Tiếng Việt trong sáng lắm

sach3.jpgTôi đang làm cho công ty Nhật, học viết Kanji, đọc một hồi bộ “825 Hán từ cơ bản” thì lại chột dạ vì có thể một ngày không xa có lẽ tôi sẽ cứ pi pi êi (PPA), kêi oai ti (KYT), chếc cự (check), fai ét (5S)… (1) trong khi giao tiếp giữa người Việt với nhau.


Nhìn lại, tiếng Việt bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tiếng Hán, điều này là kết quả của thời kì Bắc thuộc (2). Hình dung ngày xưa chỉ người Tàu và người ta rồi 2 thứ tiếng cứ ảnh hưởng, pha trộn để kết quả ngày nay thật khó có thể tìm được một câu tiếng Việt không dùng từ nghĩa gốc Hán

Ngôn ngữ (3) rất tự nhiên hoặc cũng rất tự phát, cái nào đã có sức, có đà mà lan ra thì khó mà cản cho dù (nhóm) người đó là ai và có trong tay cái gì. Biết vậy, những Cụ Đồ xưa vẫn viết chữ trên hè phố, cố diện thật đẹp, thật truyền thống để viết lại những nét chữ Nôm để tặng hoặc để bán. Biết vậy, vẫn có người nay mở lớp để luyện viết chữ Quốc ngữ hoặc viết chữ Quốc ngữ trên nền giấy đỏ thật đẹp...(4)

Tôi là người Việt trẻ, với những mong ước cho cuộc sống, sẽ bắt đầu với bản thân tôi, với các cháu nhỏ của tôi, với những người bạn rất thân của tôi và cả những người khác nữa. Tôi tin chắc tôi luôn có rất nhiều người để cùng nói rõ và viết đúng cho dù đó là tiếng Việt, Anh, Nhật hay bất cứ thứ tiếng nào khác.(5)

Tiếng Việt của chúng ta thực trong sáng lắm, nói cao là hình dung ra cao, đẹp là mắt nhìn thấy đẹp, sạch là cảm giác đã sạch. Khi nhiều người cùng chung tay góp sức để gạn lắng thì nó sẽ cao quý không kém gì những ngôn ngữ khác.

Đồng tiền nếu bị dính mực hoặc bị rách nhiều sẽ không tiêu được nữa, huống chi là một ngôn ngữ. Làm hỏng một đồng tiền có giá trị, bạn có thể bị mắng hoặc bị phạt, vậy, vì chính bản thân bạn, đừng làm gì có hại đến ngôn ngữ của cả một dân tộc!

==========

(1) một số từ viết tắt được dùng thường xuyên tại các công ty Nhật Bản tại Việt Nam:

PPA(Potential Problem Analysis: Phân tích rủi ro tiềm ẩn);

KYT (Kichen Yochi Training: Đào tạo dự báo rủi ro);

Check: Kiểm tra;

5S (Seiri, Seton….)

Sàng lọc thứ gì không cần thì bỏ đi hoặc không thích hợp thì chuyển đổi mục đích

Sắp xếp: thứ gì cần dùng thường xuyên thì để nơi dễ thấy, dễ lấy.

Sạch sẽ: Duy trì nơi làm việc sạch sẽ, đầu óc tập trung hoàn toàn vào công việc.

Săn sóc: người biết 5S thì ân cần, săn sóc hướng dẫn người chưa biết­.

Sẵn sàng: cần chủ động làm 5S thay vì để ai đó phải nhắc nhở)

(2) Ai cũng biết và nói được nhưng chưa có dịp đọc một bài nghiên cứu cả nông lẫn sâu nào về sự ảnh hưởng của tiếng Hán vào tiếng thuần Việt.

(3) Ngôn ngữ: Hệ thống các âm thanh, các từ ngữ và các quy tắc kết hợp chúng, làm phương tiện giao tiếp chung cho một cộng đồng: 1.Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất. 2.Hệ thống kí hiệu làm phương tiện diễn đạt, thông báo: ngôn ngữ điện ảnh  ngôn ngữ hội hoạ. 3.Cách, lối sử dụng ngôn ngữ có tính chất cá biệt riêng lẻ: ngôn ngữ truyện Kiều.

(4) “…Hoa tay trổ những nét/Như phượng múa rồng bay…” (Trích: Ông Đồ của tác giả: Vũ Đình Liên)

www.SAGA.vn - Chuongaz | ST

Văn học: