Tết Trung Thu

Hàng năm Tết Trung thu đến với chúng ta vào Rằm tháng tám âm lịch.

Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn màu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gồm là bánh trung thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.

Các trẻ em đón Tết có những đèn xếp, đèn lồng sặc sỡ thắp sáng kéo nhau thành từng đoàn vui reo ca hát, tối tối cùng nhau nhởn nhơ, cùng đi đường này ngõ khác.

Và khi rằm tới, có những đám múa lân rầm rộ, ngoài Bắc gọi là múa sư tử, với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt. Vậy Tết Trung thu là tết gì?

Trung thu là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi, đến với chúng ta đúng giữa mùa thu, mùa mát mẻ đẹp đẽ nhất trong năm với trăng trong gió mát.


Nguồn gốc Tết Trung Thu

Theo sách cổ thì Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Đường; thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh.

Nguyên năm đó, vào đêm Rằm tháng tám, trời thật là đẹp, trăng tròn sáng tỏ, gió mát hây hây. Thấy cảnh đẹp của đất trời, nhà vua ngự chơi ngoài thành tới mãi trời khuya. Lúc đó có một ông già đầu bạc phơ trắng như tuyết, chống gậy tới bên nhà vua.

Trông người và theo cử chỉ, nhà vua đoán ngay là một vị thượng tiên giáng thế.

Ông già kính cẩn chào nhà vua rồi hỏi:

- Bệ hạ có muốn lên thăm cung trăng không?

Nhà vua liền trả lời �có�

Vị tiên liền đưa chiếc gậy lên trời, hoá phép ra một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, còn một đầu giáp mặt đất.

Tiên ông đưa nhà vua trèo lên cầu vồng, chẳng bao lâu đã đến cung trăng. Phong cảnh nơi đây thật đẹp, một vẻ đẹp khác xa nơi trần thế. Có những nàng tiên nữ nhan sắc với những xiêm y cực kỳ lộng lẫy, xinh như mộng, đẹp như những bài thơ, nhảy múa theo những điệu vô cùng quyến rũ, đủ muôn hồng ngàn tía.

Nhà vua đang say sưa với những cảnh đẹp thì tiên ông lại đưa nhà vua trở lại cung điện.

Về tới trần thế, nhà vua còn luyến tiếc cảnh trên cung Quảng và những giờ phút đầy thơ mộng nhà vua đã qua ở nơi đây.

Để kỷ niệm cái ngày du Nguyệt điện, nhà vua đặt ra Tết Trung thu.

Trong ngày Tết này, người ta uống rượu thưởng trăng, và vì vậy Tết này còn được gọi là Tết Trông trăng.



Múa sư tư? đêm rằm

Vào lúc xẩm tối Rằm tháng tám, tiếng trống múa sư tử (múa lân) náo động các phố phường, làng xóm.

Mỗi đám rước sư tử có khoảng mươi - mười lăm người. Quần áo chẽn, khăn võ sinh, chân đi hài sảo. Một màu đen tuyền. Thắt bao lưng xanh đỏ, bỏ múi lòe xòe. Ba anh đảm nhận việc đội đầu, cầm đuôi sư tử và đánh côn. Tung côn là người giỏi nhất đám, chỉ huy chung. Một đầu côn gắn quả mây, to hơn trái cam. Quả mây đan mắt cáo, bên trong là một quả cầu gọt bằng gỗ xốp nhẹ cỡ bằng quả chanh. Mấy người này ít nhiều phải nắm được vũ thuật. Hai người khiêng trống cái, một người cầm chũm chọe. Những người còn lại đi song hàng hai bên giữ trật tự, bảo vệ an toàn cho đoàn.

Sau khi tuần hành qua các đường chính, vào lúc trăng sắp lên giữa đỉnh đầu, các phường sư tử chia nhau rẽ vào các phố buôn bán giàu có, tìm đến nơi nhà cao cửa rộng. Chọn được gia chủ có của nổi của chìm, đám rước dừng lại trước cửa để biểu diễn.

Bắt đầu là điệu chào của sư tử, tiến thoái đúng lễ nghi kính cẩn. Chiếc côn được nâng cả bằng hai tay lễ phép. Tiếng trống, tiếng chũm chọe thôi thúc mạnh mẽ hơn. Đám rước sư tử trổ hết ngón nghề của mình.

Trước tấm ''thịnh tình'' của sư tử, gia chủ đành mở rộng cửa nghênh tiếp. Vợ chồng, con cái, thân thuộc bắc ghế thưởng ngoạn.

Cuối cùng là phần lĩnh tiền thưởng, chấm dứt trò múa chúc tụng đêm rằm. Tiền thưởng nhiều khi khá lớn, nhưng gia chủ không phát tận tay. Họ dùng một vuông vải đỏ hoặc một tờ giấy hồng điều gói tiền lại rồi treo lên xà nhà. Phường sư tử phải công kênh nhau hai ba người mới lấy nổi.

Múa sư tử đòi hỏi nhiều sức lực, biết sử dụng vũ thuật khéo léo. Thêm vào đó là đức tính kiên trì, dũng cảm, nhanh nhẹn, tháo vát. Phải chăng, ở một góc độ nào đó, múa sư tử đã thể hiện tinih thần thượng võ của dân tộc ta lúc hội hè, khi tết nhất.

sưu tầm

Đời sống: