4 Đại Khí Nhà Lý

Trong những kiến trúc Phật Giáo thường nhắc đến tứ đại khí. Đó là bốn vật lớn bằng kinh khí, đúng hơn là bốn vật quý bằng đồng, được đúc công phu, trọng lượng tương đối lớn, được chế tác vào thời Lý . Các sản phẩm nầy thể hiện trình độ đúc đồng của những người thợ đúc thủ công tài giỏi thời đại đó.
 
Pho Minh tower.jpg

Tứ đại khí gồm có:

- Pho tượng chùa Quỳnh Lâm,
- Tháp Báo Thiên,
- Chuông Quy Điền
- Đỉnh Phổ Minh.

(1) Pho tượng chùa Quỳnh Lâm (đại khí thứ nhất)

Ngôi chùa nầy xây dựng vào đời nhà Lý, là ngôi cổ tự lớn và nổi tiếng bậc nhất đời Trần. Ngôi chùa ở núi Quỳnh Lâm, huyện Đông triều, tỉnh Quảng Ninh. Pho tượng đồng ở chùa nầy cực lớn: chiều cao được 6 trượng (khoảng 20 mét). Căn cứ theo văn bia chùa Quỳnh Lâm khắc năm Cảnh Hưng thứ 4 (1785) để che pho tượng, nhà chùa đã cho xây điện cao 7 trượng (khoảng 23,5 mét). Tục truyền rằng: đứng ở phía Nam huyện Đông Triều cách chùa Quỳnh Lâm khoảng 10 dặm, vẫn còn thấy nóc điện che sát đầu tượng. Cao tới 20 mét, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm đạt mức kỷ lục về chiều cao đối với các tượng Phật bằng đồng ở Việt Nam (và thế giới) nếu so với tượng đồng đen Trấn Võ (Hà Nội) đúc năm 1667, cao 3,7 mét, nặng 4 tấn; tượng Phật A Di Đà Ngũ Xã (Hà Nội) đúc năm 1949 - 1952 thì cũng chỉ cao 3,95 mét, nặng 10 tấn. Còn tượng Phật Đại Bồ tát (Daibutu) ở Nara, Nhật bản cao 16 mét, nặng 500 tấn được coi là pho tượng đồng lớ nhất thế giới. Tuy nhiên nó vẫn thấp hơn tượng Quỳnh Lâm của ta tới 4 mét. Đáng tiếc là pho tưọng Quỳnh Lâm đã bị quân Minh phá hủy trong lúc sang xâm lăng, cho nên đến nay không ai biết được trọng lượng của pho tượng nầy là bao nhiêu.

(2) Tháp Báo Thiên (đại khí thứ hai):

Tháp nầy cũng có tên là tháp Đại Thắng Báo Thiên, được xây dựng lên vào năm 1057 dưới triều vua Lý Thánh Tông. Tháp được xây tại chùa Sùng Khánh Báo Thiên của làng Tiên Thị, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long (nay thuộc về khu phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tháp Báo Thiên cao 20 trượng (khoảng 70 mét) gồm 12 tầng. các tầng dưới được xây bằng đá, nhưng tầng trên và chóp thì đúc toàn bằng đồng. Tương truyền do thiền sư Không Lộ vẽ kiểu, dựa theo mô hình của Linh Thứu Tự và trông coi việc đúc tháp. Ngôi tháp nổi tiếng nầy đã bị quân nhà Minh, theo lệnh của Vương Thông phá hủy, lấy đồng để đúc súng đạn (vào năm 1427).

(3) Chuông Quy Điền (đại khí thứ ba):

Chùa Một Cột còn có tên là chùa Diên Hựu xây ngay ở trung tâm của kinh thành Thăng Long. Ngôi chùa được dựng lên trong giai đoạn đầu tiên bắt nguồn từ một giấc mơ. Tương truyền rằng: vào năm 1049, vua Lý Thánh Tông nằm chiêm bao thấy Phật Quan Âm hiện ra, cầm tay nhà vua dẫn lên toà sen. Khi tỉnh dậy nhà vua đã đem toàn câu chuyện kể cho triều thần nghe. Có người cho là điềm không lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên nên xây chùa ở trên cột đá giữa hồ làm toà sen thờ đức Quan Âm. Khi xây cất xong, nhà vua lại sai lập trai đàn chẩn tế để cầu cho nhà vua được sống lâu. Vì thế có tên là chùa Diên Hựu. Năm 1105 Lý Nhân Tông ban sắc chỉ cho sửa chữa lại toàn bộ ngôi chùa nầy, trước sân lại còn cho xây thêm một bửu tháp. Ba năm sau đó, Ỷ Lan Phu Nhân cũng cho đúc một quả chuông rất to, tương truyền là nặng đến một vạn hai nghìn cân. Chuông nầy có tên là Giác Thế Chung, ngụ ý là tiếng chuông sẽ thức tỉnh người trên cõi đời. Chuông nầy được liệt vào một trong Tứ đại khí trong thời bấy giờ. Nhưng sau khi hoàn thành thì chuông gióng lên không kêu liền cho đem bỏ ngoài ruộng, có nhiều rùa. Chuông có tên là chuông Quy Điền. Năm 1105 vua Lý Nhân Tông ngôi chùa nầy tu bổ đã cho xây 2 ngọn tháp chỏm trắng. Một số giả thuyết cho rằng chùa trước lớn hơn bây giờ, nhưng không có bằng chứng rõ ràng. Chùa xây trên trụ đá hình bát giác, mỗi cạnh có một khối gỗ chống từ cột lên xà ngang. Từ xà ngang hướng lên phía trên có 8 cột chống. Chùa cất theo bố cục hình vuông; các góc đều được trang trí khá tinh vi. Mái được lợp ngói uyên ương (âm dương) ở phần chánh điện và ngói ngang ở phần sau. Từ bờ hồ đi vào có xây một bậc thang dùng làm lối đi chính vào chùa. Cho đến thế kỷ XV, quân Minh đem quân sang xâm lăng nước ta, chiếm được thành Đông Quan (tức là Hà Nội sau nầy). Lê Lợi đem quân từ Lam Sơn ra chống lại quân thù, bao vây thành lũy của chúng rất gấp. Vì thiếu vũ khí đạn dược, cho nên tướng Minh là Vương Thông đã sai quân lính đem phá hủy chuông nầy để lấy đồng đúc khí giới. Lê Lợi thắng giặc đem lại thịnh trị cho đất nước, nhưng chuông Quy Điền thì đã không còn lại nữa.

(4) Đỉnh Phổ Minh (đại khí thứ tư):

Đây là môt chiếc đỉnh rất lớn (nên có sách chép là chiếc vạc Phổ Minh, vì căn cứ theo truyền thuyết là hai người có thể chạy đuổi bắt nhau ở trên thành miệng của chiếc vạc nầy). Chiếc đỉnh được dựng tại chùa Phổ Minh, còn gọi là chùa Tháp. Chùa nằm ở xã Tức Mạc (nay là xã Vương Lộc) ngoại thành Nam Định, được xây dựng vào đời nhà Lý. Đỉnh Phổ Minh đúc vào đời vua Trần Nhân Tông (thế kỷ XIII): chiều sâu 4 thước, rộng 10 thước ta, nặng 6,150 cân ta (căn cứ theo bài "Phổ Minh Tự Đỉnh" được phụ chép ở phần cuối sách Ức Trai Thi tập của Nguyễn Trãi). Chiếc đỉnh quan trọng nầy cũng đã bị quân Minh phá hủy. trước tháp cao đặt ở sân chùa Phổ Minh hiện vẫn còn các trụ đá kê chân đỉnh. Chiếc đỉnh đó không những chỉ lớn mà kiến trúc lại rất đẹp, do những nghệ nhân xuất sắc tại kinh thành Thăng Long đúc nên.

 

Theo: vtv4.vn

Lịch sử: