147. TIỂU KINH GIÁO GIỚI LA-HẦU-LA

(Cula Rahulovada suttam)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm) tại Tinh xá ông Anathapindika. Rồi Thế Tôn trong khi nhàn tịnh độc cư, khởi lên tư niệm sau đây: “Đã thuần thục là những pháp đã đưa đến giải thoát cho Rahula. Vậy Ta hãy huấn luyện Rahula hơn nữa trong sự đoạn tận các lậu hoặc”. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở Savatthi, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Thế Tôn cho gọi Tôn giả Rahula và nói:

– Này Rahula, hãy cầm tọa cụ, chúng ta sẽ đi đến Andhavana để nghỉ ban ngày.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Rahula vâng đáp Thế Tôn, cầm lấy tọa cụ và đi theo sau lưng Thế Tôn.

 Lúc bấy giờ hàng ngàn chư Thiên đi theo Thế Tôn và nghĩ rằng: “Hôm nay, Thế Tôn sẽ huấn luyện cho Tôn giả Rahula hơn nữa trong sự đoạn tận các lậu hoặc”.

Rồi Thế Tôn đi sâu vào rừng Andhavana và ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn dưới một gốc cây. Tôn giả Rahula đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Rahula đang ngồi một bên:

– Này Rahula, Ông nghĩ thế nào? Con mắt là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, là vô thường.

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Bạch Thế Tôn, là khổ.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”

– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

    Này Rahula. Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, là vô thường.

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Bạch Thế Tôn, là khổ.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”

– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

– Này Rahula. Ông nghĩ thế nào? Nhãn thức là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, là vô thường.

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Bạch Thế Tôn, là khổ.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”

– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

– Này Rahula. Ông nghĩ thế nào? Nhãn xúc là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, là vô thường.

–... (như trên)...

– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

– Này Rahula, Ông nghĩ thế nào? Do duyên nhãn xúc này, được khởi lên thọ, tưởng, hành, thức; pháp được khởi lên ấy là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, là vô thường.

–... (như trên)...

– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

– Này Rahula, Ông nghĩ thế nào? Tai là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, là vô thường.

–... (như trên)...

– Mũi là thường hay vô thường?... (như trên)... Lưỡi là thường hay vô thường?... (như trên)... Thân là thường hay vô thường... (như trên)... Ý là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, là vô thường.

–... (như trên)...

– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

– Này Rahula, Ông nghĩ thế nào? Pháp là thường hay vô thường?

 -... (như trên)...

– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

– Này Rahula, Ông nghĩ thế nào? Ý thức là thường hay vô thường?

–... (như trên)...

– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

– Này Rahula, Ông nghĩ thế nào? Ý xúc là thường hay vô thường?

–... (như trên)...

– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

– Này Rahula, Ông nghĩ thế nào? Do duyên ý xúc này, được khởi lên thọ, tưởng, hành, thức các pháp (được khởi lên) ấy là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, là vô thường.

–... (như trên)...

– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

– Này Rahula, do thấy vậy, vị Đa văn Thánh đệ tử yếm ly con mắt, yếm ly các sắc, yếm ly nhãn thức, yếm ly nhãn xúc, do duyên nhãn xúc này, được khởi lên thọ, tưởng, hành, thức. Vị ấy yếm ly pháp (được khởi lên) ấy. Vị ấy yếm ly tai, yếm ly các tiếng... yếm ly mũi, yếm ly các hương... yếm ly lưỡi, yếm ly các vị... yếm ly thân, yếm ly các xúc,... yếm ly ý, yếm ly các pháp, yếm ly ý thức, yếm ly ý xúc. Do duyên ý xúc này, được khởi lên thọ, tưởng, hành, thức. Vị ấy yếm ly các pháp (được khởi lên) ấy. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết: “Ta đã được giải thoát”. Và vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Rahula, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của Tôn giả Rahula được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Và đối với hàng ngàn chư Thiên ấy, được khởi lên pháp nhãn ly trần, vô cấu: “Phàm cái gì được khởi lên, tất cả đều bị diệt tận”.

TIỂU KINH GIÁO GIỚI RAHULA, THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HẾT.

PT & DTKVN

Năm bộ Nikaya :