tướng lẫn hương vị của ngọn núi thiêng. Người đời sau kể rằng trên núi có suối Thanh Long nằm vắt qua điện Cây Quế. Điện không có cây quế nào mà được gọi tên như vậy vì ở đó luôn phảng phất mùi trầm lẫn trong gió. Người ta đoán rằng có trầm hương trong núi nhưng chẳng ai xeo đá, nổ mìn để tìm vì làm như vậy là cắt đứt sinh lực của núi Cấm là suối Thanh Long.

Lại nữa, tại đoạn trích dẫn trên, chúng ta được biết đường đi cong queo “thông vào núi sâu”, song lại không nói đặc điểm quan trọng của núi Cấm là các vồ đá: vồ Chư Thần, vồ Bồ Hong, vồ Ông Bướm, vồ Đầu, vồ Thiên Tuế… Đó là những địa điểm thiêng thờ tự Thần Phật và là nơi ẩn tu của các ông Đạo tu hành đắc đạo, hành tung bí mật, có phép thần thông và y thuật. Ông Cử Đa là một kỳ nhân tiêu biểu.

Lại nữa, ngọn núi này được xác tín là cõi thanh tịnh của các bậc tu hành chứng quả Phật, Tiên, Thần, Thánh nên ngay cả hổ báo cũng chỉ ăn hoa quả, tuyệt đối không sát sinh, không ăn thịt người. Loài ham ăn thịt người phải tìm nơi khác, như núi Bà Đội Om, để cư trú.

Nói tóm lại, núi Cấm một phần là do đặc điểm cùng vị thế tự nhiên của nó và phần nữa là do những nhân duyên và hệ lụy của lịch sử nên đã trở thành căn cứ-thánh địa cua những kỳ nhân nặng lòng với đạo với đời, trong thời kỳ đau thương của dân tộc.

3. Thực dân Pháp chiếm An Giang ngày 22-6-1867. Người đứng ra khẳng khái nêu tuyên ngôn:

Thà thua xuống láng xuống bưng,
Chứ không đầu giặc
lối chưng quân thần
là Đức cố quản Trần Văn Thành - một vị võ quan và đồng thời là cao đồ của Phật Thầy Tây An (người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương). Căn cứ Láng Linh (Bảy Thưa) của Trần Văn Thành vốn là một xóm đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và lực lượng nghĩa quân dưới cờ của ông không ít là tín đồ của dòng phái tôn giáo cứu thế này - tức có quan hệ với một mạng lưới gồm các cộng đồng đồng đạo khác: Thới Sơn, Nhơn Hưng (Tịnh Biên), Cái Dầu (Châu Phu), Trà Bang (Rạch Giá), Tân Thành (Đồng Tháp)…

Giáo thuyết của các cộng đồng này đặt nền tảng trên một mạt thế luận với kỳ vọng rằng Hội Long Hoa sắp khai mở ở Núi Cấm, giờ đây trong thực tế thì Hội Long Hoa là ngày đất nước Nam giành lấy chủ quyền độc lập, kiếp đời thượng ngươn mới là đất nước thanh bình, thịnh vượng. Đây là hai mặt lý-sự củng cố niềm tin, thúc đẩy các tín đồ các phong trào tôn giáo cứu thế nhiệt tình đứng lên chống Phap và nung nấu tâm can mãi đến sau này mặc cho giặc dìm tất cả các cuộc nổi dậy vào máu, triệt hạ tất cả làng mạc, phân tán các tín đồ ra khỏi các làng mạc mang tính “xóm đạo” và liên tục bủa mật thám theo dõi, bắt bớ những người mà chúng tình nghi có quan hệ với các ông đạo ở vùng “năm non bảy núi”, nhất là sau hai cuộc nổi dậy đánh chiếm Khám Lớn Sài Gòn năm 1913 và năm 1916.

4. Theo bài viết “Đức Trung Tôn trên núi Cấm (Châu Đốc) hết cái nạn dầm mưa dang nắng” trên báo Từ Bi Âm (số 92, 15 Oct., 1935) thì chùa Phật Lớn do ông Bảy Do tạo dựng: “Nguyên thuở trước, ước chừng ba bốn chục năm nay, có một ông thầy tu theo đạo trên, tên là Bảy Do, lên choán chỗ đó ma cất một cảnh chùa bằng ngói rất nguy nga. Trong chùa ấy, ông lại mướn thợ lên cốt một vị Phật bằng ciment rất to, tục kêu “Đức Trung Tôn”, bề cao được một thước tám tây, ngồi kiết già trên cái bàn cũng bằng ciment và cao trên hai thước. Chùa vừa cất xong thì ông Bảy Do lại bị ở tù, kế từ trần trong ngục thất…”.

Ông Bảy Do, tên thật là Cao Văn Long, quê ở Bến Tre. Ông là một trong những người lãnh đạo cuộc nổi dậy đánh chiếm Khám Lớn Sài Gòn năm 1916. Trước đó, ông thường lui tới hầu hết các tỉnh Nam Kỳ và đến núi Cấm xây chùa năm 1912, lấy đó làm trụ sở cho hội kín Thiên Địa hội. Ông bị giặc bắt ngày 17-3-1917 (Theo G.Coulet: Les sociétés secrètes en terre d’Annam. S, Ardrin, 1926). Giặc xua lính lùng sục núi Cấm và chùa Phật Lớn chẳng tìm được tang chứng gì, ngoài một số lượng lớn chén bát. Chúng dựa vào mớ chén bát đó để qui tội ông làm quốc sự…

Chùa Phật Lớn, sau khi Bảy Do bị giăc bắt, trở nên hoang tàn. Người có tâm đạo lấy cây làm cái trại lá để tạm che mưa nắng cho Phật tượng bởi họ nhiều lần xin phép cất cái trại thì nhà cầm quyền thời đó cũng nhất quyết không cho. Mãi đến năm 1914, ông Trần Văn Lầu (cựu Hương quản làng An Khánh, tổng Hòa Quới, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho) đến núi Cấm thấy cảnh chùa hoang phế bèn lên chùa Linh Sơn (Sài Gòn) nhờ Cò mi Chấn (Phó nhì Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học) đứng ra xin phép tái thiết chùa Phật Lớn. Cò mi Chấn tính đủ cách cũng không được cấp phép làm lại chùa nên cuối cùng, ông bảo ông Lầu dỡ trại, cất liều cái am lợp lá. Lại có kẻ cáo quan chủ tỉnh. Sở Mật thám liền vào núi Cấm xem xét và rồi Chủ tỉnh Châu Đốc đòi ông Lầu đến tra vấn. Chủ tỉnh Châu Đốc gởi công văn buộc Cò mi Chấn phải dỡ bỏ cái am mới cất ngay lập tức. Nhưng Cò mi Chấn trả lời qua thư rằng: Theo tục lệ An Nam, không để Phật ngồi giữa trời dầm mưa, dang nắng như thế… Chủ tỉnh Châu Đốc lại gởi thư buộc Cò mi Chấn phải “dỡ am đi liền”. Lần này Cò mi Chấn lại đáp: “Cái am cất lỡ rồi, ông là người đạo Phật sợ phạm tội nên không dám dỡ!”. Nhờ việc qua lại ấy mà cái am không bị phá dỡ, che chở tượng Phật Lớn còn đến nay.

Cũng theo bài báo trên, tại chùa Phật Lớn bây giờ có hai bài thơ: một bài chữ Hán và một bài Quốc ngữ. Tiện thể chép ra đây để lưu dấu tích cũ.

Bài thơ chữ Hán:
Hà xứ tiên tiên ngã mộng hồn,
Cấm sơn triêu tịch,
Trắc Quang thôn.
Mô hồ cựu tích thiên niên khứ,
Cô lộ di dung nhứt Phật tồn.
Tằng thác lương nhơn
thành tiểu cái,
Nguyên tương vi thiện
chưởng lai côn.
Chứng minh tự hữu
Không vương tại,
Đa thiểu nhân nhơn vị hứa lôn.
Bài thơ Quốc ngữ:
Núi Cấm trèo chơi hãn biết rồi,
Có gì là cảnh gọi rằng vui
Xa xa hóc trảng nghe người nói,
Trùi trụi đầu non thấy Phật ngồi.
Nóng ruột vì cưu ơn tế độ,
Ra tay thề giúp lực tài bồi.
Am mây vững đặt ngôi Tam bảo,
Cúi nguyện mười phương
chứng dạ tôi.
Trần Nguyên Chấn

5. Chùa Phật Lớn, được coi là lớn là theo sự so sánh với kích cỡ Phật tượng ở chùa chiền đây đó thơi bấy giờ. Giờ đây thì Phật tượng cao 1,8m thì chẳng là mấy. Lại nữa, tên gọi “Phật lớn” coi ra đã lỗi thời, bởi kế đó giờ đây người ta đã dựng tượng Di Lặc Bố Đại cao đến 33,6m. Pho tượng có kích cỡ đạt Guinness Việt Nam này đã làm lu mờ cả danh lẫn thực của chùa Phật Lớn - một tập thành ký ức lịch sử-văn hóa của một thời tủi nhục và đầy vinh quang của dân tộc. Rồi nghe đâu nay mai, ngay trên cuộc đất chùa Phật Lớn này sẽ dựng lên một thiền viện qui mô tòa ngang dãy dọc và không biết di tích chùa Phật Lớn có còn trụ được với những thách đố của xu thế hoành tráng (colossus) đang bộc phát hệt như cái “chủ nghĩa Guinness” thời thượng.

Nói chung, ai mà không biết mọi vật đều thay đổi, song bao giờ cũng cần có sự cân bằng giữa chủ nghĩa tiến bộ và chủ nghĩa văn hóa. Bởi một kiểu phát triển nào đó sẽ phá vỡ sự thỏa hiệp thiêng liêng của con người với môi trường sống, trong đó có môi trường tự nhiên, môi trường nhân văn và đặc biệt là tổng thể lịch sử-tự nhiên của cộng đồng. Các di tích lịch sử-văn hóa của mỗi cộng đồng là các di tích có tính độc đáo không gì thay thế được vì chúng đã truyền cảm hứng, làm nên những biểu tượng thiêng liêng gắn kết các thành viên của cộng đồng với chúng và mặt khác, chúng là những mẫu mực về đổi thay văn hóa, đổi thay thái độ của các thế hệ với chúng - tức chúng là chứng tích sông động của lịch sử văn hóa địa phương. Ngoài các di tích văn hóa nhân tạo đó là các địa điểm tự nhiên. Tổng thể núi non, sông suối, ao hồ, gò nổng, bến bãi… tạo nên cái gọi là “làng ta phong cảnh hữu tình” và hơn thế, các địa điểm đó gắn bó với các giá trị vô hình, phi vật thể - một tổng thể tản mác gồm tín ngưỡng, truyền thuyết, các truyền thống thành văn và truyền khẩu. Đấy là hiện thân cho một tập thành văn hóa đa dạng và là chứng tích của ký ức hào hùng hay đau thương của các thế hệ tổ tiên. Chúng mãi truyền cho mai hậu những niềm tin sơ khai về tinh thần phản kháng hay hy vọng. 

HUỲNH NGỌC TRẢNG

Nghiên cứu: