Kinh Tương Ưng Tập I

01. Chương Một: Tương Ưng Chư Thiên

02. Chương Hai: Tương Ưng Thiên Tử

03. Chương Ba: Tương Ưng Kosala

04. Chương Bốn: Tương Ưng Ác Ma

05. Chương Năm: Tương Ưng Tỷ Kheo Ni

06. Chương Sáu: Tương Ưng Phạm Thiên

07. Chương Bảy: Tương Ưng Bà La Môn

08. Chương Tám: Tương Ưng Trưởng Lão Vangisa

09. Chương Chín: Tương Ưng Rừng

10. Chương Mười: Tương Ưng Dạ Xoa

11. Chương Mười Một: Tương Ưng Sakka

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

TẬP I

(Số Thứ Tự 12)

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM

Ấn hành PL. 2537 - 1993

HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH

của

HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH và ẤN HÀNH

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

1.     Hòa thượng THÍCH ĐỨC NHUẬN

2.     Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH

3.     Hòa thượng THÍCH HUỆ THÀNH

4.     Hòa thượng THÍCH GIÁC NHU

5.     Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ

6.     Hòa thượng THÍCH TÂM THÔNG

7.     Hòa thượng THÍCH SIÊU VIỆT

8.     Hòa thượng MAHÀ SARAY

9.     Hòa thượng THÍCH TRÍ NGHIÊM.

HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO PHIÊN DỊCH và ẤN HÀNH

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

Chủ tịch: Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU

Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Phó chủ tịch: Hòa thượng KIM CƯƠNG TỬ

Phó chủ tịch: Hòa thượng THÍCH THANH KIỂM

Phó chủ tịch: Thượng tọa THÍCH THANH TỪ

Phó chủ tịch: Thượng tọa THÍCH THIỆN CHÂU

Trưởng ban Thư ký: Cư sĩ TRẦN TUẤN MẪN

Trưởng ban Tài chánh: Thượng tọa THÍCH GIÁC TOÀN

Trưởng ban In ấn và Phát hành: Cư sĩ VÕ ĐÌNH CƯỜNG

Trưởng ban Từ vựng Phật học: Cư sĩ MINH CHI.

Nguyên bản: PALI

Việt dịch: Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU

Năm bộ Nikaya : 

CHƯƠNG MỘT: TƯƠNG ƯNG CHƯ THIÊN

I. PHẨM CÂY LAU

I. BỘC LƯU (S.I,1)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?

– Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

– Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?

– Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

(Vị Thiên):

Từ lâu, tôi mới thấy.

Bà-la-môn tịch tịnh.

Không đứng, không bước tới,

Vượt chấp trước ở đời.

Vị Thiên ấy nói như vậy và bậc Đạo sư chấp nhận. Vị Thiên ấy biết được: “Thế Tôn đã chấp nhận ta”. Vị ấy đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.

II. GIẢI THOÁT (Si.2)

... Ở Sàvatthi. Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả, Ngài có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh không?

– Này Hiền giả, Ta có biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh.

– Thưa Tôn giả, như thế nào Ngài biết giải thoát, thoát ly, viễn ly cho các chúng sanh?

Hỷ, tái sanh đoạn tận,

Tưởng, thức được trừ diệt,

Các thọ diệt, tịch tịnh,

Như vậy này Hiền giả,

Ta biết sự giải thoát,

Thoát ly và viễn ly,

Cho các loại chúng sanh.

III. ĐƯA ĐẾN ĐOẠN TẬN - (Tạp 36.9. Đại 2,262b. Biệt Tạp 8.7, Đại 2,427b). (S.i,2)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Mạng sống bị dắt dẫn,

Tuổi thọ chẳng là bao,

Bị dẫn đến già nua,

Không có nơi dừng bước.

Ai đem tâm quán tưởng,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy làm các công đức,

Đưa đến chơn an lạc.

(Thế Tôn):

Mạng sống bị dắt dẫn,

Tuổi thọ chẳng là bao,

Bị dẫn đến già nua,

Không có nơi dừng bước.

Ai đem tâm quán tưởng,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy bỏ mọi thế lợi,

Tâm hướng cầu tịch tịnh.

IV. THỜI GIAN TRÔI QUA (Biệt Tạp 8.8, Đại 2,427b) (S.i,3)

... (Nhân duyên ở Sàvatthi), đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Thời gian (lặng) trôi qua,

Đêm (ngày luôn) di động,

Tuổi tác buổi thanh xuân,

Tiếp tục bỏ chúng ta.

Những ai chịu quán sát,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy làm các công đức,

Đưa đến (chơn) an lạc.

(Thế Tôn):

(Thời gian lặng) trôi qua,

Đêm (ngày luôn) di động,

Tuổi tác buổi thanh xuân,

Tiếp tục bỏ chúng ta.

Những ai chịu quán sát,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy bỏ mọi thế lợi,

Tâm hướng cầu tịch tịnh.

V. BAO NHIÊU PHẢI CẮT ĐOẠN. (S.i,5)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Phải cắt đoạn bao nhiêu,

Phải từ bỏ bao nhiêu,

Tu tập thêm bao nhiêu,

Vượt qua bao trói buộc,

Để được có danh xưng,

Tỷ-kheo vượt bộc lưu?

(Thế Tôn):

Phải cắt đoạn đến năm,

Phải từ bỏ đến năm,

Tu tập thêm năm pháp (lực),

Vượt qua năm trói buộc,

Để được có danh xưng,

Tỷ-kheo “vượt bộc lưu”.

VI. TỈNH GIÁC (S.i,5)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Có bao pháp mê ngủ,

Khi pháp khác tỉnh giác?

Có bao pháp tỉnh giác,

Khi pháp khác mê ngủ?

Có bao nhiêu việc làm

Đưa ta đến trần cấu?

Có bao nhiêu việc làm

Khiến ta được thanh tịnh?

(Thế Tôn):

Có năm pháp mê ngủ,

Khi pháp khác tỉnh giác,

Có năm pháp tỉnh giác,

Khi pháp khác mê ngủ.

Chính có năm việc làm

Đưa ta đến trần cấu,

Chính có năm việc làm

Khiến ta được thanh tịnh.

VII. KHÔNG LIỄU TRI (S.i,4)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Những ai với các pháp,

Không liễu tri thấu suốt,

Bị hướng dẫn lầm lạc,

Vòng quanh các dị giáo.

Họ mê ngủ triền miên,

Họ không có tỉnh giác,

Nay thật đã đến thời,

Họ cần phải thức tỉnh.

(Thế Tôn):

Những ai với các pháp,

Khéo liễu tri sáng suốt,

Không bị dẫn lầm lạc,

Vòng quanh các dị giáo,

Họ chứng Chánh đẳng giác.

Họ liễu tri viên mãn,

Trên đường không thăng bằng,

Họ bước thật thăng bằng.

VIII. MÊ LOẠN (Tạp 22.5, Đại 2,154b. Biệt Tạp 9.5, Đại 2,435c) (S.i,4)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Những ai đối các pháp,

Quá đắm say mê loạn,

Bị hướng dẫn lầm lạc,

Vòng quanh các dị giáo,

Họ mê ngủ triền miên,

Họ không có tỉnh giác,

Nay thật đã đến thời,

Họ cần phải thức tỉnh.

(Thế Tôn):

Những ai đối các pháp,

Không đắm say mê loạn,

Không bị dẫn lầm lạc,

Vòng quanh các dị giáo,

Họ chứng Chánh đẳng giác.

Họ liễu tri viên mãn,

Trên đường không thăng bằng,

Họ bước thật thăng bằng.

IX. MONG MUỐN KIÊU MẠN (Tạp 36.4, Đại 2,261a. Biệt Tạp 8.2, Đại 2,426a) (S.i,4)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Đối vị ưa kiêu mạn,

Ở đây không điều phục,

Không trí tuệ sáng suốt,

Không định tỉnh nhiếp tâm,

Độc thân trú rừng núi,

Sống với tâm phóng dật,

Vị ấy không vượt khỏi,

Sự chi phối ma lực.

(Thế Tôn):

Từ bỏ mọi kiêu mạn,

Tâm tư khéo nhiếp định,

Với tâm khéo tư sát,

Giải thoát mọi phiền trược,

Độc thân trú rừng núi (giới),

Với tâm không phóng dật,

Vị ấy vượt thoát khỏi,

Sự chi phối ma lực.

X. RỪNG NÚI (Tạp 36.3, Đại 2,260c. Biệt Tạp 8.1, Đại 2,426a) (S.i,5)

 

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Thường sống trong rừng núi,

Bậc Thánh sống Phạm hạnh,

Một ngày ăn một buổi,

Sao sắc họ thù diệu?

(Thế Tôn):

Không than việc đã qua,

Không mong việc sắp tới,

Sống ngay với hiện tại,

Do vậy, sắc thù diệu.

Do mong việc sắp tới,

Do than việc đã qua,

Nên kẻ ngu héo mòn,

Như lau xanh rời cành.

II. PHẨM VƯỜN HOAN HỶ

I. VƯỜN HOAN HỶ (Tạp 22.1, Đại 2,153c) (S.i,5) (Tăng 31.9. Tứ Lạc, Đại 2,672b) (Biệt Tạp 9.1, Đại 2,435a)

Như vậy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo” – “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị Thiên thuộc cõi trời Ba mươi ba, với chúng Thiên nữ vây quanh, du hí ở vườn Hoan Hỷ, thọ hưởng năm thiên dục công đức. Bây giờ, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này:

Chúng không biết đến lạc,

Nếu không thấy Hoan Hỷ,

Chỗ trú cả Trời, Người,

Cõi ba mươi lừng danh.

Được nghe nói vậy, này các Tỷ-kheo, một vị Thiên khác đáp vị Thiên ấy với bài kệ:

Kẻ ngu, sao không biết,

Vị Ứng Cúng đã nói:

“Mọi hành là vô thường,

Tự tánh phải sanh diệt,

Sau khi sanh, chúng diệt,

Nhiếp chúng là an lạc”.

II. VUI THÍCH (Tạp 36.12,Đại 2,263a) (S.i,6) (Biệt Tạp 8,11, Đại 2,428a)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Cha đối con vui thích,

Chủ với bò vui thích,

Người sanh y, vui thích,

Không sanh y, không vui.

(Thế Tôn):

Cha đối con sầu muộn,

Chủ với bò sầu muộn,

Người sanh y, sầu muộn,

Không sanh y, không sầu.

III. KHÔNG AI BẰNG CON (Tạp 36.14, Đại 2,263b) (S.1,6) (Biệt Tạp 12.19, Đại 2,458c)

... Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Thương ai bằng thương con,

Của nào bằng bò nhà,

Sáng nào bằng mặt trời,

Nước nào hơn biển cả.

(Thế Tôn):

Thương ai bằng thương mình,

Của nào bằng lúa gạo,

Sáng nào bằng trí tuệ,

Nước nào hơn mưa rào.

IV. GIAI CẤP SÁT-ĐẾ-LỴ (Tạp 36.15 Sát-lỵ, Đại 2,263b) (S.i,6)

Giữa các hàng hai chân,

Sát-lỵ là tối thắng,

Giữa các loài bốn chân,

Bò đực là tối thắng,

Trong các hàng thê thiếp,

Quý nữ là tối thắng.

Trong các hàng con trai,

Trưởng nam là tối thắng.

(Thế Tôn):

Giữa các loài hai chân,

Chánh giác là tối thắng.

Giữa các loài bốn chân,

Thuần chủng là tối thắng.

Trong các hàng thê thiếp,

Nhu thuận là tối thắng.

Trong các hàng con trai,

Trung thành là tối thắng.

V. TIẾNG ĐỘNG RỪNG SÂU (hay Thân tịch tịnh) (S.i,7)(Tạp 50.II, An trú, Đại 2,360b) (Biệt Tạp 16.26, Đại 2,490b)

Nay là thời giữa trưa,

Loài chim nghỉ yên lặng,

Vang động tiếng rừng sâu,

Ta run, ta khiếp sợ.

(Thế Tôn):

Nay là thời giữa trưa,

Loài chim nghỉ yên lặng,

Vang động tiếng rừng sâu,

Ta vui, Ta thích thú.

VI. NGỦ GỤC, BIẾNG NHÁC (Tạp 22.23, Đại 2,160a) (S.i,7)(Biệt Tạp 9.15, Đại 2,437c)

Ngủ gục, nhác, ngáp dài,

Không vui, ăn quá độ,

Ở đây, đối chúng sanh,

Thánh đạo không hiển lộ.

Ngủ gục, nhác, ngáp dài,

Không vui, ăn quá độ,

Với tinh tấn, đoạn chúng,

Thánh đạo được thanh tịnh.

VII. KHÓ LÀM (hay Con rùa) (Tạp 22.25, Đại 2,169b) (S.i,7) (Biệt Tạp 9,14, Đại 2,437b)

Khó làm, khó kham nhẫn,

Thiếu trí, hành Sa-môn,

Chỗ kẻ ngu thối đọa,

Chỗ ấy đầy chướng ngại.

Bao ngày hành Sa-môn

Nếu tâm không chế ngự,

Mỗi bước, phải sa đọa,

Nô lệ cho suy tư,

Như rùa rút chân cẳng,

Trong mai rùa của mình.

Vị Tỷ-kheo cũng vậy,

Thâu nhiếp mọi suy tư,

Không tham dính vật gì,

Không làm hại người nào,

Hoàn toàn thật tịch tịnh,

Không chỉ trích một ai.

VIII. TÀM QUÝ (S.i,7)

Người được tàm chế ngự,

Tìm được ai ở đời?

Ai biết ngăn chỉ trích,

Như ngựa hiền bóng roi.

Người được tàm chế ngự,

Sống thường thường chánh niệm,

Vị ấy đạt kết quả,

Khổ đau được đoạn tận,

Bước những bước thăng bằng,

Trên đường không thăng bằng.

IX. AM TRANH (S.i.8)

Ngài không có am tranh,

Ngài không có tổ ấm,

Ngài không có dây giăng,

Ngài thoát khỏi hệ phược.

(Thế Tôn):

Ta không có am tranh,

Ta không có tổ ấm,

Ta không có dây giăng,

Ta thoát khỏi hệ phược.

(Vị Thiên):

Con nói am là gì?

Nói tổ ấm là gì?

Nói dây giăng là gì?

Nói hệ phược là gì?

(Thế Tôn):

Ông nói am là mẹ,

Nói tổ ấm là vợ,

Nói dây giăng là con,

Nói hệ phược là ái.

(Vị Thiên):

Lành thay, Ngài không am!

Lành thay, không tổ ấm!

Lành thay, không dây giăng!

Lành thay, Ngài thoát phược!

X. SAMIDDHI (Tạp 38.17, Đại 2,281c) (S.i,8) (Biệt Tạp I.17) Đại 2,379a)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Vương xá tại Tapodàràma (Tinh xá Suối nước nóng).

2) Tôn giả Samiddhi, khi đêm đã gần tàn, thức dậy và đi đến suối nước nóng để tắm rửa tay chân. Sau khi tắm rửa tay chân, ra khỏi suối nước nóng, Tôn giả đứng, đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô.

3) Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng suối nước nóng, đi đến Tôn giả Samiddhi, sau khi đến, đứng giữa hư không, nói lên bài kệ với Tôn giả Samiddhi:

Không hưởng, Ông khất thực,

Nay khất thực, không hưởng,

Hãy hưởng rồi khất thực,

Chớ uổng phí thời gian.

(Samiddhi):

Thời Ông, ta không biết.

Thời ta, ẩn không hiện.

Không hưởng, ta khất thực,

Không uổng thời gian ta.

4) Rồi vị Thiên ấy đứng xuống đất và thưa với Tôn giả Samiddhi:

– Này Tỷ-kheo, Ông còn trẻ tuổi mà đã xuất gia, niên thiếu, tóc còn đen nhánh trong tuổi thanh xuân. Trong thời trẻ thơ của tuổi đời, Ông không thọ hưởng các ái dục. Này Tỷ-kheo, hãy thọ hưởng các ái dục của người đời. Chớ có bỏ hiện tại mà chạy theo những gì bị thời gian chi phối.

5) – Này Hiền giả, ta không bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Hiền giả, chính ta bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại. Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói, các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não (Upàyàsà); nguy hiểm ở đấy càng nhiều hơn. Còn pháp này thuộc về hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu.

6) – Và này Tỷ-kheo, như thế nào mà Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, nguy hiểm ở đấy càng nhiều hơn? Như thế nào thuộc về hiện tại là pháp này, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu?

7) – Này Hiền giả, tôi là người mới xuất gia, mới đến đây không bao lâu. Tôi không thể giải thích rộng rãi cho Ông pháp và luật này. Nhưng Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nay ở Ràjagaha (Vương xá) tại Tinh xá Tapoda (Suối nước nóng) hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời cho Ông như thế nào, hãy như vậy thọ trì.

8) – Này Tỷ-kheo, không dễ gì cho chúng tôi được đến gặp bậc Thế Tôn ấy, một bậc được chư Thiên khác, có đại uy lực đoanh vây. Này Tỷ-Kheo, nếu Ngài đi đến bậc Thế Tôn ấy và hỏi ý nghĩa này, chúng tôi có thể đến để nghe pháp.

9) – Thưa vâng, Hiền giả.

Tôn giả Samiddhi vâng đáp vị Thiên ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Samiddhi bạch Thế Tôn:

10) – Ở đây, bạch Thế Tôn, sau khi đêm đã gần tàn, con thức dậy và đi đến suối nước nóng để tắm rửa tay chân. Sau khi tắm rửa tay chân, ra khỏi suối nước nóng, con đứng đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô. Bạch Thế Tôn, rồi một vị Thiên, sau khi đêm vừa mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng nước nóng, đi đến con, sau khi đến, đứng giữa hư không và nói lên bài kệ này:

“Không hưởng, Ông khất thực,

Nay khất thực, không hưởng,

Hãy hưởng rồi khất thực,

Chớ uổng phí thời gian”.

11) Khi nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời với vị Thiên ấy bằng bài kệ:

“Thời Ông, ta không biết,

Thời ta, ẩn không hiện,

Không hưởng, ta khất thực,

Không uổng thời gian ta”.

12) Bạch Thế Tôn, rồi vị Thiên ấy đứng xuống đất và thưa với con:

“– Này Tỷ-kheo, Ông còn trẻ tuổi mà đã xuất gia, niên thiếu, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân. Trong thời trẻ thơ của tuổi đời, Ông không thọ hưởng các dục. Này Tỷ-kheo, hãy thọ hưởng các dục lạc của người đời. Chớ có bỏ hiện tại để chạy theo những gì bị thời gian chi phối”.

13) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với vị Thiên ấy:

“– Này Hiền giả, ta không bỏ hiện tại để chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Hiền giả, chính ta bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại. Những gì thuộc thời gian, này Hiền giả, là các dục, được nói đến là nhiều khổ đau, nhiều phiền não (upàyàsa), nguy hiểm ở đấy lại nhiều hơn. Còn pháp này thuộc hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu”.

14) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói với con:

“– Và này Tỷ-kheo, như thế nào mà Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, nguy hiểm ở đây càng nhiều hơn? Như thế nào thuộc về hiện tại là pháp này không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu?”

15) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với vị Thiên ấy:

“– Này Hiền giả, tôi là người mới xuất gia, mới đến đây không bao lâu. Tôi không thể giải thích rộng rãi cho Ông về pháp và luật này. Nhưng Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nay ở Ràjagaha (Vương xá), tại Tinh xá Tapoda (Suối nước nóng). Hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời cho Ông như thế nào, hãy như vậy thọ trì”.

16) Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói với con:

“ – Này Tỷ-kheo, không dễ gì cho chúng tôi được đến gặp bậc Thế Tôn ấy, một bậc được các chư Thiên khác có đại uy lực đoanh vây. Này Tỷ-kheo, nếu Ngài đi đến bậc Thế Tôn và hỏi ý nghĩa ấy, chúng tôi cũng sẽ đến và nghe pháp”.

– Bạch Thế Tôn, nếu vị Thiên ấy nói sự thật, thời vị ấy ở đây, không xa bao nhiêu.

17) Khi được nói vậy, vị Thiên ấy nói với Tôn giả Samiddhi như sau:

– Hãy hỏi đi, Tỷ-kheo! Hãy hỏi đi, Tỷ-kheo! Tôi đã đến rồi.

18) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ với vị Thiên ấy:

Chúng sanh được hiểu biết,

Những điều được nói lên,

Và chấp trước thái độ,

Trên những điều được nói.

Nếu họ không liễu tri

Những điều được nói lên,

Họ đi đến trói buộc.

Do thân chết chi phối,

Nếu họ liễu tri được

Những điều được nói lên,

Họ không có tưởng tri,

Những điều được nói ra.

Đối với vị như vậy,

Lỗi lầm nhất định không.

Nếu các Ông có biết,

Hãy nói lên Dạ-xoa.

19) – Bạch Thế Tôn, con không có hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt. Lành thay, nếu Thế Tôn nói lên cho con để con có thể hiểu một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt.

(Thế Tôn):

20) Bằng, thắng hay thua Ta,

Nghĩ vậy đấu tranh khởi;

Cả ba không dao động,

Bằng, thắng không khởi lên.

Nếu như Ông có biết,

Hãy nói lên, Dạ-xoa.

21) – Bạch Thế Tôn, con không có hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt. Lành thay, nếu Thế Tôn nói lên cho con để con có thể hiểu một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt.

(Thế Tôn):

22) Hãy từ bỏ tính toán,

Không chạy theo hư tưởng,

Từ bỏ mọi tham ái,

Đối danh sắc ở đời,

Vị ấy đoạn triền phược,

Không lo âu, không ái.

Chư Thiên và loài Người,

Đời này hay đời sau,

Ở cảnh giới chư Thiên,

Hay tại mọi trú xứ,

Tìm cầu nhưng không gặp,

Vết tích của vị ấy.

Nếu Ông biết người ấy

Hãy nói lên, Dạ-xoa.

23) – Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa rộng rãi như sau:

Khắp thế giới chớ làm,

Điều ác thân, miệng, ý,

Từ bỏ mọi ái dục,

Chánh niệm, tâm tỉnh giác,

Không khổ hạnh ép xác,

Vô bổ, không lợi ích.

III. PHẨM KIẾM (S.I,13)

... (Nhân duyên ở Sàvatthi). Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

I. KIẾM:

Như kiếm đã chạm da,

Như lửa cháy trên đầu,

Tỷ-kheo hãy chánh niệm,

Xuất gia bỏ ái dục.

(Thế Tôn):

Như kiếm đã chạm da,

Như lửa cháy trên đầu,

Tỷ-kheo hãy chánh niệm,

Xuất gia bỏ thân kiến.

II. XÚC CHẠM

Không xúc, không có chạm,

Có xúc, thời có chạm,

Nên hại người không hại,

Tức có xúc, có chạm,

Ai hại người không hại,

Người tịnh, không ô nhiễm,

Kẻ ngu hái quả ác,

Như ngược gió tung bụi.

III. TRIỀN PHƯỢC

Nội triền và ngoại triền,

Chúng sanh bị triền phược,

Con hỏi Gotama,

Ai thoát khỏi triền này?

(Thế Tôn):

Người trú giới có trí,

Tu tập tâm và tuệ,

Nhiệt tâm và thận trọng,

Tỷ-kheo ấy thoát triền.

Với ai, đã từ bỏ

Tham, sân và vô minh,

Bậc Lậu tận, Ứng cúng,

Vị ấy thoát triền phược.

Chỗ nào danh và sắc,

Được đoạn tận, vô dư,

Đoạn chướng ngại, sắc tưởng,

Chỗ ấy triền phược đoạn.

IV. CHẾ NGỰ TÂM (S.i,14)

Chỗ nào ý chế ngự,

Chỗ ấy đau khổ tận.

Ý chế ngự hoàn toàn,

Thoát đau khổ hoàn toàn.

(Thế Tôn):

Không nên chế ngự ý,

Hoàn toàn về mọi mặt,

Chớ có chế ngự ý,

Nếu tự chủ đạt được.

Chỗ nào ác pháp khởi,

Chỗ ấy chế ngự ý.

V. VỊ A-LA-HÁN (Tạp 22.6 - 7, La-hán, Đại 2,154b (S.i,14)( Biệt Tạp 9.6, Đại 2,435c)

Vị Tỷ-kheo La-hán,

Đã làm điều phải làm,

Các lậu được đoạn tận,

Thân này, thân tối hậu.

Vị ấy có thể nói:

“Chính tôi vừa nói lên”

Vị ấy có thể nói:

“Họ nói là của tôi”.

(Thế Tôn):

Vị Tỷ-kheo La-hán,

Đã làm điều phải làm,

Các lậu được đoạn tận,

Thân này, thân tối hậu.

Vị ấy có thể nói:

“Chính tôi vừa nói lên”,

Vị ấy có thể nói:

“Họ nói là của tôi”.

Vị ấy khéo biết rõ,

Danh xưng ở thế gian,

Vì chỉ là danh xưng,

Vị ấy cũng danh xưng.

(Vị Thiên):

Vị Tỷ-kheo La-hán,

Đã làm điều phải làm,

Các lậu được đoạn tận,

Thân này, thân tối hậu.

Có phải Tỷ-kheo ấy,

Đi gần đến kiêu mạn,

Khi vị ấy có nói:

“Chính tôi vừa nói lên”.

Khi vị ấy có nói:

“Họ nói là của tôi”?

(Thế Tôn):

Ai đoạn tận kiêu mạn,

Không còn những buộc ràng,

Mọi hệ phược kiêu mạn,

Được hoàn toàn đoạn tận.

Vị có trí sáng suốt,

Vượt khỏi mọi hư tưởng,

Vị ấy có thể nói:

“Chính tôi vừa nói lên”,

Vị ấy có thể nói:

“Họ nói là của tôi”.

Vị ấy khéo biết rõ,

Danh xưng ở thế gian,

Vì chỉ là danh xưng,

Vị ấy cũng danh xưng.

VI. ÁNH SÁNG (Tạp, Đại 2,360b (S.i,15) (Biệt Tạp 15.12, Đại 2,478c)

Vật gì chiếu sáng đời,

Do chúng, đời chói sáng?

Con đến hỏi Thế Tôn,

Muốn biết lời giải đáp.

(Thế Tôn):

Bốn vật chiếu sáng đời,

Thứ năm, đây không có.

Ngày, mặt trời sáng chói,

Đêm, mặt trăng tỏ rạng,

Lửa cháy đỏ đêm ngày,

Chói sáng khắp mọi nơi.

Chánh giác sáng tối thắng,

Sáng này, sáng vô thượng.

VII. NƯỚC CHẢY (S.i,15)

Chỗ nào nước chảy ngược?

Chỗ nào nước xoáy dừng?

Chỗ nào danh và sắc,

Được đoạn diệt, không dư?

Chỗ nào nước và đất,

Lửa, gió không vững trú,

Do vậy nước chảy ngược,

Chỗ ấy nước xoáy dừng,

Chỗ ấy danh và sắc,

Được đoạn diệt, không dư.

VIII. GIÀU LỚN (S.i,15)

Sát-đế-lỵ giàu lớn,

Tài sản, quốc độ lớn,

Luôn luôn ganh tỵ nhau,

Hưởng dục không biết ngán,

Giữa người sống dao động,

Trôi theo dòng tái sanh.

Ai bỏ tật và ái,

Không dao động giữa đời.

(Thế Tôn):

Vị xuất gia bỏ nhà,

Bỏ con, gia súc, thân,

Bỏ tham và bỏ sân,

Và từ bỏ vô minh,

Bậc Lậu tận, La-hán,

Không dao động giữa đời.

IX. BỐN BÁNH XE (S.i,16)

Bốn bánh xe, chín cửa,

Đầy uế, hệ lụy tham,

Chìm đắm trong bùn nhơ,

Ôi, thưa bậc Đại Hùng,

Sanh thú người như vậy,

Tương lai sẽ thế nào?

(Thế Tôn):

Cắt hỷ và buộc ràng,

Dục tham và tà ác,

Ái căn được đoạn tận,

Sanh thú sẽ như vậy.

X. CON SƠN DƯƠNG (S.i,16)

Chân như chân sơn dương,

Vừa thon lại vừa mạnh,

Ăn uống có chừng mực,

Không tham lam, say đắm,

Như sư tử, voi rừng,

Độc hành, không dục vọng.

Sau khi đến, con hỏi,

Làm sao thoát khổ đau?

(Thế Tôn):

Có năm dục ở đời,

Ý căn là thứ sáu,

Ở đây, từ ước muốn,

Như vậy thoát khổ đau.

IV. PHẨM QUẦN TIÊN

I. VỚI NGƯỜI THIỆN (S.i16)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Được tốt hơn, không xấu.

4) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Được tuệ, không gì khác.

5) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Không sầu, giữa sầu muộn.

6) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Chúng sanh sanh thiện thú.

7) Rồi một vị Thiên khác lại nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Chúng sanh thường hưởng lạc.

8) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, trong tất cả vị ấy, ai đã nói lên một cách tốt đẹp?

– Về vấn đề này, tất cả các Ông đều nói lên một cách tốt đẹp. Tuy vậy, hãy nghe lời Ta nói:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Giải thoát mọi khổ đau.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Quần Tiên ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

II. XAN THAM (Tạp, Đại 2,354c) - (Biệt Tạp, Đại 2,473b) (S.i,18)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Vì xan tham, phóng dật,

Như vậy không bố thí,

Ai ước mong công đức,

Có trí nên bố thí.

4) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Điều kẻ xan tham sợ,

Nên không dám bố thí,

Sợ ấy đến với họ,

Chính vì không bố thí.

Điều kẻ xan tham sợ,

Chính là đói và khát,

Kẻ ngu phải cảm thọ,

Đời này và đời sau.

Vậy hãy chế xan tham,

Bố thí, nhiếp cấu uế,

Chúng sanh vững an trú,

Công đức trong đời sau.

5) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Không chết giữa người chết,

Như thiện hữu trên đường,

San sẻ lương thực hiếm,

Thường pháp là như vậy.

Kẻ ít, vui san sẻ,

Kẻ nhiều khó, đem cho,

Bố thí từ kẻ khó,

Đong được ngàn đồng vàng.

6) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Khó thay sự đem cho,

Khó thay làm hạnh ấy.

Kẻ ác khó tùy thuận,

Khó thay pháp bậc lành.

Do vậy kẻ hiền, ác,

Sanh thú phải sai khác,

Kẻ ác sanh địa ngục,

Người lành lên cõi trời.

7) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, trong tất cả vị ấy, vị nào đã nói một cách tốt đẹp?

– Về vấn đề này, tất cả các Ông đã nói một cách tốt đẹp. Tuy vậy hãy nghe Ta:

Sở hành vẫn chơn chánh,

Dầu phải sống vụn vặt,

Dầu phải nuôi vợ con,

Với đồ ăn lượm lặt,

Nhưng vẫn bố thí được,

Từ vật chứa ít ỏi,

Từ ngàn người bố thí,

Từ trăm ngàn vật cho,

Trị giá không ngang bằng,

Kẻ bố thí như vậy.

8) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Vì sao họ bố thí,

Rộng lớn nhiều như vậy,

Trị giá không ngang bằng,

Kẻ nghèo, chơn bố thí?

Sao ngàn người bố thí,

Từ trăm ngàn vật cho,

Trị giá không ngang bằng,

Kẻ bố thí như vậy?

9) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ này với vị Thiên ấy:

Có những người bố thí,

Một cách bất bình thường,

Sau khi chém và giết,

Mới làm vơi nỗi sầu.

Sự bố thí như vậy,

Đầy nước mắt đánh đập,

Trị giá không ngang bằng,

Kẻ nghèo, chơn bố thí.

Từ ngàn người bố thí,

Từ trăm ngàn vật cho,

Trị giá không ngang bằng,

Kẻ bố thí như vậy.

III. LÀNH THAY (S.i,20)

1) Ở Sàvatthi.

2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, một vị Thiên nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

Lành thay sự bố thí!

Kính thưa bậc Tôn giả.

Vì xan tham, phóng dật,

Như vậy không bố thí,

Ai ước mong công đức,

Có trí nên bố thí.

4) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm ứng này trước mặt Thế Tôn:

Lành thay sự bố thí,

Kính thưa bậc Tôn giả!

Nhưng thật tốt lành thay,

Bố thí trong thiếu thốn!

Kẻ ít, vui san sẻ,

Kẻ nhiều khó, đem cho,

Bố thí từ kẻ khó,

Đong được ngàn đồng vàng.

5) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

Lành thay sự bố thí,

Kính thưa bậc Tôn giả!

Nhưng thật tốt lành thay,

Bố thí trong thiếu thốn!

Lành thay sự bố thí,

Phát xuất từ lòng tin.

Bố thí và đánh nhau,

Được nói là bằng nhau,

Một số ít kẻ lành,

Thắng xa số đông người.

Ví dầu cho có ít,

Nhưng cho với lòng tin,

Do vậy được an lạc,

Vì lợi ích cho người.

6) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

Lành thay sự bố thí,

Kính thưa bậc Tôn giả!

Nhưng thật tốt lành thay,

Bố thí trong thiếu thốn!

Lành thay sự bố thí,

Phát xuất từ lòng tin!

Lành thay sự bố thí,

Với tài sản hợp pháp!

Ai là người bố thí,

Với tài sản hợp pháp,

Do nỗ lực tinh tấn,

Nhờ vậy thâu hoạch được;

Vị ấy vượt dòng suối,

Thần chết Dạ-ma giới,

Sau khi chết được sanh,

Chỗ trú xứ chư Thiên.

7) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

Lành thay sự bố thí,

Kính thưa bậc Tôn giả!

Nhưng thật tốt lành thay,

Bố thí trong thiếu thốn!

Lành thay sự bố thí,

Phát xuất từ lòng tin!

Lành thay sự bố thí,

Với tài sản hợp pháp!

Lành thay sự bố thí,

Có suy tư sáng suốt!

Bố thí có suy tư,

Bậc Thiện Thệ tán thán.

Bố thí cho những vị,

Đáng kính trọng ở đời,

Bố thí những vị ấy,

Được hưởng quả phước lớn,

Như hạt giống tốt đẹp,

Gieo vào ruộng tốt lành.

8) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

Lành thay sự bố thí,

Kính thưa bậc Tôn giả!

Nhưng thật tốt lành thay,

Bố thí trong thiếu thốn!

Lành thay sự bố thí,

Phát xuất từ lòng tin!

Lành thay sự bố thí,

Với tài sản hợp pháp!

Lành thay sự bố thí,

Có suy tư sáng suốt!

Lành thay sự tự chế,

Đối với các chúng sanh!

Giữa chúng sanh hữu tình,

Ai sống không làm hại,

Sợ người khác chỉ trích,

Không làm ác, bất thiện,

Họ khen kẻ nhút nhát,

Nhưng chỉ trích người hùng,

Chính sợ bị chỉ trích,

Người lành không làm ác.

9) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, giữa chúng con, lời nói ai được tốt lành?

– Về vấn đề này, tất cả các Ông đều nói lên một cách tốt đẹp. Tuy vậy hãy nghe lời của Ta:

Bố thí với lòng tin,

Được tán thán nhiều mặt,

Có pháp hơn bố thí,

Pháp ấy là Pháp cú.

Từ xưa, từ xa xưa,

Người lành, người chơn thiện,

Với trí tuệ sáng suốt,

Đạt đến cảnh Niết-bàn.

IV. CHÚNG KHÔNG PHẢI (S.i,22)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Giữa loài Người chúng ta,

Có các dục vô thường.

Ai hưởng chúng ở đời,

Bị chúng trói, chúng buộc.

Phóng dật đối với chúng,

Khó thoát ly với chúng,

Người nào khó thoát ly,

Bị thần chết chinh phục.

Họa từ dục vọng sanh,

Khổ từ dục vọng khởi,

Dục vọng được nhiếp phục,

Nhờ vậy họa nhiếp phục,

Tai họa được nhiếp phục,

Nhờ vậy khổ nhiếp phục.

Vật sai biệt ở đời,

Chúng không phải các dục,

Chính tư niệm tham ái,

Là dục vọng con người.

Vật sai biệt tồn tại,

Như vậy ở trên đời,

Do vậy bậc Hiền trí,

Điều phục các dục vọng.

Hãy từ bỏ phẫn nộ,

Hãy nhiếp phục kiêu mạn,

Hãy vượt qua tất cả,

Mọi kiết sử trói buộc.

Chớ có quá chấp trước,

Đối với danh sắc ấy,

Khổ không thể đến được,

Với ai không có gì.

Hãy từ bỏ tính toán,

Không chạy theo hư tưởng,

Cắt đứt mọi tham ái,

Với danh sắc ở đời.

Vị ấy đoạn phiền trược,

Không lo âu, không ái;

Chư Thiên và loài Người,

Đời này hay đời sau,

Ở cảnh giới chư Thiên,

Hay tại mọi trú xứ,

Tìm cầu nhưng không gặp,

Vết tích của vị ấy,

Họ tìm nhưng không thấy,

Vị giải thoát như vậy.

(Tôn giả Mogharàjà nói như vầy)

Chư Thiên và loài Người,

Đời này hay đời sau,

Bậc tối thượng loài Người,

Lo hạnh phúc chúng sanh,

Họ đảnh lễ vị ấy,

Nên tán thán họ không?

(Bậc Thế Tôn lên tiếng)

Này Mogharàjà

Họ cũng nên tán thán,

Bậc giải thoát như vậy.

Này Tỷ-kheo khất sĩ,

Nếu họ biết Chánh pháp,

Đoạn trừ được nghi hoặc,

Họ trở thành giải thoát.

V. HIỀM TRÁCH THIÊN (S.i,23)

1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên Ujjhànasannà (Hiềm trách thiên), sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, các vị ấy đứng giữa hư không.

3) Rồi một vị Thiên đứng giữa hư không, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Những ai nói mình khác

Với điều họ thực có,

Thời mọi vật thọ dụng,

Xem như do trộm cắp,

Chẳng khác kẻ gian manh,

Dùng lừa đảo trộm cắp.

Hãy nói điều có làm,

Không nói điều không làm,

Không làm nói có làm,

Kẻ trí biết rõ họ.

(Thế Tôn):

Những ai chỉ biết nói,

Hay chỉ biết nghe thôi,

Những hạng người như vậy,

Không thể nào tiến bộ.

Khó nhọc thay con đường,

Giúp kẻ trí giải thoát.

Nhờ Thiền định thiêu cháy,

Mọi trói buộc quần ma,

Kẻ trí không làm vậy,

Sau khi biết thế tình,

Với trí, chứng Niết-bàn,

Vượt chấp trước ở đời.

4) Rồi các quần tiên ấy đứng xuống đất, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:

– Đây là tội lỗi của chúng con, bạch Thế Tôn. Chúng con đi đến tội lỗi, vì ngu xuẩn, vì mê mờ, vì bất thiện. Chúng con nghĩ chúng con có thể công kích Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho chúng con, lỗi lầm là lỗi lầm để gìn giữ trong tương lai.

5) Rồi Thế Tôn mỉm cười.

6) Các quần tiên ấy càng tức tối thêm và bay lên hư không.

7) Một vị Thiên nói bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Ai không chịu chấp nhận,

Tội lỗi được phát lộ,

Nội phẫn, ưa sân hận,

Hận thù càng kiên chặt.

Nếu không có tội lỗi,

Ở đây không lầm lạc,

Hận thù không thể tiêu.

Do gì xem là thiện?

Với ai không tội lỗi?

Với ai không lầm lạc?

Ai không bị si mê?

Ai kẻ tri thường niệm?

(Thế Tôn):

Như Lai, bậc Giác Ngộ,

Thương xót mọi hữu tình,

Nơi Ngài không tội lỗi,

Nơi Ngài không lầm lạc.

Ngài không bị si mê,

Ngài chánh trí thường niệm.

Ai không chịu chấp nhận,

Tội lỗi được phát lộ,

Nội phẫn, ưa sân hận,

Hận thù càng kiên chặt.

Ta không thích hận thù,

Ta nhận tội các Ông.

VI. LÒNG TIN (S.i,25), (Tạp, Đại 2,354b) - (Biệt Tạp, Đại 2,473a)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm) tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên SatullapaKàyikà, khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Tín là người thứ hai,

Là bạn của loài Người,

Nếu không trú bất tín,

Được danh dự, xưng tán,

Sau khi bỏ thân này,

Được sanh lên Thiên giới.

Hãy từ bỏ phẫn nộ,

Hãy nhiếp phục kiêu mạn,

Hãy vượt qua tất cả

Mọi kiết sử trói buộc.

Chớ có quá chấp trước,

Đối với danh sắc ấy.

Tham không thể đến được,

Với ai không có gì.

Kẻ ngu không trí tuệ,

Mới đam mê, phóng dật,

Kẻ trí không phóng dật,

Như giữ tài vật quý.

Chớ đam mê, phóng dật,

Chớ đắm say ái dục,

Thiền tư, không phóng dật,

Đạt được tối thắng lạc.

VII. TỤ HỘI (S.i,26) - (Tạp, Đại 2.323a) - (Biệt Tạp, Đại 2.411a) (S.i,26) (D. 20 Mahàsamaya, Trường, Đại 1,79b - 81b)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở giữa dòng họ Sakka (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở rừng Đại Lâm, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng 500 vị, tất cả là bậc A-la-hán. Và chư Thiên ở mười phương thế giới phần lớn cũng thường tập hội để chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo.

2) Rồi bốn vị Tịnh cư thiên (Suddàvàsà) suy nghĩ như sau: “Thế Tôn nay ở giữa dân chúng Sakka, thành Kapilavatthu, rừng Đại Lâm, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng 500 vị, tất cả đều là bậc A-la-hán. Và chư Thiên ở mười phương thế giới, phần lớn cũng thường tập hội để chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo. Vậy chúng ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, mỗi chúng ta đọc một bài kệ dâng lên Thế Tôn”.

3) Rồi chư Thiên ấy nhanh như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại, hay co cánh tay đã duỗi ra, biến mất từ Tịnh cư thiên và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

4) Chư Thiên ấy đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, một vị Thiên đọc bài kệ trước Thế Tôn:

Đại hội tại Đại Lâm,

Chư Thiên đồng tụ tập,

Chúng con đến Pháp hội,

Đảnh lễ chúng Bất thắng.

5) Rồi các vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước Thế Tôn:

Tại đây chúng Tỷ-kheo,

Thiền định, tâm chánh trực,

Như chủ xe nắm cương,

Bậc hiền hộ các căn.

6) Lại một vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước Thế Tôn:

Như khóa gãy, chốt tháo,

Trụ bị đào, tham đoạn,

Sống thanh tịnh, vô cấu,

Có mắt, voi khéo điều.

7) Lại một vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước mặt Thế Tôn:

Những ai quy y Phật,

Sẽ không đọa ác thú,

Sau khi bỏ thân Người,

Sẽ sanh làm chư Thiên.

VIII. MIẾNG ĐÁ VỤN - (Tạp, Đại 2,355a) - (Biệt Tạp, Đại 2,473c) - (S.i,27)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương xá), tại vườn Nai (Maddakucchi)

2) Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị miếng đá bể đâm phải. Cảm thọ Thế Tôn mãnh liệt. Thân cảm thọ khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú. Nhưng Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não.

3) Rồi Thế Tôn cho trải áo Sanghàti (Tăng-già-lê) xếp tư lại, nằm xuống phía hông bên phải như dáng điệu con sư tử, chân đặt trên chân, chánh niệm tỉnh giác.

4) Rồi bảy trăm quần tiên Satullapakàyikà, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Maddakucchi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

5) Đứng một bên, một vị Thiên đọc lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

– Sa-môn Gotama thật là bậc Long tượng. Và với tư cách Long tượng, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, đau khổ, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú, Ngài chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não.

6) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

– Sa-môn Gotama thật là bậc Sư tử. Và với tư cách Sư tử, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.

7) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

– Sa-môn Gotama thật là Lương tuấn mã. Và với tư cách Lương tuấn mã, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.

8) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

– Sa-môn Gotama thật là bậc Ngưu vương. Và với tư cách Ngưu vương, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.

9) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

– Sa-môn Gotama thật là bậc Nhẫn nại Kiên cường. Và với tư cách bậc Nhẫn nại Kiên cường, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.

10) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

– Sa-môn Gotama thật là một bậc Khéo điều phục. Và với tư cách là một bậc Khéo điều phục, Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não.

11) Rồi một vị Thiên khác nói lên lời cảm hứng này trước mặt Thế Tôn:

– Hãy xem tâm của Ngài khéo được tu tập Thiền định và giải thoát, không có nổi lên, không có chìm xuống, mọi hành động được tác thành, không có ai kích thích. Ai có thể nghĩ mình đi ngược lại một Long tượng như vậy, một bậc Sư tử như vậy, một bậc Lương tuấn mã như vậy, một bậc Ngưu vương như vậy, một bậc Nhẫn nại Kiên cường như vậy, một bậc Nhiếp phục như vậy, trừ phi là một người mù.

Các vị Bà-la-môn,

Tinh thông năm Vệ-đà,

Dầu tu tập khổ hạnh,

Cho đến hàng trăm năm,

Tâm họ không có thể,

Chơn chánh được giải thoát.

Tự tánh quá hạ liệt,

Không đến bờ bên kia,

Bị khát ái chi phối,

Bị giới cấm trói buộc,

Dầu tu tập khổ hạnh,

Cho đến hàng trăm năm,

Tâm họ không có thể,

Chơn chánh được giải thoát.

Tự tánh quá hạ liệt,

Không đến bờ bên kia.

Ở đời không nhiếp phục,

Kiêu mạn cùng các dục,

Tâm không được an tịnh,

Không tu tập Thiền định.

Ở trong rừng cô độc,

Nhưng tâm tư phóng dật,

Vị ấy khó vượt khỏi,

Sự chinh phục tử thần.

Nhiếp phục được kiêu mạn,

Khéo tu tập Thiền định,

Tâm tư khéo an tịnh,

Giải thoát được viên mãn,

Ở trong rừng cô độc,

Tâm tư không phóng dật,

Vị ấy khéo vượt khỏi,

Sự chinh phục tử thần.

IX. CON GÁI CỦA PAJJUNNA (Tạp, Đại 2,350a) (Biệt Tạp, 14.4, Đại 2,469a), (S.i,29)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Vesàli, Đại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.

2) Rồi Kokanadà, con gái của Pajjunna, sau khi đêm vừa mãn, với dung sắc thù thắng chiếu sáng toàn vùng Đại Lâm, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, Thiên nữ Kokanadà, con gái của Pajjunna, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác,

Thượng thủ các chúng sanh,

Nay an trú Đại Lâm,

Tại thành Vesàli,

Hãy để con đảnh lễ,

Con gái Pajjunna,

Tên Kokanadà.

Từ trước con chỉ nghe,

Bậc chứng ngộ Chánh Giác.

Bậc vô thượng Pháp Nhãn,

Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.

Ngày nay con có thể,

Biết được Chánh pháp ấy,

Do Thiện Thệ thuyết giảng,

Bậc Mâu-ni Chánh Giác.

Những ai kém trí tuệ,

Khinh bác chống Thánh pháp,

Sẽ rơi vào địa ngục,

Mệnh danh Roruva,

Trải thời gian lâu dài,

Thọ lãnh nhiều thống khổ.

Những ai đối Thánh pháp,

Kham nhẫn, tâm tịch tịnh,

Từ bỏ thân làm người,

Viên mãn thân chư Thiên.

X. CON GÁI CỦA PAJJUNNA (Tạp, Đại 2,349c) (Biệt Tạp 14.3, Đại 2,469a) (S.i,30)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, Đại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.

2) Rồi Cùla - Kokanadà, con gái của Pajjunna, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Đại Lâm đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Cùla - Kokanadà, con gái của Pajjunna, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Con gái Pajjunna,

Tên Kokanadà.

Nhan sắc như điện quang,

Nàng đã đến tại đây,

Đảnh lễ Phật và Pháp,

Nói kệ lợi ích này,

Dầu với nhiều pháp môn,

Con phân tích pháp này.

Nhưng lược nghĩa con nói,

Theo ý con hiểu biết,

Ở đời, chớ làm ác,

Cả ba: thân, khẩu, ý,

Từ bỏ mọi thứ dục,

Chánh niệm, tâm tỉnh giác,

Không khổ hạnh ép xác,

Vô bổ, không lợi ích.

V. PHẨM THIÊU CHÁY

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Rồi một vị Thiên, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

I. THIÊU CHÁY (Biệt Tạp 5.4, Đại 2,403) (S.i,31)

Trong ngôi nhà thiêu cháy,

Vật dụng đem ra ngoài,

Vật ấy có lợi ích,

Không phải vật bị thiêu.

Cũng vậy trong đời này,

Bị già chết thiêu cháy,

Hãy đem ra, bằng thí,

Vật thí, khéo đem ra.

Có thí, có lạc quả,

Không thí, không như vậy.

Kẻ trộm, vua cướp đoạt,

Lửa thiêu đốt hủy hoại,

Khi giờ cuối cùng đến,

Bỏ thân, bỏ sở hữu.

Kẻ trí, hiểu biết vậy,

Thọ dụng và bố thí,

Thí xong, thọ dụng xong,

Theo lực hành động ấy,

Không bị ai chỉ trích,

Vị ấy được sanh Thiên.

II. CHO GÌ? (Tạp 36.6 Vân hà đại đắc, Đại 2,261b) (Biệt Tạp 8.4, Đại 2,526b) (S.i,32)

Cho gì là cho lực?

Cho gì là cho sắc?

Cho gì là cho lạc?

Cho gì là cho mắt?

Cho gì cho tất cả?

Xin đáp điều con hỏi?

(Thế Tôn):

Cho ăn là cho lực,

Cho mặc là cho sắc,

Cho xe là cho lạc,

Cho đèn là cho mắt.

Ai cho chỗ trú xứ,

Vị ấy cho tất cả,

Ai giảng dạy Chánh pháp,

Vị ấy cho bất tử.

III. ĐỒ ĂN (S.i,32)

Trời, Người, cả hai loài,

Đều ưa thích ăn uống,

Vị Dạ-xoa tên gì,

Lại không thích ăn uống?

(Thế Tôn):

Ai cho với lòng tin,

Với tâm tư thanh tịnh,

Được phần món ăn ấy,

Đời này và đời sau.

Vậy hãy ngừa xan tham,

Bố thí, nhiếp cấu uế,

Hữu tình vững an trú,

Công đức trong đời sau.

IV. MỘT CĂN RỄ... (S.i,32)

Một rễ, hai phương diện,

Ba uế, năm môi trường,

Biển lớn, mười hai họa,

Vực xoáy bậc Thánh siêu.

V. BẬC HOÀN TOÀN (S.i,33)

Bậc viên mãn toàn diện,

Thấy được nghĩa bí huyền,

Ban phát chân trí tuệ,

Thoát ly khỏi dục tạng,

Thấy được bậc toàn trí,

Bậc Thiện tuệ trí giác.

Vị Đại Thánh dấn bước,

Trên con đường Thánh đạo.

VI. THIÊN NỮ (S.i,33)

Thiên nữ đoàn tụ hội,

Ngạ quỷ chúng tới lui,

Rừng ấy danh rừng si,

Làm sao có lối thoát?

(Thế Tôn):

Đường ấy tên chơn trực,

Phương ấy danh vô úy,

Cỗ xe gọi vô thanh,

Với pháp luân khéo ráp,

Tàm là dàn xe dựa,

Niệm là trướng màn xe,

Ta nói vị đánh xe,

Tức là chơn diệu pháp,

Và chính chánh tri kiến,

Mau chóng đi tiền phong.

Không kể nam hay nữ,

Đều dùng cỗ xe ấy.

Chính nhờ cỗ xe ấy,

Hướng tiến đến Niết-bàn.

VII. TRỒNG RỪNG (S.i,33)

Những ai ngày lẫn đêm,

Công đức luôn tăng trưởng,

Trú pháp, cụ túc giới,

Kẻ nào sanh thiên giới?

Ai trồng vườn, trồng rừng,

Ai dựng xây cầu cống,

Đào giếng, cho nước uống,

Những ai cho nhà cửa,

Những vị ấy ngày đêm,

Công đức luôn tăng trưởng,

Trú pháp, cụ túc giới,

Những vị ấy sanh Thiên.

VIII. KỲ VIÊN (S.i,33)

Đây là rừng Kỳ Viên.

Chỗ trú xứ Thánh chúng,

Chỗ ở đấng Pháp Vương,

Khiến tâm con hoan hỷ.

Nghiệp minh và tâm pháp,

Giới và tối thắng mạng,

Chính những diệu pháp ấy,

Khiến chúng sanh thanh tịnh,

Không phải vì dòng họ,

Không phải vì tài sản.

Do vậy bậc Hiền trí,

Thấy lợi ích chính mình,

Chánh giác sát tâm pháp,

Như vậy được thanh tịnh.

Như ngài Xá-lợi-phất,

Tuệ giới và tịch tịnh,

Tỷ-kheo đến bờ giác,

Ở đây là tối thượng.

IX. XAN THAM (S.i,34)

Ở đời kẻ xan tham,

Keo kiết hay khước từ,

Tạo nên những chướng ngại,

Ngăn kẻ khác bố thí,

Đời này và đời sau,

Quả báo họ là gì?

Chúng con đến tại đây,

Chính muốn hỏi Thế Tôn,

Chúng con muốn được biết,

Thế Tôn đáp thế nào?

(Thế Tôn):

Ở đời kẻ xan tham,

Keo kiết hay khước từ,

Tạo nên những chướng ngại,

Ngăn kẻ khác bố thí,

Bị tái sanh địa ngục,

Bàng sanh, Dạ-ma giới.

Nếu được sanh làm người,

Sanh gia đình nghèo khó,

Y, thực, dục, hỷ lạc,

Họ được rất khó khăn.

Điều kẻ ngu ước vọng,

Họ không thâu hoạch được,

Quả hiện tại là vậy,

Đời sau sanh ác thú.

(Vị Thiên):

Nhờ những điều Ngài nói,

Chúng con được hiểu vậy,

Tôn giả Gotama,

Con xin hỏi câu khác.

Ở đây được thân người,

Từ tốn không xan tham,

Tin Phật và Chánh pháp,

Cùng tôn trọng chúng Tăng,

Đời này và đời sau,

Quả báo họ là gì?

Chúng con đến tại đây,

Chính muốn hỏi Thế Tôn,

Chúng con muốn được biết,

Thế Tôn đáp thế nào?

(Thế Tôn):

Ở đây được thân người,

Từ tốn không xan tham,

Tin Phật và Chánh pháp,

Cùng tôn trọng chúng Tăng,

Họ chói sáng chư Thiên,

Tại đấy họ tái sanh.

Nếu họ sanh làm người,

Họ sanh nhà phú gia,

Y, thực, dục, hỷ lạc,

Họ được không khó khăn,

Như các Tự tại thiên,

Hân hoan được thọ hưởng,

Giữa vật dụng tài sản,

Được người khác quy tụ,

Quả hiện tại là vậy,

Đời sau sanh Thiên giới.

X. THỢ ĐỒ GỐM (S.i,35) (Tạp 22.10 Vô phiền thiên, Đại 2,159b) (Biệt Tạp, 9.29, Đại 2,442b)

Được sanh Vô phiền thiên,

Bảy Tỷ-kheo giải thoát,

Đoạn tận tham và sân,

Vượt qua đời triền phược.

Vượt bùn, họ là ai,

Khéo vượt lệnh thần chết,

Sau khi bỏ thân người,

Họ thoát ách chư Thiên?

Họ là Upaka,

Với Pukkusàti,

Hợp thành là ba vị,

Và Phalaganda,

Lại thêm Bhaddiya,

Với Khandadeva,

Và Bàhuraggi,

Cùng với Pingiya,

Sau khi bỏ thân người,

Họ thoát ách chư Thiên.

(Thế Tôn):

Người nói điều tốt lành,

Về bảy Tỷ-kheo ấy,

Họ thoát ly, đoạn trừ,

Các cạm bẫy Ma vương,

Pháp họ biết, của ai,

Đoạn diệt hữu kiết sử?

(Ghatìkàra):

Không ai ngoài Thế Tôn,

Chính thật giáo lý Ngài,

Họ biết pháp của Ngài,

Đoạn được hữu kiết sử.

Chỗ nào danh và sắc,

Được đoạn diệt, không dư,

Họ học được pháp ấy,

Ở đây từ nơi Ngài.

Nhờ vậy họ đoạn trừ,

Hữu kiết sử trói buộc.

(Thế Tôn):

Lời nói người thâm sâu,

Khó biết, khó chứng ngộ,

Pháp Ông biết của ai,

Sao Ông không nói được?

(Ghatìkàra):

Thuở xưa, con thợ gốm,

Tại Vehalinga,

Và con được tên gọi,

Là Ghatìkàra.

Chính con lo nuôi dưỡng,

Cả mẹ lẫn cả cha,

Đối với Phật Ca-diếp,

Con đệ tử tại gia.

Con viễn ly dâm dục,

Phạm hạnh, không thế vật,

Thuở xưa con đồng hương,

Cũng là bạn của họ,

Do vậy con biết họ,

Bảy Tỷ-kheo giải thoát,

Đoạn tận tham và sân,

Vượt qua đời triền phược.

(Thế Tôn):

Vậy này Bhaggava,

Chính như Ông vừa nói,

Thuở xưa, Ông thợ gốm,

Tại Vehalinga,

Và Ông được tên gọi,

Là Ghatìkàra.

Chính Ông lo nuôi dưỡng,

Cả mẹ lẫn cả cha,

Đối với Phật Ca-diếp,

Ông đệ tử tại gia.

Ông viễn ly dâm dục,

Phạm hạnh, không thế vật.

Thuở xưa Ông đồng hương,

Cũng là bạn của Ta,

Như vậy là hội ngộ,

Giữa những bạn thời xưa,

Cả hai khéo tu tập,

Mang thân này tối hậu.

VI. PHẨM GIÀ

I. GIÀ (S.i,36)

Vật gì tốt đến già?

Vật gì tốt kiên trú?

Vật gì vật báu người?

Vật gì cướp khó đoạt?

Giới là tốt đến già,

Tín là tốt kiên trú,

Tuệ, vật báu loài Người,

Công đức, cướp khó đoạt.

II. KHÔNG GIÀ

Vật gì tốt không già?

Vật gì tốt trường cửu?

Vật gì vật báu người?

Vật gì cướp không đoạt?

Giới là tốt không già,

Tín là tốt trường cửu,

Tuệ, vật báu loài Người,

Công đức, cướp không đoạt.

III. BẠN

Ai bạn kẻ đi đường?

Ai bạn người ở nhà?

Ai bạn khi cần thiết?

Ai bạn cho đời sau?

Bạn đường, bạn đi đường,

Bạn ở nhà là mẹ,

Bạn bè khi cần thiết,

Mới là bạn thường xuyên,

Công đức tự mình làm,

Là bạn cho đời sau.

IV. CƠ SỞ

Vật gì, cơ sở người?

Vật gì, bạn tối thượng (ở đời)?

Hữu tình gì trì mạng?

Y cứ vào địa đại?

Con là cơ sở người,

Vợ là bạn tối thượng,

Thần mưa là trì mạng,

Y cứ vào địa đại.

V. SANH NHÂN

Cái gì sanh thành người?

Cái gì luôn dong ruỗi?

Cái gì chịu luân hồi?

Cái gì người sợ hãi?

Ái dục sanh thành người,

Chính tâm luôn dong ruỗi,

Chúng sanh chịu luân hồi,

Đau khổ, người sợ hãi.

VI. SANH NHÂN

Cái gì sanh thành người?

Cái gì luôn dong ruỗi?

Cái gì chịu luân hồi?

Vì đâu, không giải thoát?

Ái dục sanh thành người,

Chính tâm luôn rong ruỗi,

Chúng sanh chịu luân hồi,

Vì khổ, không giải thoát.

VII. SANH NHÂN

Cái gì sanh thành người?

Cái gì luôn dong ruỗi?

Cái gì chịu luân hồi?

Cái gì người nương tựa?

Ái dục sanh thành người,

Chính tâm luôn dong ruỗi,

Chúng sanh chịu luân hồi,

Chính nghiệp, người nương tựa.

VIII. PHI ĐẠO

Cái gì gọi phi đạo?

Cái gì diệt ngày đêm?

Cái gì uế Phạm hạnh?

Cái gì tắm không nước?

Tham dục gọi phi đạo,

Tuổi tác diệt ngày đêm,

Nữ nhân uế Phạm hạnh,

Khiến loài Người hệ lụy,

Khổ hạnh và Phạm hạnh,

Là tắm không cần nước.

IX. NGƯỜI BẠN

Cái gì làm người bạn?

Cái gì giáo hóa người?

Cái gì người ái lạc?

Giải thoát mọi khổ đau?

Tín thành làm bạn người,

Trí tuệ giáo hóa người,

Người ái lạc Niết-bàn,

Giải thoát mọi khổ đau.

X. NGƯỜI THI SĨ

Vật gì nhân kệ tụng?

Vật gì làm tự cú?

Vật gì kệ y cứ?

Vật gì kệ an trú?

Âm vận nhân kệ tụng,

Văn tự làm tự cú,

Kệ ý cứ đề danh,

Kệ an trú thi nhân.

VII. PHẨM THẮNG (S.i,39)

I. DANH (S.i,39)

Vật gì thắng tất cả?

Vật gì không số hơn?

Và có một pháp nào,

Mọi vật đều tùy thuộc?

Danh vượt thắng tất cả,

Danh không số nào hơn,

Chính danh là một pháp,

Mọi vật đều tùy thuộc.

II. TÂM (S.i,39)

Vật gì dắt dẫn đời?

Vật gì tự não hại?

Và có một pháp nào,

Mọi vật đều tùy thuộc?

Chính tâm dắt dẫn đời,

Chính tâm tự não hại,

Chính tâm là một pháp,

Mọi vật đều tùy thuộc.

III. KHÁT ÁI (S.i,39)

Vật gì dẫn dắt đời?

Vật gì tự não hại?

Và có một pháp nào,

Mọi vật đều tùy thuộc?

Chính ái là một đời,

Chính ái tự não hại,

Chính ái là một pháp,

Mọi vật đều tùy thuộc.

IV. KIẾT SỬ (S.i,39)

Vật gì trói buộc đời?

Vật gì dẫn hành đời?

Do đoạn trừ pháp gì,

Mới được gọi Niết-bàn?

Chính hỷ trói buộc đời,

Tầm cầu dẫn hành đời,

Do đoạn trừ khát ái,

Mới được gọi Niết-bàn.

V. TRIỀN PHƯỢC (S.i,39)

Vật gì triền phược đời?

Vật gì dẫn hành đời?

Do đoạn trừ pháp gì,

Mọi triền phược đoạn diệt?

Chính hỷ triền phược đời,

Tầm cầu dẫn hành đời,

Do đoạn trừ khát ái,

Mọi triền phược đoạn diệt.

VI. BỊ ÁP ĐẢO (S.i,40)

Vật gì áp đảo đời?

Vật gì bao phủ đời?

Tên gì bắn trúng đời?

Bởi gì thường huân tập?

Sự chết áp đảo đời,

Già nua bao phủ đời,

Tên ái bắn trúng đời,

Bởi dục, thường huân tập.

VII. BỊ TREO CỘT (S.i,40)

Vật gì treo cột đời?

Vật gì bao phủ đời?

Vật gì đóng kín đời?

Trên gì đời an trú?

Khát ái treo cột đời,

Già nua bao phủ đời,

Sự chết đóng kín đời,

Trên khổ, đời an trú.

VIII. BỊ ĐÓNG KÍN (S.i,40)

Vật gì đóng kín đời?

Trên gì đời an trú?

Vật gì treo cột đời?

Vật gì bao phủ đời?

Sự chết đóng kín đời,

Trên khổ, đời an trú,

Khát ái treo cột đời,

Già nua bao phủ đời.

IX. ƯỚC MUỐN (S.i,40)

Vật gì trói buộc đời?

Điều phục gì được thoát?

Vật gì được đoạn trừ,

Khiến mọi phược đoạn tận?

Ước muốn trói buộc đời,

Điều phục dục được thoát,

Ước muốn được đoạn trừ,

Mọi triền phược đoạn tận.

X. ĐỜI (Thế gian) (S.i,41)

Trên gì thế gian sanh?

Trên gì được giao tiếp?

Thế gian chấp trước gì?

Trên gì đời khổ não?

Trên sáu, thế gian sanh,

Trên sáu, được giao tiếp,

Thế gian chấp trước sáu,

Trên sáu, đời khổ não.

VIII. PHẨM ĐOẠN (S.i,41)

... Đứng một bên, vị Thiên nhân ấy nói lên bài kệ với Thế Tôn:

I. ĐOẠN SÁT (S.i,41)

Sát vật gì được lạc?

Sát vật gì không sầu?

Có một pháp loại gì,

Ngài tán đồng sát hại,

Tôn giả Gotama?

(Thế Tôn):

Sát phẫn nộ được lạc,

Sát phẫn nộ không sầu,

Phẫn nộ với độc căn,

Với vị ngọt tối thượng,

Pháp ấy, bậc Thánh Hiền,

Tán đồng sự sát hại.

Sát pháp ấy không sầu,

Này (Hiền giả) Thiên nhân.

II. CỖ XE (S.i,41)

Cỗ xe hiện tướng gì?

Ngọn lửa hiện tướng gì?

Vương quốc hiện tướng gì?

Phụ nữ hiện tướng gì?

Cờ hiện tướng cỗ xe,

Khói hiện tướng ngọn lửa,

Vua hiện tướng vương quốc,

Chồng hiện tướng nữ nhân.

III. TÀI SẢN (S.i,42)

Tài sản gì ở đời,

Đối người là tối thượng?

Sự gì khéo tu trì,

Đưa đến chơn an lạc?

Vật gì ngọt tối thượng,

Trong tất cả vị ngọt?

Sống cuộc sống thế nào,

Được gọi sống tối thượng?

Lòng tin ở đời này,

Là tài sản tối thượng.

Chánh pháp khéo tu trì,

Đưa đến chơn an lạc.

Sự thật ngọt tối thượng,

Trong tất cả vị ngọt.

Sống cuộc sống trí tuệ,

Được gọi sống tối thượng.

IV. MƯA (S.i,42)

Vật gì được mọc lên,

Là mọc lên tối thượng?

Vật gì được rơi xuống,

Là rơi xuống tối thượng?

Vật gì thường bộ hành?

Vật gì thuyết tối thượng?

(Một Thiên nhân):

Hột giống được mọc lên,

Là mọc lên tối thượng.

Cơn mưa được rơi xuống,

Là rơi xuống tối thượng.

Con bò thường bộ hành,

Con trai thuyết tối thượng.

(Thế Tôn):

Huệ minh được mọc lên,

Là mọc lên tối thượng.

Vô minh được rơi xuống,

Là rơi xuống tối thượng.

Tăng-già thường bộ hành,

Đức Phật thuyết tối thượng.

V. KHỦNG BỐ (S.i,42)

Vì sao ở đời này,

Rất nhiều người sợ hãi,

Dầu con đường đề cập,

Dưới hình thức sai biệt?

Con hỏi Gotama,

Bậc trí tuệ sáng suốt,

Phải an trú chỗ nào,

Khỏi sợ hãi đời sau?

(Thế Tôn):

Hãy chánh trú lời, ý,

Thân nghiệp chớ làm ác.

Nếu an trú trong nhà,

Với tài sản dồi dào,

Hãy tín tâm, nhu hòa,

Chia tài sản, hòa nhã.

An trú bốn pháp này,

Không sợ hãi đời sau.

VI. KHÔNG GIÀ (S.i,43)

Ai già, ai không già?

Thế nào gọi phi đạo?

Vật gì chướng ngại pháp?

Vật gì đêm ngày diệt?

Vật gì uế Phạm hạnh?

Vật gì tắm không nước?

Đời bao nhiêu lỗ trống,

Trên ấy, tâm không trú?

Con đến hỏi Thế Tôn,

Mong biết câu trả lời!

Sắc hữu tình bị già,

Danh tánh lại không già,

Tham dục gọi phi đạo,

Tham ái, chướng ngại pháp.

Tuổi tác đêm, ngày diệt,

Nữ nhân uế Phạm hạnh,

Đắm trước trong uế này,

Là toàn thể chúng sanh.

Khổ hạnh và Phạm hạnh,

Là tắm không cần nước,

Sáu lỗ trống ở đời,

Trên ấy, tâm không trú,

Biếng nhác và phóng dật,

Uể oải, không tự chế,

Thụy miên và hôn trầm,

Cả sáu lỗ trống này,

Cần ly khai tất cả.

VII. TÔN CHỦ (S.i,43)

Vật gì chủ ở đời?

Hàng hóa gì tối thượng?

Vật gì làm rỉ sét,

Lưỡi kiếm ở trên đời?

Vật gì ở đời này,

Tác thành cõi địa ngục?

Ai đem đi, bị chận?

Ai đem đi, được ưa?

Ai thường xuyên đi lại,

Được kẻ trí hoan hỷ?

Thế lực chủ ở đời,

Nữ nhân, vật tối thượng.

Phẫn nộ làm rỉ sét,

Lưỡi kiếm ở trên đời.

Kẻ trộm ở đời này,

Tác thành cõi địa ngục.

Trộm đem đi, bị chận,

Sa-môn đem, được ưa,

Sa-môn thường đi lại,

Được kẻ trí hoan hỷ.

VIII. DỤC (S.i,44)

Nghĩ lợi, không cho ai,

Con người từ bỏ gì?

Thiện gì nên thốt ra?

Ác gì nên ngăn chận?

Con người không cho mình,

Không nên từ bỏ mình,

Lời thiện, nên thốt ra,

Lời ác, nên ngăn chận.

IX. LƯƠNG THỰC (S.i,44)

Cái gì cột lương thực?

Cái gì hút tài sản?

Cái gì lôi cuốn người?

Ở đời, khó bỏ gì?

Cái gì buộc phàm nhân,

Như chim bị bẫy sập?

Lòng tin cột lương thực,

Thần tài hút tài sản.

Lòng muốn lôi cuốn người,

Ở đời, muốn (icchà) khó bỏ.

Ham muốn buộc phàm nhân,

Như chim bị bẫy sập.

X. CHỚP (S.i,44)

Vật gì chiếu sáng đời?

Vật gì thức tỉnh đời?

Ai cọng nghiệp với người?

Cử chỉ chúng là gì?

Ai nuôi kẻ nhác, siêng,

Như mẹ nuôi con cái?

Hữu tình gì trì mạng,

Y cứ vào địa đại?

Trí tuệ chiếu sáng đời,

Chánh niệm thức tỉnh đời,

Bò cọng nghiệp với người,

Đường cày là con đường.

Mưa nuôi kẻ nhác, siêng,

Như mẹ nuôi con cái.

Mưa trì mạng chúng sanh,

Y cứ vào địa đại.

XI. KHÔNG TRANH LUẬN (S.i,44)

Ai không tranh luận đời?

Ai sống không hoại diệt?

Ai rõ ham muốn đời?

Ai thường xuyên tự tại?

Ai an trú như vậy,

Cha, mẹ, anh đảnh lễ?

Ai dầu có hạ sanh,

Được Sát-lỵ tôn kính?

Sa-môn không tranh đời,

Sa-môn sống không diệt,

Sa-môn rõ dục vọng,

Sa-môn thường tự tại,

Sa-môn trú như vậy,

Cha, mẹ, anh kính lễ.

Sa-môn dầu hạ sanh,

Được Sát-lỵ tôn kính.

PT & DTKVN

 

Năm bộ Nikaya : 

CHƯƠNG HAI: TƯƠNG ƯNG THIÊN TỬ

I. PHẨM THỨ NHẤT (S.i,46)

I. KASSAPA: Ca-diếp (Tạp 49.24 - Ca-diếp, Đại 2,361c) (Biệt Tạp 15.19, Đại 2,480c)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Rồi Thiên tử Kassapa (Ca-diếp), sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Kassapa bạch Thế Tôn:

– Thế Tôn đề cao Tỷ-kheo và sự giáo giới vị Tỷ-kheo cho chúng con.

2) – Vậy này Kassapa, hãy nói lên ở đây về vấn đề ấy.

3) (Kassapa):

Hãy học điều khéo nói,

Trong hạnh nghiệp Sa-môn,

Vắng lặng, ngồi một mình,

Với tâm tư an tịnh.

4) Thiên tử Kassapa nói như vậy. Bậc Đạo sư chấp nhận. Rồi Thiên tử Kassapa, sau khi được biết: “Bậc Đạo sư đã chấp nhận ta”, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, rồi biến mất từ chỗ ấy.

II. KASSAPA (S.i,46) (Tạp 49.25 Ca-diếp, Đại 2,361c) (Biệt Tạp 15.20, Đại 2,480a)

1) Tại Sàvatthi.

2) Đứng một bên, Thiên tử Kassapa nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:

Với tâm tư giải thoát,

Vị Tỷ-kheo tu thiền,

Và với lòng ước vọng,

Đạt được tâm sở nguyện.

Sau khi biết cuộc đời,

Hưng thịnh và phế tàn,

Tâm thuần, không nương tựa,

Hưởng lợi quả như chơn.

III. MÀGHA (S.i,47) (Tạp 49.16 Ma-khứu, Đại 2,360c) (Biệt Tạp 15.11, Đại 2,478c)

1) Tại Sàvatthi.

2) Rồi Thiên tử Màgha, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Màgha nói với Thế Tôn bài kệ:

3) Sát vật gì được lạc?

Sát vật gì không sầu?

Có một pháp loại gì,

Ngài tán đồng sát hại,

Tôn giả Gotama?

(Thế Tôn)

4) Sát phẫn nộ được lạc,

Sát phẫn nộ không sầu,

Phẫn nộ với độc căn,

Với vị ngọt tối thượng.

Pháp ấy bậc Thánh Hiền,

Tán đồng sự sát hại.

Sát pháp ấy không sầu,

Này Hiền giả Thiên nhân.

IV. MÀGADHA

1) Đứng một bên, Thiên tử Màgadha nói lên với Thế Tôn bài kệ:

Vật gì chiếu sáng đời,

Do chúng, đời chói sáng?

Con đến hỏi Thế Tôn,

Muốn nghe lời giải đáp.

Bốn vật chiếu sáng đời,

Thứ năm đây không có,

Ngày, mặt trời sáng chói,

Đêm, mặt trăng tỏ rạng,

Lửa cháy đỏ đêm ngày,

Chói sáng khắp mọi nơi,

Chánh giác sáng tối thắng,

Sáng này sáng vô thượng.

V. DÀMALI (Tạp 49.18, Đàm-ma, Đại 2,360c) (Biệt Tạp 15.13, Đại 2,478c)

1) Tại Sàvatthi.

2) Thiên tử Dàmali, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Dàmali nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:

3) Ở đây, Bà-la-môn,

Tinh cần, không biếng nhác,

Đoạn trừ các dục vọng,

Nhờ vậy không tái sanh.

4) Thế Tôn bèn trả lời:

Ôi này Dàmali,

Với vị Bà-la-môn,

Không còn gì phải làm,

Việc phải làm đã làm,

Chính là Bà-la-môn.

Chúng sanh đủ tay chân,

Không tìm được chân đứng,

Trôi giạt và chìm nổi,

Trong biển rộng, sông dài.

Tìm được chỗ chân đứng,

Khô ráo vị ấy đứng,

Đã đến bờ bên kia,

Vị ấy không trôi giạt.

Vậy này Dàmali,

Ví dụ ấy là vậy.

Cũng vậy Bà-la-môn,

Đoạn trừ các lậu hoặc,

Sáng suốt và kín đáo,

Tinh tấn tu Thiền định.

Vị ấy đã đạt được,

Tận cùng đường sanh tử,

Đã đến bờ bên kia,

Nên không còn trôi giạt.

VI. KÀMADA (S.i,48) (Tạp 49.20 Thực trí, Đại 2,361a) (Biệt Tạp 15.15, Đại 2, 479a)

1) Đứng một bên, Thiên tử Kàmada bạch Thế Tôn:

2) Khó làm, bạch Thế Tôn,

Thế Tôn, thật khó làm.

Tuy vậy, Kàmada,

Họ làm việc khó làm,

Chính các vị hữu học,

Kiên trì tu giới định,

Đã chọn đời xuất gia,

Biết đủ, đem an lạc.

3) Biết đủ, bạch Thế Tôn,

Biết đủ, thật khó được.

Tuy vậy, Kàmada,

Họ được điều khó được.

Những vị lòng ưa thích,

Tâm tư được điều tịnh,

Cả ngày và cả đêm,

Ý an lạc tu tập.

4) Khó tịnh, bạch Thế Tôn,

Tâm ấy, thật khó tịnh.

Tuy vậy, Kàmada,

Họ tịnh tâm khó tịnh.

Những vị lòng ưa thích,

Các căn được tịch tịnh,

Cắt đứt lưỡi tử thần,

Bậc Hiền Thánh đi tới.

5) Khó đi, bạch Thế Tôn,

Con đường thật lồi lõm.

Tuy vậy, Kàmada,

Bậc Hiền Thánh vẫn đi.

Trên con đường khó đi,

Và có nhiều lồi lõm,

Kẻ phàm phu vấp ngã,

Trên đường mất thăng bằng.

Con đường đối bậc Thánh,

Là con đường thăng bằng,

Bậc Thánh bước thăng bằng,

Trên đường mất thăng bằng.

VII. PANCÀLACANDA (S.i,48)( Tạp 49.12 Ban-xà-la, Đại 2,358b) (Biệt Tạp 15.7, Đại 2,477a)

1) Đứng một bên, Thiên tử Pancàlacanda nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:

Dầu giữa những chướng ngại,

Bậc Đại trí Chánh giác,

Vẫn tìm được lối thoát,

Vượt qua mọi chướng ngại.

Bậc trí hiểu Thiền định,

Biết từ bỏ, tối thắng,

Bậc Mâu-ni, ẩn sĩ,

2) Thế Tôn lên tiếng:

Pancàlacanda,

Dầu giữa những chướng ngại,

Họ tìm được lối thoát,

Họ tìm được Chánh pháp

Đưa đến quả Niết-bàn.

Những vị đạt chánh niệm,

Kiên trì không dao động,

Họ là bậc chơn chánh,

Tâm điều phục, định tĩnh.

VIII. TÀYANA (S.i,49) (Dhammapada 313, 314, 311, 312 Thera G 277)

1) Rồi Thiên tử Tàyana, trước kia thuộc ngoại Đạo sư, sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Tàyana nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:

2) Ôi này Bà-la-môn,

Tinh tấn, cắt dòng nước,

Đoạn trừ và tiêu diệt,

Mọi tham đắm dục vọng.

Ẩn sĩ không đoạn dục,

Không chứng được nhứt tâm.

Nếu làm việc phải làm,

Cần kiên trì, tinh tấn.

Xuất gia, nếu biếng nhác,

Càng tung vãi bụi trần.

Không làm, hơn làm dở,

Làm dở sau khổ đau.

Đã làm nên làm tốt,

Làm tốt không khổ đau.

Như nắm vụng lá cỏ,

Có thể bị đứt tay.

Sa-môn hạnh vụng tu,

Kéo đến cõi địa ngục.

Mọi sở hành biếng nhác,

Mọi hạnh tu ô nhiễm,

Ác hạnh trong Phạm hạnh,

Không đưa đến quả lớn.

3) Thiên tử Tàyana nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy.

4) Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, liền gọi các Tỷ-kheo.

5) – Này các Tỷ-kheo, đêm nay Thiên tử Tàyana, trước kia thuộc ngoại Đạo sư, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Tàyana nói lên bài kệ này trước mặt Ta:

6) “Ôi này Bà-la-môn

Tinh tấn cắt dòng nước,

Đoạn trừ và tiêu diệt,

Mọi tham đắm dục vọng.

Ẩn sĩ không đoạn dục,

Không chứng được nhứt tâm.

Nếu làm việc khó làm,

Cần kiên trì tinh tấn,

Xuất gia nếu biếng nhác,

Càng tung vãi bụi trần.

Không làm, hơn làm dở,

Làm dở sau khổ đau.

Đã làm nên làm tốt,

Làm tốt không khổ đau.

Như nắm vụng lá cỏ,

Có thể bị đứt tay,

Sa-môn hạnh vụng tu,

Kéo đến cõi địa ngục.

Mọi sở hành biếng nhác,

Mọi hạnh tu ô nhiễm,

Ác hạnh trong Phạm hạnh,

Không đưa đến quả lớn”.

7) Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Tàyana nói như vậy. Nói vậy xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta và biến mất tại chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy đọc bài kệ của Tàyana. Này các Tỷ-kheo, hãy học thuộc lòng bài kệ của Tàyana. Này các Tỷ-kheo, bài kệ của Tàyana có đầy đủ nghĩa lợi và chính là căn bản của Phạm hạnh.

IX. CANDIMA (S.i,50) Nguyệt Thiên tử (Tạp 22.8 Nguyệt Thiên tử, Đại 2, 155a) (Biệt Tạp 9.7, Đại 2, 436a)

1) Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ).

Lúc bấy giờ, Thiên tử Candima bị Ràhu, vua A-tu-la bắt. Rồi Thiên tử Candima, tưởng niệm đến Thế Tôn, trong lúc ấy nói lên bài kệ này:

2) Đảnh lễ đấng Giác Ngộ,

Bậc Anh Hùng muôn thuở,

Ngài là bậc Giải Thoát,

Thoát ly thật viên mãn,

Còn con bị trói buộc,

Hãy cho con quy ngưỡng.

3) Rồi Thế Tôn, vì Thiên tử Candima, nói lên bài kệ này cho Ràhu, vua A-tu-la:

Canda đã quy y,

Như Lai, bậc La-hán,

Ràhu, hãy thả nó,

Vì chư Phật thương đời.

4) Rồi Ràhu, vua A-tu-la, giải thoát cho Thiên tử Candima. Như bị hốt hoảng, Ràhu đi đến Vepacitti, vua A-tu-la, run sợ, lông tóc dựng ngược và đứng một bên. Và Vepacitti, vua A-tu-la, nói lên bài kệ cho Ràhu, vua A-tu-la, đang đứng một bên:

5) Vì sao, như hốt hoảng,

Ràhu thả Canda,

Ông đến, lòng run sợ,

Ông đứng, tâm kinh hoàng?

6) – Đầu con bể thành bảy,

Đời con không hạnh phúc,

Với lời kệ đức Phật,

Nếu không thả Canda.

X. SURIYA: (S.i,51) Nhật Thiên tử...

1) Lúc bấy giờ, Thiên tử Suriya bị Ràhu, vua A-tu-la bắt. Rồi Thiên tử Suriya tưởng niệm đến Thế Tôn, trong lúc ấy nói lên bài kệ này:

2) Đảnh lễ đấng Giác Ngộ,

Bậc Anh Hùng muôn thuở,

Ngài là bậc Giải Thoát,

Thoát ly thật viên mãn,

Còn con bị trói buộc,

Hãy cho con quy ngưỡng.

3) Rồi Thế Tôn, vì Thiên tử Suriya, nói lên bài kệ này cho Ràhu, vua A-tu-la:

Suriya đã quy y,

Như Lai bậc La-hán,

Ràhu, hãy thả nó,

Vì chư Phật thương đời.

Ông đi giữa hư không,

Chớ nuốt Suriya,

Trong thế giới tối tăm,

Đã đem lại ánh sáng,

Là mặt trời sáng chói,

Là dĩa tròn hực đỏ,

Là lò lửa cháy nóng,

Là bà con của Ta.

Này Ràhu, (Ta nói):

Hãy thả Suriya.

4) Rồi Ràhu, vua A-tu-la, giải thoát cho Thiên tử Suriya. Như bị hốt hoảng, Ràhu đi đến Vepacitti, vua A-tu-la run sợ, lông tóc dựng ngược và đứng một bên. Và Vepacitti, vua A-tu-la, nói lên bài kệ cho Ràhu, vua A-tu-la, đang đứng một bên:

5) Vì sao, như hốt hoảng,

Ràhu, thả Suriya,

Ông đến, lòng run sợ,

Ông đứng, tâm kinh hoàng?

6) – Đầu con bể thành bảy,

Đời con không hạnh phúc,

Với lời kệ đức Phật,

Nếu không thả Suriya.

II. PHẨM CẤP CÔ ĐỘC (S.i,51)

I. CANDIMASA

Tại Sàvatthi.

1) Rồi Thiên tử Candimasa, sau khi đêm đã gần mãn,với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Candimasa nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

2) Họ sẽ đi an toàn,

Như thú, vùng không muỗi,

Sau khi chứng Thiền định,

Nhứt tâm, niệm tỉnh giác,

Họ sẽ đi bờ kia,

Như cá, phá rách lưới,

Sau khi chứng Thiền định,

Tự chế, vượt lỗi lầm.

II. VENDU (S.i,52)

1) Đứng một bên, Thiên tử Vendu nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

2) Hạnh phúc thay những người,

Sau khi hầu Thiện Thệ,

Tuân phụng lời Ngài dạy,

Tu học không phóng dật!

3) Thế Tôn nói: Vendu!

Những ai Thiền tu học.

Trong pháp cú Ta dạy,

Tinh cần, không phóng dật,

Đúng thời họ sẽ đi,

Thoát khỏi tay tử thần.

III. DÌGHALATTHI (S.i,52)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương xá), Trúc lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Thiên tử Dìghalatthi, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Dìghalatthi nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Với tâm tư giải thoát,

Vị Tỷ-kheo tu Thiền,

Và với lòng ước vọng,

Đạt được tâm sở nguyện,

Sau khi biết cuộc đời,

Sanh khởi rồi đoạn diệt,

Tâm thuần không chấp trước,

Hưởng lợi quả như chơn.

IV. NANDANA (S.i,52)

1) Đứng một bên, Thiên tử Nandana nói bài kệ với Thế Tôn:

Con hỏi Gotama,

Bậc Đại Giác toàn trí,

Con hỏi đấng Thế Tôn,

Với tri kiến vạn năng.

Người nào gọi trì giới?

Người nào gọi trí tuệ?

Người nào vượt sầu khổ?

Người nào chư Thiên lạy?

(Thế Tôn):

2) Ai hộ trì giới luật,

Trí tuệ, tâm tu trì,

Chú tâm, vui Thiền định,

Tâm tư trú chánh niệm,

Tất cả mọi sầu khổ,

Được trừ diệt, đoạn tận,

Các lậu hoặc tận trừ,

Sống với thân tối hậu,

Vị ấy gọi trì giới,

Vị ấy gọi trí tuệ,

Vị ấy vượt sầu khổ,

Vị ấy chư Thiên lạy.

V. CADANA: CHIÊN ĐÀN (S.i,53)

1) Đứng một bên, Thiên tử Candana nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Làm sao vượt bộc lưu,

Ngày đêm vững, kiên trì,

Không trú, không bám víu,

Ai không chìm vực sâu?

(Thế Tôn):

2) Vị luôn luôn trì giới,

Trí tuệ, khéo định tĩnh,

Chí siêng năng dõng mãnh,

Vượt bộc lưu khó vượt.

Vị đoạn, ly dục tưởng,

Vượt khỏi sắc triền phược,

Đoạn tận hỷ, hữu ái,

Không chìm xuống vực sâu.

VI. SUDATTA (Tu-đạt-đa)

1) Đứng một bên, Thiên tử Sudatta nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Như kiếm đã chạm da,

Như lửa cháy trên đầu,

Tỷ-kheo hãy chánh niệm,

Xuất gia, bỏ ái dục.

(Thế Tôn):

2) Như kiếm đã chạm da,

Như lửa cháy trên đầu,

Tỷ-kheo hãy chánh niệm,

Xuất gia, bỏ thân kiến.

VII. SUBRAHMÀ (S.i,53)

1) Đứng một bên, Thiên tử Subrahmà nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Tâm này thường sợ hãi,

Ý này thường dao động,

Điều mong ước không khởi,

Điều không mong lại khởi,

Nếu có, không sợ hãi,

Hãy nói điều con hỏi.

(Thế Tôn):

2) Không ngoài hạnh giác chi,

Không ngoài hộ trì căn,

Không ngoài bỏ tất cả,

Ta thấy các pháp ấy,

Đưa đến sự an toàn,

Cho tất cả chúng sanh.

3) Rồi Thiên tử biến mất tại chỗ ấy.

VIII. KAKUDHA (S.i,54)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàketa, rừng Anjana, tại vườn Nai. Rồi Thiên tử Kokudha, sau khi đêm đã gần mãn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn khu rừng Anjana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

2) Đứng một bên, Thiên tử Kakudha bạch Thế Tôn:

– Thưa Sa-môn, Ngài có hoan hỷ không?

– Ta được cái gì, này Hiền giả, mà Ta hoan hỷ?

– Nếu vậy, thưa Sa-môn, có phải Ngài sầu muộn?

– Ta mòn mỏi cái gì, này Hiền giả, mà Ta sầu muộn?

– Vậy thời thưa Sa-môn, Ngài không hoan hỷ và không sầu muộn?

– Thật như vậy, này Hiền giả.

3) Làm sao, này Tỷ-kheo,

Ngài không có sầu muộn,

Tuy vậy, Ngài cũng không

Có được sự hoan hỷ?

Làm sao nay Ngài lại,

Ngồi cô độc một mình,

Không có được hoan hỷ,

Cũng không bị dao động?

4) Thật sự, này Dạ-xoa,

Ta không có sầu muộn,

Tuy vậy ở nơi Ta,

Hoan hỷ không khởi lên,

Dầu nay Ta có ngồi,

Riêng một mình cô độc,

Ta không có hoan hỷ,

Cũng không bị dao động.

5) Làm sao, này Tỷ-kheo,

Ngài không có sầu muộn,

Làm sao ở nơi Ngài,

Hoan hỷ không khởi lên?

Làm sao nay Ngài lại,

Ngồi cô độc một mình,

Không có được hoan hỷ,

Cũng không bị dao động?

6) Hoan hỷ chỉ có đến,

Với người tâm sầu muộn,

Sầu muộn chỉ có đến,

Với người tâm hoan hỷ.

Do vậy, vị Tỷ-kheo,

Không hoan hỷ, sầu muộn.

Vậy nên, này Hiền giả,

Ông phải biết như vậy.

7) Đã lâu, con mới thấy,

Bà-la-môn tịch tịnh,

Vị Tỷ-kheo không sầu,

Cũng không có hoan hỷ,

Đã an toàn vượt khỏi,

Chỗ người đời đắm say.

IX. UTTARA (S.i,54)

1) Nhân duyên tại thành Vương xá.

Đứng một bên, Thiên tử Uttara nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

2) Mạng sống bị dắt dẫn,

Tuổi thọ chẳng là bao,

Bị dẫn đến già nua,

Không có nơi dừng bước.

Ai đem tâm quán tưởng,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy làm các công đức,

Đưa đến chơn an lạc.

3) Mạng sống bị dắt dẫn,

Tuổi thọ chẳng là bao,

Bị dẫn đến già nua,

Không có nơi dừng bước.

Ai đem tâm quán tưởng,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy bỏ mọi thế lợi,

Tâm hướng cầu tịch tịnh.

X. ANÀTHAPINDIKA: Cấp Cô Độc (S.i,55)

1) Đứng một bên, Thiên tử Cấp Cô Độc nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Đây là rừng Kỳ Viên,

Chỗ trú xứ Thánh chúng,

Chỗ ở đấng Pháp Vương,

Khiến tâm con hoan hỷ.

Nghiệp, minh và tâm pháp,

Giới và tối thắng mạng,

Chính những diệu pháp ấy,

Khiến chúng sanh thanh tịnh,

Không phải vì dòng họ,

Không phải vì tài sản.

Do vậy bậc Hiền giả,

Thấy lợi ích chính mình,

Chánh giác sát tâm pháp,

Như vậy được thanh tịnh.

Như ngài Xá-lợi-phất,

Tuệ, giới và tịch tịnh,

Tỷ-kheo đến bờ giác,

Ở đây là tối thượng.

2) Thiên tử Anàthapindika nói như vậy, nói vậy xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ ấy.

3) Rồi Thế Tôn sau khi đêm ấy đã qua, liền gọi các Tỷ-kheo và nói:

4) – Này các Tỷ-kheo, đêm nay có Thiên tử, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Đứng một bên, này các Tỷ-kheo, vị Thiên tử ấy nói lên bài lệ này trước mặt Ta:

5) “Đây là rừng Kỳ Viên,

Chỗ trú xứ Thánh chúng,

Chỗ ở đấng Pháp Vương,

Khiến tâm con hoan hỷ.

Nghiệp, minh và tâm pháp,

Giới và tối thắng mạng,

Chính những diệu pháp ấy,

Khiến chúng sanh thanh tịnh,

Không phải vì dòng họ,

Không phải vì tài sản.

Do vậy bậc Hiền giả,

Thấy lợi ích chính mình,

Chánh giác sát tâm pháp,

Như vậy được thanh tịnh.

Như ngài Xá-lợi-phất,

Tuệ, giới và tịch tịnh,

Tỷ-kheo đến bờ giác,

Ở đây là tối thượng”.

6) Này các Tỷ-kheo, Thiên tử ấy nói như vậy, nói vậy xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.

7) Được nghe nói như vậy, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, có phải vị Thiên tử ấy là Anàthapindika? Gia chủ Anàthapindika hết dạ tín thành đối với Tôn giả Sàriputta?

8) – Lành thay! Lành thay! Này Ànanda, cho đến những gì có thể đạt được nhờ suy diễn, này Ànanda, Ông đã đạt được. Này Ànanda, Anàthapindika là vị Thiên tử ấy.

III. PHẨM CÁC NGOẠI ĐẠO (S.i,56)

I. SIVA

1) Như vậy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Rồi Thiên tử Siva, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Siva nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

2) Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Chỉ tốt hơn, không xấu.

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Được tuệ, không gì khác.

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Không sầu giữa sầu muộn.

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Chói sáng giữa quyến thuộc.

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Chúng sanh sanh thiện thú.

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền

Chúng sanh thường hưởng lạc.

3) Rồi Thế Tôn đáp lại Thiên tử Siva với bài kệ:

Hãy thân với người lành,

Hãy gần gũi người thiện,

Biết diệu pháp người hiền,

Giải thoát mọi khổ đau.

II. KHEMA (S.i,57)

Đứng một bên, Thiên tử Khema nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Kẻ ngu không trí tuệ,

Lấy ngã làm kẻ thù,

Tự làm các ác nghiệp,

Đưa đến quả đắng cay.

Nghiệp nào không khéo làm,

Làm xong bị nung nấu,

Với mặt đầy nước mắt,

Khóc lóc chịu quả báo.

Và nghiệp nào khéo làm,

Làm xong, không nung nấu,

Tâm vui, ý thoải mái,

Vị ấy hưởng quả báo.

Biết điều lợi cho mình,

Làm trước điều phải làm,

Không tâm trạng đánh xe,

Kẻ trí lòng tinh tấn.

Như người chủ đánh xe,

Rời đại đạo thăng bằng,

Leo lên đường lồi lõm,

Ưu tư nạn gãy trục.

Cũng vậy bỏ Chánh pháp,

Người ngu theo phi pháp,

Rơi vào miệng tử thần,

Ưu tư như gãy trục.

III. SERÌ (S.i,57)

1) Đứng một bên, Thiên tử Serì nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Cả hai loại Trời, Người,

Đều ưa thích ăn uống,

Có Dạ-xoa tên nào,

Lại không thích ăn uống!

(Thế Tôn)

Ai cho với lòng tin,

Với tâm tư thanh tịnh,

Được phần món ăn ấy,

Đời này và đời sau.

Vậy hãy ngăn xan tham,

Bố thí, nhiếp cấu uế,

Chúng sanh vẫn hưởng thọ,

Công đức trong đời sau.

2) – Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói điều khéo nói như vậy:

“Ai cho với lòng tin,

Với tâm tư thanh tịnh,

Được phần món ăn ấy,

Đời này và đời sau.

Vậy hãy ngăn xan tham,

Bố thí, nhiếp cấu uế,

Chúng sanh vẫn hưởng thọ,

Công đức trong đời sau”.

3) Bạch Thế Tôn, thuở xưa con là vị vua tên Serì, ưa bố thí, là bậc thí chủ tán thán bố thí. Bạch Thế Tôn, tại bốn cửa thành, bố thí được phân phát nhân danh con, cho những ai đến xin, cho các vị Bà-la-môn và Sa-môn, cho các người nghèo đói và tàn phế, cho các nhà lữ hành và hành khất.

4) Bạch Thế Tôn, khi con đến các cung phi của con, họ thưa với con: “Đại vương thường hay bố thí, còn chúng con chưa bố thí. Lành thay nếu chúng con được nương tựa Đại vương để bố thí và làm các công đức”.

5) Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Ta là người ưa bố thí, là thí chủ tán thán bố thí. Nay ta phải trả lời như thế nào khi họ đến và thưa: “Chúng ta hãy bố thí”?”. Bạch Thế Tôn, con cho các cung phi cửa thành thứ nhất. Ở đây các cung phi được bố thí, và bố thí của con trở lui lại cho con.

6) Rồi bạch Thế Tôn, các Sát-đế-lỵ (Khattiya) chư hầu của con đến con và thưa: “Đại vương đã bố thí. Các cung phi đã bố thí. Chúng con chưa bố thí. Lành thay nếu chúng con được nương tựa Đại vương để bố thí và làm các công đức”.

Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Ta là người ưa bố thí, là thí chủ tán thán bố thí. Nay ta phải trả lời như thế nào khi họ đến và thưa: “Chúng ta hãy bố thí”?”. Bạch Thế Tôn, con cho các chư hầu Khattiya cửa thành thứ hai. Ở đây các chư hầu Khattiya được bố thí, và bố thí của con được trở lui lại cho con.

7) Rồi bạch Thế Tôn, quân đội đến con và thưa: “Đại vương đã bố thí. Các cung phi đã bố thí. Các chư hầu Khattiya đã bố thí. Chúng con chưa bố thí. Tốt lành thay nếu chúng con được nương tựa Đại vương để bố thí và làm các công đức”.

Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Ta là người ưa bố thí, là thí chủ tán thán bố thí. Nay ta phải trả lời như thế nào khi họ đến và thưa: “Chúng ta hãy bố thí”?”. Bạch Thế Tôn, con cho quân đội cửa thành thứ ba. Ở đây quân đội được bố thí và bố thí của con được trở lui lại cho con.

8) Rồi bạch Thế Tôn, các Bà-la-môn gia chủ đến con và thưa: “Đại vương đã bố thí. Các cung phi đã bố thí. Các chư hầu Khattiya đã bố thí. Quân đội đã bố thí. Chúng con chưa bố thí. Tốt lành thay nếu chúng con được nương tựa Đại vương để bố thí và làm các công đức!”.

Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Ta là người ưa bố thí, là thí chủ tán thán bố thí. Nay ta phải trả lời như thế nào khi họ đến và thưa: “Chúng ta hãy bố thí”?”. Bạch Thế Tôn, con cho các Bà-la-môn gia chủ cửa thành thứ tư. Ở đây các Bà-la-môn gia chủ được bố thí và bố thí của con được trở lui lại cho con.

9) Rồi bạch Thế Tôn, các người của con đến con và thưa: “Nay Đại vương không còn bố thí nào để cho nữa”.

Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với các người ấy như sau: “Này các Ông, các thuế má thâu hoạch được từ các nước ngoài vào, một nửa hãy gửi vào trong nội thành, một nửa ngay tại chỗ ấy đem bố thí cho các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các người nghèo và tàn tật, các nhà lữ hành và hành khất”.

10) Như vậy, bạch Thế Tôn, con không chấm dứt trong một thời gian dài các việc làm công đức, trong một thời gian dài các việc làm thiện, những việc làm được con xem như là công đức, hay như là công đức quả hay như là những điều kiện được sanh thiên giới.

11) Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói lên điều khéo nói như vầy:

“Ai cho với lòng tin,

Với tâm tư thanh tịnh,

Được phần món ăn ấy,

Đời này và đời sau.

Vậy hãy ngăn xan tham,

Bố thí, nhiếp cấu uế,

Chúng sanh vẫn hưởng thọ,

Công đức trong đời sau”.

IV. GHATÌKARA (S.i,60)

1) Đứng một bên, Thiên tử Ghatìkara nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Được sanh Vô phiền thiên,

Bảy Tỷ-kheo giải thoát,

Đoạn tận tham và sân,

Siêu thoát đời ái trược.

2) Vượt bùn, họ là ai?

Khó vượt lệnh thần chết,

Sau khi bỏ thân người,

Họ thoát ách chư Thiên.

3) Họ là Upaka,

Và Phalaganda,

Với Pukkusàti,

Hợp thành là ba vị.

Lại thêm Bhaddiya,

Với Khandadeva,

Và Bàhuraggi,

Cùng với Pingiya,

Sau khi bỏ thân người,

Họ thoát ách chư Thiên.

(Thế Tôn):

4) Ông nói điều tốt lành,

Về bảy Tỷ-kheo ấy,

Họ thoát ly, đoạn trừ,

Các cạm bẫy Ma vương.

Pháp họ biết, của ai

Đoạn được hữu kiết sử?

(Ghatìkara):

5) Không ai ngoài Thế Tôn,

Chính thật giáo lý Ngài,

Họ biết pháp của Ngài,

Đoạn được hữu kiết sử.

Chỗ nào danh và sắc,

Được đoạn diệt không dư,

Họ học được pháp ấy,

Ở đây từ nơi Ngài.

Nhờ vậy họ đoạn trừ,

Hữu kiết sử trói buộc.

(Thế Tôn):

6) Lời Ông nói thâm sâu,

Khó biết, khó chứng ngộ,

Pháp Ông biết của ai,

Sao Ông không nói được?

(Ghatìkara):

7) Thuở xưa, con thợ gốm,

Tại Vehalinga,

Và con được tên gọi,

Là Ghatìkara.

Chính con lo nuôi dưỡng

Cả mẹ lẫn cả cha,

Đối với Phật Ca-diếp,

Con đệ tử tại gia.

Con viễn ly dâm dục,

Phạm hạnh, không thế vật,

Thuở xưa, con đồng hương,

Cũng là bạn của họ

Do vậy con biết họ,

Bảy Tỷ-kheo giải thoát,

Đoạn tận tham và sân,

Vượt qua đời phiền trược.

(Thế Tôn):

8) Vậy này Bhaggava,

Chính như Ông vừa nói,

Thuở xưa, Ông thợ gốm,

Tại Vehalinga,

Và Ông được tên gọi,

Là Ghatìkara,

Chính Ông lo nuôi dưỡng

Cả mẹ lẫn cả cha,

Đối với Phật Ca-diếp,

Ông đệ tử tại gia,

Ông viễn ly dâm dục,

Phạm hạnh, không thế vật.

9) Thuở xưa, Ông đồng hương,

Cũng là bạn của Ta.

Như vậy là hội ngộ,

Giữa những bạn thuở xưa,

Cả hai khéo tu tập,

Mang thân này tối hậu.

V. JANTU ( S.i,61)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời một số đông Tỷ-kheo trú ở Kosala (Câu-tát-la), trên sườn núi Himavanta (Tuyết sơn), tại một cốc nhỏ trong rừng. Họ tự cao, tự mãn, dao động, lắm mồm lắm miệng, ăn nói huyên thuyên, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tư tán loạn, các căn không chế ngự.

2) Rồi Thiên tử Jantu, vào đêm Bố-tát, ngày rằm, đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến nói lên bài kệ với các Tỷ-kheo ấy:

Các Tỷ-kheo thuở xưa,

Sống thật chơn an lạc,

Họ thật là đệ tử,

Bậc Đại Giác Cù-đàm.

Không ham tìm món ăn,

Không ham tìm chỗ trú,

Biết đời là vô thường,

Họ chấm dứt khổ đau.

Nay tự làm ác hạnh,

Như thôn trưởng trong làng.

Họ ăn, ăn ngả gục,

Thèm khát vật nhà người.

Con vái chào chúng Tăng,

Đảnh lễ một vài vị

Kẻ khác, sống vất vưởng,

Không chỉ đạo, hướng dẫn.

Họ giống như thân thể

Kẻ chết bị quăng bỏ.

Những ai sống phóng dật,

Vì họ con nói lên,

Những ai không phóng dật,

Chân thành, con đảnh lễ.

VI. ROHITA (S.i,61)

1) Tại Sàvatthi (Xá-vệ).

2) Đứng một bên, Thiên tử Rohitassa bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, tại chỗ nào không có sanh, không có già, không có chết, không có diệt, không có khởi, làm sao, bạch Thế Tôn, với bộ hành, có thể biết được, hay thấy được, hay đạt được sự tận cùng của thế giới?

3) – Này Hiền giả, tại chỗ nào không có sanh, không có già, không có chết, không có diệt, không có khởi, Ta nói rằng (tại chỗ ấy), không có thể với bộ hành, biết được, hay thấy được, hay đạt được sự tận cùng của thế giới.

4) – Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói lên điều khéo nói như vầy: “Này Hiền giả, tại chỗ nào không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi, Ta nói rằng tại chỗ ấy, không có thể với bộ hành biết được, hay thấy được, hay đạt được sự tận cùng của thế giới”.

5) Bạch Thế Tôn, thuở trước, con tên là Rohita con của Bhoja, có thần thông, có thể đi giữa hư không. Bạch Thế Tôn, tốc lực con mau lẹ cho đến con có thể bay, như người thợ bắn cung lão luyện, khéo tập, khéo luyện, thuần thục, thiện xảo, với một cây cung chắc mạnh không gì khó khăn, có thể bắn một mũi tên nhẹ bay vượt qua bóng tối của cây tala.

6) Và bạch Thế Tôn, bước đi của con dài cho đến con có thể bước từ biển phía Đông qua biển phía Tây. Và ở nơi con, bạch Thế Tôn, khởi lên sự ước muốn như sau: “Với bộ hành, ta có thể đạt đến được sự tận cùng của thế giới”.

7) Và bạch Thế Tôn, dầu cho tốc lực của con mau đến như vậy, và dầu cho con có bước dài đến như vậy, và dầu cho con không có dừng để ăn, hay uống, hay nhai, hay nếm, dầu cho con không có đại tiện, tiểu tiện, dầu cho con không ngủ, không bị mệt nhọc, không trừ cấu uế, dầu cho trăm năm là tuổi thọ thường tình, dầu cho trăm năm là mạng sống thường tình, tuy con đi hơn trăm năm và bị mệnh chung, con cũng không thể đạt đến sự tận cùng của thế giới.

8) Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói lên điều khéo nói như vầy: “Này Hiền giả, tại chỗ nào không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi. Ta nói rằng tại chỗ ấy, không có thể bộ hành, biết được hay thấy được sự tận cùng của thế giới. Ta nói như vậy”.

9) – Này Hiền giả, nhưng Ta cũng không nói rằng không đạt được sự tận cùng của thế giới thời chấm dứt cuộc khổ đau. Này Hiền giả, chính trong cái thân thể dài một tầm có tưởng, có ý này, Ta tuyên bố thế giới, nguyên nhân của thế giới, sự đoạn diệt thế giới và con đường đưa đến sự đoạn diệt của thế giới.

10) Bộ hành không bao giờ

Đạt được thế giới tận,

Không đạt thế giới tận,

Không thể thoát khỏi khổ.

Do vậy, bậc Hiền thiện,

Thế gian giải, Thiện tuệ,

Đạt đến thế giới tận,

Phạm hạnh được viên thành.

Với tâm tư định tĩnh,

Biết được thế giới tận,

Không ước vọng đời này,

Không ước vọng đời sau.

VII. NANDA: (S.i,62) (Xem trước I, 1*4).

1) Đứng một bên, Thiên tử Nanda nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Thời gian lặng trôi qua,

Đêm ngày luôn di động,

Tuổi tác buổi thanh xuân,

Tiếp tục bỏ chúng ta.

Những ai chịu quán sát,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy làm các công đức,

Được hưởng cảnh an lạc.

(Thế Tôn):

2) Thời gian lặng trôi qua,

Đêm ngày luôn di động,

Tuổi tác buổi thanh xuân,

Tiếp tục bỏ chúng ta.

Những ai chịu quán sát,

Sợ hãi tử vong này,

Hãy bỏ mọi thế lợi,

Được hưởng chơn tịch tịnh.

VIII. NANDIVISÀLA: (S.i,63)

1) Đứng một bên, Thiên tử Nandivisàla nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Bốn bánh xe chín cửa,

Đầy uế, hệ lụy tham,

Chìm đắm trong bùn nhơ,

Ôi! Thưa bậc Đại Hùng,

Sanh thú Ngài như vậy,

Tương lai sẽ thế nào?

(Thế Tôn):

2) Cắt hỷ và buộc ràng,

Dục tham và tà ác,

Ái căn được đoạn tận,

Sanh thú sẽ như vậy.

IX. SUSIMA (S.i,63)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Đại đức Ànanda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Đại đức Ànanda đang ngồi một bên:

– Này Ànanda, Ông có hoan hỷ đối với Sàriputta không?

3) – Bạch Thế Tôn, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Tôn giả Sàriputta? Bạch Thế Tôn, hiền trí là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, đại tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, quảng tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, hỷ tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, tiệp tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, lợi tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, quyết trạch tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, ít dục là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, biết đủ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, viễn ly là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, bất cộng trú là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, tinh cần, tinh tấn là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, biện tài là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, nghe lời trung ngôn là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, cáo tội trung thực là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, chỉ trích ác pháp là Tôn giả Sàriputta.

Bạch Thế Tôn, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Tôn giả Sàriputta!

4) – Như vậy là phải, này Ànanda. Như vậy là phải, này Ànanda. Này Ànanda, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Sàriputta? Này Ànanda, hiền trí là Sàriputta. Này Ànanda, đại tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, quảng tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, hỷ tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, tiệp tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, lợi tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, quyết trạch tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, ít dục là Sàriputta. Này Ànanda, biết đủ là Sàriputta. Này Ànanda, viễn ly là Sàriputta. Này Ànanda, bất cọng trú là Sàriputta. Này Ànanda, biện tài là Sàriputta. Này Ànanda, nghe lời trung ngôn là Sàriputta. Này Ànanda, cáo tội trung thực là Sàriputta. Này Ànanda, chỉ trích ác pháp là Sàriputta. Này Ànanda, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm, lại có thể không hoan hỷ đối với Sàriputta?

5) Rồi Thiên tử Susima, trong khi được nghe lời tán thán về Tôn giả Sàriputta, với đại chúng Thiên tử đoanh vây, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

6) Đứng một bên, Thiên tử Susima bạch Thế Tôn:

– Như vậy là phải, bạch Thế Tôn. Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ. Bạch Thế Tôn, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, hiền trí là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, đại tuệ là Tôn giả Sàriputta...... Bạch Thế Tôn, chỉ trích ác pháp là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Tôn giả Sàriputta? Bạch Thế Tôn, con đi đến chúng Thiên tử nào, con đều được nghe nhiều lần tiếng nói như vậy: “Hiền trí là Tôn giả Sàriputta...... chỉ trích ác pháp là Tôn giả Sàriputta. Ai không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Tôn giả Sàriputta?”

7) Rồi chúng Thiên tử của Thiên tử Susima, trong khi những lời tán thán Tôn giả Sàriputta được lớn tiếng nói lên, họ hoan hỷ, hỷ duyệt, hân hoan và thân chói sáng màu sắc thù thắng.

8) Ví như một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo giũa, khéo mài, được đặt trên một tấm màn màu vàng da cam, chói sáng, chiếu sáng và bừng sáng. Cũng vậy, chúng Thiên tử của Thiên tử Susima, trong khi những lời tán thán Tôn giả Sàriputta được lớn tiếng nói lên, họ hoan hỷ, hỷ duyệt, hân hoan và thân chói sáng màu sắc thù thắng.

9) Ví như một đồ trang sức bằng vàng mịn được một người thợ vàng thiện xảo, khéo đập, khéo mài, đặt trên một tấm màn màu vàng da cam, chói sáng, chiếu sáng và bừng sáng. Cũng vậy, Thiên tử chúng của Thiên tử Susima...... và thân chói sáng màu sắc thù thắng.

10) Ví như trong khi đêm đã gần sáng, sao mai chói sáng, chiếu sáng và bừng sáng. Cũng vậy, chúng Thiên tử của Thiên tử Susima...... và thân chói sáng màu sắc thù thắng.

11) Ví như trong mùa thu, trên trời các vòng mây đã được bay sạch, mặt trời mọc lên giữa trời, đánh tan màn đêm, khắp giữa hư không chói sáng, chiếu sáng và bừng sáng. Cũng vậy, chúng Thiên tử của Thiên tử Susima, trong khi những lời tán thán Tôn giả Sàriputta được lớn tiếng nói lên, họ hoan hỷ, hỷ duyệt, hân hoan và thân chói sáng màu sắc thù thắng.

12) Rồi Thiên tử Susima, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Sàriputta:

Ngài Sàriputta,

Được mọi người xác nhận,

Là bậc Đại hiền trí,

Không phẫn hận, ít dục,

Nhu thuận và điều phục,

Được Đạo sư tán thán.

13) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ về Sàriputta cho Thiên tử Susima:

Về Sàriputta,

Mọi người đều xác nhận,

Là bậc Đại hiền trí,

Không phẫn hận, ít dục,

Nhu thuận và điều phục,

Như người khéo điều phục,

Chờ đợi thời giờ đến,

Để hưởng quả thuần thục.

X. CÁC NGOẠI ĐẠO SƯ (S.i,65)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở thành Vương xá, tại Trúc lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi rất đông Thiên tử, là đệ tử của nhiều ngoại Đạo sư Asama, Sahalì, Ninka, Àkotaka, Vetambarì và Mànavà Gàmiya, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, Thiên tử Asama nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Pùrana Kassapa:

Ở đây nếu có người,

Chém giết hay hại người,

Kassapa không thấy,

Qua các hành động ấy,

Là ác nghiệp cho mình,

Hay công đức cho mình.

Ngài tuyên bố như vậy,

Làm căn bản đức tin,

Ngài thật bậc Đạo sư,

Đáng được tôn kính, lễ.

4) Rồi Thiên tử Sahali nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Makkhali Gosàla:

Khổ hạnh và yếm ly,

Khéo điều phục, tự chế,

Từ bỏ các lời nói,

Gây đấu tranh với người,

Thăng bằng, tránh phạm tội,

Nói những lời thực ngữ,

Ngài không bao giờ làm,

Các tội phạm như vậy.

5) Rồi Thiên tử Ninka nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Nigantha Nàtaputta:

Vị Tỷ-kheo yếm ly,

Sáng suốt theo tế hạnh,

Khéo theo bốn tự chế,

Chỉ nói điều nghe thấy,

Không phạm điều lỗi lầm.

6) Rồi Thiên tử Akotaka nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về các ngoại Đạo sư:

Các ngoại Đạo sư này,

Như Pakudhaka,

Và Kàtiyàna,

Cùng với Nigantha,

Kể cả Makkhali,

Và cả Pùrana,

Mỗi vị là Đạo sư,

Chúng đệ tử của mình,

Đã đạt Sa-môn quả,

Không xa bậc Chân nhân.

7) Rồi Thiên tử Vetambarì nói lên bài kệ này với Thiên tử Akotaka:

Con giả can ghê tởm,

Có tru sủa thế nào,

Làm sao sánh bằng được,

Tiếng rống con sư tử.

Lỏa thể, nói vọng ngôn,

Lãnh đạo môn đồ chúng,

Làm các hạnh tà vạy,

Làm sao sanh thiện nhân?

8) Rồi Ác ma nhập vào Thiên tử Vetambarì nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Tu khổ hạnh yếm ly,

Sống viễn ly hành xác,

Đắm say trong sắc pháp,

Hoan lạc, mê Thiên giới.

Dầu họ bị tử vong,

Chắc chắn họ giảng dạy,

Hướng dẫn thật chơn chánh,

Đưa đến đời về sau.

9) Rồi Thế Tôn biết được chính là Ác ma, liền nói lên bài kệ cho Ác ma:

Phàm những sắc pháp gì,

Đời này hay đời sau,

Với màu sắc thù diệu,

Chói sáng giữa hư không,

Tất cả những sắc ấy,

Được Ma vương tán thán,

Chúng chỉ là bẫy mồi,

Quăng ra để diệt cá.

10) Rồi Thiên tử Mànava Gàmiya nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Thế Tôn:

Trong tất cả ngọn núi,

Ở tại Vương xá thành,

Ngọn núi Vipula,

Được gọi là tối thắng.

Trong dãy núi Tuyết sơn,

Ngọn Bạch Sơn tối thắng.

Giữa các loại không hành,

Mặt trời là tối thắng.

Giữa các loại thủy lộ,

Đại dương là tối thắng.

Trong các loài tinh tú,

Mặt trăng là tối thắng.

Giữa Thiên giới, địa giới,

Phật được gọi tối thượng.

PT & DTKVN

 

Năm bộ Nikaya : 

CHƯƠNG BA: TƯƠNG ƯNG KOSALA

I. PHẨM THỨ NHẤT

I. TUỔI TRẺ (S.i,68)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala (Kiều-tát-la) đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Tôn giả Gotama có tự cho mình đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không?

4) – Thưa Đại vương, nếu có ai có thể nói một cách chơn chánh là mình đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thời người ấy phải chính là Ta. Thưa Đại vương, Ta đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

5) – Thưa Tôn giả Gotama, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng. Như ngài Purana Kassapa, Makkali Gosàla, Nigantha Nàtaputta, Sanjaya Belatthiputta, Kakudha Kaccàyana, Ajita Kesakambala. Khi con hỏi các vị ấy: “Có tự xem là đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?”, thời họ đã trả lời, không tự xem mình đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vậy làm sao Tôn giả Gotama, trẻ tuổi, sanh sau đẻ muộn, và chỉ mới xuất gia lại tự cho mình như vậy?

6) – Thưa Đại vương, có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường, hay không nên miệt thị vì họ là trẻ. Thế nào là bốn?

– Thưa Đại vương, Khattiya trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì họ là trẻ. Thưa Đại vương, con rắn trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ. Thưa Đại vương, ngọn lửa trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ. Thưa Đại vương, Tỷ-kheo trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì họ là trẻ.

Thưa Đại vương, bốn loại trẻ tuổi này không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ.

7) Thế Tôn nói như vậy. Nói xong, bậc Thiện Thệ lại nói thêm như sau:

8) Sanh dòng Sát-đế-lỵ,

Thuộc quý tộc, danh xưng,

Chớ khinh thường là trẻ,

Chớ miệt thị là nhỏ.

Vị Sát-đế-lỵ ấy,

Đến thời lên ngôi vua,

Làm chúa tể loài Người,

Trị vì cả quốc độ.

Vị ấy nếu phẫn nộ,

Dùng vương phạt gia hình,

Ai bảo tồn mạng mình,

Hãy tránh né vị ấy.

9) Ở làng hay là rừng,

Có thấy rắn bò qua,

Chớ khinh thường rắn trẻ,

Chớ miệt thị rắn nhỏ,

Cao thấp hình sai biệt.

Rắn sống đầy nhiệt khí,

Bị tấn công, nó cắn,

Kẻ ngu cả nam nữ,

Ai bảo tồn mạng mình,

Hãy tránh né loài rắn.

10) Lửa cháy đầy khát vọng,

Lửa đốt thiêu, đốt cháy,

Chớ khinh thường lửa trẻ,

Chớ miệt thị lửa nhỏ.

Lửa được đồ bén cháy,

Liền cháy to, cháy lớn,

Bị tấn công, lửa đốt,

Kẻ ngu cả nam nữ,

Ai bảo tồn mạng mình,

Hãy tránh né lửa cháy.

11) Khu rừng bị lửa đốt,

Lửa đốt thiêu, đốt cháy,

Sau nhiều đêm và ngày,

Rễ mầm lại mọc lên.

12) Còn Tỷ-kheo trẻ giới,

Nồng cháy với nhiệt tình,

Nhưng không con, không cái,

Không của cải truyền thừa,

Không con, không thừa tự,

Như thân cây tala.

13) Do vậy, người hiền trí,

Tự thấy hạnh phúc mình,

Đối với rắn và lửa

Danh xưng Sát-đế-lỵ,

Vị Tỷ-kheo trì giới,

Với bốn vị kể trên,

Hãy biết cách cư xử,

Chơn chánh và tốt đẹp.

14) Khi nghe nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

II. NGƯỜI (S.i,70)

1) Tại Tinh xá ở Sàvatthi.

2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Có bao nhiêu loại pháp, bạch Thế Tôn, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy?

4) – Thưa Đại vương có ba loại pháp khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Thế nào là ba? Tham pháp, thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Sân pháp, thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Si pháp, thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Ba pháp ấy, thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy.

5) Tham, sân, si ba pháp,

Là ác tâm cho người,

Chúng di hại tự ngã,

Chúng tác thành tự ngã,

Như vỏ và lõi cây,

Tự tác thành trái cây.

III. VUA (S.i,71)

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, có cái gì sanh mà không già và không chết không?

3) – Thưa Đại vương, không có cái gì sanh mà không già và không chết.

4) Thưa Đại vương, dầu cho những vị Sát-đế-lỵ là những bậc đại phú, phú hào, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc. Các vị ấy có sanh cũng không thoát khỏi già và chết.

5) Thưa Đại vương, dầu cho những vị Bà-la-môn là những bậc đại phú, dầu cho những gia chủ là những bậc đại phú, phú hào, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc, các vị ấy có sanh cũng không thoát khỏi già và chết.

6) Thưa Đại vương, cho đến các vị Tỷ-kheo, những bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích tối hậu, đã đoạn được hữu kiết sử, đã được giải thoát nhờ chánh trí, cho đến thân này của các vị ấy cũng phải bị hủy hoại, cũng phải bị từ bỏ.

7) Xe vua dầu mỹ diệu,

Rồi cũng phải hư hoại,

Thân thể này cũng vậy,

Rồi cũng phải già yếu.

Chỉ thiện pháp không già,

Bậc thiện nhân nói vậy.

IV. THÂN ÁI (S.i,71)

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, ở đây khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: “Đối với những ai, tự ngã là thân ái? Đối với những ai, tự ngã là kẻ thù?” Và rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau:

3) “Những ai sống thân làm ác, sống miệng nói ác, sống ý nghĩ ác; đối với người ấy, tự ngã là kẻ thù. Dầu họ có nói: “Tự ngã là thân ái của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là kẻ thù. Vì sao vậy? Những gì kẻ thù làm cho kẻ thù, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù.

4) Những ai sống thân làm thiện, sống miệng nói thiện, sống ý nghĩ thiện, đối với họ, tự ngã là thân ái. Dầu cho họ có nói: “Tự ngã là kẻ thù của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là thân ái. Vì sao vậy? Những gì kẻ thân ái làm cho kẻ thân ái, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái”.

5) – Như vậy là phải, thưa Đại vương. Như vậy là phải, thưa Đại vương. Thưa Đại vương, những ai sống thân làm ác... Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù. Thưa Đại vương, những ai sống thân làm thiện... Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái.

 6) Nếu những ai biết được,

Tự ngã là thân ái,

Họ sẽ không liên hệ,

Với các điều ác hạnh.

Kẻ làm điều ác hạnh,

Khó được chơn hạnh phúc,

Bị thần chết cầm tù,

Từ bỏ thân làm người.

Kẻ có nghiệp như vậy,

Cái gì là của mình?

Lấy cái gì đem đi?

Cái gì theo dõi họ,

Như bóng theo dõi hình?

Ở đây kẻ bị chết,

Làm các nghiệp công đức,

Làm các nghiệp ác đức,

Lấy cả hai đem đi.

Cả hai của kẻ ấy,

Như bóng theo dõi hình.

Cả hai theo kẻ ấy,

Do vậy hãy làm lành,

Tích lũy cho đời sau,

Công đức cho đời sau,

Là hậu cứ cho người.

V. TỰ BẢO HỘ (S.i,72)

1) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

2) – Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: “Đối với những ai, tự ngã được bảo vệ? Đối với những ai, tự ngã không được bảo vệ?” Và rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau:

3) “Những ai thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, những người ấy không bảo vệ tự ngã. Dầu cho họ được tượng binh bảo vệ, hay được mã binh bảo vệ, hay được xa binh bảo vệ, hay được bộ binh bảo vệ; đối với những người ấy, tự ngã không được bảo vệ. Vì cớ sao? Vì sự bảo vệ như vậy là bảo vệ ở ngoài, không phải sự bảo vệ bên trong. Cho nên đối với những người ấy, tự ngã không được bảo vệ.

4) Và những ai thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, những người ấy bảo vệ tự ngã. Dầu cho họ không được tượng binh bảo vệ, hay không được mã binh bảo vệ, hay không được xa binh bảo vệ, hay không được bộ binh bảo vệ; đối với những người ấy, tự ngã được bảo vệ. Vì cớ sao? Vì sự bảo vệ như vậy là sự bảo vệ bên trong, không phải sự bảo vệ ở ngoài. Cho nên đối với những người ấy, tự ngã được bảo vệ”.

5) Lành thay bảo vệ thân!

Lành thay bảo vệ lời!

Lành thay bảo vệ ý!

Lành thay tổng bảo vệ!

Kẻ liêm sĩ bảo vệ,

Tổng quát và cùng khắp,

Vị ấy có tên gọi,

Là vị được bảo vệ.

VI. THIỂU SỐ (S.i,73)

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: “Ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác. Trái lại, thật là nhiều thay, những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, có thể bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê trong các dục và có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác.

3) – Thật sự là vậy, thưa Đại vương. Thật sự là vậy, thưa Đại vương. Ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với người khác. Trái lại, thật là nhiều thay những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, có thể bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê trong các dục và có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác.

4) Loài người bị đắm say,

Trong tài sản, trong dục,

Họ tham lam, điên dại,

Trong các dục ở đời,

Không ý thức rõ ràng,

Đã quá độ say mê,

Chẳng khác gì con nai,

Không thấy đặt bẫy sập,

Về sau họ khổ đau,

Chịu quả báo ác nghiệp.

VII. XỬ KIỆN (S.i,74)

1) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

2) – Ở đây, bạch Thế Tôn, con ngồi trong pháp đường (để xử kiện), con thấy chính các vị Sát-đế-lỵ đại phú, các Bà-la-môn đại phú, các gia chủ đại phú, phú hào, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc; vì nhân các dục, vì duyên các dục, vì nguyên nhân các dục, đã dụng ý nói lời vọng ngôn. Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Nay ta đã chán ngấy xử kiện. Nay hãy để cho vị hiền diện (bhadramukha) được có danh tiếng nhờ tài xử kiện”.

3) – Thưa Đại vương, các vị Sát-đế-lỵ đại phú, các vị Bà-la-môn đại phú, các vị gia chủ đại phú, phú hào có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc; vì nhân các dục, vì duyên các dục, vì nhân duyên các dục, đã dụng ý nói lên lời vọng ngôn. Do vậy họ sẽ gánh chịu bất lợi, đau khổ trong một thời gian dài.

4) Loài Người bị đắm say,

Trong tài sản, trong dục,

Họ tham lam, điên dại,

Trong các dục ở đời.

Không ý thức rõ ràng,

Đã quá độ say mê,

Chẳng khác gì con cá,

Không thấy đặt bẫy sập.

Về sau họ khổ đau,

Chịu quả báo ác nghiệp.

VIII. MALLIKÀ: Mạt-lỵ (S.i,75)

1) Tại Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ vua Pasenadi nước Kosala có mặt với hoàng hậu Mallikà, trên lầu thượng (hoàng cung).

3) Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với hoàng hậu Mallikà:

– Này Mallikà, có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của hoàng hậu.

4) – Thưa Đại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Đại vương, có ai khác thân ái với Đại vương hơn là tự ngã của Đại vương?

5) – Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.

6) Rồi vua Pasenadi nước Kosala bước xuống lầu và đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

7) – Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi lên lầu thượng (của hoàng cung) với hoàng hậu Mallikà và con nói với hoàng hậu Mallikà:

“ – Này Mallikà, có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của hoàng hậu?”.

Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, hoàng hậu Mallikà trả lời với con:

“ – Thưa Đại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Đại vương, có ai khác thân ái với Đại vương hơn là tự ngã của Đại vương?”. Được nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời cho hoàng hậu Mallikà:

“ – Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta”.

8) Rồi Thế Tôn, sau khi biết rõ ý nghĩa này, trong lúc ấy liền nói lên bài kệ này:

Tâm ta đi cùng khắp,

Tất cả mọi phương trời,

Cũng không tìm thấy được,

Ai thân hơn tự ngã.

Tự ngã đối mọi người,

Quá thân ái như vậy.

Vậy ai yêu tự ngã,

Chớ hại tự ngã người.

IX. TẾ ĐÀN (S.i,75)

1) Tại Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala tổ chức một đại tế đàn. Năm trăm con bò đực, năm trăm con bò con đực, năm trăm con bò con cái, năm trăm con dê, và năm trăm con cừu (urabbha) được dắt đến trụ tế lễ để làm lễ tế đàn.

3) Và có những người nô tỳ, hay những người phục dịch, hay những người lao động, bị hình phạt thúc đẩy, bị sợ hãi thúc đẩy,với nước mắt đầy mặt, than khóc và làm các công việc chuẩn bị (cho lễ tế đàn).

4) Rồi rất nhiều Tỷ-kheo, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực; khất thực xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

5) – Ở đây, bạch Thế Tôn, vua Pasenadi nước Kosala tổ chức một đại lễ tế đàn. Năm trăm con bò đực, năm trăm con bò con đực, năm trăm con bò con cái, năm trăm con dê, năm trăm con cừu được dắt đến trụ tế lễ để làm lễ tế đàn. Và có những người nô tỳ, hay những người phục dịch, hay những người lao công, bị hình phạt thúc đẩy, bị sợ hãi thúc đẩy, với nước mắt đầy mặt và than khóc, làm các công việc chuẩn bị cho lễ tế đàn.

6) Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ:

Lễ cúng ngựa, cúng người,

Quăng cọc, rượu chiến thắng,

Không chốt cửa, đại lễ,

Chúng không phải quả lớn.

Chỗ nào có giết hại,

Dê, cừu và trâu bò,

Lễ tế đàn như vậy,

Bậc Đại Thánh không đi.

Tế đàn không rộn ràng,

Cúng dường được thường hằng,

Không có sự giết hại,

Dê, cừu và trâu bò,

Lễ tế đàn như vậy,

Bậc Đại Thánh sẽ đi.

Bậc trí tế như vậy,

Tế đàn vậy, quả lớn.

Ai tế lễ như vậy,

Chỉ tốt hơn, không xấu,

Là tế đàn vĩ đại,

Được chư Thiên hoan hỷ.

X. TRIỀN PHƯỢC (S.i,76)

1) Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala đang bắt trói một số đông người. Một số người bị trói bằng dây, một số người bị trói bằng dây chuyền, một số người bị trói bằng kềm kẹp.

2) Rồi một số đông Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Đi khất thực xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, vua Pasenadi nước Kosala bắt trói một số đông người. Một số người bị trói bằng dây, một số người bị trói bằng dây chuyền, một số người bị trói bằng kềm kẹp.

Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên bài kệ:

Bậc có trí nói rằng

Trói vậy không vững chắc,

Trói bằng sắt, dây gai,

Kềm kẹp bằng gỗ mộc;

Đam mê các dục lạc,

Với châu báu, trang sức,

Và tâm tư tưởng vọng,

Hướng về con, về vợ.

Bậc có trí nói rằng

Trói vậy thật vững chắc.

Dầu trói buộc trì xuống,

Tế nhị và khó thoát,

Các vị chơn xuất gia,

Cắt đứt chúng làm đôi,

Không ước vọng mong cầu,

Từ bỏ mọi dục lạc.

II. PHẨM THỨ HAI

I. BỆN TÓC (S.i,77)

1) Một thời Thế Tôn ở tại Sàvatthi, Pubbàràma (Đông Viên), tại lâu đài Migàramàtu (Lộc Tử Mẫu giảng đường)

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, và đến ngồi tại mái hiên phía cửa ngoài.

Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

3) Lúc bấy giờ, bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lỏa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ với thân đầy lông, với móng tay dài, lớn như cây lau, mang các dụng cụ khất sĩ đang đi ngang qua, cách Thế Tôn không xa bao nhiêu.

4) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào phía một bên vai, quỳ xuống trên đầu gối tay mặt, chấp tay hướng về bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lỏa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy và nói lên ba lần tên của mình: “Thưa chư Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosala”.

5) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, khi bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lỏa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy đã đi qua không lâu liền đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

6) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, có phải những Tôn giả ấy là những vị A-la-hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán?

7) – Thưa Đại vương, khi Đại vương còn là cư sĩ, trong khi còn sống thọ hưởng các dục, bị con cái trói buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Kàsi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, sử dụng vàng và bạc, thời Đại vương thật khó biết được các vị ấy là bậc A-la-hán hay là bậc đang đi con đường hướng đến A-la-hán quả.

8) Thưa Đại vương, chính phải cọng trú mới biết được giới đức của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

9) Thưa Đại vương, chính phải cùng chung một nghề mới biết được sự thanh tịnh của một người, phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

10) Thưa Đại vương, chính trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, phải trong một thời gian dài không thể không khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

11) Thưa Đại vương, chính phải đàm đạo mới biết được trí tuệ của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

12) – Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn đã khéo nói như sau: “Thưa Đại vương, khi Đại vương còn là cư sĩ...... không phải không với ác tuệ”!

13) Bạch Thế Tôn, có những người trinh thám này của con, những người trinh sát, sau khi đi trinh sát một nước, họ đến con. Trước hết họ báo cáo rồi con mới đúc kết.

14) Bạch Thế Tôn, ở đây những người ấy sau khi tẩy sạch bụi và nhớp, sau khi tắm rửa và xoa dầu, sau khi chải sạch râu tóc, mặc áo vải trắng, họ được hầu hạ săn sóc và cho thọ hưởng năm dục công đức.

15) Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy mới nói lên bài kệ:

Không phải do sắc tướng,

Biết rõ được con người,

Không phải nhìn thoáng qua,

Đặt được lòng tin cậy.

Dưới bộ áo đạo đức,

Với hình tướng tự chế,

Những kẻ sống buông thả,

Sống phây phây đời này.

Như bông tai bằng đất,

Giả dạng bông tai thật,

Như nửa tiền bằng đồng,

Được sơn phết lớp vàng.

Một số sống che đậy,

Ẩn kín dưới bề ngoài,

Nội thân thật bất tịnh,

Mặt ngoài giả mỹ diệu.

II. NĂM VUA (S.i,79)

1) Trú ở Sàvatthi.

2) Một thời, năm vị vua, với vua Pasenadi nước Kosala là thượng thủ, đang thọ hưởng, được cung cấp và được đoanh vây với năm dục công đức. Câu chuyện sau đây được khởi lên giữa các vị ấy: “Dục lạc nào tối thượng?”

3) Ở đây, có người nói: “Sắc là dục tối thượng”; có người nói: “Tiếng là dục tối thượng”; có người nói: “Hương là dục tối thượng”; có người nói: “Vị là dục tối thượng”; có người nói: “Xúc là dục tối thượng”. Và các vua ấy không thể thuyết phục nhau về vấn đề này.

4) Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với các vua ấy:

– Chư Tôn giả, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến hãy hỏi Thế Tôn ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.

5) – Thưa vâng, Tôn giả.

Các vua ấy vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala.

6) Rồi năm vua ấy, với vua Pasenadi nước Kosala là thượng thủ, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

7) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, năm vua chúng con đang thọ hưởng, được cung cấp, được đoanh vây với năm dục công đức, câu chuyện sau đây được khởi lên giữa chúng con: “Dục nào là tối thượng?”. Có người nói: “Sắc là dục tối thượng”. Có người nói: “Tiếng là dục tối thượng”. Có người nói: “Hương là dục tối thượng”. Có người nói: “Vị là dục tối thượng”. Có người nói: “Xúc là dục tối thượng”. Bạch Thế Tôn, dục nào là tối thượng?

8) – Thưa Đại vương, tùy theo cùng độ ưa thích mà Ta nói rằng dục ấy là tối thượng trong năm dục công đức. Và thưa Đại vương, các sắc ấy đối với một số người được ưa thích, các sắc ấy đối với một số người không được ưa thích. Thưa Đại vương, nếu một ai ưa thích đối với các sắc pháp, tâm viên ý mãn, không có muốn các sắc pháp nào khác hơn, các sắc pháp nào tốt đẹp hơn các sắc pháp ấy, thời đối với vị này, các sắc pháp ấy là tối thượng, đối với vị này, các sắc pháp ấy là vô thượng.

9) Thưa Đại vương,các tiếng ấy...... Các hương ấy...... Các vị ấy...... Thưa Đại vương, các xúc ấy đối với một số người được ưa thích, các xúc ấy đối với một số người không được ưa thích. Thưa Đại vương, nếu một ai ưa thích đối với xúc pháp, tâm viên ý mãn, không có ý muốn các xúc pháp nào khác hơn, các xúc pháp nào tốt hơn các xúc pháp ấy, thời đối với vị này, các xúc pháp ấy là tối thượng, các xúc pháp ấy là vô thượng.

10) Lúc bấy giờ, có cư sĩ Candanangalika đang ngồi trong hội chúng ấy. Rồi cư sĩ Candanangalika từ chỗ ngồi đứng dậy đắp thượng y lên một bên vai, chấp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, một tư tưởng khởi lên nơi con. Bạch Thiện Thệ, một tư tưởng khởi lên nơi con.

11) Thế Tôn nói:

– Này Candanangalika, hãy nói lên tư tưởng ấy.

12) Rồi cư sĩ Candanangalika trước mặt Thế Tôn tán thán với một bài kệ thích nghi:

Giống như hoa sen đỏ,

Nực thơm mùi hương dịu,

Sáng sớm tinh sương nở,

Với hương hoa ứ đọng.

Hãy xem Angira,

Chói hào quang chiếu diệu,

Như mặt trời sáng chói,

Giữa hư không bao la.

13) Rồi năm vị vua ấy đắp năm áo lên trên mình cư sĩ Candanangalika.

14) Nhưng cư sĩ Candanangalika đắp năm áo ấy lên trên thân Thế Tôn.

III. ĐẠI THỰC: Ăn nhiều (S.i,81)

1) Trú ở Sàvatthi.

Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala thường ăn bữa ăn thịnh soạn.

2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala sau khi ăn xong, no đủ, thỏa thích, đi đến Thế Tôn sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

3) Rồi Thế Tôn sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala đã ăn xong, no đủ, thỏa thích, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:

Con người thường chánh niệm,

Được ăn, biết phải chăng,

Chừng mực, cảm thọ mạnh,

Già chậm, tuổi thọ dài.

4) Lúc bấy giờ, thanh niên Bà-la-môn Sudassana đứng sau lưng vua Pasenadi nước Kosala.

5) Rồi vua Pasenadi nước Kosala gọi thanh niên Sudassana:

– Này Bạn, hãy đi đến và học thuộc lòng bài kệ từ Thế Tôn và trong khi dọn ăn cho ta, hãy đọc lên bài kệ ấy. Ta sẽ cấp thường nhật cho ông một trăm đồng tiền vàng.

6) – Thưa vâng, Đại vương.

Thanh niên Sudassana vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, học thuộc lòng bài kệ này từ Thế Tôn, và trong khi dọn cơm cho vua Pasenadi nước Kosala, đọc lên bài kệ này:

“Con người thường chánh niệm,

Được ăn, biết phải chăng,

Chừng mực, cảm thọ mạnh,

Già chậm, tuổi thọ dài”.

7) Rồi vua Pasenadi nước Kosala tuần tự hạn chế, cho đến chỉ ăn nhiều nhất là một nàlika.

8) Vua Pasenadi sau một thời gian, thân thể được khỏe mạnh, tự tay thoa bóp chân tay và nói lên lời cảm hứng sau đây: “Ôi, thật sự Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!”

IV,V. HAI LỜI NÓI VỀ CHIẾN TRANH (S.i,82)

Trú ở Sàvatthi.

1) Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Màgadha, triệu tập bốn binh chủng gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala và tiến đánh Kàsi.

2) Vua Pasenadi nước Kosala được nghe: “Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha triệu tập bốn binh chủng gây chiến với ta và tiến đánh Kàsi”.

3) Rồi vua Pasenadi nước Kosala sau khi triệu tập bốn loại binh chủng dàn trận ở Kàsi, chống vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha.

4) Rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, tấn công vua Pasenadi nước Kosala. Trong cuộc chiến trận, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha chiến thắng vua Pasenadi nước Kosala. Bị chiến bại, vua Pasenadi nước Kosala lui về tại kinh đô Sàvatthi.

5) Rồi một số Tỷ-kheo, vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Đi khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

6) – Ở đây, bạch Thế Tôn, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala, tiến đánh Kàsi. Bạch Thế Tôn, vua Pasenadi nước Kosala được nghe: “Vua Ajàtasattu con bà Videhi nước Magadha gây chiến với ta, tiến đánh Kàsi”. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, dàn trận ở Kàsi chống vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha. Bạch Thế Tôn, rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và vua Pasenadi nước Kosala xáp chiến nhau. Trong cuộc chiến trận ấy, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha chiến thắng vua Pasenadi nước Kosala. Bạch Thế Tôn, bị chiến bại, vua Pasenadi nước Kosala rút lui về kinh đô của mình là Sàvatthi.

7) – Này các Tỷ-kheo, vua Ajàtasattu, con bà Videbi nước Magadha là ác hữu, là ác bạn lữ, là ác giao du. Và này các Tỷ-kheo, vua Pasenadi nước Kosala là thiện hữu, là thiện bạn lữ, là thiện giao du. Và này Tỷ-kheo, hôm nay, trong đêm này, vua Pasenadi nước Kosala trải một đêm đau khổ của người bại trận.

Thắng trận sanh thù oán,

Bại trận nếm khổ đau,

Ai bỏ thắng, bỏ bại,

Tịch tịnh, hưởng an lạc.

8) Rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha triệu tập bốn loại binh chủng, gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala và tiến đánh Kàsi.

9) Vua Pasenadi nước Kosala được nghe: “Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, gây chiến ta và tiến đánh Kàsi”.

10) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, dàn trận ở Kàsi chống vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha.

11) Rồi vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và vua Pasenadi nước Kosala xáp chiến với nhau. Trong cuộc chiến ấy, vua Pasenadi nước Kosala chiến thắng vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và bắt sống vua ấy.

12) Rồi vua Pasenadi nước Kosala suy nghĩ như sau: “Tuy vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha làm hại ta, dầu ta không làm hại ai; nhưng vua ấy là cháu trai của ta. Vậy ta hãy tịch thu toàn bộ tượng binh, toàn bộ mã binh, toàn bộ xa binh, toàn bộ bộ binh của vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và chỉ tha cho vua ấy mạng sống”.

13) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau khi tịch thu toàn bộ tượng binh...... và chỉ tha cho vua ấy mạng sống.

14) Rồi một số lớn vị Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, mang theo y bát và đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

15) – Ở đây, bạch Thế Tôn, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala và tiến đánh Kàsi. Bạch Thế Tôn, vua Pasenadi nước Kosala được nghe: “Vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, gây chiến với ta và tiến đánh Kàsi”. Rồi bạch Thế Tôn, vua Pasendi nước Kosala, sau khi triệu tập bốn loại binh chủng, dàn trận chống vua Ajàtasattu, con bà Videhi, nước Magadha. Rồi Bạch Thế Tôn, vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và vua Pasenadi nước Kosala xáp chiến với nhau. Trong cuộc chiến ấy, vua Pasenadi nước Kosala chiến thắng vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha và bắt sống vua ấy. Rồi vua Pasenadi nước Kosala suy nghĩ như sau: “Tuy vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha làm hại ta, dầu ta không làm hại ai; nhưng vua ấy là cháu trai của ta. Vậy ta hãy tịch thu toàn bộ tượng binh, toàn bộ mã binh, toàn bộ xa binh, toàn bộ bộ binh của vua Ajàtasatu, con bà Videhi nước Magadha và chỉ tha cho vua ấy mạng sống”. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau khi tịch thu toàn bộ tượng binh, toàn bộ mã binh, toàn bộ xa binh, toàn bộ bộ binh của vua Ajàtasattu con bà Videhi nước Magadha, và tha cho vua ấy mạng sống.

16) Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này ngay trong lúc ấy nói lên bài kệ:

Vì nghĩ đến tư lợi,

Nên mới cướp hại người,

Khi người khác cướp hại,

Bị hại, lại hại người.

Người ngu nghĩ như vậy,

Khi ác chưa chín muồi,

Khi ác đã chín muồi,

Người ngu chịu khổ đau.

Sát người, bị người sát,

Thắng người, bị người thắng,

Mắng người, người mắng lại,

Não người, người não lại,

Do nghiệp được diễn tiến,

Bị hại, lại hại người.

VI. NGƯỜI CON GÁI (S.i,86)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

3) Rồi một người đi đến vua Pasenadi nước Kosala và báo tin kề bên tai vua Pasenadi nước Kosala: “Thưa Đại vương, hoàng hậu Mallikà đã sinh hạ được một người con gái”.

4) Khi được nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ.

5) Rồi Thế Tôn, sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala không được hoan hỷ, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:

Này Nhân chủ, ở đời,

Có một số thiếu nữ,

Có thể tốt đẹp hơn,

So sánh với con trai,

Có trí tuệ, giới đức,

Khiến nhạc mẫu thán phục.

Rồi sinh được con trai,

Là anh hùng, quốc chủ,

Người con trai như vậy,

Của người vợ hiền đức,

Thật xứng là Đạo sư,

Giáo giới cho toàn quốc.

VII. KHÔNG PHÓNG DẬT (S.i,86)

1) Ở tại Sàvatthi.

2)... Ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, có một pháp nào có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau?

3) – Thưa Đại vương, có một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau.

4) – Bạch Thế Tôn, pháp ấy là gì, có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau?

5) – Bất phóng dật, thưa Đại vương, là một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau. Thưa Đại vương, cũng như con voi, trong tất cả loài hữu tình có chân, tóm thâu tất cả đặc tướng của chân trong bàn chân của nó; và bàn chân của voi được xem là đệ nhất về phương diện to lớn trong tất cả loại chân. Cũng vậy, thưa Đại vương, bất phóng dật là một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau.

6) Ai ước nguyện tuổi thọ,

Không bệnh, có diệu sắc,

Được sanh lên Thiên giới,

Sanh các nhà quý tộc,

Phải liên tục tăng thượng,

Tinh tấn, không dừng nghĩ.

Người hiền triết tán thán,

Hạnh lành không phóng dật,

Đối với những người lành,

Làm các hạnh công đức,

Người hiền không phóng dật,

Được cả hai lợi ích,

Lợi ích trong đời này,

Lợi ích cả đời sau.

Kẻ anh hùng được gọi,

Là bậc chơn hiền trí,

Nếu biết nắm chụp lấy,

Hạnh phúc cho chính mình.

VIII. KHÔNG PHÓNG DẬT (S.i,87)

1) Trú ở Sàvatthi.

2)... Rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con ngồi yên tĩnh một mình, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Pháp được Thế Tôn khéo giảng. Và pháp ấy giảng cho thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, không phải cho ác hữu, ác bạn lữ, ác giao du”.

3) – Như vậy là phải, thưa Đại vương. Thưa Đại vương, pháp được Ta khéo giảng. Và pháp ấy giảng cho thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, không phải cho ác hữu, ác bạn lữ, ác giao du.

4) Một thời, thưa Đại vương, Ta ở giữa dòng họ Sakka (Thích-ca) tại một thị trấn của các vị Sakka.

5) Rồi thưa Đại vương, Tỷ-kheo Ànanda đến Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thưa Đại vương, Tỷ-kheo Ànada bạch với Ta:

“– Bạch Thế Tôn, quá phân nửa đời sống Phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du”.

6) Khi được nói vậy, thưa Đại vương. Ta nói với Tỷ-kheo Ànanda:

“ – Này Ànanda, không phải vậy. Này Ànanda, không phải vậy. Thật sự, này Ànanda, toàn phần đời sống Phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du. Từ một Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này Ànanda, chúng ta hy vọng rằng vị ấy sẽ tu trì Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành của vị thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.

7) Và Ànanda, thế nào là Tỷ-kheo thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

8) Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ đoạn diệt, y cứ xả ly, tu tập chánh tư duy, tu tập chánh ngữ, tu tập chánh nghiệp, tu tập chánh mạng, tu tập chánh tinh tấn, tu tập chánh niệm, tu tập chánh định, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ đoạn diệt, y cứ xả ly. Như vậy, này Ànanda, là vị Tỷ-kheo thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

9) Và chính theo pháp môn này, này Ànanda, Ông cần phải hiểu như thế nào toàn phần đời sống Phạm hạnh này là thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.

10) Này Ànanda, chính vì Ta y cứ, làm bạn với thiện, nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị bệnh được giải thoát khỏi bệnh; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ ưu, não. Và chính theo pháp môn này, này Ànanda, Ông cần phải hiểu như thế nào toàn phần đời sống Phạm hạnh này là thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du”.

11) Do vậy, này Đại vương, cần phải học như sau: “Tôi sẽ là thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du”. Như vậy, này Đại vương, Đại vương cần phải học. Này Đại vương, để Đại vương có thể trở thành thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, Đại vương cần phải y cứ, an trú vào một pháp, tức là không phóng dật trong các thiện pháp.

12) Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời các nữ cung nhân sẽ suy nghĩ: “Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật”.

13) Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, các vị Sát-đế-lỵ chư hầu sẽ suy nghĩ: “Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật”.

14) Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, các dân chúng ở thị trấn và quốc độ sẽ suy nghĩ: “Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật. Vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật”.

15) Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời tự ngã được che chở, hộ trì, nội cung được che chở hộ trì, kho tàng được che chở, hộ trì.

16) Người ước mong tài sản,

Phải liên tục tăng thượng,

Người hiền trí tán thán,

Hạnh lành không phóng dật.

Đối với những người lành,

Làm các hạnh công đức.

Người hiền không phóng dật,

Được cả hai lợi ích,

Lợi ích trong đời này,

Lợi ích cả đời sau.

Kẻ anh hùng được gọi

Là bậc chơn hiền trí,

Nếu biết nắm chụp lấy

Hạnh phúc cho chính mình.

IX. KHÔNG CON ( S.i,89)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, vào buổi trưa đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:

– Thưa Đại vương, Đại vương đi từ đâu đến trong giữa trưa như thế này?

3) – Ở đây, bạch Thế Tôn, có triệu phú gia chủ ở Sàvatthi bị mệnh chung, và con đến để xem tài sản của vị không có con ấy được chở vào nội thành. Bạch Thế Tôn, có đến tám triệu đồng tiền vàng, không nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, tuy vậy đồ ăn của triệu phú gia chủ ấy lại chỉ gồm có cháo tấm chua ngày hôm qua để lại. Còn vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ, cũ kỹ và hư nát, có gắn tán che bằng lá.

4) – Thật như vậy, thưa Đại vương! Thật như vậy, thưa Đại vương! Một kẻ không phải Chân nhân, thưa Đại vương, dầu cho có được tài sản lớn không đem lại an lạc cho mình, không đem lại an lạc cho cha mẹ, không đem lại an lạc cho vợ con, không đem lại an lạc cho các người phục vụ, cho các người làm công hoan hỷ, không đem lại an lạc cho bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn, không thiết trí các sự cúng dường hướng thượng, có khả năng đưa lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến Thiên giới. Các tài sản của người ấy nếu không thọ dụng chơn chánh, thời vua chúa sẽ cướp đoạt, hay trộm cắp cướp đoạt, hay bị lửa đốt, hay bị nước cuốn trôi, hay bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, thưa Đại vương, các tài sản nếu không thọ dụng chơn chánh, đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng.

5) Ví như, thưa Đại vương, một hồ nước tại chỗ vắng người, với nước trong sáng, với nước mát lạnh, với nước dịu ngọt, với nước trắng tinh, với bờ bến tốt đẹp và khả ái. Nhưng không có người đến gánh nước, hay uống nước, hay tắm, hay sử dụng hồ nước ấy vào bất cứ công việc gì. Như vậy, thưa Đại vương, nước ấy không được thọ dụng chơn chánh sẽ đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng. Cũng vậy, thưa Đại vương, một kẻ không phải Chân nhân, dầu cho có được tài sản lớn, không đem lại an lạc cho mình...... Sự việc là như vậy, thưa Đại vương, các tài sản nếu không thọ dụng chơn chánh, đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng.

6) Và bậc Chân nhân, thưa Đại vương, có được tài sản lớn, đem lại an lạc cho mình, đem lại an lạc cho cha mẹ, đem lại an lạc cho vợ con, đem lại an lạc cho người phục vụ, cho người làm công, đem lại an lạc cho bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn, thiết trí các sự cúng dường hướng thượng, có khả năng thăng lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến Thiên giới. Các tài sản của người ấy được thọ dụng chơn chánh, thời vua chúa không cướp đoạt, hay trộm cắp không cướp đoạt, hay không bị lửa đốt, hay không bị nước cuốn trôi, hay không bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, thưa Đại vương, các tài sản nếu thọ dụng chơn chánh, sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến tổn giảm.

7) Ví như, thưa Đại vương, một hồ nước không xa làng mạc hay thị trấn, với nước trong sáng, với nước mát lạnh, với nước dịu ngọt, với nước trắng tinh, với bờ bến tốt đẹp và khả ái. Và có người đến gánh nước, hay uống nước, hay tắm, hay xử dụng hồ nước ấy vào bất cứ công việc gì. Như vậy, thưa Đại vương, nước ấy được thọ dụng chơn chánh, sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến tổn giảm. Cũng vậy, thưa Đại vương, một bậc Chân nhân khi được tài sản lớn, đem lại an lạc cho mình...... Sự việc là vậy, các tài sản được sử dụng chơn chánh, sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến tổn giảm.

8) Như nước trong tươi mát,

Nằm tại chỗ không người,

Không người uống, người dùng,

Đi đến chỗ tổn giảm;

Cũng vậy là tài sản,

Kẻ hạ liệt có được,

Không tự mình thọ hưởng,

Lại không cho một ai.

Kẻ trí tuệ sáng suốt,

Tài sản thâu hoạch được,

Biết thọ dụng, phục vụ,

Với bà con, đoàn thể,

Trở thành như ngưu vương,

Nuôi dưỡng và giúp đỡ,

Vô tội khi bị chết,

Được sanh lên Thiên giới.

X. KHÔNG CÓ CON (S.i,91)

1) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, giữa trưa, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:

– Thưa Đại vương, Đại vương đi đâu lại giữa trưa như thế này?

2) – Ở đây, bạch Thế Tôn, có triệu phú gia chủ ở Sàvatthi bị mệnh chung. Và con đến để xem tài sản của vị không có con ấy được chở vào nội thành. Bạch Thế Tôn, có đến tám triệu đồng tiền vàng, không nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, tuy vậy đồ ăn của vị triệu phú gia chủ ấy lại chỉ gồm có cháo tấm chua ngày hôm qua để lại. Còn vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ cũ kỹ và hư nát, có gắn tán che bằng lá.

3) – Thật như vậy, thưa Đại vương. Thật như vậy, thưa Đại vương. Thưa Đại vương, vị triệu phú gia chủ ấy thuở xưa, đã bố thí đồ ăn khất thực cho một vị Bích-chi Phật tên là Tagarasikkhi. Vị ấy nói: “Hãy bố thí cho vị Sa-môn”. Nói xong, vị ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi bỏ đi. Nhưng về sau, vị ấy hối tiếc, nói rằng: “Tốt hơn, các người phục dịch hay làm công ăn đồ ăn khất thực này”. Và hơn nữa, vị ấy đoạt mạng sống người con độc nhất của người anh, vì tài sản của người ấy.

4) Thưa Đại vương, vì người triệu phú gia chủ ấy có bố thí đồ ăn khất thực cho vị Độc Giác Phật tên là Tagarasikkhi. Do kết quả hành động ấy, vị ấy được sanh bảy lần lên thiện thú, Thiên giới. Do kết quả dư hưởng còn lại, vị ấy được làm nhà triệu phú bảy lần ở Sàvatthi này.

5) Thưa Đại vương, vì người triệu phú gia chủ ấy sau khi bố thí về, lại hối tiếc nói rằng: “Tốt hơn, các người phục vụ hay làm công ăn đồ ăn khất thực này”. Do kết quả của hành động ấy, tâm của vị ấy hướng về các món ăn không được tốt đẹp, tâm của vị ấy hướng về các đồ mặc không được tốt đẹp, tâm của vị ấy hướng về các xe cộ không được tốt đẹp, tâm của vị ấy hướng về sự thọ hưởng năm dục công đức không được tốt đẹp.

6) Thưa Đại vương, vì người triệu phú gia chủ ấy đoạt mạng sống người con độc nhất của người anh, vì tài sản của người ấy. Do kết quả hành động của vị ấy, vị ấy bị nung nấu ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều trăm ngàn năm. Do kết quả dư hưởng còn lại, gia tài không con bảy lần phải nhập vào công khố của vua. Thưa Đại vương, đối với người triệu phú gia chủ này, các công đức cũ bị đoạn diệt và công đức mới chưa được chứa cất thêm. Và nay, thưa Đại vương, người triệu phú gia chủ đang bị nung nấu trong địa ngục Mahàroruva.

7) – Bạch Thế Tôn, như vậy người triệu phú gia chủ đã sanh vào địa ngục Mahàroruva?

8) – Thưa Đại vương, như vậy người triệu phú gia chủ đã sanh vào địa ngục Mahàroruva.

9) Lúa, tài sản, vàng bạc,

Hay mọi vật sở hữu,

Nô tỳ và lao công,

Các mạng sống tùy thuộc,

Vị ấy phải ra đi,

Không đem theo được ai,

Tất cả phải bỏ lại,

Khi ra đi một mình.

10) Chỉ có các hành động,

Về thân, miệng và ý.

Mới thật thuộc vị ấy,

Mang theo khi ra đi,

Nghiệp ấy theo vị ấy,

Như bóng không rời hình.

11) Do vậy hãy làm lành,

Tích lũy cho đời sau,

Công đức cho đời sau,

Làm hậu cứ cho người.

III. PHẨM THỨ BA

I. NGƯỜI (S.i,93)

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:

 – Thưa Đại vương, có bốn loại người này có mặt, hiện diện ở đời.

3) Thế nào là bốn? Sống trong bóng tối và hướng đến bóng tối, sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng, sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối, sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng. (Xem A ii, 85 Tăng II. 85).

4) Thưa Đại vương, và thế nào là người sống trong bóng tối hướng đến bóng tối? Ở đây, thưa Đại vương, có một số người sanh trong gia đình hạ tiện, gia đình kẻ chiên-đà-la hay gia đình người đan rổ, hay gia đình người làm bẫy sập, hay gia đình người làm xe, hay gia đình người đổ rác nghèo đói, ăn uống thiếu thốn, sanh kế khó khăn, khó kiếm đồ ăn mặc, và người ấy xấu xí khó nhìn, còm lưng, nhiều bệnh, mù lòa, quẹo tay, bại chân, hay nửa thân tê liệt. Người ấy không nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, không nhận được chỗ nằm, chỗ ở, đèn đuốc. Người ấy thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Thưa Đại vương, ví như một người đi từ tối tăm này đến tối tăm khác, hay đi từ hắc ám này đến hắc ám khác, hay từ vết máu đỏ này đến vết máu đỏ khác. Thưa Đại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Đại vương, như vậy là người sống trong bóng tối, hướng đến bóng tối.

5) Và thưa Đại vương, thế nào là người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng? Ở đây, thưa Đại vương, có một số người sanh trong gia đình hạ tiện, gia đình kẻ chiên-đà-la, hay gia đình người đan rổ, hay gia đình người làm bẫy sập, hay gia đình người làm xe, hay gia đình người đổ rác, nghèo đói, ăn uống thiếu thốn, sanh kế khó khăn, khó kiếm đồ ăn mặc. Và người ấy xấu xí, khó nhìn, còm lưng, nhiều bệnh, mù lòa, quẹo tay, bại chân hay nửa thân tê liệt. Người ấy không nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, không nhận được chỗ nằm, chỗ ở, đèn đuốc. Người ấy thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Do thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, sau khi thân hoại mạng chung người ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Thưa Đại vương, ví như một người từ đất leo lên kiệu, hay từ kiệu leo lên lưng ngựa, hay từ lưng ngựa leo lên thân voi, hay từ thân voi leo lên lầu. Thưa Đại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Đại vương, như vậy là người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng.

6) Và thưa Đại vương, thế nào là người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối? Ở đây, thưa Đại vương, có số người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú, hay trong gia đình Bà-la-môn đại phú, hay trong gia đình gia chủ đại phú, phú hào có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, nhiều tiền của, ngũ cốc. Người ấy đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, mỹ miều. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, áo mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ví như, thưa Đại vương, một người từ lầu leo xuống thân voi, hay từ thân voi leo xuống lưng ngựa, hay từ lưng ngựa leo xuống chiếc kiệu, hay từ chiếc kiệu leo xuống đất, hay từ đất leo xuống lòng đất tối tăm. Thưa Đại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Đại vương, như vậy là người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối.

7) Và thưa Đại vương, thế nào là người sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng? Ở đây, thưa Đại vương, có người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú, hay trong gia đình Bà-la-môn đại phú, hay trong gia đình gia chủ đại phú, phú hào, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc. Và người ấy đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, mỹ miều. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Do thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, người ấy khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ví như, thưa Đại vương, một người từ chiếc kiệu này bước qua chiếc kiệu khác, hay từ lưng ngựa này bước qua lưng ngựa khác, hay từ thân voi này bước qua thân voi khác, hay từ lầu này bước qua lầu khác. Thưa Đại vương, Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Đại vương, như vậy là người sống trong ánh sáng, hướng đến ánh sáng.

8) Thưa Đại vương, những người như vậy có mặt, hiện diện trong đời.

9) Thưa Đại vương, người nghèo đói bất tín và xan tham:

Keo kiết, ác tư duy,

Tà kiến, thiếu lễ nghĩa,

Nhiếc mắng và mạ lỵ

Sa-môn, Bà-la-môn,

Cùng các khất sĩ khác;

Không cho, làm phiền nhiễu,

Ngăn chận sự bố thí,

Cơm nước cho người xin;

Đại vương, người như vậy,

Khi thân hoại mạng chung,

Sanh địa ngục hãi hùng.

Ôi Nhân chủ, người vậy,

Được gọi sanh bóng tối,

Và hướng đến bóng tối.

10) Đại vương, người nghèo đói

Có tín, không xan tham,

Bố thí, thiện tư duy,

Có chí, tâm không loạn,

Đứng dậy và chào đón

Sa-môn, Bà-la-môn,

Cùng các khất sĩ khác,

Tu học hạnh thăng bằng;

Không ngăn sự bố thí,

Cơm nước cho người xin;

Đại vương, người như vậy,

Khi thân hoại mạng chung,

Được sanh lên Thiên giới,

Ôi Nhân chủ, người vậy,

Được gọi sanh bóng tối,

Nhưng hướng đến ánh sáng.

11) Đại vương, người hào phú,

Bất tín và xan tham,

Keo kiết, ác tư duy,

Tà kiến, không lễ nghĩa,

Nhiếc mắng và mạ lỵ.

Sa-môn, Bà-la-môn,

Cùng các khất sĩ khác,

Không cho, làm phiền nhiễu,

Ngăn chận sự bố thí,

Cơm nước cho người xin.

Đại vương, người như vậy,

Khi thân hoại mạng chung,

Phải sanh vào địa ngục.

Ôi Nhân chủ, người vậy,

Được gọi sanh ánh sáng,

Và hướng đến bóng tối.

12) Đại vương, người hào phú,

Có tín, không xan tham,

Bố thí, thiện tư duy,

Có chí, tâm không loạn.

Đứng dậy và chào đón,

Sa-môn, Bà-la-môn,

Cùng các khất sĩ khác,

Tu học hạnh hòa bình,

Không ngăn sự bố thí,

Cơm nước cho người xin.

Đại vương, người như vậy,

Khi thân hoại mạng chung,

Được sanh lên Thiên giới,

Ôi Nhân chủ, người vậy,

Được gọi sanh ánh sáng,

Và hướng đến ánh sáng.

II. TỔ MẪU (S.i,96)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:

– Đại vương đi từ đâu lại, giữa trưa như thế này?

3) – Bạch Thế Tôn, tổ mẫu của con mệnh chung, già nua, tuổi tác, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đạt đến tuổi thọ, đã mệnh chung, được một trăm hai mươi tuổi.

4) Bạch Thế Tôn, con rất ái luyến và quý mến tổ mẫu. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một voi báu, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho voi báu để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một ngựa báu, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho ngựa báu để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một thôn làng tốt đẹp, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho thôn làng tốt đẹp để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con có thể được cho một quốc độ, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho quốc độ để tổ mẫu con khỏi chết.

5) – Tất cả chúng sanh, thưa Đại vương, đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết.

6) – Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã khéo nói: “Tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết”.

7) – Như vậy là phải, thưa Đại vương. Như vậy là phải, thưa Đại vương. Tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết. Ví như, thưa Đại vương, tất cả đồ gốm do người thợ gốm làm ra, chưa nung chín hay đã nung chín, tất cả đồ gốm ấy đều phải bể, đều kết thúc trong sự bể, đều không vượt qua sự bể. Cũng vậy, thưa Đại vương, tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết.

8) Mọi chúng sanh sẽ chết,

Mạng sống, chết kết thúc,

Tùy nghiệp, họ sẽ đi,

Nhận lãnh quả thiện ác,

Ác nghiệp đọa, địa ngục,

Thiện nghiệp, lên Thiên giới.

Do vậy hãy làm lành,

Tích lũy cho đời sau,

Công đức cho đời sau,

Làm hậu cứ cho người.

III. THẾ GIAN (S.i,98)

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú?

3) – Thưa Đại vương, có ba pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú.

4) Thế nào là ba? Thưa Đại vương, tham là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú. Thưa Đại vương, sân là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú. Thưa Đại vương, si là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú.

5) Thưa Đại vương, ba pháp này ở đời, khi khởi lên đem lại bất lợi, đau khổ, bất an trú.

6) Tham, sân, si ba pháp,

Là ác tâm cho người,

Chúng di hại tự ngã,

Chúng tác thành tự ngã,

Như vỏ và lõi cây,

Tự tác thành trái cây.

IV. CUNG THUẬT (S.i,98)

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Chỗ nào, bạch Thế Tôn, bố thí cần phải đem cho?

3) Thưa Đại vương, tại chỗ nào, tâm được hoan hỷ.

4) Bạch Thế Tôn, chỗ nào cho được quả lớn?

5) – Thưa Đại vương, câu: “Chỗ nào bố thí cần phải đem cho” khác với câu: “Chỗ nào cho được quả lớn”. Thưa Đại vương, cho người trì giới được quả báo lớn. Cho người không giữ giới không được như vậy. Về vấn đề này, thưa Đại vương, Ta sẽ hỏi Đại vương, Đại vương kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời câu hỏi ấy như vậy.

6) Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Ở đây, Đại vương đang lâm chiến, và cuộc giao tranh đang tiếp diễn dữ dội. Rồi một thanh niên Sát-đế-lỵ đến, không có học tập, không có huấn luyện, không có thực tập, không có phục vụ, rụt rè, sợ hãi, run sợ. Đại vương có chấp nhận người ấy không? Đại vương có ủng hộ người ấy không, và một người như vậy có lợi ích gì cho Đại vương không?

7) – Bạch Thế Tôn, con không ủng hộ người ấy và một người như vậy không có lợi ích gì cho con cả.

8) Rồi một thanh niên Bà-la-môn, không có học tập... Rồi một thanh niên Vessa (thương gia) đến... Rồi một thanh niên Sudda (Thủ-đà: cùng đinh) đến, không có học tập...,... và một người như vậy không có lợi ích gì cho con cả.

9) – Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Ở đây, Đại vương đang lâm chiến, và cuộc giao tranh đang tiếp diễn dữ dội. Rồi một thanh niên Sát-đế-lỵ đến, có học tập, có huấn luyện, có thực tập, có phục vụ, không rụt rè, không sợ hãi, không run sợ. Đại vương có chấp nhận người ấy không? Đại vương có ủng hộ người ấy không, và một người như vậy có lợi ích gì cho Đại vương không?

10) – Bạch Thế Tôn, con ủng hộ người ấy. Và một người như vậy có lợi ích cho con.

11) – Rồi một thanh niên Bà-la-môn đến, có học tập... Rồi một thanh niên Vessa đến... Rồi một thanh niên Sudda đến có học tập...,.... và một người như vậy có ích lợi gì cho Đại vương không?

12) – Bạch Thế Tôn, con ủng hộ người ấy và một người như vậy có lợi ích cho con.

13) – Cũng vậy, thưa Đại vương, dầu cho một người có xuất gia từ một gia đình nào, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy đoạn trừ năm chi và hội đủ năm chi. Bố thí cho một người như vậy có quả báo lớn.

14) Thế nào là năm chi được đoạn trừ? Tham dục được đoạn trừ, sân được đoạn trừ, hôn trầm thụy miên được đoạn trừ, trạo hối được đoạn trừ, nghi được đoạn trừ. Năm chi này được đoạn trừ.

15) Thế nào là năm chi được hội đủ? Vô học giới uẩn được hội đủ, vô học định uẩn được hội đủ, vô học tuệ uẩn được hội đủ, vô học giải thoát uẩn được hội đủ, vô học giải thoát tri kiến uẩn được hội đủ. Năm chi này được hội đủ.

16) Chính một người như vậy, năm chi được đoạn trừ, năm chi được hội đủ, bố thí cho người như vậy được quả báo lớn.

17) Thế Tôn nói như vậy. Rồi bậc Đạo sư lại nói thêm:

Vị vua đang lâm chiến,

Sẽ giữ lại thanh niên,

Cung thuật được thiện xảo,

Dõng mãnh đầy khí lực.

Nhà vua không tuyển chọn,

Theo tiêu chuẩn thọ sanh.

Cũng vậy, người có trí,

Kính lễ bậc hạ sanh,

Bậc này sống Thánh hạnh,

Nhẫn nhục và hiền hòa.

Hãy làm cốc thoải mái

Dựng nhà cho đa văn,

Rừng khô làm bể nước,

Hiểm trở, mở đường đi.

Với tâm tư thanh tịnh,

Hãy cho kẻ trực tâm,

Cho đồ ăn, đồ uống,

Cho vải mặc, trú xá.

Như mây giông gầm thét,

Chớp sáng trăm đầu mây,

Nước mưa ào ào xuống,

Tràn đầy đất thấp cao.

Cũng vậy, bậc thiện tín,

Đa văn, trữ đồ ăn,

Thỏa mãn kẻ khất sĩ.

Kẻ trí tâm hoan hỷ,

Phân phát vật ăn uống,

Nói “Cho, hãy đem cho”.

Như vậy, la, gầm, thét,

Mưa móc như thần mưa,

Các công đức to lớn,

Do bố thí mang lại,

Đem mưa ân, mưa móc,

Trên những người bố thí.

V. VÍ DỤ HÒN NÚI (S.i,100)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:

– Thưa Đại vương, Đại vương đi từ đâu lại?

3) – Bạch Thế Tôn, con rất là bận rộn với những sự việc các vua chúa bận rộn. Các vua chúa Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ, và sống chinh phục cả vùng đất đai rộng lớn.

4) – Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có người đến với Đại vương từ phương Đông, một người thân tín, đáng tin cậy. Người ấy đến Đại vương và thưa: “Tâu Đại vương, mong Đại vương được biết, con từ phương Đông lại và có thấy tại đấy một ngọn núi cao như hư không, đang di chuyển và chà đạp, đè bẹp tất cả loại hữu tình. Tâu Đại vương, Đại vương hãy làm những gì cần phải làm”.

5) Rồi một người khác đến từ phương Tây... Rồi một người thứ ba đến từ phương Bắc... Rồi một người thứ tư đến từ phương Nam, thân tín đáng tin cậy. Người ấy đến Đại vương và thưa: “Tâu Đại vương, mong Đại vương được biết, con từ phương Nam lại và có thấy tại đấy một ngọn núi cao như hư không, đang di chuyển và chà đạp, đè bẹp lên tất cả loại hữu tình. Tâu Đại vương, Đại vương hãy làm những gì cần phải làm”. Như vậy, thưa Đại vương, một khủng bố lớn khởi lên cho Đại vương, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sanh làm người thật khó khăn, thời Đại vương có thể làm được những gì?

6) – Như vậy, bạch Thế Tôn, một khủng bố lớn khởi lên, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sanh làm người thật khó khăn, thời con có thể làm được những gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh làm các hạnh lành, làm các công đức!

7) – Thưa Đại vương, Ta nói cho Đại vương biết, Ta cáo cho Đại vương hay. Thưa Đại vương, già và chết đang tiến đến chinh phục Đại vương. Khi Đại vương bị già chết chinh phục, Đại vương có thể làm được gì?

8) – Bạch Thế Tôn, khi con bị già và chết chinh phục, thời con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!

9) Bạch Thế Tôn, những sự việc như các vua chúa Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm, kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ và sống chinh phục cả vùng đất đai rộng lớn cùng các trận chiến với tượng binh. Bạch Thế Tôn, các trận chiến với tượng binh không đem lại một hướng đi (gati), một điểm tựa cho các vua chúa ấy, một khi bị già chết chinh phục.

10) Bạch Thế Tôn, những sự việc như các vua chúa Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm, kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ và sống chinh phục cả một vùng đất đai rộng lớn cùng các trận chiến với mã binh...,... với xa binh...,... với bộ binh. Bạch Thế Tôn, các trận chiến với bộ binh không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già chết chinh phục.

11) Bạch Thế Tôn, trong vương quốc này có những Đại thần tinh luyện về thần chú. Các vị này có thể với thần chú, phá tan quân địch tới tấn công. Nhưng bạch Thế Tôn, các trận chiến chú thuật không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua ấy một khi bị già chết chinh phục.

12) Bạch Thế Tôn, trong vương cung này có nhiều số vàng được chứa cất trong những nhà hầm hay những lầu thượng, và với số vàng ấy chúng con có thể phá tan quân địch tấn công tài chánh. Nhưng bạch Thế Tôn, các trận chiến tài chánh không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già chết chinh phục.

13) Và bạch Thế Tôn, khi con bị già chết chinh phục, thời con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!

14) – Như vậy là phải, thưa Đại vương. Như vậy là phải, thưa Đại vương. Khi Đại vương bị già chết chinh phục, Đại vương có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!

15) Thế Tôn nói như vậy...,... và bậc Đạo sư nói thêm:

Như núi đá rộng lớn,

Dựng đứng lên hư không,

Tiến tới tràn xung quanh,

Áp đè cả bốn phía.

Cũng vậy, già và chết

Di chuyển đến hữu tình,

Giai cấp Sát-đế-lỵ,

Bà-la-môn, Phệ-xá,

Thủ-đà, Chiên-đà-la

Kẻ đổ rác, đổ phân,

Không một ai thoát khỏi,

Tất cả bị chinh phục.

Ở đây không tượng binh,

Không xa binh, bộ binh,

Không trận chiến chú thuật,

Không trận chiến tài sản

Có thể giúp chiến thắng,

Chống với già, với chết.

Do vậy người hiền trí,

Thấy rõ phần tự lợi,

Người trí đặt tin tưởng,

Vào Phật, Pháp và Tăng.

Ai với thân, khẩu, ý,

Hành trì đúng Chánh pháp,

Đời này được tán thán,

Đời sau, hưởng phước trờ.

PT & DTKVN

 

Năm bộ Nikaya : 

CHƯƠNG BỐN: TƯƠNG ƯNG ÁC MA

I. PHẨM THỨ NHẤT

I. KHỔ HẠNH VÀ NGHIỆP (S.i,103)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Uruvelà bên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài vừa giác ngộ.

2) Rồi Thế Tôn trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Thật sự Ta được giải thoát khỏi khổ hạnh ấy. Tốt lành thay, thật sự Ta được giải thoát khỏi khổ hạnh không liên hệ đến lợi ích ấy! Tốt lành thay, Ta kiên trì, chánh niệm, chứng đạt Bồ-đề!”

3) Rồi Ác ma với tâm tư của mình biết được tâm tư của Thế Tôn, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Từ bỏ pháp khổ hạnh,

Giúp thanh niên trong sạch,

Không tịnh, nghĩ mình tịnh,

Đi ngược thanh tịnh đạo.

4) Rồi Thế Tôn, biết được: “Đây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Biết được pháp khổ hạnh,

Được xem là bất tử,

Pháp ấy không lợi ích,

Không đem lợi ích nào,

Như chèo và bánh lái,

Chiếc thuyền trên đất cạn.

Giới, định và trí tuệ,

Con đường hướng chánh giác.

Ta tu tập hạnh ấy,

Đạt được tối thắng tịnh,

Này kẻ Tử ma kia,

Ông bị bại trận rồi.

5) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

II. CON VOI (S.i,103)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà, bên bờ sông Neranjarà, dưới cây Nigrodha Ajapàla, khi Ngài mới giác ngộ. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.

2) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền biến hình thành con voi chúa to lớn và đi đến Thế Tôn.

3) Và đầu con voi ví như hòn đá đen lớn (aritthako), ngà của nó ví như bạc trắng tinh, vòi của nó ví như đầu cái cày lớn.

4) Thế Tôn biết được: “Đây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Ông luân hồi dài dài,

Hình thức tịnh, bất tịnh.

Thôi vừa rồi, Ác ma,

Ông đã bị bại trận.

5) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn biết ta, Thiện Thệ biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

III. TỊNH (S.i,104)

1) Trú tại Uruvelà.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.

3) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền đi đến Thế Tôn.

4) Sau khi đến, hiện lên những hình tướng cao thấp, tịnh, bất tịnh, không xa Thế Tôn bao nhiêu.

5) Rồi Thế Tôn biết được: “Đây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Ông luân hồi dài dài,

Hình thức tịnh, bất tịnh.

Thôi vừa rồi, Ác ma,

Ông đã bị bại trận.

Những vị thân, khẩu, ý,

Khéo hộ trì chế ngự,

Này kẻ Ác ma kia,

Những vị ấy như vậy,

Không bị Ông chi phối,

Không phải đệ tử Ông.

6) Rồi Ác ma biết được... liền biến mất tại chỗ.

IV. BẪY SẬP (S.i,105)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Barànasi (Ba-la-nại), Isipatana (chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: – “Này các Tỷ-kheo”. – “Thưa vâng, bạch Thế Tôn “. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

2) Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ-kheo, chính nhờ chánh tác ý, chính nhờ chánh tinh cần. Ta chứng đạt Vô thượng giải thoát. Ta chứng ngộ Vô thượng giải thoát. Vậy này các Tỷ-kheo các Ông cũng phải với chánh tác ý, chánh tinh cần, chứng đạt Vô thượng giải thoát, chứng ngộ Vô thượng giải thoát.

Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Ngài còn bị trói buộc,

Trong bẫy sập của ma,

Bởi những dây dục lạc,

Cả Thiên giới, Nhân giới.

Ngài đang bị cột chặt,

Trong triền phược của ma.

Này vị Sa-môn kia,

Ngài chưa thoát khỏi ta.

(Thế Tôn):

4) Ta đã được giải thoát,

Khỏi bẫy sập của ma,

Thoát khỏi dây dục lạc,

Cả Thiên giới, Nhân giới.

Ta đã được giải thoát,

Khỏi triền phược của ma,

Này kẻ Tử ma kia,

Ông đã bị bại trận.

5) Rồi Ác ma... biến mất tại chỗ.

V. BẪY SẬP (S.i,105)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi (Ba-la-nại) tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “– Này các Tỷ-kheo”. “– Thưa vâng Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

2) Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ-kheo, Ta đã được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, các Ông cũng được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ đi đến Uruvelà, thị trấn Senà để thuyết pháp.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Ngài còn bị trói buộc,

Trong bẫy sập của ma,

Bởi những dây dục lạc,

Cả Thiên giới, Nhân giới.

Ngài đang bị cột chặt,

Trong triền phược của ma,

Này vị Sa-môn kia,

Ngài chưa thoát khỏi ta.

(Thế Tôn)

4) Ta đã được giải thoát,

Khỏi bẫy sập của ma,

Thoát khỏi dây dục lạc,

Cả Thiên giới, Nhân giới.

Ta đã được giải thoát,

Khỏi triền phược của ma,

Này kẻ Tử ma kia,

Ông đã bị bại trận.

VI. CON RẮN (S.i,106)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.

3) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, bèn biến thành con đại xà vương và đi đến Thế Tôn.

4) Thân của nó to lớn ví như một chiếc thuyền đẽo ra từ một thân cây. Cái mang của nó ví như cái khay đan của người nấu rượu. Mắt của nó ví như cái đĩa bằng đồng của nước Kosala; lưỡi của nó le ra từ miệng ví như mũi tên chớp sáng lòe khi trời mưa gió sấm sét; tiếng hơi thở vô, hơi thở ra của nó ví như bệ thổi của người thợ rèn.

5) Rồi Thế Tôn biết: “Đây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ này với Ác ma:

Quý thay bậc Mâu-ni,

Sống trong nhà không tịch,

Biết chế ngự tự ngã,

Tại đấy vị ấy trú.

Sống từ bỏ tất cả,

Với hạnh tu tương xứng,

Nhiều loại thú bộ hành,

Nhiều sự vật khủng khiếp,

Nhiều ruồi muỗi độc xà,

Không mảy may rung động

Sợi lông bậc Mâu-ni

Sống trong nhà không tịch.

Dầu trời nứt, đất động,

Dầu muôn loài khủng bố,

Dầu bị giáo, đao, tên,

Quẳng ném vào ngực Ngài,

Chư Phật không tạo nên,

Những căn cứ sanh y.

6) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, liền biến mất tại chỗ.

VII. THỤY MIÊN (S.i,107)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Thế Tôn sau khi đã đi kinh hành ngoài trời một phần lớn của đêm. Khi đêm đã gần mãn, Ngài rửa chân, bước vào Tinh xá, và nằm xuống phía hông bên phải theo thế nằm của con sư tử, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác và nghỉ đến lúc thức dậy.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Sao Ngài còn nằm ngủ,

Sao Ngài vẫn nằm ngủ,

Sao Ngài ngủ như vậy,

Như kẻ chết nằm co?

Nghĩ rằng nhà trống không,

Nên Ngài ngủ như vậy,

Sao Ngài ngủ như vậy,

Khi mặt trời đã mọc?

(Thế Tôn):

4) Khi không còn tham ái,

Với lưới triền, nọc độc,

Người vậy được giải thoát,

Không bị dẫn nơi nào.

Ác ma! Bậc Giác Ngộ

Mọi sanh y diệt tận,

Vị ấy nếu có ngủ,

Các Ông làm được gì?

VIII. HOAN HỶ (S.i,107)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Cha sung sướng vì con,

Người chăn sướng vì bò,

Người sướng vì sanh y,

Không sanh y, không sướng.

(Thế Tôn):

Cha sầu vì con cái,

Người chăn sầu vì bò,

Người sầu vì sanh y,

Không sanh y, không sầu.

Rồi Ác ma biết rằng: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, liền biến mất tại chỗ.

IX. TUỔI THỌ (S.i,108)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Trúc lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo” – “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ-kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài Người ở đời này, rồi phải đi trong tương lai! Hãy làm điều lành. Hãy sống Phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ-kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.

4) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Loài Người thọ mạng dài,

Người lành chớ âu lo,

Bú sữa no, hãy sống

Tử vong đâu có đến.

(Thế Tôn):

5) Loài Người thọ mạng ngắn,

Người lành phải âu lo,

Như cháy đầu, hãy sống,

Tử vong rồi phải đến.

6) Rồi Ác ma, biết được “Thế Tôn đã biết ta...”, liền biến mất tại chỗ.

X. TUỔI THỌ (S.i,108)

1) Tại Ràjagaha (Vương xá).

Tại đây, Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ-kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài Người ở đời này, rồi phải đi trong tương lai! Hãy làm điều lành. Hãy sống Phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ-kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.

2) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Ngày đêm không trôi qua,

Thọ mạng không chấm dứt,

Thọ mạng người xoay vần,

Như vành theo trục xe.

(Thế Tôn):

3) Ngày đêm có trôi qua,

Thọ mạng có chấm dứt,

Mạng người phải khô cạn,

Như suối nhỏ đầu non.

4) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

II. PHẨM THỨ HAI

I. HÒN ĐÁ (S.i,109)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương xá), trên núi Gijjhakuta (Linh thứu).

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi giữa trời, trong bóng đêm tối, và trời mưa từng hột một.

3) Rồi Ác ma muốn làm Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, xô những tảng đá lớn rơi xuống không xa Thế Tôn bao nhiêu.

4) Rồi Thế Tôn biết được: “Đây là Ác ma”, liền nói bài kệ với Ác ma:

Dầu Ông làm chấn động,

Toàn bộ núi Linh thứu,

Cũng không làm rung động,

Bậc Giác Ngộ, Giải Thoát.

5) Rồi Ác ma được biết: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ.

II. CON SƯ TỬ (S.i,106)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn xung quanh có đại chúng bao vây, đang thuyết pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này xung quanh có đại chúng bao vây, đang thuyết pháp. Vậy ta hãy đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt (đại chúng ấy)”.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Sao Ngài lại rống lên,

Rống như loài sư tử,

Vô úy không sợ hãi,

Trước hội chúng đông đảo?

Nay Ngài có địch thủ,

Chớ nghĩ Ngài thắng trận!

(Thế Tôn):

4) Bậc Đại Hùng rống lên,

Vô úy trước đại chúng,

Như Lai chứng mười lực,

Vượt tham ái ở đời.

5) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng liền biến mất tại chỗ ấy.

III. PHIẾN ĐÁ (S.i,110)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương xá), tại Maddakucchi, vườn Nai (Migadaya).

2) Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị phiến đá gây thương tích. Thế Tôn cảm xúc khốc liệt, toàn thân đau đớn, nhói đau, đau nhức mãnh liệt, không thích thú, không vừa ý. Và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu không để tâm tư buồn nản.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Sao Ngài uể oải nằm,

Hay tìm thơ, tìm vận,

Phải chăng việc sai biệt,

Không chờ đợi Ngài làm,

Phải một mình cô độc,

Trên ghế giường nằm, ngồi,

Với gương mặt ngái ngủ,

Sao Ngài ngủ như vậy?

(Thế Tôn):

Ta không uể oải nằm,

Không tìm thơ, tìm vận,

Mục đích Ta đã đạt,

Đâu có sầu muộn gì!

Ta nằm ngồi một mình,

Trên ghế giường vắng lặng,

Yên tĩnh Ta nằm nghỉ,

Tâm từ, thương chúng sanh.

Những kẻ, ngực bị đâm,

Hổn hển tim dồn dập,

Vẫn tìm được giấc ngủ,

Dầu bị thương tích nặng.

Sao Ta lại không ngủ,

Khi không bị thương tích,

Khi thức không âu lo,

Khi ngủ chẳng sợ hãi,

Ngày đêm không khởi lên,

Phiền não bận lòng Ta?

Ta không thấy tai hại,

Một chỗ nào trên đời,

Do vậy, Ta nằm nghỉ,

Tâm từ, thương chúng sanh.

5) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng liền biến mất tại chỗ ấy.

IV. TƯƠNG ƯNG, THÍCH NGHI (S.i,111)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Kosala, tại một làng Bà-la-môn tên là Ekasàlà. Lúc bấy giờ, Thế Tôn xung quanh có đại chúng cư sĩ đoanh vây, đang thuyết pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này, xung quanh có đại chúng cư sĩ đoanh vây, đang thuyết pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt (đại chúng này)”.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Thật không chút thích hợp,

Để Ngài giảng dạy người,

Giữa người thuận, kẻ nghịch,

Chớ hành nghề đứng giữa.

(Thế Tôn):

4) Với lòng từ, thương tưởng,

Bậc Giác Ngộ dạy người,

Giữa người thuận, kẻ nghịch,

Như Lai chơn giải thoát.

5) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta...” liền biến mất tại chỗ ấy.

V. Ý (S.i,111)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Mọi hành tung của ý

Là bẫy sập trên không,

Chính với bẫy sập ấy,

Ta trói buộc lấy Ngài,

Này vị Sa-môn kia,

Ngài chưa thoát khỏi ta.

(Thế Tôn):

3) Sắc, thanh, hương, vị,, xúc,

Làm tâm ý ưa thích,

Ta không ưa muốn chúng,

Ta vượt thoát ngoài chúng,

Này kẻ Tử ma kia,

Ông đã bị bại trận.

4) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta...”, liền biến mất tại chỗ ấy.

VI. BÌNH BÁT (S.i,112)

1) Trú ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về năm thủ uẩn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lóng tai nghe pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về năm thủ uẩn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lắng tai nghe pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt (các Tỷ-kheo ấy)”.

3) Lúc bấy giờ có nhiều bình bát được đặt ra ngoài trời (để phơi cho khô).

4) Rồi Ác ma biến hình thành con bò đực và đi đến các bình bát ấy.

5) Rồi một Tỷ-kheo nói với một Tỷ-kheo khác:

– Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, con bò đực này sẽ làm bể các bình bát.

6) Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy:

– Này Tỷ-kheo, nó không phải con bò đực. Nó chính là Ác ma muốn đến làm mờ mắt các ông.

7) Và Thế Tôn biết được: “Đây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ cho Ác ma:

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức,

Cái ấy không phải tôi,

Cái ấy không của tôi,

Như vậy đây ly tham,

Ly tham vậy, tâm an,

Mọi kiết sử siêu thoát,

Dầu tìm mọi xứ sở,

Ma quân không gặp được.

8) Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta...”, liền biến mất tại chỗ ấy.

VII. XỨ (S.i,112)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli (Tỳ-xá-ly), Đại Lâm, chỗ Trùng Các giảng đường.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về sáu xúc xứ, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các vị Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tư tưởng, lóng tai nghe pháp.

3) Rồi Ác ma suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về sáu xúc xứ, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lắng tai nghe pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt (các Tỷ-kheo ấy)”.

4) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, Ác ma hét lên một tiếng to lớn, khủng khiếp, dễ sợ, như đất bị nứt vỡ.

5) Rồi một Tỷ-kheo nói với một Tỷ-kheo khác:

– Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, hình như quả đất này bị nứt vỡ.

6) Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tỷ-kheo ấy:

– Này Tỷ-kheo không phải đất nứt vỡ. Đó là Ác ma đi đến để làm mờ mắt các Ông.

7) Rồi Thế Tôn biết được: “Đây là Ác ma”, liền nói bài kệ cho Ác ma:

Sắc, thanh, vị và hương,

Cùng toàn bộ xúc, pháp,

Là thế vật rùng rợn,

Làm mê loạn ở đời.

Đệ tử bậc Chánh Giác,

Chánh niệm, vượt khỏi chúng,

Vượt thế lực Ác ma,

Như mặt trời sáng chói.

8) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta...”, liền biến mất tại chỗ ấy.

VIII. ĐOÀN THỰC (S.i,113)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Magadha, tại làng Bà-la-môn tên là Pancasàlà.

2) Lúc bấy giờ, tại làng Bà-la-môn tên là Pancasàlà, lễ trao đổi tặng vật giữa nam nữ thanh niên đang được xảy ra.

3) Rồi Thế Tôn đắp y, vào buổi sáng, cầm y bát đi vào làng Bà-la- môn Pancasàlà để khất thực.

4) Lúc bấy giờ, các Bà-la-môn gia chủ ở Pancasàlà bị Ác ma xâm nhập và quyết định: “Chớ để Sa-môn Gotama nhận được đồ ăn khất thực”.

5) Rồi Thế Tôn đi vào làng Bà-la-môn tên Pancasàlà để khất thực với bình bát rửa sạch như thế nào, cũng đã trở về cùng với bình bát được rửa sạch như vậy.

6) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, Ngài có nhận được đồ ăn khất thực không?

7) – Này Ác ma, có phải Ông làm cho Ta không nhận được đồ ăn khất thực?

8) – Vâng bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đi vào làng Bà-la-môn Pancasàlà một lần thứ hai nữa. Và tôi sẽ làm để Thế Tôn nhận được đồ ăn khất thực

(Thế Tôn):

Ác ma làm điều ác,

Để tấn công Như Lai,

Này Ác ma, vì sao,

Ông có thể nghĩ rằng,

Điều ác Ông hại Ta,

Sẽ không có kết quả.

Chúng ta sống sung sướng,

Những người không có gì,

Như chư Thiên Quang Âm,

Như chư Thiên Quang Âm,

Có hào quang sáng chói,

Lấy hỷ làm đồ ăn.

9) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta...”, liền biến mất tại chỗ ấy.

IX. NGƯỜI NÔNG PHU (S.i,114)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về vấn đề liên hệ đến Niết-bàn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lóng tai nghe pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các vị Tỷ-kheo về các vấn đề liên hệ đến Niết-bàn... Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama để làm mờ mắt (các Tỷ-kheo ấy)”.

3) Rồi Ác ma biến hình thành một người nông phu, mang trên vai một cái cày lớn, tay cầm một cây gậy đâm bò, đầu bù tóc rối, mặc đồ vải gai, chân lấm bùn nhơ, đi đến, sau khi đến, nói với Thế Tôn:

4) – Này Sa-môn, Ngài có thấy con bò đực không?

5) – Nhưng này Ác ma, con bò đực đối với Ông là gì?

6) – Này Sa-môn, mắt là của ta, sắc là của ta, thức xứ do mắt xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta?

Này Sa-môn, tai là của ta. Tiếng là của ta...

Này Sa-môn, mũi là của ta, hương là của ta...

Này Sa-môn, lưỡi là của ta, vị là của ta...

Này Sa-môn, thân là của ta, xúc là của ta...

Này Sa-môn, ý là của ta, pháp là của ta, thức xứ do ý xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta không?

7) – Này Ác ma, mắt là của Ông, sắc là của Ông, thức xứ do mắt xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có mắt, không có sắc, không có thức xứ xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

8) Này Ác ma, tai là của Ông, tiếng là của Ông, thức xứ do tai xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có tai, không có tiếng, không có thức xứ do tai xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

9) Này Ác ma, mũi là của Ông, hương là của Ông, thức xứ do mũi xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có mũi, không có hương, không có thức xứ do mũi xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

10) Này Ác ma, lưỡi là của Ông, vị là của Ông, thức xứ do lưỡi cảm xúc là của ông. Này Ác ma, chỗ nào không có lưỡi, không có vị, không có thức xứ do lưỡi xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma. Này Ác ma, thân là của Ông, xúc là của Ông, thức xứ do thân xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có thân, không có xúc, không có thức xứ do thân xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

11) Này Ác ma, ý là của Ông, pháp là của Ông, thức xứ do ý xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có ý, không có pháp, không có thức xứ do ý xúc chạm, thời này Ác ma, chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

12) – Sự vật được Ngài nói:

“Cái này là của tôi”.

Và những người đã nói:

“Cái này là của tôi”.

Nếu ở đây có ý,

Đối với sự vật ấy,

Như vậy, này Sa-môn,

Ngài không thoát khỏi ta.

(Thế Tôn):

13) Sự vật được Ông nói:

“Cái này không của tôi”.

Và những người đã nói:

“Chúng không phải là tôi”.

Này Ác ma, như vậy,

Ông có biết được chăng,

Cho đến Ông không thấy,

Con đường của Ta đi?

14) Rồi Ác ma... liền biến mất tại chỗ ấy.

X. THỐNG TRỊ (S.i,116)

1) Một thời Thế Tôn ở Kosala, dưới chân núi Tuyết sơn, tại một am thất nhỏ trong rừng.

2) Trong khi Thế Tôn Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Có thể chăng cai trị mà không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn một cách đúng pháp?”.

3) Rồi Ác ma, biết được tâm tư Thế Tôn như vậy, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cai trị. Thiện Thệ hãy cai trị không giết hại, không khiến người giết hại, không chinh phục, không khiến người chinh phục, không sầu muộn, không khiến người sầu muộn một cách đúng pháp.

4) – Này Ác ma, Ông thấy gì mà Ông nói với Ta như vậy: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cai trị. Thiện Thệ hãy cai trị không giết hại, không khiến người giết hại...,... một cách đúng pháp”?

5) – Bạch Thế Tôn, bốn như ý túc đã được Thế Tôn tu tập, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành căn cứ địa, kiên trì, chất chứa, khéo áp dụng. Và Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn muốn núi Tuyết sơn, vua các loài núi trở thành vàng, Thế Tôn có thể quyết định như vậy, và ngọn núi có thể trở thành vàng.

(Thế Tôn):

6) Dầu cho cả ngọn núi,

Trở thành toàn vàng ròng,

Cho đến hóa gấp đôi,

Cũng không thỏa mãn được,

Tham vọng của một người.

Biết vậy để hành trì,

Ai thấy rõ đau khổ,

Và nguyên nhân đau khổ,

Làm sao người như vậy,

Có khuynh hướng ái dục?

Sau khi biết sanh y

Là ràng buộc ở đời,

Người biết vậy nên học,

Giải trừ mọi buộc ràng.

7) Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, sầu khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

III. PHẨM THỨ BA (Thêm năm kinh)

I. ĐA SỐ (S,i.117)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở giữa các vị Sakkà, tại Silàvatì.

2) Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

3) Rồi Ác ma biến hình thành một Bà-la-môn, với búi tóc lớn, mặc áo bằng da con linh dương, già yếu, lưng còm như xà nhà, hơi thở hổn hển, tay cầm gậy bằng gỗ udumbara, đi đến các Tỷ-kheo ấy; sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo:

Chư Đại đức xuất gia quá trẻ, niên thiếu, tóc còn đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong thời trẻ thơ của tuổi đời, không thọ hưởng các dục. Chư Đại đức hãy thọ hưởng các ái dục của con người, chớ có bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối.

4) – Này Bà-la-môn, chúng tôi không bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Bà-la-môn, chúng tôi bỏ những gì bị thời gian chi phối và chạy theo hiện tại. Này Bà-la-môn, Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, tai họa ở đấy càng nhiều hơn. Còn pháp này thuộc về hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, và chỉ người trí mới tự mình giác hiểu.

5) Khi nghe nói vậy, Ác ma cúi đầu, le lưỡi, trên trán hiện ra ba đường nhăn, chống gậy bỏ đi.

6) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

7) – Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Rồi bạch Thế Tôn, một người Bà-la-môn, với búi tóc lớn, mặc áo bằng da con linh dương, già yếu, lưng còm như xà nhà, hơi thở hổn hển, tay cầm gậy bằng gỗ udumbara, đi đến chúng con; sau khi đến, nói với chúng con như sau:

“– Chư Đại đức xuất gia quá trẻ, niên thiếu, tóc còn đen nhánh, trong buổi thanh xuân, trong thời trẻ thơ của tuổi đời, không thọ hưởng các dục. Chư Đại đức, hãy thọ hưởng các ái dục của con người, chớ có bỏ hiện tại để chạy theo những gì bị thời gian chi phối”.

8) Khi được nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, chúng con nói với Bà la môn ấy:

“– Này Bà-la-môn, chúng tôi không bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Bà-la-môn, chúng tôi bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại. Này Bà-la-môn, Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, tai họa ở đây càng nhiều hơn. Còn pháp này thuộc về hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng và chỉ người trí mới tự mình giác hiểu”.

9) Khi được nghe nói vậy, người Bà-la-môn ấy cúi đầu, le lưỡi, trên trán hiện ra ba đường nhăn, chống gậy rồi ra đi.

10) – Này các Tỷ-kheo, người ấy không phải là Bà-la-môn, chính là Ác ma đi đến để làm mờ mắt các Ông.

11) Rồi Thế Tôn biết được ý nghĩa này, ngay khi ấy nói lên bài kệ:

Ai thấy rõ khổ đau,

Và nguyên nhân đau khổ,

Làm sao người như vậy,

Có khuynh hướng các dục?

Sau khi biết sanh y

Là ràng buộc ở đời,

Người biết vậy nên học,

Giải trừ mọi buộc ràng.

II. SAMIDDHI (S.i,119)

1) Một thời Thế Tôn ở giữa các vị Sakkà, tại Silàvatì.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Samiddhi sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

3) Rồi Tôn giả Samiddhi, trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi bậc Đạo sư của ta là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi ta được xuất gia trong Pháp luật khéo giảng! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi những vị đồng Phạm hạnh với ta là những bậc trì giới và hành trì thiện pháp!”

4) Rồi Ác ma với tâm tư của mình biết được tâm tư của Tôn giả Samiddhi, liền đi đến Tôn giả Samiddhi. Sau khi đến, không xa Tôn giả Samiddhi, Ác ma hét lên tiếng hét to lớn, rùng rợn, khiến người ta nghĩ như là quả đất vỡ tung.

5) Rồi Tôn giả Samiddhi đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Samiddhi bạch Thế Tôn:

6) – Bạch Thế Tôn, con sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Bạch Thế Tôn, trong khi con Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi bậc Đạo sư của ta là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi ta được xuất gia trong Pháp luật khéo giảng! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi các vị đồng Phạm hạnh với ta là những bậc trì giới và hành trì thiện pháp!” Khi ấy, bạch Thế Tôn, không xa con, một tiếng hét to lớn rùng rợn khởi lên, khiến người ta nghĩ như là quả đất vỡ tung.

7) – Này Samiddhi, không phải quả đất vỡ tung đâu. Đó là Ác ma đã đến để làm mờ mắt Ông. Này Samiddhi, Ông hãy đến tại chỗ ấy và sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

8) – Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Samiddhi vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, rồi ra đi.

9) Lần thứ hai, Tôn giả Samiddhi tại chỗ ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Lần thứ hai, trong khi Tôn giả Samiddhi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Thật lợi ích thay cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi bậc Đạo sư của ta là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta khi...,... và hành trì thiện pháp!”. Lần thứ hai, Ác ma biết được tư tưởng của Tôn giả Samiddhi...,... khiến người ta nghĩ như là quả đất vỡ tung.

10) Rồi Tôn giả Samiddhi, sau khi biết: “Đây là Ác ma” liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Ta với lòng tín ngưỡng,

Bỏ gia đình, xuất gia,

Niệm tuệ ta tăng trưởng,

Tâm tư ta Thiền định.

Dầu Ông tạo sắc gì,

Không làm ta sợ hãi.

11) Rồi Ác ma biết được: “Tỷ-kheo Samiddhi biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ.

III. GODHIKA (S.i,120)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Godhika trú ở sườn núi Isigili, tại Kàlasilà.

3) Rồi Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhứt thời tâm giải thoát. Rồi Tôn giả Godhika lại thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

4) Lần thứ hai, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần và chứng được nhất thời tâm giải thoát. Và lần thứ hai, Tôn giả Godhika lại thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

5) Lần thứ ba, Tôn giả Godhika sống... tâm giải thoát ấy.

6) Lần thứ tư, Tôn giả Godhika sống... tâm giải thoát ấy.

7) Lần thứ năm, Tôn giả Godhika sống... tâm giải thoát ấy.

8) Lần thứ sáu, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhất thời tâm giải thoát. Lần thứ sáu, Tôn giả Godhika cũng thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

9) Lần thứ bảy, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhứt thời tâm giải thoát.

10) Rồi Tôn giả Godhika suy nghĩ: “Cho đến lần thứ sáu, ta bị thối thất nhất thời tâm giải thoát. Vậy nay ta hãy đem lại con dao”.

11) Rồi Ác ma biết được tâm tư của Tôn giả Godhika, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Ôi, bậc Đại Anh hùng!

Ôi, bậc Đại Trí tuệ!

Ngài chói sáng hào quang,

Thần lực và danh xưng.

Ngài vượt qua tất cả,

Mọi sân hận hãi hùng.

Con chân thành đảnh lễ,

Dưới chân bậc Pháp nhãn.

Ôi, bậc Đại Anh hùng!

Bậc Chinh phục tử thần!

Đệ tử Ngài muốn chết,

Đang suy nghĩ đến chết.

Ôi, bậc Chói Hào quang!

Hãy ngăn chặn vị ấy.

Làm sao, bạch Thế Tôn,

Vị đệ tử của Ngài,

Hoan hỷ trong giáo lý,

Lại không chứng hữu học,

Còn muốn đoạt mạng sống?

Ôi, danh vọng thế gian!

12) Lúc bấy giờ, Tôn giả Godhika đã đem lại và sử dụng con dao.

13) Rồi Thế Tôn được biết: “Đây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Như vậy là sở hành,

Của bậc Đại Anh hùng,

Không còn nuôi ước vọng

Tạo thêm dòng sinh mạng,

Đoạn tận ái, ái căn,

Godhika nhập diệt.

14) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, chúng ta hãy đi đến sườn núi Isigili, Kàlasilà, tại chỗ thiện nam tử Godhika đã đem lại và sử dụng con dao.

15) – Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

16) Rồi Thế Tôn cùng với một số đông Tỷ-kheo đi đến sườn núi Isigili, Kàlasilà, và Thế Tôn thấy từ đằng xa, Tôn giả Godhika đang nằm trên giường, với hai vai mở rộng (bị thương hay co quắp lại).

17) Lúc bấy giờ một làn khói đen tối đi về phía Đông, đi về phía Tây, đi về phía Bắc, đi về phía Nam, đi về phía Trên, đi về phía Dưới.

18) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy làn khói đen tối ấy đi về phía Đông, đi về phía Tây, đi về phía Bắc, đi về phía Nam, đi về phía Trên, đi về phía Dưới không?

– Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy như vậy.

19) – Này các Tỷ-kheo, đó là Ác ma đang đi theo dõi thức của thiện nam tử Godhika: “Thức của thiện nam tử Godhika được an trú ở đâu?”. Và này các Tỷ-kheo, thiện nam tử Godhika đã nhập diệt, với thức không an trú ở đâu cả.

20) Rồi Ác ma tay cầm đờn thất huyền cầm màu vàng, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên bài kệ:

Trên, dưới và bề ngang,

Bốn phương, các phương giữa,

Ta tìm, nhưng không gặp,

Godhika đi đâu.

(Thế Tôn):

21) Vị Anh hùng kiên chí,

Thường Thiền lạc, Thiền tư,

Ngày đêm đầy nhiệt tình,

Nhưng sự sống, không tham,

Chiến thắng quân thần chết,

Tái sanh không đi đến,

Chinh phục ái, ái căn,

Godhika nhập diệt.

22) Còn kẻ bị sầu muộn,

Từ nách rơi huyền cầm,

Dạ-xoa bị thất vọng,

Liền biến mất tại chỗ.

IV. BẢY NĂM (S.i,122)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới cây Ajapàla Nigrodha.

2) Lúc bấy giờ, Ác ma đi theo Thế Tôn trong suốt bảy năm, với hy vọng tìm cho được lỗi lầm, nhưng tìm không được.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Với tâm tư sầu muộn,

Ngài Thiền tư trong rừng,

Vì tài sản hao mòn,

Hay vì thèm tài sản?

Có thể tại xóm làng,

Ngài đã gây tội phạm.

Sao Ngài không làm thân

Với bà con xóm giềng?

Sao Ngài không có thể

Làm bạn với một ai?

(Thế Tôn):

4) Mọi sầu căn nhổ sạch,

Không tội phạm, Ta Thiền,

Không sầu muộn, Ta Thiền.

Mọi hữu ái, đoạn tận,

Vô lậu, Ta Thiền định,

Này Bà con phóng dật!

(Ác ma):

5) Sự vật được Ngài nói:

“Cái này là của tôi”.

Và những người đã nói:

“Cái này chính là tôi”.

Nếu ở đây móng ý,

Đối với sự vật ấy,

Như vậy, này Sa-môn,

Ngài không thoát khỏi ta.

(Thế Tôn):

6) Sự vật được ông nói:

“Cái này không của tôi”

Và những người đã nói:

“Họ không phải là tôi”.

Hãy hiểu biết như vậy,

Này kẻ Ác ma kia!

Cho đến Ông không thấy,

Con đường của Ta đi.

(Ác ma):

7) Nếu Ngài chứng ngộ được,

Đường an toàn bất tử,

Ngài hãy đi một mình.

Sao lại dạy người khác?

(Thế Tôn):

8) Người đi đến bờ kia,

Họ hỏi nước bất tử,

Được hỏi, Ta trả lời,

Cảnh giới vô dư y.

9) – Bạch Thế Tôn, ví như một hồ nước không xa làng hay thị trấn. Tại đấy có một con cua. Rồi bạch Thế Tôn, nhiều người con trai hay người con gái, từ làng ấy đi ra, đi đến hồ nước ấy. Sau khi đến, họ kéo con cua ấy lên khỏi nước và đặt nó trên đất liền. Bạch Thế Tôn, khi nào con cua ấy thò ra cái càng nào, những người con trai hay những người con gái ấy, lấy gậy hay lấy miểng sành chặt đứt, bẻ gãy hay đập nát cái càng ấy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con cua ấy, với mọi càng bị chặt đứt, bẻ gãy, đập nát, không thể bò xuống hồ nước ấy nữa. Ví như lúc trước có những lộn xộn, mâu thuẫn, xuyên tạc gì đã được Thế Tôn chặt đứt, bẻ gẫy, đập nát. Và nay, bạch Thế Tôn, với hy vọng tìm cho được lỗi lầm, con không thể đến gần Thế Tôn được.

10) Rồi Ác ma, trước mặt Thế Tôn, trong nỗi niềm thất vọng, nói lên bài kệ này:

Như quạ liệng hư không,

Thấy đá như miếng mỡ,

Tưởng rằng sẽ tìm được,

Miếng gì mềm và ngon.

Không tìm được gì ngon,

Liền từ đó bay đi,

Như quạ mổ hòn đá,

Thất vọng ta bỏ đi,

Giã từ Gotama.

11) Rồi Ác ma, sau khi nói lên những bài kệ ấy trước mặt Thế Tôn, từ chỗ ấy bỏ đi, rồi ngồi kiết-già trên đất, không xa Thế Tôn, im lặng, hổ ngươi, thụt vai, cúi đầu, sững sờ, câm miệng, lấy chiếc gậy cào trên đất.

V. NHỮNG NGƯỜI CON GÁI (S.i,124)

1) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục, đi đến Ác ma, sau khi đến, nói lên bài kệ này với Ác ma:

Cha thân yêu, sao cha

Lại thất vọng như vậy?

Vì ai, vì người nào,

Khiến cha phải sầu muộn?

Chúng con với ái dục,

Sử dụng như bẫy mồi,

Sẽ buộc chặt họ lại,

Như buộc chặt voi rừng,

Và dẫn họ đến cha,

Khiến họ quy phục cha.

(Ác ma):

2) Bậc La-hán, Thiện Thệ,

Bậc Chánh Giác ở đời,

Không dễ dùng ái dục,

Khéo nhiếp phục vị ấy.

Vị ấy đã vượt qua,

Lãnh vực của Ác ma,

Do vậy, ta sầu não,

Buồn phiền đến cực độ.

3) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc, và Tham dục đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

– Thưa Sa-môn, chúng con xin hầu hạ dưới chân Ngài.

Nhưng Thế Tôn không chú ý đến, vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

4) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi qua phía một bên và suy nghĩ như sau: “Sở thích của con người cao thấp khác nhau. Vậy chúng ta biến hình thành một trăm thiếu nữ”.

5) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục, sau khi biến hình thành một trăm thiếu nữ, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

– Thưa Sa-môn, chúng con xin hầu hạ dưới chân Ngài.

Nhưng Thế Tôn không chú ý đến, vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

6) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi qua phía một bên và suy nghĩ như sau: “Sở thích của con người cao thấp khác nhau. Vậy chúng ta hãy biến hình thành một trăm thiếu phụ chưa sanh con”.

7) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục sau khi biến thành một trăm thiếu phụ chưa sanh con, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

– Thưa Sa-môn, chúng con xin hầu hạ dưới chân Ngài.

Nhưng Thế Tôn không chú ý đến, vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

8) Rồi các nữ ma Khát ái...,... sau khi biến hình thành một thiếu phụ đã sanh một con, đi đến Thế Tôn...,... vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

9) Rồi các nữ ma Khát ái...,... sau khi biến hình thành một thiếu phụ đã sanh hai con, đi đến Thế Tôn...,... vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

10) Rồi các nữ ma Khát ái...,.... sau khi biến hình thành một thiếu phụ trung niên, đi đến Thế Tôn...,... vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

11) Rồi các nữ ma Khát ái...,... sau khi biến hình thành một phụ nữ lớn tuổi, đi đến Thế Tôn...,... Vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

12) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi qua một bên và nói như sau:

– Cha chúng ta nói thật đúng sự thật:

Bậc La-hán, Thiện Thệ,

Bậc Chánh Giác ở đời,

Không dễ dùng ái dục,

Khéo nhiếp phục vị ấy.

Vị ấy đã vượt qua,

Quyền lực của Ác ma,

Do vậy ta sầu não,

Buồn phiền đến cực độ.

13) Nếu chúng ta tấn công với phương tiện này, một Sa-môn hay Bà-la-môn nào chưa ly ái dục, người ấy sẽ bể tim, hay miệng hộc máu nóng, hay bị loạn tâm, hay bị cuồng ý. Ví như một cây lau xanh bị gặt hái sẽ héo hắt, khô cằn, tiều tụy. Cũng vậy, người ấy sẽ héo hắt, khô cằn, tiều tụy.

14) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, liền đứng một bên.

15) Đứng một bên, nữ ma Khát ái nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Với tâm tư sầu muộn,

Ngài Thiền tư trong rừng,

Vì tài sản hao mòn,

Hay vì thèm tài sản?

Có thể tại xóm làng,

Ngài đã gây tội phạm,

Sao Ngài không làm thân

Với bà con xóm giềng?

Sao Ngài không có thể

Làm bạn với một ai?

(Thế Tôn):

16) Với mục đích đạt thành,

Với thân tâm an tịnh,

Ta chiến thắng quân binh.

Hình sắc lạc, khả ái.

Ta độc tọa Thiền tư,

Chứng ngộ chơn an lạc,

Do vậy, giữa chúng sanh,

Ta không bạn một ai.

Làm bạn với một ai,

Đối với Ta không cần.

17) Rồi nữ ma Bất lạc nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Làm sao vị Tỷ-kheo,

Sống giữa nhiều (chướng ngại),

Đã vượt năm bộc lưu,

Lại gắng vượt thứ sáu?

Làm sao Thiền tư được,

Giữa rất nhiều dục tưởng,

Được giữ ngoài vị ấy,

Không bắt vị ấy được?

(Thế Tôn):

18) Với thân được khinh an,

Với tâm khéo giải thoát,

Không còn các sở hành,

Chánh niệm, không tham trước,

Biết rõ được Chánh pháp,

Không tầm, tu Thiền định.

Không phẫn nộ, vọng niệm,

Không thụy miên, giải đãi,

Như vậy vị Tỷ-kheo,

Sống giữa nhiều chướng ngại,

Đã vượt năm bộc lưu,

Lại gắng vượt thứ sáu,

Như vậy tu Thiền tư,

Giữa rất nhiều dục tưởng,

Được giữ ngoài vị ấy,

Không bắt vị ấy được.

19) Rồi nữ ma Tham dục, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Đoạn tận được khát ái,

Sống giữa các chúng đoàn,

Phần lớn các chúng sanh,

Chắc chắn sẽ sống vậy.

Vị không tham trước này,

Sống từ bỏ đám đông,

Đoạn tận dẫn quần sanh,

Thoát khỏi Ma vương quốc.

(Thế Tôn):

20) Thật vậy, chư Đại Hùng,

Thật vậy, chư Như Lai,

Với chơn vi diệu pháp,

Hướng dẫn (mọi quần sanh),

Được Chánh pháp hướng dẫn,

Dầu có ganh tức gì,

Không thể không biết vậy.

21) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi đến Ác ma.

22) Và Ác ma thấy các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục từ xa đi lại. Thấy vậy, Ác ma liền nói lên bài kệ:

Các Ngươi thật kẻ ngu,

Lấy cành sen phá đá,

Lấy móng tay đào núi,

Lấy răng nhai sắt thép.

Các Ngươi thật giống người,

Lấy đầu húc đá tảng,

Cố gắng tìm chân đứng,

Trong vực thẳm thâm sâu.

Các Ngươi thật giống người,

Lấy ngực đâm lao nhọn.

Thất vọng, các Ông đến,

Giã từ Gotama.

23) Trong áo xiêm lòe loẹt,

Con gái ma, chúng đến,

Khát ái và Bất lạc,

Cùng với nàng Tham dục.

Bậc Đạo sư quét sạch,

Các con gái Ác ma,

Như Thần gió quét sạch,

Các cây lá rơi rụng.

PT & DTKVN

Năm bộ Nikaya : 

CHƯƠNG NĂM: TƯƠNG ƯNG TỶ-KHEO-NI

I. ÀLAVIKÀ (S.i.128)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Tỷ-kheo-ni Àlavikà, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni đi đến rừng Andha để tìm sự yên tĩnh viễn ly.

3) Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Àlavikà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn nàng từ bỏ yên tĩnh viễn ly, nên đi đến Tỷ-kheo-ni Àlavikà và nói lên bài kệ:

Đời không có xuất ly,

Sống viễn ly làm gì?

Hãy trọn hưởng dục lạc,

Chớ hối hận về sau.

4) Tỷ-kheo-ni Àlavikà suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?”

5) Tỷ-kheo-ni Àlavikà suy nghĩ: “Chính Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn làm ta từ bỏ yên tĩnh viễn ly nên đã nói lên bài kệ đó”.

6) Tỷ-kheo-ni Àlavikà biết được: “Đấy là Ác ma”, liền nói lên bài kệ:

Ở đời có xuất ly,

Nhờ trí tuệ, ta chứng.

Này Bà con phóng dật,

Biết sao được pháp ấy?

Ái dục như kiếm thương,

Đài chém đầu các uẩn.

Điều Ông gọi dục lạc,

Ta gọi là bất lạc.

7) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Àlavikà đã biết ta”, nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

II. SOMÀ (S.i.129)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Rồi Tỷ-kheo-ni Somà vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực.

2) Khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày. Sau khi đi sâu vào rừng, nàng ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

3) Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Somà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỷ-kheo-ni Somà; sau khi đến, nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Somà:

Địa vị khó chứng đạt,

Chỉ Thánh nhân chứng đạt,

Trí nữ nhân hai ngón,

Sao hy vọng chứng đạt?

4) Tỷ-kheo-ni Somà suy nghĩ: “Ai đã nói bài kệ này? Người hay không phải người?”

5) Tỷ-kheo-ni Somà suy nghĩ: “Đây là Ác ma muốn làm cho ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn ta từ bỏ Thiền định, nên đã nói lên bài kệ đó”.

6) Tỷ-kheo-ni Somà biết được: “Đây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Nữ tánh chướng ngại gì,

Khi tâm khéo Thiền định,

Khi trí tuệ triển khai,

Chánh quán pháp vi diệu?

Ai tự mình tìm hỏi:

“Ta, nữ nhân, nam nhân,

Hay ta là ai khác?”

Xứng nói chuyện Ác ma,

Ác ma thật cân xứng.

7) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Somà đã biết ta”, nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

III. GOTAMÌ (S.i.129)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực.

2) Khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày; sau khi đi sâu vào rừng Andha, đến ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

3) Ác ma muốn làm cho Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì; sau khi đi đến, liền nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì:

Sao nàng như mất con,

Một mình, mặt ứa lệ.

Hay một mình vào rừng,

Để tìm đàn ông nào?

4) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?”

5) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì suy nghĩ: “Đây là Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến ta từ bỏ Thiền định nên đã nói lên bài kệ đó”.

6) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì biết được: “Đây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Con hại, đã qua rồi,

Đàn ông đã chấm dứt,

Ta không sầu, không khóc,

Ta sợ gì các Ông?

Khắp nơi hỷ, ái đoạn,

Khối mê ám nát tan,

Chiến thắng quân thần chết,

Vô lậu, ta an trú.

7) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì đã biết ta” nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

IV. VIJAYÀ

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Vijavà vào buổi sáng đắp y... và ngồi xuống dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Ác Ma muốn làm cho Tỳ-kheo-ni Vijaya sợ hãi... muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỳ-kheo-ni Vijaya; sau khi đến, nói lên bài kệ với Tỳ-kheo-ni Vijaya:

Nàng vừa trẻ, vừa đẹp,

Ta vừa trẻ, vừa xuân,

Với cung đàn năm điệu,

Nàng cùng ta vui hưởng.

3) Tỷ-kheo-ni Vijaya suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?”

4) Tỷ-kheo-ni Vijaya suy nghĩ: “Đây là Ác ma... nói lên bài kệ đó”.

5) Tỷ-kheo-ni Vijaya suy nghĩ: “Đây là Ác ma”, liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Sắc, tiếng, vị, hương, xúc,

Làm cho ý đam mê,

Ta nhường lại Ác ma,

Ta đâu có cần chúng.

Với thân bất tịnh này,

Dễ hư hoại mong manh,

Ta bực phiền, tủi hổ,

Dục ái được đoạn tận.

Họ sanh hưởng sắc giới,

Chúng vọng vô sắc giới,

Thiền chứng an tịnh ấy,

Mọi nơi, mê ám diệt.

6) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Vijayà đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

V. UPPALAVANNÀ (S.i.131)

1) Nhân duyên Sàvatthi.

Rồi Tỷ-kheo-ni Uppalavannà vào buổi sáng đắp y... và đứng dưới gốc cây tala có trổ hoa.

2) Ác ma muốn làm cho Tỷ-kheo-ni Uppala-vannà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỷ-kheo-ni Uppalavannà.

3) Sau khi đến, Ác ma nói lên bài kệ này với Tỷ-kheo-ni Uppalavannà:

Này nàng Tỷ-kheo-ni,

Dưới gốc cây tala,

Đang nở nụ trăm hoa,

Nàng đến đứng một mình,

Nhan sắc Nàng tuyệt đẹp,

Không ai dám sánh bằng!

Tại đây Nàng đã đến,

Trong tư thế như vậy,

Nàng ngu dại kia ơi,

Không sợ cám dỗ sao?

4) Tỷ-kheo-ni Uppalavannà suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay là không phải người?”

5) Tỷ-kheo-ni Uppalavannà suy nghĩ: “Đây là Ác ma... đã nói lên bài kệ đó”.

6) Tỷ-kheo-ni Uppalavannà biết được: “Đây là Ác ma”, liền trả lời với bài kệ:

Trăm ngàn người cám dỗ,

Có đến đây như Ông,

Mảy lông ta không động,

Ta không gì sợ hãi.

Ác ma, ta không sợ,

Ta đứng đây một mình,

Ta có thể biến mất,

Hay vào bụng các Ông.

Ta đứng giữa hàng mi,

Ông không thấy ta được.

Với tâm khéo khiếp phục,

Thần túc khéo tu trì,

Ta thoát mọi trói buộc,

Ta đâu có sợ Ông?

Này Hiền giả Ác ma!.

7) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Uppalavannà đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

VI. CÀLÀ (S.i.132)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Càlà vào buổi sáng đắp y... ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Ác ma đi đến Tỷ-kheo-ni Càlà; sau khi đến, nói với Tỷ-kheo-ni Càlà:

– Này Tỷ-kheo-ni, Nàng không vui thích gì?

– Này Hiền giả, ta không vui thích sanh.

– Sao Nàng không vui thích sanh?

– Khi đã sanh, phải thọ hưởng các dục.

– Này Tỷ-kheo-ni, ai dạy cho nàng: “Chớ có vui thích sanh”?

(Càlà):

3) Sanh ra rồi phải chết,

Đã sanh thấy khổ đau,

Kiết sử trói gia hại,

Do vậy không thích sanh.

Đức Phật thuyết giảng pháp,

Khiến vượt khỏi tái sanh,

Đoạn trừ mọi khổ não,

Giúp ta trú chân thật.

Chúng sanh hướng sắc giới,

Họ vọng vô sắc giới,

Nếu không biết đoạn diệt,

Họ đi đến tái sanh.

4) Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Càlà đã biết ta”, buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

VII. UPACÀLÀ

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Rồi Tỷ-kheo-ni Upacàlà, vào buổi sáng, đắp y... và ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ban ngày... nói với Tỷ-kheo-ni Upacàlà:

– Này Tỷ-kheo-ni, Nàng muốn tái sanh tại chỗ nào?

3) – Ta không muốn tái sanh tại một chỗ nào cả, này Hiền giả.

4) Chư Thiên Ba mươi ba,

Dạ-ma, Đâu-suất thiên,

Chư vị Hóa lạc thiên,

Tha hóa Tự tại thiên,

Nàng hãy hướng tâm này,

Đến cảnh giới chư Thiên,

Rồi Nàng được tái sanh,

Hưởng an lạc cảnh ấy.

5) Chư Thiên Ba mươi ba,

Dạ-ma, Đâu-suất thiên,

Chư vị Hóa Lạc thiên,

Tha hóa, Tự tại thiên,

Vì ái dục trói buộc,

Lại bị ma chinh phục.

Toàn thế giới cháy đỏ,

Toàn thế giới hỏa thiêu,

Toàn thế giới bùng cháy,

Toàn thế giới rung động.

Không rung, không dao động,

Không hệ lụy, phàm phu,

Chỗ nào ma không đến,

Chỗ ấy ta vui thích.

6) Rồi Ác ma biết được... biến mất tại chỗ ấy.

VIII. SISUPACÀLÀ

1) Tại Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Sisupacàlà vào buổi sáng đắp y... rồi ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Rồi Ác ma đi đến Tỷ-kheo-ni Sisupacàlà; sau khi đến, nói với Tỷ-kheo-ni Sisupacàlà:

– Này Tỷ-kheo-ni, Nàng thích thú tà giáo của ai không?

3) – Này Hiền giả, ta không thích thú tà giáo của ai cả.

4) Vì ai Nàng trọc đầu,

Hiện tướng nữ Sa-môn?

Nàng không thích tà giáo,

Vậy nàng tu cho ai,

Này kẻ Ngu muội kia?

(Sisupacàlà):

5) Những kẻ tin tà kiến,

Thuộc ngoại đạo tà giáo.

Ta không thích pháp họ,

Ta không giỏi pháp họ!

Có dòng họ Thích-ca.

Đản sanh Phật vô tỷ,

Ngài chinh phục tất cả,

Ngài đại phá chúng ma,

Tại mọi chỗ, mọi nơi,

Không ai chiến thắng Ngài.

Ngài giải thoát hoàn toàn,

Không bị gì triền phược.

Bậc Pháp nhãn thấy khắp;

Tất cả nghiệp đoạn diệt,

Giải thoát, diệt sanh y.

Thế Tôn, Đạo sư ta,

Ta thích giáo pháp Ngài.

6) Rồi Ác ma biết được... liền biến mất tại chỗ ấy.

IX. SELÀ (S.i.134)

1) Ở tại Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Selà vào buổi sáng đắp y... ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Rồi Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Selà run sợ... nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Selà:

Bởi vì bong bóng này,

Được tạo tác làm ra,

Ai là người sáng tạo,

Bong bóng như huyễn này?

Từ đâu bong bóng sanh?

Đi đâu bong bóng diệt?

3) Rồi Tỷ-kheo-ni Selà suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?”

4) Rồi Tỷ-kheo-ni Selà suy nghĩ: “Đây là Ác ma, muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến ta từ bỏ Thiền định, nên đã nói lên bài kệ ấy”.

5) Rồi Tỷ-kheo-ni Selà được biết: “Đây là Ác ma”, nên trả lời Ác ma với bài kệ:

Bong bóng như huyễn này,

Không phải tự ngã làm,

Sự vật bạc phước này,

Không phải người khác làm.

Do nhân duyên quy tụ,

Sự vật được hình thành,

Do nhân duyên tán ly,

Sự vật bị tiêu diệt.

Hột giống gieo vào ruộng,

Được nẩy mầm, sinh lộc,

Khi nhiễm thấm cả hai,

Vị đất và khí ướt.

Cũng vậy uẩn và giới,

Cùng với sáu xứ này,

Do nhân duyên quy tụ,

Chúng sẽ được hình thành,

Do nhân duyên tán ly,

Chúng bị hoại, tiêu diệt.

6) Rồi Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Selà đã biết ta”, nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

X. VAJIRÀ

1) Ở tại Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Vajirà vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni Vajirà đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày, đi sâu vào rừng Andha và ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Rồi Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Vajirà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến, nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Vajirà:

3) Do ai, hữu tình này,

Được sanh, được tạo tác?

Người tạo hữu tình này,

Hiện nay ở tại đâu?

Từ đâu hữu tình sanh?

Đi đâu hữu tình diệt?

4) Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?”

5) Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà lại suy nghĩ: “Chính là Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến ta từ bỏ Thiền định, nên đã nói lên bài kệ này”.

6) Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà biết được: “Đây là Ác ma”, liền trả lời Ác ma với bài kệ:

Sao Ông lại nói hoài,

Đến hai chữ chúng sanh?

Phải chăng, này Ác ma,

Ông rơi vào tà kiến?

Đây quy tụ các hành,

Chúng sanh được hình thành,

Như bộ phận quy tụ,

Tên xe được nói lên.

Cũng vậy, uẩn quy tụ,

Thông tục gọi chúng sanh.

Chỉ có khổ được sanh,

Khổ tồn tại, khổ diệt,

Ngoài khổ, không gì sanh,

Ngoài khổ không gì diệt.

7) Rồi Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Vajirà đã biết ta”, nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

PT & DTKVN

 

Năm bộ Nikaya : 

CHƯƠNG SÁU: TƯƠNG ƯNG PHẠM THIÊN

I. PHẨM THỨ NHẤT.

I. THỈNH CẦU (S.i. 136)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài mới thành đạo.

2) Rồi Thế Tôn, trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên:

3) “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới cảm nhận! Còn quần chúng này ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy định lý này, tức là y duyên tánh duyên khởi pháp. Thật khó thấy định lý này, tức là tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được từ bỏ, ái tận, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, như vậy thật mệt mỏi cho Ta, như vậy thật bực phiền cho Ta”.

4) Rồi những bài kệ vi diệu này, từ trước chưa từng được nghe, được Thế Tôn nói lên:

Pháp Ta chứng khó khăn,

Sao nay Ta nói lên?

Tham, sân chi phối ai,

Khó chứng ngộ pháp này.

Pháp này đi ngược dòng,

Vi diệu và thâm sâu,

Khó thấy, rất vi tế.

Những ai ưa ái dục,

Bị vô minh bao phủ,

Rất khó thấy pháp này.

5) Thế Tôn với suy tư như vậy, tâm hướng về thụ động, không muốn thuyết pháp.

6) Rồi Phạm thiên Sahampati biết được tâm tư Thế Tôn nhờ tâm tư của mình, liền suy nghĩ: “Thật sự thế giới bị tiêu diệt, thật sự thế giới bị diệt vong, nếu tâm Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hướng về thụ động, không muốn thuyết pháp”.

7) Rồi Phạm thiên Sahampati, như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi thẳng; cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

 8) Rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y trên một bên vai, quỳ đầu gối bên phải trên mặt đất, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe Chánh pháp. (Nếu được nghe) những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp.

9) Phạm thiên Sahampati nói lên như vậy. Nói xong như vậy, vị ấy lại nói thêm như sau:

Tại xứ Magadha,

Thuở trước có hiện ra,

Tà pháp không thanh tịnh,

Do uế tâm suy diễn.

Mở cửa bất tử này,

Để họ được nghe pháp,

Do bậc Thánh vô uế,

Đã chơn chánh giác ngộ.

Như đứng trên tảng đá,

Tại đỉnh một núi cao,

Đưa mắt nhìn xung quanh,

Quần chúng (dưới chân mình).

Cũng vậy, Ngài Thiện Thệ,

Leo lên lầu Chánh pháp,

Biến nhãn, không sầu muộn,

Nhìn xuống đám quần sanh

Bị ưu tư sầu khổ,

Bị sanh già áp bức.

Anh hùng, hãy đứng lên,

Bậc Chiến thắng chiến trường,

Vị Trưởng đoàn lữ khách,

Đấng Thoát ly nợ nần,

Thế Tôn hãy thuyết pháp,

Bộ hành khắp thế gian,

Có người nhờ được nghe,

Sẽ thâm hiểu diệu nghĩa.

10) Rồi Thế Tôn biết được lời thỉnh cầu của Phạm thiên, vì lòng thương xót đối với chúng sanh, nhìn đời với Phật nhãn.

11) Thế Tôn trong khi nhìn đời với Phật nhãn, thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng lợi căn, độn căn; có hạng tánh thuận, tánh nghịch; có hạng dễ dạy, khó dạy; một số thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm.

12) Ví như trong hồ sen xanh, sen hồng hay sen trắng, có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước làm đẫm ướt. Cũng vậy, Thế Tôn trong khi với Phật nhãn nhìn quanh thế giới, thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng lợi căn, độn căn; có hạng tánh thuận, tánh nghịch; có hạng dễ dạy, khó dạy; một số thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác, và sự nguy hiểm của các hành động lỗi lầm.

13) Thấy vậy, Ngài trả lời cho Phạm thiên Sahampati với những bài kệ:

Hãy rộng mở cho họ,

Cửa trường sanh bất tử,

Hỡi những ai có tai,

Hãy giải thoát tà tín,

Ý thức sự nguy hại,

Ta sẽ có thuyết giảng

Pháp tốt đẹp vi diệu,

Giữa nhân loại, chúng sanh,

Ôi Phạm thiên Sahampati!

14) Rồi Phạm thiên Sahampati biết được: “Ta đã tạo ra cơ hội cho Thế Tôn thuyết pháp”, nên đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ ấy.

II. CUNG KÍNH.

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài mới thành đạo.

2) Và Thế Tôn trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Thật là khó khăn, sống không có cung kính, không có vâng lời. Vậy Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn”.

3) Rồi Thế Tôn, suy nghĩ: “Với mục đích làm cho đầy đủ giới uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác. Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác ma và Phạm thiên, giữa các Sa-môn, giữa quần chúng loài Trời hay loài Người, không có một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, với giới uẩn cụ túc, tốt đẹp hơn Ta mà Ta có thể cung kính, tôn trọng và sống y chỉ”.

4) “Với mục đích làm cho đầy đủ định uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác...”

5) “Với mục đích làm cho đầy đủ tuệ uẩn chưa được đầy đủ...”

6) “ Với mục đích làm cho đầy đủ giải thoát uẩn chưa được đầy đủ...”

7) “Với mục đích làm cho đầy đủ giải thoát tri kiến uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác. Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác ma và Phạm thiên, giữa quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, giữa loài Trời hay loài Người, không có một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, với giải thoát tri kiến uẩn tốt đẹp hơn Ta mà Ta có thể cung kính, tôn trọng và sống y chỉ”.

8) “Với pháp này, Ta đã chánh đẳng giác, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ pháp này”.

9) Rồi Phạm thiên Sahampati với tâm tư của mình biết được tâm tư của Thế Tôn, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

10) Rồi Phạm thiên Sahamapati đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

11) – Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, trong thời quá khứ, các vị A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác, chư Thế Tôn ấy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào (Chánh) pháp. Bạch Thế Tôn, trong thời vị lai, các vị ấy sẽ thành A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác, chư Thế Tôn ấy sẽ cung kính, tôn trọng và sẽ sống y chỉ vào (Chánh) pháp. Bạch Thế Tôn, mong rằng trong thời hiện tại, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác cũng cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào (Chánh) pháp.

12) Phạm thiên Sahampati nói như vậy, sau khi nói như vậy, lại nói thêm như sau:

Chư Phật thời quá khứ,

Chư Phật thời vị lai,

Và đức Phật hiện tại,

Đoạn sầu muộn nhiều người.

Tất cả các vị ấy,

Đã, đang và sẽ sống,

Cung kính và tôn trọng,

Pháp chơn chánh vi diệu,

Pháp nhĩ là như vậy,

Đối với chư Phật-đà.

Do vậy, muốn lợi ích,

Ước vọng làm Đại nhân,

Hãy cung kính, tôn trọng

Pháp chơn chánh vi diệu,

Hãy ghi nhớ giáo pháp,

Chư Phật Chánh Đẳng Giác.

III. PHẠM THIÊN.

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại Tinh xá ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ con một nữ Bà-la-môn, tên là Brahmadeva đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình với Thế Tôn.

3) Rồi Tôn giả Brahmadeva sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh. Vị ấy ngay hiện tại với thắng trí tự mình chứng đắc, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Và Tôn giả Brahmadeva trở thành một vị A-la-hán.

4) Rồi Tôn giả Brahmadeva vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Trong khi bộ hành thứ lớp khất thực ở Sàvatthi, Tôn giả Brahmadeva đi đến nhà người mẹ của mình.

5) Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn mẹ Tôn giả Brahmadeva, thường làm lễ cúng dường Phạm thiên.

6) Rồi Phạm thiên Sahampati suy nghĩ: “Nữ Bà-la-môn mẹ Tôn giả Brahmadeva này, thường làm lễ cúng dường Phạm thiên. Vậy ta hãy đến bà ấy và làm cho bà chấn động”.

7) Rồi Phạm thiên Sahampati, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Phạm thiên biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trong nhà mẹ Tôn giả Brahmadeva.

8) Rồi Phạm thiên Sahampati đứng giữa hư không, nói lên bài kệ này với nữ Bà-la-môn mẹ Tôn giả Brahmadeva:

Ôi! Nữ Bà-la-môn,

Phạm thiên giới rất xa,

Chính Bà thường cúng dường,

Cho chính Phạm thiên ấy,

Món cúng dường như vậy,

Không món ăn Phạm thiên.

Người bập bẹ làm gì,

Chưa biết Phạm thiên đạo.

Này nữ Bà-la-môn,

Brahmadeva này

Là con trai của bà,

Ngài đoạn mọi sanh y,

Chứng pháp siêu Thiên giới,

Khất sĩ, không sở hữu,

Không nuôi dưỡng một ai.

Vị ấy nay đã đến,

Nhà Bà để khất thực,

Xứng đáng được cúng dường,

Thâm hiểu các Thánh điển,

Các căn khéo tu tập,

Nhơn, Thiên xứng cúng dường.

Vất ngoài mọi tà ác,

Thoát ly mọi nhiễm ô.

Ngài đi, tìm độ thực,

Lắng dịu mọi ưu phiền,

Về sau ngài không có,

Về trước, ngài cũng không.

Vắng lặng, không mù quáng,

Não phiền, không đắm say.

Ngài bỏ rơi gậy gộc,

Đối kẻ yếu, người mạnh.

Mong ngài được thọ hưởng,

Món thượng, vị Bà dâng,

Không bị ác quân phá,

Tâm tư thuần lắng dịu.

Như voi thuần, ngài đi,

Thoát ly mọi ái dục.

Vị Tỷ-kheo trì giới,

Tâm tư khéo giải thoát,

Hãy mời ngài thọ hưởng

Thượng vị Bà cúng dường.

Bà hãy dâng cúng dường.

Lên ngài, Bà tin tưởng,

Với lòng tin bất động,

Xứng đáng Bà cúng dường.

Hãy làm điều phước đức,

Dành an lạc đời sau.

Này nữ Bà-la-môn,

Nay Bà đã thấy Ngài.

Bậc Thánh nhân ẩn sĩ,

Bậc vượt khỏi bộc lưu.

9) Bà hãy dâng cúng dường

Lên ngài, Bà tin tưởng,

Với lòng tin bất động,

Xứng đáng Bà cúng dường.

Bà đã làm công đức,

Dành an lạc đời sau,

Này Nữ Bà-la-môn,

Nay bà đã thấy ngài,

Bậc Thánh nhân ẩn sĩ,

Bậc vượt khỏi bộc lưu.

IV. PHẠM THIÊN BAKA (S.i.142)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ, Phạm thiên Baka khởi lên ác tà kiến như sau: “Đây là thường. Đây là thường hằng. Đây là thường trú. Đây là viên mãn. Đây là bất động. Đây là không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi. Và ở ngoài đây ra, không có một sự giải thoát nào khác”.

3) Rồi Thế Tôn, với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Phạm thiên Baka. Như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Ngài biến mất ở Jetavana (Thắng lâm) và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy.

4) Phạm Thiên Baka thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền bạch Thế Tôn:

– Hãy đến đây, Tôn giả! Đón chào mừng Tôn giả! Thưa Tôn giả, đã từ lâu Tôn giả tạo ra cơ hội này, tức là đến đây. Thưa Tôn giả, đây là thường. Đây là thường hằng. Đây là thường trú. Đây là viên mãn. Đây là bất động. Đây là không có sanh, không có già, không có chết, không có diệt, không có khởi. Ngoài đây ra, không có một pháp giải thoát nào khác hơn.

5) Được nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Phạm thiên Baka:

– Ông thật là vô minh, này Phạm thiên Baka! Ông thật là vô minh, này Phạm thiên Baka! Ở đây, cái vô thường lại nói là thường. Cái không thường hằng lại nói là thường hằng. Cái không thường trú lại nói là thường trú. Cái không viên mãn lại nói là viên mãn. Cái không bất động lại nói là bất động. Và ở đây có sanh, có già, có chết, có diệt, có khởi, lại nói ở đây không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi. Và có pháp giải thoát khác nữa lại nói là không có pháp giải thoát nào khác.

(Baka):

6) Này Ngài Gotama,

Bảy hai công đức nghiệp,

Chúng ta ngự thế giới,

Chinh phục sanh và già,

Đây đời sống cuối cùng,

Thâm hiểu Thánh Vệ-đà,

Đạt được Phạm thiên vị,

Nhiều người lễ bái ta.

(Thế Tôn):

7) Ngắn thay đời sống này,

Thọ mạng đâu có dài,

Chỉ có Ông, Baka,

Nghĩ rằng thọ mạng dài,

Ta biết thọ mạng Ông,

Này Brahma như vậy,

Khoảng trăm ngàn năm dư,

(Nirabbudànam).

(Baka):

8) Nếu Ngài là Thế Tôn,

Thấy được sự bất tận,

Ngài vượt qua, chinh phục,

Sanh già và sầu muộn,

Giới hạnh thuở xưa ấy,

Nào ích gì cho con,

Hãy nói lên cho con,

Để con biết rõ ràng.

(Thế Tôn):

9) Có khá đông nhiều người,

Khát nước và nhiệt não,

Quá khứ Ông cho uống,

Và cứu độ nhiều người.

Chính giới ấy, hạnh ấy

Của Ông trong thời xưa,

Như kẻ ngủ được thức

Ta có nhớ như vậy.

Tại bờ sông Sơn Dương,

Khi quần chúng bị bắt,

Ông giải thoát cho họ,

Ông dắt trốn kẻ tù.

Chính giới ấy, hạnh ấy,

Của Ông trong thời xưa,

Như kẻ ngủ được thức,

Ta có nhớ như vậy.

Khi giữa dòng sông Hằng,

Có thuyền bị công hãm,

Bởi loại rắn bạo ngược

Muốn nuốt sống loài Người,

Với sức mạnh thần lực,

Ông chinh phục, giải cứu,

Chính giới ấy, hạnh ấy,

Của ông trong thời xưa,

Như kẻ ngủ được thức,

Ta có nhớ như vậy.

Ta với tên Kappa,

Một thời đệ tử Ông,

Ta được Ông xác nhận,

Bậc thông minh trí tuệ,

Chính giới ấy, hạnh ấy,

Của Ông trong thời xưa,

Như kẻ ngủ được thức,

Ta có nhớ như vậy.

(Baka):

10) Chắc chắn Ngài được biết,

Thọ sanh con như vậy,

Ngài cũng biết người khác,

Vì Ngài, bậc Giác Ngộ.

Như vậy oai đức Ngài,

Chói sáng là như vậy,

Hào quang Ngài sáng chói,

An trú Phạm thiên giới.

V. TÀ KIẾN KHÁC (S.i.144)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, một Phạm thiên khác có khởi lên một ác tà kiến như sau: “Không một Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể đến ở đây”.

3) Rồi Thế Tôn, với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Phạm thiên ấy. Như người lực sĩ...,... hiện ra trong Phạm thiên giới ấy.

4) Rồi Thế Tôn ngồi kiết-già giữa hư không, trên đầu Phạm thiên ấy, toàn thân phun lửa.

5) Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna khởi lên ý nghĩ: “Nay Thế Tôn đang trú ở đâu?”.

6) Mahà Moggallàna, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy Thế Tôn đang ngồi kiết-già giữa hư không, trên đầu Phạm thiên ấy, toàn thân phun lửa. Thấy vậy, như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, ngài biến mất ở Jetavana và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy.

7) Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna ngồi kiết-già giữa hư không về phía đông, trên đầu vị Phạm thiên ấy, phía dưới Thế Tôn, toàn thân phun lửa.

8) Rồi Tôn giả Mahà Kasspa (Đại Ca-diếp) khởi lên ý nghĩ: “Nay Thế Tôn đang trú ở đâu?”. Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Mahà Kassapa thấy Thế Tôn đang ngồi kiết-già giữa hư không...,... thấy vậy như nhà lực sĩ...,... cũng vậy, biến mất ở Jetavana, hiện ra ở Phạm thiên giới ấy. Rồi Tôn giả Mahà Kassapa ngồi kiết-già giữa hư không về phía Nam, trên đầu vị Phạm thiên ấy, phía dưới Thế Tôn, toàn thân phun lửa.

9) Rồi Mahà Kappina (Đại Kiếp-tân-na) khởi lên ý nghĩ: “Nay Thế Tôn đang trú ở đâu?”

10) Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, Mahà Kappina thấy Thế Tôn...,... toàn thân phun lửa. Thấy vậy, như nhà lực sĩ...,... cũng vậy biến mất ở Jetavana và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy. Rồi Tôn giả Mahà Kappina ngồi kiết-già giữa hư không về phía Tây, trên đầu vị Phạm thiên ấy, phía dưới Thế Tôn, toàn thân phun lửa.

11) Rồi Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà) khởi lên ý nghĩ: “Thế Tôn hiện nay đang trú ở đâu?”. Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, Tôn giả Anuruddha thấy...,... hiện ra ở Phạm thiên giới ấy. Rồi Tôn giả Anuraddha ngồi kiết-già giữa hư không về phía Bắc, trên đầu vị Phạm thiên ấy, phía dưới Thế Tôn, toàn thân phun lửa.

12) Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna nói lên bài kệ với Phạm thiên ấy:

Này Hiền giả, hôm nay,

Người còn giữ tà kiến

Như tà kiến của Ông,

Đã gìn giữ thời xưa.

Ông có thấy hào quang

Siêu việt Phạm thiên giới?

(Phạm thiên ấy):

13) Này Thân hữu, nay tôi

Không còn giữ tà kiến,

Như tà kiến của tôi,

Đã gìn giữ thời xưa.

Tôi có thấy hào quang,

Siêu việt Phạm thiên giới,

Làm sao tôi chấp nhận:

“Tôi là thường, là hằng”?

14) Rồi Thế Tôn sau khi làm cho Phạm thiên ấy dao động, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Ngài biến mất tại Phạm thiên giới ấy và hiện ra ở Jetavana.

15) Rồi Phạm thiên ấy gọi một Phạm thiên chúng:

– Này Tôn giả, hãy đi đến Tôn giả Mahà Moggallàna; sau khi đến, thưa với Tôn giả Mahà Moggallàna: “Thưa Tôn giả Moggallàna, bậc Thế Tôn ấy có những vị đệ tử nào khác, cũng có thần lực, cũng có uy đức như các Tôn giả Moggallàna, Kassapa, Kappina và Anuruddha?”

16) – Thưa vâng, Tôn giả.

Phạm thiên chúng ấy vâng đáp Phạm thiên ấy và đi đến Tôn giả Mahà Moggallàna.

17) Sau khi đến, vị ấy thưa với Tôn giả Mahà Moggallàna:

– Thưa Tôn giả Moggallàna, bậc Thế Tôn ấy có những đệ tử nào khác, cũng có thần lực, cũng có uy đức như các Tôn giả Moggallàna, Kassapa, Kappina, Anuruddha?

18) Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna nói lên bài kệ với Phạm thiên chúng ấy:

Chứng ba minh thần lực,

Khéo đọc hiểu tâm người,

Bậc lậu tận La-hán,

Đệ tử Phật rất nhiều.

19) Rồi Phạm thiên chúng ấy hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Mahà Moggallàna nói, đi đến Đại Phạm thiên; sau khi đến, nói với vị Phạm thiên ấy:

– Thưa Tôn giả, Tôn giả Mahà Moggallàna nói như sau:

“Chứng ba minh thần lực,

Khéo đọc hiểu tâm người,

Bậc lậu tận La-hán,

Đệ tử Phật rất nhiều”.

20) Phạm thiên chúng ấy nói như vậy. Vị Phạm thiên kia hoan hỷ, tín thọ lời nói của Phạm thiên chúng ấy.

VI. PHÓNG DẬT (S.i.146)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang Thiền tịnh độc cư vào buổi trưa.

3) Rồi hai Bích-chi Phạm thiên Subrahmà và Suddhavàsa đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, họ đứng mỗi người dựa vào một cột cửa.

4) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà nói với Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa:

– Này Tôn giả, nay không phải thời để hầu thăm Thế Tôn, Thế Tôn đang Thiền tịnh vào buổi trưa. Và có một Phạm thiên giới phồn vinh và thịnh vượng, tại đấy có Phạm thiên an trú, sống phóng dật. Này Tôn giả, hãy đi đến Phạm thiên giới ấy; sau khi đến hãy làm cho Phạm thiên ấy dao động.

5) – Thưa vâng, Thân hữu.

Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa vâng đáp Bích-chi Phạm thiên Subrahmà.

6) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà và Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa, như một lực sĩ...,... cũng vậy, các vị này biến mất trước mặt Thế Tôn và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy.

7) Phạm thiên này thấy các Phạm thiên kia từ xa đi đến, thấy vậy, liền nói với các vị Phạm thiên kia:

– Này chư Tôn giả, chư Tôn giả từ đâu đến?

8) – Này Tôn giả, chúng tôi đến, sau khi được diện kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Này Tôn giả, Tôn giả nên đi đến hầu thăm Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

9) Khi được nói vậy, Phạm thiên này không để ý đến lời nói ấy, tự mình biến hình thành một ngàn thân, rồi nói với Bích-chi Phạm thiên Subrahmà:

– Này Tôn giả, Tôn giả có thấy thần lực, uy đức của ta như vậy không?

10) – Này Tôn giả, ta có thấy thần lực, uy đức của Tôn giả như vậy.

11) – Này Tôn giả, thần lực và uy đức của ta như vậy, thời ta còn phải đi hầu thăm một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác để làm gì?

12) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà tự thân biến hình thành hai ngàn thân rồi nói với Phạm thiên kia:

– Này Tôn giả, Tôn giả có thấy thần lực, uy đức của ta như vậy không?

13) – Này Tôn giả, tôi có thấy thần lực, uy đức của Tôn giả như vậy.

14) – Này Tôn giả, Thế Tôn có đại thần lực và đại uy đức thắng hơn Ông và ta nữa. Này Tôn giả, Tôn giả hãy đi đến hầu thăm Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác.

15) Rồi Phạm thiên kia nói lên bài kệ với Bích-chi Phạm thiên Subrahmà:

Ba hàng kim sí điểu,

Và bốn hàng thiên nga,

Năm hàng trăm hổ cái

Rực rỡ và sáng chói,

Cung điện này chiếu diệu,

Bừng sáng cả Bắc phương.

(Bích-chi Phạm thiên Subrahma):

16) Dầu cho cung điện Ông,

Rực rỡ và chói sáng,

Chiếu diệu cả vòm trời,

Bừng sáng cả Bắc phương.

Bậc Thiện Thệ sáng suốt,

Thấy nguy hiểm trong sắc,

Luôn luôn phải biến hoại,

Nên không ái lạc sắc.

17) – Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà và Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa; sau khi làm vị Phạm thiên ấy dao động, liền biến mất tại chỗ ấy.

18) Và Phạm thiên ấy, sau một thời gian đi đến hầu thăm Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác.

VII. KOKÀLIKA (S.i,148)

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn Thiền tịnh độc cư vào buổi trưa.

3) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà và Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đứng mỗi người dựa vào một cái trụ cửa.

4) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà vì Tỷ-kheo Kokàlika nói lên bài kệ trước mặt Thế Tôn:

Ai là người có trí,

Biết nhận xét phân tích,

Lại muốn đem ước lượng,

Bậc siêu vượt ước lượng?

Ta nghĩ kẻ phàm phu,

Bị hạn chế bao vây,

Làm sao ước lượng được,

Bậc siêu vượt ước lượng?

VIII. TISSAKA (S.i,148)

1) Tại Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thiền tịnh độc cư vào buổi trưa.

3) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà và Bích-chi Phạm thiên Suddhavàsa đi đến Thế Tôn; sau khi đến, mỗi người đứng dựa vào một cột trụ cửa.

4) Rồi Bích-chi Phạm thiên Subrahmà vì Tỷ-kheo Katamodaka Tissaka nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Ai là người có trí,

Biết nhận xét phân tích,

Lại muốn đem ước lượng,

Bậc siêu vượt ước lượng?

Ta nghĩ người vô trí,

Bị hạn chế bao vây,

Làm sao ước lượng được,

Bậc siêu vượt ước lượng?

IX. TUDU BRAHMÀ (S.i, 149)

1) Tại Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ Tỷ-kheo Kokàlika bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

3) Rồi Bích-lchi Phạm thiên Tudu khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Tỷ-kheo Kokàlika.

4) Sau khi đến, vị ấy đứng trên hư không, và nói với Tỷ-kheo Kokàlika:

– Này Kokàlika, hãy đặt tin tưởng vào Sàriputta và Moggallàna. Sàriputta và Moggallàna thật là hòa nhã.

5) – Ông là ai, này Hiền giả?

6) – Ta là Bích-chi Phạm thiên Tudu.

7) – Này Hiền giả, phải chăng Ông đã được Thế Tôn nói là đã chứng quả Bất lai. Vậy Ông đến ở đời này làm gì? Ông có thấy lỗi lầm của Ông như thế nào?

Phàm con người đã sanh,

Sanh với búa trong miệng,

Kẻ ngu khi nói bậy,

Tự chặt đứt lấy thân.

Ai khen kẻ làm bậy,

Ai chê người làm hay,

Tự nhen nhúm bất hạnh,

Do chính miệng của mình;

Chính do bất hạnh ấy,

Nên không được an lạc,

Nhỏ thay bất hạnh này,

Trong canh bạc (rủi may),

Bị tan hoang tài sản,

Trong giờ phút đỏ đen!

Lớn hơn, sự bất hạnh,

Hơn mọi bất hạnh khác,

Do tự mình gây nên,

Cho tự ngã của mình!

Ai đối xử ác ý,

Với chư Phật, Thiện Thệ,

Phải trải qua thời gian,

Trăm ngàn, nhiều hơn nữa,

Ba mươi sáu và năm,

Trải thời gian thật dài.

Ai với lời và ý,

Phỉ báng bậc Hiền Thánh,

Dùng ác tâm chống đối,

Sẽ sa đọa địa ngục.

X. KOKÀLIKA (S.i,119)

1) Tại Sàvatthi.

2) Rồi Tỷ-kheo Kokàlika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo Kokàlika bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Sàriputta và Moggallàna là hạng ác dục. Họ bị ác dục chi phối.

4) Khi được nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tỷ-kheo Kokàlika:

– Này Kokàlika, chớ có nói như vậy. Này Kokàlika, chớ có nói như vậy. Này Kokàlika, hãy đặt tin tưởng vào Sàriputta và Moggallàna. Sàriputta và Moggallàna thật là hòa ái.

5) Lần thứ hai, Tỷ-kheo Kokàlika bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn đáng tin tưởng, rất đáng tin cậy; nhưng Sàriputta và Moggallàna là hạng ác dục. Họ bị ác dục chi phối.

6) Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tỷ-kheo Kokàlika:

– Này Kokàlika, chớ có nói như vậy. Này Kokàlika, chớ có nói như vậy. Này Kokàlika, hãy đặt tin tưởng vào Sàriputta và Moggallàna. Sàriputta và Moggallàna thật là hòa ái.

7) Lần thứ ba, Tỷ-kheo Kokàlika bạch Thế Tôn:

–... Họ bị ác dục chi phối.

8) Lần thứ ba, Thế Tôn bảo Tỷ-kheo Kokàlika:

–... Sàriputta và Moggallàna thật là hòa ái.

9) Rồi Tỷ-kheo Kokàlika từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên phải hướng về Ngài, rồi ra đi.

10) Tỷ-kheo Kokàlika ra đi không được bao lâu, toàn thân mọc lên những mụt nhọt lớn bằng hột cải. Từ hột cải, chúng lớn lên bằng hột đậu xanh (mugga). Từ hột đậu xanh, chúng lớn lên bằng hột đậu lớn (kalàya). Từ hột đậu lớn, chúng lớn lên bằng rolatthi (hột cây jujube, cây táo?). Từ hột rolatthi, chúng lớn lên bằng hột kolama. Từ hột kolama, chúng lớn lên bằng hột amala (a-ma-la quả). Từ quả amala, chúng lớn lên bằng quả beluva chưa chín. Từ quả beluva chưa chín, chúng lớn lên bằng quả billa. Từ hình lớn bằng quả billa, chúng nứt vỡ ra, chảy máu và mủ.

11) Rồi Tỷ-kheo Kokàlika do bệnh này bị mệnh chung. Bị mệnh chung, Tỷ-kheo Kokàlika sanh trong địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Tôn giả Sàriputta và Moggallàna.

12) Rồi Phạm thiên Sahampati, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên.

13) Đứng một bên, Phạm thiên Sahàmpati bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàlika đã mệnh chung. Bạch Thế Tôn, sau khi mệnh chung Tỷ-kheo Kokàlika phải sanh vào địa ngục Sen hồng với tâm hận thù đối với Tôn giả Sàriputta và Moggallàna.

14) Phạm thiên Sahampati nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy.

15) Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, liền bảo các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, hồi hôm, Phạm thiên Sahampati, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Đứng một bên, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati bạch với Ta: “Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Kokàlika đã mệnh chung. Và bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàlika sau khi mệnh chung đã sanh vào địa ngục Sen hồng với tâm thù hận đối với Tôn giả Sàriputta và Moggattàna”. Này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta, rồi biến mất tại chỗ.

16) Được nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, bao nhiêu lâu là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng?

17) – Thật dài, này Tỷ-kheo, là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng. Không dễ gì tính được là bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu ngàn năm, bao nhiêu trăm ngàn năm.

18) – Bạch Thế Tôn, có thể tính được chăng bằng một ví dụ?

19) Thế Tôn đáp:

– Có thể được, này Tỷ-kheo. Này Tỷ-kheo, ví như có một bao hột đậu mè, nặng hai mươi khàrika, theo đo lường ở nước Kosala. Ví dụ sau một trăm năm, một người lấy ra một lần một hột mè. Này Tỷ-kheo, còn mau hơn là bao hột mè, nặng hai mươi khàrika ấy, theo đo lường của nước Kosala, đi đến tiêu hao, đi đến hao mòn do phương tiện ấy, so sánh (với tuổi thọ) ở địa ngục Abhuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Abhuda bằng một tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda bằng một tuổi thọ ở địa ngục Ababa. Này-Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Ababa bằng một tuổi thọ ở địa ngục Atata. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Atata bằng một tuổi thọ ở địa ngục Ahaha. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Ahaha bằng một tuổi thọ ở địa ngục Kumuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Kumuda bằng một tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Uppala (Hoa sen xanh). Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Uppala bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pundarika (Sen trắng). Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Sen trắng bằng một tuổi thọ ở địa ngục Sen hồng. Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Kokàlika sanh tại địa ngục Sen hồng với tâm hận thù đối với tôn giả Sàriputta và Moggallàna.

20) Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ lại nói thêm:

Phàm con người đã sanh,

Sanh với búa trong miệng,

Kẻ ngu khi nói bậy,

Tự chặt đứt lấy thân.

Ai khen kẻ làm bậy,

Ai chê người làm hay,

Tự nhen nhúm bất hạnh,

Do nơi miệng của mình,

Chính do bất hạnh ấy,

Nên không được an lạc.

Nhỏ thay bất hạnh này,

Trong canh bạc rủi may,

Bị tan hoang tài sản,

Trong giờ phút đỏ đen.

Lớn hơn sự bất hạnh,

Hơn mọi bất hạnh khác,

Do tự mình gây nên,

Cho tự ngã của mình.

Ai đối xử ác ý,

Với chư Phật, Thiện Thệ,

Phải trải qua thời gian,

Trăm ngàn nhiều hơn nữa,

Ba mươi sáu và năm,

Trải thời gian thật dài.

Ai với lời và ý,

Phỉ báng bậc Hiền Thánh,

Dùng ác tâm chống đối,

Sẽ sa đọa địa ngục.

II. PHẨM THỨ HAI.

I. SANAMKUMÀRA. Thường Đồng tử (S.i,153)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương xá), trên bờ sông Sappini.

2) Rồi Phạm thiên Sanamkumàra, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng bờ sông Sappini, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, Phạm thiên Sanamkumàra nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Sát-đế-lỵ tối thắng,

Giữa người tin giai cấp.

Vị đầy đủ trí, đức,

Tối thắng giữa Nhơn, Thiên.

4) Phạm thiên Sanamkumàra nói như vậy, và bậc Đạo sư chấp nhận.

5) Rồi Phạm thiên Sanamkumàra biết được: “Thế Tôn đã chấp nhận ta”, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ.

II. DEVADATTA (S.i,153)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, trên núi Linh thứu, khi Devadatta bỏ đi không bao lâu.

2) Rồi Phạm thiên Sahampati, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng núi Linh thứu, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên.

3) Đứng một bên, Phạm thiên Sahampati nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Devadatta:

Cây chuối bị trái giết,

Cũng vậy cây tre, lau.

Danh vọng giết kẻ ác,

Như thai giết con la.

II. ANDHAKAVINDA (S.i,154)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại Andhakavinda.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi ở ngoài trời, trong bóng đêm, trong khi trời mưa từng hột một.

3) Rồi Phạm thiên Sahampati, trong khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Andhakavinda, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

4) Đứng một bên, Phạm thiên Sahampati nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy ở chỗ núi non,

Xa vắng các xóm làng,

Hãy sống đời giải thoát,

Từ bỏ các kiết sử!

Nếu tại đấy không đạt

Điều Ông ưa, Ông thích,

Hãy sống giữa chúng Tăng,

Hộ trì, giữ chánh niệm,

Và bộ hành khất thực,

Nhà này đến nhà khác,

Các căn được hộ trì,

Thận trọng, giữ chánh niệm.

Hãy ở chỗ núi non,

Xa vắng các xóm làng,

Thoát ly mọi sợ hãi,

Vô úy, sống giải thoát.

Những chỗ có rắn độc,

Có đêm chớp, sấm vang,

Trong đêm đen tối mịt,

Vị Tỷ-kheo lặng ngồi,

Không run, không hoảng sợ,

Lông tóc không dựng ngược,

Chính mắt con thấy vậy,

Không phải chỉ nghe đồn.

Chính trong một Phạm hạnh,

Ngàn người thoát tử thần.

Hơn năm trăm hữu học,

Mười, mười lần một trăm,

Tất cả chúng Dự lưu,

Khỏi sanh loại bàng sanh.

Còn các vị còn lại,

Theo con đều hưởng phước,

Con đếm không kể xiết,

Sợ rơi vào vọng ngữ.

IV. ARUNAVATI (S.i,155)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi...,...

2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các vị Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo.

3) – Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

4) Thế Tôn nói như sau:

5) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị vua tên là Arunavà. Này các Tỷ-kheo, kinh đô vua Arunavà này tên là Arunavati. Này các Tỷ-kheo, gần kinh đô Arunavati, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác an trú.

6) Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có hai vị đệ tử xuất chúng, thượng túc, tên là Abhibhu và Sambhava.

7) Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác gọi Tỷ-kheo Abhibhu:

“– Này Bà-la-môn, chúng ta hãy đi đến một Phạm thiên giới cho đến thời dùng bữa ăn”.

8) “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác.

9) Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác và Tỷ-kheo Abhibhu, như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy (hai vị) biến mất ở kinh đô Arunavati và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy.

10) Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Chánh Giác bảo Tỷ-kheo Abhibhu:

“– Này Bà-la-môn, hãy nói bài pháp cho Phạm thiên này, cho Phạm phụ thiên và cho Phạm chúng thiên”.

11) “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, tuyên thuyết bài pháp cho Phạm thiên ấy, cho Phạm phụ thiên và cho Phạm chúng thiên, khích lệ, làm họ phấn khởi, làm họ hoan hỷ.

12) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên cảm thấy xúc phạm, bực bội, tức tối và nói rằng: “Thật là hy hữu, thật là vi diệu, làm sao một đệ tử lại thuyết pháp trước mặt bậc Đạo sư?”.

13) Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bảo Tỷ-kheo Abhibhu:

“– Này Bà-la-môn, Phạm thiên, Phạm thụ thiên, và Phạm chúng thiên ấy cảm thấy xúc phạm, bực bội, tức tối, nói rằng: ‘Thật là hy hữu, thật là vi diệu, làm sao một đệ tử lại thuyết pháp trước mặt bậc Đạo sư?’ Vậy này Bà-la-môn, hãy làm cho Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên càng dao động bội phần hơn nữa”.

14) “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, hiện thân thuyết pháp, tàng thân thuyết pháp, hiện nửa thân dưới không hiện nửa thân trên thuyết pháp, hiện nửa thân trên không hiện nửa thân giữa thuyết pháp.

15) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên, tâm khởi lên hy hữu, kỳ diệu nói rằng: “Thật là hy hữu, thật là kỳ diệu, đại thần lực và đại uy lực của vị Sa-môn”.

16) Rồi Tỷ-kheo Abhibhu bạch Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:

“– Bạch Thế Tôn, con xác nhận với lời nói này giữa chúng Tỷ-kheo Tăng: Đứng ở Phạm thiên giới, con có thể khiến cho ngàn thế giới nghe được tiếng của con”.

17) “– Này Bà-la-môn, nay là thời cho sự việc ấy. Này Bà-la-môn, nay là thời cho sự việc ấy. Này Bà-la-môn, Ông hãy đứng ở Phạm thiên giới và làm cho ngàn thế giới nghe được tiếng nói của ông”.

18) “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, đứng ở Phạm thiên giới và nói lên bài kệ này:

Hãy đứng dậy, lên đường,

Hãy dấn thân Phật giáo,

Hãy đánh bại Ma quân,

Như voi phá chòi lá.

Ai trong pháp luật này,

An trú không phóng dật,

Đoạn tận vòng sống chết,

Sẽ chấm dứt khổ đau.

19) Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác và Tỷ-kheo Abhibhu, sau khi làm cho Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên dao động, như người lực sĩ...,... biến mất ở Phạm thiên giới ấy và hiện ra ở Arunavati.

20) Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác gọi các vị Tỷ-kheo:

“– Này các Tỷ-kheo, các Ông có nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới, nói lên không?”.

21) “– Bạch Thế Tôn, chúng con có nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới đã nói lên”.

22) “– Này các Tỷ-kheo, như thế nào các ông nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng lên tại Phạm thiên giới đã nói lên?”

23) “– Bạch Thế Tôn, chúng con nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới đã nói lên như sau:

Hãy đứng dậy, lên đường,

Hãy dấn thân Phật giáo.

Hãy đánh bại Ma quân,

Như voi phá chòi lá.

Ai trong pháp luật này,

Ai trú không phóng dật,

Đoạn tận vòng sống chết,

Sẽ chấm dứt khổ đau.

24) Như vậy, bạch Thế Tôn, chúng con đã nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới đã nói lên”.

25) “– Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo. Lành thay, này các Tỷ-kheo! Các Ông đã được nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới, đã nói lên”.

26) Thế Tôn đã nói như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

V. PARINIBHÀNA: BÁT-NIẾT-BÀN (S.i,157)

1) Một thời Thế Tôn ở Kusinàrà, tại Upavattana, trong rừng cây ta-la, giữa dân chúng Mallà, giữa hai cây ta-la song thọ trong khi Ngài nhập Niết-bàn.

2) Rồi Thế Tôn nói với các vị Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên các Ông, hãy tinh tấn, chớ phóng dật. Các pháp hữu vi là vô thường. Đây là những lời cuối cùng của Như Lai.

3) Rồi Thế Tôn vào định sơ Thiền. Ra sơ Thiền, Ngài vào Thiền thứ hai. Ra Thiền thứ hai, Ngài vào Thiền thứ ba. Ra Thiền thứ ba, Ngài vào Thiền thứ thư. Ra Thiền thứ tư, Ngài vào Không vô biên xứ. Ra Không vô biên xứ, Ngài vào Thức vô biên xứ. Ra Thức vô biên xứ, Ngài vào Vô sở hữu xứ. Ra Vô sở hữu xứ, Ngài vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

4) Ra Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài vào Vô sở hữu xứ. Ra Vô sở hữu xứ, Ngài vào Thức vô biên xứ. Ra Thức vô biên xứ, Ngài vào Không vô biên xứ. Ra Không vô biên xứ, Ngài vào Thiền thứ tư. Ra Thiền thứ tư, Ngài vào Thiền thứ ba. Ra Thiền thứ ba, Ngài vào Thiền thứ hai. Ra Thiền thứ hai, Ngài vào sơ Thiền. Ra sơ Thiền, Ngài vào Thiền thứ hai. Ra Thiền thứ hai, Ngài vào Thiền thứ ba. Ra Thiền thứ ba, Ngài vào Thiền thứ tư. Ra Thiền thứ tư, Thế Tôn liền nhập diệt.

5) Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này, Phạm thiên Brahmà nói lên bài kệ:

Mọi sinh vật ở đời,

Tử bỏ thân năm uẩn,

Bậc Đạo sư cũng vậy,

Đấng Tuyệt Luân trên đời,

Như Lai, đấng Hùng Lực,

Bậc Giác Ngộ nhập diệt.

6) Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này, Thiên chủ Sakha nói lên bài kệ:

Các hành là vô thường,

Có sanh phải có diệt,

Sau khi sanh, chúng diệt,

Tịnh chỉ chúng, an lạc.

7) Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này, Tôn giả Ànada nói lên bài kệ:

Thật kinh khủng bàng hoàng,

Thật lông tóc dựng ngược,

Bậc Thắng Tướng đầy đủ,

Bậc Giác Ngộ nhập diệt.

8) Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này Tôn giả Anumddha nói lên bài kệ:

Không thở ra, thở vào,

Tâm trú vào chánh định,

Không tham ái, tịch tịnh,

Bậc Biến Nhãn diệt độ.

Với tâm an, bất động,

Ngài cảm thọ lâm chung,

Như đèn sáng chợt tắt,

Tâm giải thoát Niết-bàn.

PT & DTKVN

Năm bộ Nikaya : 

CHƯƠNG BẢY: TƯƠNG ƯNG BÀ-LA-MÔN

I. PHẨM A-LA-HÁN THỨ NHẤT

I. DHANANJÀNI (S.i,160)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương xá), Veluvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn Dhananjàni, vợ một người Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja, có lòng tín thành đối với Phật, Pháp và Tăng.

3) Rồi nữ Bà-la-môn Dhananjàni, trong khi bưng cơm cho Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja, hứng khởi thốt lên ba lần lời cảm hứng: “Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác ấy!”

4) Được nghe nói vậy, Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja nói với nữ Bà-la-môn Dhananjàni:

– Như vậy, trong mọi thời, mọi dịp, kẻ hạ tiện này nói lời tán thán vị Sa-môn trọc đầu ấy. Này kẻ Hạ tiện kia, ta sẽ luận phá bậc Đạo sư của Ngươi”.

5) – Thưa Bà-la-môn, tôi không thấy trong thế giới chư Thiên, Ma giới hay Phạm thiên giới, trong chúng Sa-môn hay Bà-la-môn, giữa chư Thiên hay loài Người, không một ai có thể luận phá Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác. Vậy này Bà-la-môn, Ông hãy đi. Sau khi đi, Ông sẽ biết.

6) Rồi Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja phẫn nộ, không hoan hỷ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

7) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Sát vật gì, được lạc?

Sát vật gì, không sầu?

Có một pháp loại gì,

Ngài tán đồng sát hại,

Tôn giả Gotama?

(Thế Tôn):

8) Sát phẫn nộ, được lạc

Sát phẫn nộ, không sầu,

Phẫn nộ với độc căn,

Với vị ngọt tối thượng,

Pháp ấy, bậc Hiền Thánh,

Tán đồng sự sát hại.

Sát pháp ấy, không sầu,

Này Bà-la-môn kia.

9) Được nghe nói vậy, Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama cho con được xuất gia trước mặt Thế Tôn, cho con được thọ đại giới!

10) Và Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja được xuất gia trước mặt Thế Tôn, được thọ đại giới.

11) Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Bhàradvàja sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: Đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”.

12) Và Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

II. PHỈ BÁNG (S.i,161)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương xá), Veluvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja được nghe Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia với Thế Tôn, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

3) Ông phẫn nộ, không hoan hỷ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói những lời nói không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn.

4) Được nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja:

– Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm Ông không?

5) – Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng, các thân hữu, bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm tôi.

6) – Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại đồ nếm không?

7) – Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng tôi sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm, các loại đồ nếm.

8) – Nhưng này Bà-la-môn, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về ai?

9) – Thưa Tôn giả Gotama, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về lại chúng tôi.

10) – Cũng vậy, này Bà-la-môn, nếu Ông phỉ báng chúng tôi là người không phỉ báng; nhiếc mắng chúng tôi là người không nhiếc mắng; gây lộn với chúng tôi là người không gây lộn; chúng tôi không thâu nhận sự việc ấy từ Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông. Này Bà-la-môn, sự việc ấy chỉ về lại Ông. Này Bà-la-môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, nhiếc mắng lại khi bị nhiếc mắng, gây lộn lại khi bị gây lộn, thời như vậy, này Bà-la-môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với Ông. Còn chúng tôi không cùng hưởng thọ sự việc ấy với Ông, không cùng san sẻ sự việc ấy với Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông! Này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông!

11) Nhà vua và vương cung, vương thần nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama là vị A-la-hán”. Tuy vậy Tôn giả Gotama nay đã phẫn nộ.

(Thế Tôn):

12) Với vị không phẫn nộ,

Phẫn nộ từ đâu đến?

Sống chế ngự, chánh mạng,

Giải thoát, nhờ chánh trí.

Vị ấy sống như vậy,

Đời sống được tịch tịnh.

Những ai bị phỉ báng,

Trở lại phỉ báng người,

Kẻ ấy làm ác mình,

Lại làm ác cho người.

Những ai bị phỉ báng,

Không phỉ báng chống lại,

Người ấy đủ thắng trận,

Thắng cho mình, cho người.

Vị ấy tìm lợi ích,

Cho cả mình và người.

Và kẻ đã phỉ báng,

Tự hiểu, lắng nguôi dần.

Bậc Y sư cả hai,

Chữa mình, chữa cho người,

Quần chúng nghĩ là ngu,

Vì không hiểu Chánh pháp.

13) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật là vi diệu thay, Tôn giả Gotama!...,... Con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama cho con được xuất gia tu học với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.

14) Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.

15) Được thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Akkosaka Bhàrahvàja sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần không bao lâu đạt được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến: Đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với thắng trí, tự mình giác ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”.

16) Và Tôn giả Akkosaka Bhàradvàkja trở thành một vị A-la-hán nữa.

III. ASURINDAKA (S.i,163)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương xá), Veluvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Bà-la-môn Asurindaka Bhàradvàja nghe như sau: “Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia với Thế Tôn, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.

3) Phẫn nộ, không hoan hỷ, vị ấy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, có những lời không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn.

4) Được nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng.

5) Rồi Bà-la-môn Asurindaka Bhàradvàja nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, Ông đã bị chinh phục. Này Sa-môn, Ông đã bị chinh phục!

(Thế Tôn):

6) Kẻ ngu nghĩ mình thắng,

Khi nói lời ác ngữ,

Ai biết chịu kham nhẫn,

Kẻ ấy thật thắng trận.

Những ai bị phỉ báng,

Trở lại phỉ báng người,

Kẻ ấy làm ác mình,

Lại làm ác cho người.

Những ai bị phỉ báng,

Không phỉ báng đối lại,

Người ấy đã thắng trận,

Thắng cho mình cho người.

Vị ấy tìm lợi ích,

Cho cả mình và người,

Và kẻ đã phỉ báng,

Tự hiểu, lắng nguội dần.

Bậc y sư cả hai,

Chữa mình, chữa cho người,

Quần chúng nghĩ là ngu,

Vì không hiểu Chánh pháp.

7) Được nghe nói vậy, Bà-la-môn Asurindaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama...,”... không còn trở lại đời sống này nữa”.

8) Và Tôn giả Asurindaka Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

IV. BILANGIKA (S.i,164)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Bà-la-môn Bilangika Bhàradvàja được nghe: “Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia với Sa-môn Gotama, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.

3) Phẫn nộ, không hoan hỷ, vị ấy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, giữ yên lặng, đứng một bên.

4) Rồi Thế Tôn, với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Bà-la-môn Bilangika Bhàradvàja, liền nói lên bài kệ cho Bà-la-môn Bilangika Bhàradvàja:

Ai hại người hiền thiện,

Thanh tịnh, không cấu nhiễm,

Ác hạnh được chín mùi,

Phản lại hại người ngu,

Chẳng khác gì ngược gió,

Lại tung vãi bụi trần.

5) Được nghe nói vậy, Bà-la-môn Bilangika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và Tỷ-kheo Tăng. Mong cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama...,..., Đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”.

6) Và Tôn giả Bilangika Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

V. BẤT HẠI - AHIMSAKA (S.i,164)

1) Nhân duyên tại Sàvatthi.

2) Rồi Bà-la-môn Ahimsaka Bhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Ahimsaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Con là Ahimsaka, thưa Tôn giả Gotama! Con là Ahimsaka, thưa Tôn giả Gotama!.

(Thế Tôn):

4) Danh phải tương xứng người,

Người phải là bất hại!

Ai với thân, miệng, ý,

Không làm hại một ai,

Ai không hại người khác,

Người ấy thật bất hại.

5) Khi được nghe vậy, Bà-la-môn Ahimsaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama...,”... không còn trở lui đời sống này nữa”.

6) Và Tôn giả Ahimsaka Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

VI. BỆN TÓC (S.i,165)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Bà-la-môn Jata Bhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jata Bhàradvàja nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Nội triền và ngoại triền,

Chúng sanh bị triền phược,

Con hỏi Gotama,

Ai thoát triền phược này?

(Thế Tôn)

 4) Người có trí, trú giới,

Tu tập tâm và tuệ,

Nhiệt tâm và thận trọng,

Tỷ-kheo ấy thoát triền.

Với ai đã từ bỏ,

Tham sân và vô minh,

Bậc Ứng Cúng lậu tận,

Vị ấy thoát triền phược.

Chỗ nào danh và sắc

Được đoạn tận vô dư,

Đoạn chướng ngại sắc tưởng,

Chỗ ấy triền phược đoạn.

5) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Jata Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!...

6) Và Tôn giả Jata Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

VII. SUDDHIKA (S.i,165)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Rồi Bà-la-môn Suddhika Bhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Suddhika Bhàradvàja nói lên bài lệ này trước mặt Thế Tôn:

Không Bà-la-môn nào,

Dầu giữ giới, khổ hạnh,

Có thể được thanh tịnh,

Dầu ở thế giới nào.

Chỉ vị Minh Hạnh Túc,

Mới có thể thanh tịnh.

Không một quần chúng nào.

Ngoài vị hành như vậy.

(Thế Tôn):

4) Dầu lẩm bẩm nhiều chú,

Nhưng không vì thọ sanh,

Được gọi Bà-la-môn,

Nội ô nhiễm bất tịnh,

Y cứ trên lừa đảo,

Bà-la-môn, Phệ-xá,

Thủ-đà, Chiên-đà-la,

Kẻ đổ phẩn, đổ rác,

Tinh cần và tinh tấn,

Thường dõng mãnh tấn tu,

Đạt được tịnh tối thắng,

Bà-la-môn nên biết!

5) Khi được nghe vậy, Bà-la-môn Suddhika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!...

6) Và Tôn giả Suddhika Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

VIII. AGGIKA: Thờ lửa (S.i,166)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjàgaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, một món ăn gồm gạo và sữa đông được sửa soạn cho Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja để vị này sắp đặt: “Tôi sẽ tế lửa, tôi sẽ làm lễ cúng dường lửa”.

3) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Ràjagaha để khất thực. Trong khi đi khất thực thứ lớp ở Ràjagaha, Thế Tôn đi đến trú xứ của Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja; sau khi đến, Thế Tôn đứng một bên.

4) Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja thấy Thế Tôn đi khất thực đến, thấy vậy liền nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Vị đầy đủ ba minh,

Thiện sanh và nghe nhiều,

Minh hạnh được trọn vẹn,

Hãy thọ món ăn này!

(Thế Tôn):

5) Dầu lẩm bẩm nhiều chú,

Nhưng không vì thọ sanh,

Được gọi Bà-la-môn.

Nội ô nhiễm bất tịnh,

Y cứ trên lừa đảo,

Thấy thiên giới ác thú,

Đoạn diệt được tái sanh,

Thắng trí, bậc Mâu-ni,

Đầy đủ ba minh này,

Ba minh, Bà-la-môn,

Minh hạnh được đầy đủ,

Hãy thọ món ăn này.

6) - Mong Tôn giả thọ lãnh món ăn này. Tôn giả Gotama thật là bậc Bà-la-môn.

(Thế Tôn):

7) Ta không có hưởng thọ,

Vì tụng hát kệ chú,

Thường pháp không phải vậy,

Đối vị có tri kiến.

Chư Phật đã loại bỏ,

Tụng hát các kệ chú,

Chân thật niệm Chánh pháp,

Sở hành là như vậy.

Bậc Đại Sĩ vẹn toàn,

Cúng dường phải khác biệt,

Đoạn tận các lậu hoặc,

Dao động được lắng dịu.

Với những bậc như vậy,

Ăn uống phải cúng dường,

Thật chính là phước điền,

Cho những ai cầu phước.

8) Được nghe như vậy, Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama!...

9) Và Tôn giả Aggika Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

IX. SUNDARIKA (S.i,167)

1) Một thời Thế Tôn ở giữa dân tộc Kosala, trên bờ sông Sundarika.

2) Lúc bấy giờ Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja tế lửa trên bờ sông Sundarika, làm lễ cúng dường lửa.

3) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja sau khi tế lửa, làm lễ cúng dường lửa xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, nhìn xung quanh tất cả bốn phương và nghĩ: “Ai có thể hưởng họ món ăn cúng tế còn lại này?”

4) Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja thấy Thế Tôn đang ngồi dưới gốc cây, đầu được bao trùm, thấy vậy, tay trái cầm món ăn cúng tế còn lại, tay phải cầm bình nước đi đến Thế Tôn.

5) Và Thế Tôn nghe tiếng chân của Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja liền tháo đồ trùm ở đầu.

6) Và Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja nghĩ: “Đầu vị này trọc, vị này là người trọc đầu”, nghĩ vậy, muốn trở lui.

7) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja lại suy nghĩ: “Trọc đầu ở đây, một số Bà-la-môn cũng như vậy. Vậy ta hãy đến và hỏi vấn đề thọ sanh”.

8) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

– Thọ sanh Tôn giả là gì?

(Thế Tôn):

9) Chớ hỏi về thọ sanh,

Hãy hỏi về sở hành.

Tùy theo mọi thứ củi,

Ngọn lửa được sanh khởi.

Dầu thuộc nhà hạ tiện,

Bậc ẩn sĩ tinh cần,

Được xem như thượng sanh,

Biết tàm quý, trừ ác.

Điều thuận bởi chân lý,

Thuần thục trong hành trì,

Thông đạt các Thánh kinh,

Phạm hạnh được viên thành.

Tế vật đã đem lại,

Hãy cầu khẩn vị ấy,

Lễ tế làm đúng thời,

Vị ấy xứng cúng dường.

Sundarika:

10) Vật cúng này của con,

Thật sự khéo cúng dường,

Nay con đã thấy được,

Bậc sáng suốt như Ngài.

Con không thấy một ai

Có thể sánh được Ngài,

Không có người nào khác

Thọ hưởng vật cúng này.

Tôn giả Gotama,

Hãy thọ hưởng vật cúng.

Ngài thật là Bà-la-môn,

Là bậc đáng tôn trọng.

(Thế Tôn):

11) Ta không có hưởng thọ,

Vì tụng hát kệ chú,

Thường pháp không phải vậy,

Đối vị có tri kiến.

Chư Phật đã loại bỏ

Tụng hát các kệ chú,

Chân thật niệm Chánh pháp,

Sở hành là như vậy.

Bậc Đại Sĩ vẹn toàn,

Cúng dường phải khác biệt.

Đoạn tận các lậu hoặc,

Trạo hối được lắng dịu,

Với những bậc như vậy,

Cơm nước phải cúng dường,

Thật chính là phước điền,

Cho những ai cầu phước.

12) – Vậy thưa Tôn giả Gotama, con phải cho ai vật cúng còn lại này?

13) – Này Bà-la-môn, trong toàn thế giới chư Thiên, Ma giới, Phạm thiên giới, trong chúng Sa-môn và Bà-la-môn, trong thế giới chư Thiên và loài Người, Ta không thấy một ai ăn vật cúng còn lại này có thể tiêu hóa được, ngoại trừ Như Lai hay đệ tử Như Lai. Này Bà-la-môn, vậy này Bà-la-môn, hãy quăng vật cúng còn lại này tại chỗ không có cỏ xanh, hay nhận chìm xuống nước, nơi không có loài hữu tình.

14) Rồi Bà-la-môn Sundarika Shàradvàja nhận chìm vật cúng còn lại ấy vào trong nước, nơi không có loài hữu tình.

15) Vật cúng ấy khi được quăng vào trong nước liền xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên. Ví như lưỡi cày đốt nóng cả ngày, khi bỏ vào trong nước, bèn xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên. Cũng vậy, vật cúng còn lại ấy khi được quăng vào trong nước bèn xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên.

16) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja hoảng hốt, lông tóc dựng ngược, đi đến Thế Tôn; sau khi đến liền đứng một bên.

17) Thế Tôn nói lên bài kệ cho Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja đang đứng một bên:

Này Bà-la-môn kia,

Chớ có nghĩ gì tịnh.

Sự sắp đặt củi lửa,

Như vậy chỉ bề ngoài.

Bậc thiện nhân dạy rằng,

Người ấy không thanh tịnh,

Với những ai chỉ muốn

Thanh tịnh mặt bên ngoài.

Này Bà-la-môn kia,

Ta từ bỏ củi lửa,

Ta chỉ nhen nhúm lên

Ngọn lửa từ nội tâm,

Ngọn lửa thường hằng cháy,

Thường nồng cháy nhiệt tình.

Ta là bậc La-hán,

Ta sống đời Phạm hạnh.

Này Bà-la-môn kia,

Người mang ách kiêu mạn,

Phẫn nộ là khói hương,

Vọng ngôn là tro tàn,

Lưỡi là chiếc muỗng tế,

Tâm là chỗ tế tự,

Tự ngã là ngọn lửa.

Còn người khéo điều phục,

Chánh pháp là ao hồ,

Giới là bến nước tắm,

Không cấu uế, trong sạch,

Được thiện nhơn tán thán,

Là chỗ bậc có trí,

Thường tắm, trừ uế tạp.

Khi tay chân trong sạch,

Họ qua bờ bên kia.

Chánh pháp là chân lý,

Tự chế là Phạm hạnh,

Chính con đường trung đạo,

Giúp đạt tối thắng vị,

Đảnh lễ bậc trực tâm,

Ta gọi tùy pháp hành.

18) Khi được nói vậy, Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!...

19) Và Tôn giả Sundarika Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

X. BAHUDHITI (S.i,170)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ, một Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja bị mất mười bốn con bò.

3) Rồi Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja trong khi đi tìm những con bò đực ấy, đi đến khu rừng kia; sau khi đến, thấy Thế Tôn ngồi kiết-già trong khu rừng ấy, lưng giữ thẳng và để chánh niệm trước mặt.

4) Thấy vậy, Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Với vị Sa-môn này,

Không có mười bốn bò,

Nên không thấy sáu mươi (ajjasatthi),

Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này,

Không có ruộng mè hư,

Một hai lá cây mè,

Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này,

Không kho trống, không chuột,

Chạy chơi và múa nhảy,

Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này,

Không tấm nệm bảy tháng,

Tràn đầy những chí rận,

Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này

Không bảy gái quả phụ

Hoặc một con, hai con,

Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này,

Không vợ đen, mặt rỗ.

Lấy chân thúc đá dậy,

Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này,

Không kẻ nợ buổi sáng,

Mắng nhiếc: “Hãy trả đi”

Do vậy được an lạc.

(Thế Tôn):

5) Bà-la-môn, với Ta,

Không có mười bốn bò,

Nên không thấy sáu mươi,

Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,

Không có ruộng mè hư,

Một hai lá cây mè,

Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,

Không kho trống, không chuột,

Chạy chơi và múa nhảy,

Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,

Không tấm nệm bảy tháng,

Tràn đầy những chí rận,

Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,

Không bảy gái quả phụ,

Hoặc một con, hai con,

Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,

Không vợ đen, mặt rỗ,

Lấy chân thúc đá dậy,

Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,

Không kẻ nợ buổi sáng,

Mắng nhiếc: “Hãy trả đi”,

Do vậy Ta an lạc.

6) Được nghe nói vậy, Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thế thấy sắc.

Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama, cho con được thọ đại giới.

7) Rồi Bà-la-môn Bhàradvàja được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.

8) Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Bhàradvàja ở một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà các thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình hướng đến: Đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại tự mình với thượng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không có trở lại trạng thái này nữa”.

9) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

II. PHẨM CƯ SĨ

I. CÀY RUỘNG (S.i,172)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Magadha, trên núi Nam Sơn, tại làng Bà-la-môn tên Ekanàlà.

2) Lúc bấy giờ là thời gian gieo mạ, và Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja sắp đặt sẵn sàng khoảng năm trăm lưỡi cày.

3) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến nông trường của Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja.

4) Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja đang phân phát đồ ăn.

5) Thế Tôn đi đến chỗ phân phát đồ ăn, rồi đứng một bên.

6) Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng một bên để khất thực, thấy vậy, bèn nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, tôi cày và tôi gieo mạ; sau khi cày và gieo mạ, tôi ăn. Này Sa-môn, Ông có cày và gieo mạ không; sau khi cày và gieo mạ, Ông ăn?

7) – Này Bà-la-môn, Ta cũng có cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ, Ta ăn.

8) – Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, cái cày, cái lưỡi cày, cái gậy đâm, hay các con bò đực của Tôn giả Gotama. Tuy vậy Tôn giả Gotama lại nói như sau: “Này Bà-la-môn, Ta cũng có cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ, Ta ăn”.

9) Rồi Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Ông nói là nông phu,

Ta không thấy Ông cày,

Người nông phu được hỏi,

Hãy lên tiếng trả lời,

Sao chúng tôi biết được,

Ông thật sự có cày?

(Thế Tôn):

10) Lòng tin là hạt giống,

Khổ hạnh là mưa móc,

Trí tuệ đối với Ta,

Là cày và ách mang,

Tàm quý là cán cày,

Ý căn là dây cột,

Chánh niệm đối với Ta,

Là lưỡi cày, gậy đâm.

Thân hành được hộ trì,

Khẩu hành được hộ trì

Đối với các món ăn,

Bụng Ta dùng vừa phải,

Ta nhổ lên (tà vạy),

Với chơn lý sự thật,

Hoan hỷ trong Niết-bàn

Là giải thoát của Ta.

Tinh tấn đối với Ta,

Là khả năng mang ách,

Đưa Ta tiến dần đến,

An ổn khỏi ách nạn,

Đi đến, không trở lui,

Chỗ Ta đi, không sầu.

Như vậy, cày ruộng này,

Đưa đến quả bất tử,

Sau khi cày cày này,

Mọi đau khổ được thoát.

11) – Hãy ăn Tôn giả Gotama, Tôn giả Gotama thật là người nông phu. Tôn giả Gotama cày, sự cày đưa đến quả bất tử.

(Thế Tôn):

12) Ta không có hưởng thọ,

Vì tụng hát kệ chú,

Thường pháp không phải vậy,

Đối vị có tri kiến.

Chư Phật đã loại bỏ,

Tụng hát các kệ chú,

Chơn thật đối với Pháp,

Sở hành là như vậy.

Bậc Đại Sĩ vẹn toàn,

Cúng dường phải khác biệt,

Đoạn tận các lậu hoặc,

Trạo hối được lắng dịu,

Với những bậc như vậy,

Cơm nước phải cúng dường.

Thật chính là phước điền,

Cho những ai cầu phước.

Được nghe nói vậy, Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối cho người có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

II. UDAYA (S.i,173)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, cầm y bát đi đến trú xứ của Bà-la-môn Udaya.

3) Bà-la-môn Udaya lấy cơm đổ đầy bình bát của Thế Tôn.

4) Lần thứ hai Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của Bà-la-môn Udaya...

5) Lần thứ ba, Bà-la-môn Udaya lấy cơm đổ đầy bình bát Thế Tôn và nói với Thế Tôn:

- Tham lam là Sa-môn Gotama, đến đi đến lại nhiều lần!

(Thế Tôn):

Nhiều lần và nhiều lần,

Chúng gieo vãi hạt giống.

Nhiều lần và nhiều lần,

Trời mưa đi, mưa lại.

Nhiều lần và nhiều lần,

Người nông phu cày ruộng.

Nhiều lần và nhiều lần,

Lúa gạo đến quốc độ.

Nhiều lần và nhiều lần,

Hành khất lại xin ăn.

Nhiều lần và nhiều lần,

Thí chủ lại bố thí.

Nhiều lần và nhiều lần,

Thí chủ sau khi cho.

Nhiều lần và nhiều lần,

Được đi đến thiên giới.

Nhiều lần và nhiều lần,

Người làm sữa vắt sữa,

Nhiều lần và nhiều lần,

Bò con tìm bò mẹ.

Nhiều lần và nhiều lần,

Mệt sức và lao khổ.

Nhiều lần và nhiều lần,

Kẻ ngu nhập bào thai.

Nhiều lần và nhiều lần,

Lại sanh rồi lại chết.

Nhiều lần và nhiều lần,

Họ mang đến nghĩa địa.

Họ được đường giải thoát,

Không đưa đến tái sanh.

Bậc đại trí, đại tuệ,

Không sanh đi, sanh lại.

7) Khi được nói vậy, Bà-la-môn Udaya bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

III. DEVAHITA (S.i,173)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn bị bịnh về phong khí và Tôn giả Upavàna là thị giả Thế Tôn.

3) Rồi Thế Tôn gọi Tôn giả Upavàna:

– Này Upavàna, Ông có biết làm sao cho Ta nước nóng?

4) – Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Upavàna vâng đáp Thế Tôn, đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của Bà-la-môn Devahita; sau khi đến, đứng im lặng một bên.

5) Bà-la-môn Devàhita thấy Tôn giả Upavàna đứng im lặng một bên, bèn nói lên bài kệ với Tôn giả Upavàna:

Tôn giả đứng im lặng,

Trọc đầu, choàng đại y,

Ông muốn gì, cầu gì?

Ông đến để xin gì?

(Tôn giả):

6) Bậc La-hán, Thiện Thệ,

Hiện bị bịnh phong khí,

Nếu đây có nước nóng,

Hãy dâng bậc Đại Thánh!

Xứng đáng được cúng dường,

Ngài đã được cúng dường.

Xứng đáng được tôn kính,

Ngài đã được tôn kính,

Xứng đáng được cung kính,

Ngài đã được cung kính,

Vì Ngài, tôi muốn được

Nước nóng để đem về.

7) Rồi Bà-la-môn Devahita bảo một người lấy đòn gánh gánh nước nóng và một bình đường mật, dâng cho Tôn giả Upavàna.

8) Rồi Tôn giả Upavàna đi đến Thế Tôn, dùng nước nóng tắm cho Thế Tôn, dùng đường mật pha với nước nóng dâng lên Thế Tôn dùng.

9) Và bệnh phong khí của Thế Tôn được nhẹ bớt.

10) Rồi Bà-la-môn Devahita đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

11) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Devahita nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Chỗ nào người thí chủ,

Xứng đáng nên bố thí?

Chỗ nào sự bố thí,

Đưa đến quả báo lớn?

Cúng dường phải thế nào?

Cung kính phải thế nào?

(Thế Tôn):

12) Ai biết được đời trước,

Thấy Thiên giới, ác thú,

Đoạn diệt được tái sanh,

Thắng trí, bậc Mâu-ni.

Nên bố thí vị ấy,

Bố thí được quả lớn.

Cúng dường phải như vậy,

Cung kính phải như vậy.

13) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Devahita bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng!

IV. MAHÀSÀLA: Đại phú giả hay y choàng thô.

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi một Bà-la-môn đại phú, dáng bộ tiều tụy, đắp y thô xấu, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

3) Thế Tôn nói với vị Bà-la-môn đại phú đang ngồi xuống một bên:

– Này Bà-la-môn, sao dáng bộ ông tiều tụy? Sao ông đắp y thô xấu?

4) – Thưa Tôn giả Gotama, ở đây bốn đứa con trai của con, chúng âm mưu với vợ của chúng, trục xuất con ra khỏi nhà.

5) – Vậy này Bà-la-môn, hãy đọc thuộc bài kệ này, và khi nào quần chúng hội họp trong thính đường và cả các người con cùng ngồi họp, hãy đọc lên bài kệ:

Khi chúng sanh, tôi mừng

Tôi muốn chúng sinh thành.

Cùng vợ, chúng âm mưu,

(Chống tôi và đuổi tôi),

Chẳng khác gì con chó,

Xua đuổi bầy heo lợn,

Ác độc và lỗ mãng,

Chúng gọi tôi: “Cha thân”.

Chúng thật quỷ Dạ-xoa,

Đội lốt là con tôi,

Và chúng trục xuất tôi,

Khi tôi đến tuổi già,

Như ngựa già suy nhược,

Bị tẩn xuất chuồng ăn.

Nay cha già bọn trẻ,

Phải ăn xin nhà người,

Thà cho tôi cái gậy,

Hơn lũ con bất hiếu.

Với gậy, chận bò dữ,

Chận được loại chó dữ,

Chỗ tối dò an toàn,

Chỗ sâu, tìm chân đứng,

Với sức mạnh chiếc gậy,

Vấp ngã đứng dậy được.

6) Bà-la-môn đại phú ấy học thuộc lòng bài kệ này từ Thế Tôn. Khi quần chúng tụ hội tại thính đường và giữa các người con đang ngồi họp, vị ấy đọc lên bài kệ:

Khi chúng sanh, tôi mừng,

Tôi muốn chúng sinh thành.

Cùng vợ, chúng âm mưu,

(Chống tôi và đuổi tôi),

Chẳng khác gì con chó,

Xua đuổi bầy heo lợn.

Ác độc và lỗ mãng,

Chúng gọi tôi: “Cha thân”.

Chúng thật quỷ Dạ-xoa,

Đội lốt là con tôi,

Và chúng trục xuất tôi,

Khi tôi đến tuổi già,

Như ngựa già, suy nhược,

Bị tẩn xuất chuồng ăn.

Nay cha già bọn trẻ,

Phải ăn xin nhà người.

Thà cho tôi cái gậy,

Hơn lũ con bất hiếu.

Với gậy, chận bò dữ,

Chận được loài chó dữ.

Chỗ tối, dò an toàn,

Chỗ sâu, tìm chân đứng,

Với sức mạnh chiếc gậy,

Vấp ngã, đứng dậy được.

8) Rồi những người con Bà-la-môn đại phú ấy, dắt người cha về nhà, tắm rửa và mỗi người đắp cho cha một bộ áo.

9) Rồi Bà-la-môn đại phú ấy cầm một bộ áo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

10) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, chúng con Bà-la-môn, có dâng cúng sở phí cho bậc Đạo sư. Mong Tôn giả Gotama chấp nhận sở phí cho bậc Đạo sư của con.

11) Và Thế Tôn vì lòng từ chấp nhận.

12) Rồi Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

V. MÀNATTHADA (S.i,177)

1) Nhân duyên tại Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, Bà-la-môn tên Mànatthada trú ở Sàvatthi. Vị này không cung kính mẹ, không cung kính cha, không cung kính Đạo sư, không cung kính anh trưởng.

3) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp, có đại chúng đoanh vây.

4) Rồi Bà-la-môn Mànatthada suy nghĩ như sau: “Sa-môn Gotama nay đang thuyết pháp có đại chúng đoanh vây. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama. Nếu Sa-môn Gotama nói chuyện với ta, ta cũng sẽ nói chuyện với Sa-môn Gotama. Nếu Sa-môn Gotama không nói chuyện với ta, ta cũng sẽ không nói chuyện với Sa-môn Gotama”.

5) Rồi Bà-la-môn Mànatthada đi đến Thế Tôn; sau khi đến, liền đứng một bên và im lặng.

6) Và Thế Tôn không nói chuyện với Bà-la-môn ấy.

7) Bà-la-môn Mànatthada suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này không biết gì hết”, bèn muốn trở về.

8) Rồi Thế Tôn với tâm tư của mình biết được tâm tư của Bà-la-môn Mànatthada, liền nói lên bài kệ với Bà-la-môn Mànatthada:

Hỡi này Bà-la-môn,

Kiêu mạn không có tốt,

Ở đây không có ai,

Bà-la-môn nên biết.

Ông đến, mục đích gì,

Hãy nói lên cho biết?

9) Bà-la-môn Mànatthada suy nghĩ: “Sa-môn Gotama biết tâm tư của ta”, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, lấy miệng hôn chân Thế Tôn, lấy tay thoa vuốt và nói lên tên của mình:

– Tôn giả Gotama, con là Mànatthada. Tôn giả Gotama, con là Mànatthada.

10) Rồi đại chúng ấy tâm khởi lên kinh dị vi diệu: “Thật là vi diệu, thưa Ngài! Thật là hy hữu, thưa Ngài! Bà-la-môn Mànatthada không bao giờ cung kính mẹ, không bao giờ cung kính cha, không bao giờ cung kính Đạo sư, không bao giờ cung kính anh trưởng, nay lại hạ mình tột cùng như vậy trước Sa-môn Gotama”.

11) Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Mànatthada:

– Thôi vừa rồi Bà-la-môn. Hãy đứng dậy và ngồi lại trên ghế của Ông. Lòng tín thành của Ông đối với Ta từ đâu đến?

12) Rồi Bà-la-môn Mànatthada sau khi ngồi trên ghế của mình, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Đối ai không nên kiêu?

Đối ai nên kính trọng?

Đối ai nên tôn kính?

Cúng dường ai, tốt lành?

(Thế Tôn):

13) Với mẹ và với cha,

Với anh nhiều tuổi hơn,

Với thầy là thứ tư,

Không nên sanh kiêu mạn,

Nên kính trọng vị ấy,

Nên tôn kính vị ấy,

Cúng dường họ, tốt lành.

Các bậc A-la-hán,

Thanh lương, lậu hoặc đoạn,

Việc nên làm đã làm,

Hãy nhiếp phục kiêu mạn,

Bậc Vô thượng tôn ấy,

Ông thật nên đảnh lễ.

14) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Mànatthada bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

VI. PACCANÌKA (S.i,179)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ Bà-la-môn tên là Paccanìkasàta ở tại Sàvatthi.

3) Rồi Bà-la-môn Paccanìkasàta suy nghĩ như sau: “Ta hãy đi đến Sa-môn Gotama, và Sa-môn Gotama có nói điều gì, ta sẽ nói lời phản ngược lại”.

4) Lúc bấy giờ Thế Tôn đang đi kinh hành ngoài trời.

5) Rồi Ba-la-môn Paccanìkasàta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn đang đi kinh hành:

– Này Sa-môn, hãy thuyết pháp.

(Thế Tôn):

6) Không thuyết pháp với ông,

Này Paccanìka!

Tâm ông thật ô uế,

Và đầy những thù hận,

Làm sao biết tốt đẹp,

Làm sao nói tốt đẹp!

Ai nhiếp phục thù hận,

Nhiếp phục tâm chống đối,

Từ bỏ mọi sân tâm,

Vị ấy biết tốt đẹp,

Vị ấy nói tốt đẹp.

7) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Paccanìkasàta bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

VII. NAVAKAMMIKA (S.i,179)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ Bà-la-môn Navakammika Bhàradvaja đang làm công việc tại khu rừng ấy.

3) Bà-la-môn Navakammika thấy Thế Tôn ngồi kiết-già dưới gốc cây, lưng thẳng và để niệm trước mặt.

4) Thấy vậy, vị Bà-la-môn suy nghĩ: “Ta thích làm việc về củi gỗ tại khu rừng này. Còn Sa-môn Gotama thời thích làm việc gì?”

5) Rồi Bà-la-môn Navakammika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Nay Ông làm việc gì,

Trong rừng cây sa-la,

Khiến Ông sống một mình,

Vui gì Ông tìm được,

Tỷ-kheo Gotama?

(Thế Tôn):

6) Ta không phải làm gì,

Trong khu rừng (sa-la).

Với Ta, rễ đã cắt,

Cả khu rừng rậm rạp,

Như vậy Ta được thoát,

Mọi rừng rú chông gai.

Tâm Ta không bị đâm,

Một mình sống an lạc,

Đoạn trừ mọi bất mãn,

Sống thích thú hoan hỷ.

7) Được nghe nói vậy, Bà-la-môn Navakammika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

VIII. KATTHAHÀRA (S.i,180)

1) Một thời Thế Tôn sống ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ, nhiều thanh niên lượm củi, đệ tử của Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja, đi đến khu rừng ấy.

3) Sau khi đến, họ thấy Thế Tôn ngồi kiết-già trong khu rừng ấy, lưng thẳng và để niệm trước mặt. Thấy vậy, họ liền đi đến Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja.

4) Sau khi đến, họ nói với Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja:

– Tôn giả có biết không, tại một khu rừng kia, có vị Sa-môn ngồi kiết-già, lưng thẳng và để niệm trước mặt?

5) Rồi Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja cùng với các thanh niên ấy đi đến khu rừng và thấy Thế Tôn tại khu rừng ấy, đang ngồi kiết-già, lưng thẳng và để niệm trước mặt. Thấy vậy họ liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Trong khu rừng thâm u,

Nhiều dễ sợ khủng khiếp,

Rừng trống không, hoang vắng,

Ngài vào sâu một mình,

Thân bất động, kiên trì,

Đẹp đẽ và uy nghi.

Này Tỷ-kheo, Ngài thiền

Với tâm tư định tĩnh.

Ở đây không ca hát,

Ở đây không nói năng,

Cô độc trong rừng sâu,

Bậc Thánh nhơn an trú,

Như vậy đối với con,

Thật kỳ diệu hy hữu.

Khi Ngài sống một mình,

Hoan hỷ trong rừng vắng,

Con nghĩ, Ngài ước nguyện,

Đồng sanh làm thân hữu,

Với bậc Thế giới chủ,

Tại vô thượng Tam thiên.

Vậy sao bậc Tôn giả,

Không bỏ rừng hoang vắng,

Tu khổ hạnh ở đây,

Để đạt Phạm thiên quả?

(Thế Tôn):

6) Phàm có ước vọng gì,

Hay những ái lạc gì,

Những gì kẻ phàm phu,

Thường chấp trước các giới,

Các tham ái khởi lên,

Từ gốc rễ vô minh,

Tất cả Ta đoạn tận,

Trừ cả gốc lẫn rễ.

Nay Ta không ước nguyện,

Không tham ái, chấp trước,

Đối với tất cả pháp,

Ta thấy đều thanh tịnh.

Đạt được Chánh Đẳng Giác,

Và mục đích tối thượng,

Ta tu tập Thiền định,

Vắng lặng, không sợ hãi.

7) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!.. từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

IX. MÀTAPOSAKA: Nuôi dưỡng mẹ (S.i,181)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Bà-la-môn Màtaposaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, bèn ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Màtaposaka nói với Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp. Sau khi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn giả Gotama, tôi làm như vậy; tôi có làm đúng trách nhiệm không?

4) – Này Bà-la-môn, Ông làm như vậy là làm đúng trách nhiệm. Này Bà-la-môn, ai tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp; sau khi tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp, lại nuôi dưỡng mẹ cha thì người ấy được nhiều công đức.

Người nào theo thường pháp,

Nuôi dưỡng mẹ và cha,

Chính do công hạnh này,

Đối với cha, với mẹ,

Nhờ vậy, bậc Hiền Thánh,

Trong đời này tán thán,

Sau khi chết, được sanh,

Hưởng an lạc, chư Thiên.

5) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Màtaposaka bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

X. BHIKKHAKA (S.i,182)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Bà-la-môn Bhikkhaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, bèn ngồi một bên.

3) Ngồi một bên Bà-la-môn Bhikkhaka bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, con là người khất thực và Tôn giả cũng là người khất thực. Vậy có sự sai khác gì giữa chúng ta?

(Thế Tôn):

4) Không phải ai xin ăn,

Cũng gọi là khất sĩ.

Nếu chấp trì độc pháp,

Không còn gọi Tỷ-kheo.

Ai sống ở đời này,

Từ bỏ các phước báo,

Đoạn trừ mọi ác pháp,

Hành trì theo Phạm hạnh,

Sống đời sống chánh trí,

Vị ấy xứng “Tỷ-kheo”.

5) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Bhikkhaka bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

XI. SANGÀRAVA (S.i,182)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sangàrava trú ở Sàvatthi, là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước (để tắm cho thanh tịnh).

3) Rồi Tôn giả Ànanda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về Tôn giả đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.

4) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, Bà-la-môn Sangàrava trú ở Sàvatthi, là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều theo hạnh xuống nước (để tắm cho thanh tịnh). Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vì lòng từ mẫn đi đến trú xứ của Bà-la-môn Sangàrava.

5) Thế Tôn im lặng nhận lời.

6) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của Bà-la-môn Sangàrava; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.

7) Rồi Bà-la-môn Sangàrava đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

8) Thế Tôn nói với Bà-la-môn Sangàrava đang ngồi một bên:

– Có đúng sự thật chăng, này Bà-la-môn, Ông là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều sống theo hạnh xuống nước (để tắm cho thanh tịnh)?

9) – Thưa đúng vậy, Tôn giả Gotama.

10) – Này Bà-la-môn, nhằm mục đích lợi ích gì, Ông là nhà Tịnh thủy hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều sống theo hạnh xuống nước (để tắm cho thanh tịnh)?

11) – Ở đây, Tôn giả Gotama, ban ngày tôi làm ác nghiệp gì, buổi chiều tôi tắm để gội sạch ác nghiệp ấy; buổi tối tôi làm ác nghiệp gì, buổi sáng hôm sau tôi tắm để gội sạch ác nghiệp ấy. Tôn giả Gotama, do nhằm mục đích như vậy, tôi là nhà Tịnh thủy hành tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, sáng chiều tôi sống theo hạnh xuống nước (để tắm cho thanh tịnh).

(Thế Tôn):

12) Chánh pháp là ao hồ,

Giới là bến nước tắm,

Không cấu uế, trong sạch,

Được thiện nhơn tán thán,

Là chỗ bậc có trí,

Thường tắm, trừ uế tạp,

Khi tay chân trong sạch,

Họ qua bờ bên kia.

13) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Sangàrava bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

XII. KHOMADUSA (S.i,154)

1) Như vầy tôi nghe.

 Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại thị trấn của dân chúng Sakka tên là Khomadussa.

2) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào thị trấn Khomadussa để khất thực.

3) Lúc bấy giờ các Bà-la-môn gia chủ ở Khomadussa đang tụ họp tại hội trường để giải quyết một vài vấn đề và trời đang mưa nhỏ hột.

4) Rồi Thế Tôn đi đến hội trường ấy.

5) Các Bà-la-môn gia chủ ở Khomadussa thấy Thế Tôn từ xa đi đến.

6) Thấy vậy, họ bèn nói:

– Những Sa-môn đầu trọc ấy là ai? Và họ có thể biết gì về quy tắc của hội trường?

7) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ với các Bà-la-môn gia chủ ở Khomadussa:

Không thể có hội trường,

Nếu không có thiện nhân.

Không thể có thiện nhân,

Nếu không nói đúng pháp.

Những ai đã đoạn trừ,

Cả tham, sân và ái,

Nói lên lời đúng pháp,

Họ mới thật thiện nhân.

8) Khi được nghe nói vậy, các Bà-la-môn gia chủ ở Khomadussa bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem ánh sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Chúng con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.

PT & DTKVN

Năm bộ Nikaya : 

CHƯƠNG TÁM: TƯƠNG ƯNG TRƯỞNG LÃO VANGÌSA

I. XUẤT LY (S.i,185)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Vangìsa trú ở Àlavi, tại ngôi đền ở Aggàlava, cùng với Tôn giả Nigrodha Kappa, là vị giáo thọ sư.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Vangìsa là tân Tỷ-kheo, xuất gia chưa bao lâu, được ở lại để coi ngôi Tinh xá.

3) Rồi một số đông phụ nữ, sau khi trang điểm, đi đến khu vườn để xem Tinh xá.

4) Tôn giả Vangìsa thấy các phụ nữ ấy, tâm sanh bất mãn, bị lòng dục quấy phá.

5) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Thật bất lợi cho ta! Thật không lợi cho ta! Thật bất hạnh cho ta! Thật không may cho ta! Vì rằng tâm sanh bất mãn nơi ta, và ta bị lòng dục quấy phá. Làm thế nào ngay hiện tại có người khác có thể đoạn trừ bất mãn nơi ta và làm khởi lên thỏa mãn cho ta? Hay là ta tự mình đoạn trừ bất mãn nơi ta và làm cho thỏa mãn khởi lên cho ta?”

6) Rồi Tôn giả Vangìsa sau khi tự mình đoạn trừ bất mãn và làm cho thỏa mãn khởi lên, liền ngay trong lúc ấy, nói lên những bài kệ này:

Với ta đã xuất gia,

Bỏ nhà, sống không nhà,

Tâm tư nay chạy loạn,

Khởi lên từ đen tối.

Con nhà bậc thượng lưu,

Thiện xảo trong cung pháp,

Ngàn người bắn tứ phía,

Vẫn không bỏ chạy loạn.

Nếu phụ nữ có đến,

Dầu nhiều hơn, đông hơn,

Sẽ không não loạn ta,

Vì ta trú Chánh pháp,

Chính ta từng được nghe,

Phật, dòng họ mặt trời,

Thuyết giảng Niết-bàn đạo,

Ở đây ta ưa thích.

Nếu ta trú như vậy,

Ác ma, Ông có đến,

Sở hành ta là vậy,

Ông đâu thấy đường ta.

II. KHÔNG KHOÁI: Arati (S.i,186)

1) Một thời...,...

2) Tôn giả Vangìsa trú ở Àlavi, tại ngôi đền ở Aggàvi cùng với giáo thọ sư Tôn giả Nigrodha Kappa.

3) Lúc bấy giờ, Tôn giả Nigrodha Kappa sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi vào Tinh xá và không ra khỏi Tinh xá cho đến chiều hay ngày mai.

4) Lúc bấy giờ Tôn giả Vangìsa tâm sanh bất mãn, bị lòng dục quấy phá.

5) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Thật bất lợi cho ta! Thật bất lợi cho ta! Thật không lợi cho ta! Thật bất hạnh cho ta! Thật không may cho ta! Vì rằng tâm sanh bất mãn nơi ta, và ta bị lòng dục quấy phá. Làm thế nào ngay hiện tại có người khác có thể đoạn trừ bất mãn nơi ta và làm khởi lên thỏa mãn cho ta? Hay là ta tự mình đoạn trừ bất mãn nơi ta và làm cho thỏa mãn khởi lên cho ta?”

6) Rồi Tôn giả Vangìsa sau khi tự mình đoạn trừ bất mãn và làm thỏa mãn khởi lên, liền ngay trong lúc ấy nói lên bài kệ này:

Ta bỏ lạc, bất lạc,

Mọi tâm tư gia sự,

Không tạo một chỗ nào,

Thành cơ sở tham dục.

Ai thoát khỏi rừng tham,

Thoát ly mọi tham dục,

Ly tham không đắm trước,

Xứng danh chơn Tỷ-kheo.

Phàm địa giới, không giới,

Cả sắc giới trong đời,

Mọi vật đều biến hoại,

Mọi sự đều vô thường.

Ai hiểu biết như vậy,

Sở hành sẽ chân chính.

Chúng sanh thường chấp trước,

Đối với các sanh y,

Đối vật họ thấy, nghe

Họ ngửi, nếm, xúc chạm.

Ở đây, ai đoạn dục,

Tâm tư không nhiễm ô,

Không mắc dính chỗ này,

Vị ấy danh Mâu-ni.

Đối với sáu mươi pháp,

Thuộc vọng tưởng phi pháp,

Phàm phu thường chấp trước,

Chấp thủ và tham đắm.

Tỷ-kheo không phiền não,

Không nói lời ác ngữ,

Sáng suốt, tâm thường định,

Không dối trá, thận trọng,

Thoát ly mọi tham ái.

Vị Mâu-ni chứng đạt,

Cảnh Niết-bàn tịch tịnh,

Chờ đón thời mệnh chung,

Với tâm tư vắng lặng,

Thanh thoát nhập Niết-bàn.

III. KHINH MIỆT KẺ ÔN HÒA: Pessalà Atimannanà (S.i,187)

1) Một thời Tôn giả Vangìsa trú ở Àlavi, tại đền Aggàlavi, cùng với giáo thọ sư là Tôn giả Nigrodha Kappa.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Vangìsa thường hay khinh miệt các vị Tỷ-kheo ôn hòa khác vì khả năng biệt tài của mình.

3) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Thật bất lợi cho ta! Thật không lợi cho ta! Thật bất hạnh cho ta! Thật không may cho ta! Vì rằng ta khinh miệt các vị Tỷ-kheo ôn hòa khác vì khả năng biện tài của ta”.

4) Rồi Tôn giả Vangìsa, tự hối trách mình, liền ngay khi ấy, nói lên những bài kệ này:

Đệ tử Gotama,

Hãy từ bỏ kiêu mạn,

Và cũng tự bỏ luôn,

Con đường đến kiêu mạn.

Nếu hoàn toàn đắm say,

Trong con đường kiêu mạn,

Sẽ tự mình hối trách,

Trong thời gian lâu dài.

Những ai khinh khi người,

Với khinh khi kiêu mạn,

Đi con đường kiêu mạn,

Sẽ đọa lạc địa ngục.

Những người ấy sầu khổ,

Trong thời gian lâu dài,

Do kiêu mạn dắt dẫn,

Phải sanh vào địa ngục.

Tỷ-kheo không bao giờ

Phải sầu muộn buồn thảm,

Thắng lợi trên chánh đạo,

Sở hành được chân chánh,

Vị ấy được thọ hưởng,

Danh dự và an lạc,

Chơn thực được danh xưng,

Là bậc hưởng Pháp lạc.

Do vậy ở đời này,

Không thô lậu, tinh tấn

Đoạn trừ mọi triền cái,

Sống thanh tịnh trong sạch,

Và đoạn tận kiêu mạn,

Hoàn toàn, không dư thừa,

Chấm dứt (mọi phiền não),

Với trí tuệ quang minh,

Ngài được xem là bậc

Sống tịch tịnh an lạc.

IV. ÀNANDA (S.i,188)

1) Một thời Tôn giả Ànanda trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại Tinh xá ông Anàthapinkika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi Tôn giả Ànanda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực với Tôn giả Vangìsa là Sa-môn thị giả.

3) Lúc bây giờ Tôn giả Vangìsa tâm sanh bất mãn, bị lòng dục quấy phá.

4) Rồi Tôn giả Vangìsa nói lên bài kệ với Tôn giả Ànanda:

Dục ái đốt cháy tôi,

Tâm tôi bị thiêu cháy.

Thật là điều tốt lành,

Đệ tử Gotama,

Vì lòng từ thương tưởng,

Nói pháp tiêu lửa hừng.

(Ànanda):

5) Chính vì điên đảo tưởng,

Tâm Ông bị thiêu đốt,

Hãy từ bỏ tịnh tướng,

Hệ lụy đến tham dục,

Nhìn các hành vô thường,

Khổ đau, không phải ngã,

Dập tắt đại tham dục,

Chớ để bị cháy dài;

Hãy tu tâm bất tịnh,

Nhứt tâm, khéo định tĩnh,

Tu tập thân niệm trú,

Hành nhiều hạnh yểm ly;

Hãy tập hạnh vô tướng,

Đoạn diệt mạn tùy miên,

Nhờ quán sâu kiêu mạn,

Hạnh Ông được an tịnh.

V. KHÉO NÓI (S.i,188)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo.

3) – Thưa vâng, Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

4) Thế Tôn nói như sau:

– Đầy đủ bốn đức tánh, này các Tỷ-kheo, lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, vô tội và không bị người có trí chỉ trích. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nói lời thiện thuyết, không nói lời ác thuyết, nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp, nói lời ái ngữ, không nói lời ác ngữ, nói lời chơn ngữ, không nói lời phi chơn. Đầy đủ bốn đức tính này, này các Tỷ-kheo, lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, vô tội và không bị người có trí chỉ trích.

6) Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ, Đạo sư lại nói thêm:

Bậc Thiện Nhơn dạy rằng:

Thứ nhất là thiện thuyết,

Thứ hai nói đúng pháp,

Chớ nói lời phi pháp,

Thứ ba nói ái ngữ,

Chớ nói lời ác ngữ,

Thứ tư, nói chơn thực,

Chớ nói lời phi chơn.

7) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Thế Tôn, hãy soi sáng cho con! Thiện Thệ, hãy soi sáng cho con!

8) Thế Tôn nói:

– Này Vangìsa, mong rằng Ông được soi sáng!

9) Rồi Tôn giả Vangìsa trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ tán thán thích đáng:

Ai nói lên lời gì,

Lời ấy không khổ mình,

Lại không làm hại người,

Lời ấy là thiện thuyết.

Ai nói lời ái ngữ,

Lời nói khiến hoan hỷ,

Lời nói không ác độc,

Lời ấy là ái ngữ.

Các lời nói chơn thật,

Là lời nói bất tử,

Như vậy là thường pháp,

Từ thuở thật ngàn xưa.

Bậc Thiện Nhân được xem,

An trú trên chơn thực,

Trên nghĩa và trên pháp,

Lời đồn là như vậy.

Lời đức Phật nói lên,

Đạt an ổn Niết-bàn,

Chấm dứt mọi khổ đau,

Thật lời nói tối thượng.

VI. SÀRIPUTTA (Xá-lợi-phất) (S.i,189)

1) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta với bài pháp thoại đang tuyên thuyết, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo, với lời nói lịch sự, thông suốt, không có phều phào, với ý nghĩa rõ ràng minh bạch. Và các vị Tỷ-kheo ấy chú ý, chú tâm, tập trung tâm lực, lắng tai nghe pháp.

3) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Tôn giả Sàriputta với bài pháp thoại đang tuyên thuyết, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo, với lời nói lịch sự, thông suốt, không có phều phào, với ý nghĩa rõ ràng minh bạch. Và các vị Tỷ-kheo ấy chú ý, chú tâm, tập trung tâm lực, lắng tai nghe pháp. Vậy trước mặt Tôn giả Sàriputta, ta hãy nói lên những bài kệ tán thán thích đáng”.

4) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng về Tôn giả Sàriputta và nói với Tôn giả Sàriputta:

– Hiền giả Sàriputta, một vấn đề đến với tôi. Hiền giả Sàriputta, một vấn đề đến với tôi.

5) – Mong rằng Hiền giả Vangìsa nói lên vấn đề ấy!

6) Rồi Tôn giả Vangìsa, trước mặt Tôn giả Sàriputta, nói lên những lời kệ tán thán thích đáng:

Trí tuệ thâm, trí giải,

Thiện xảo đạo, phi đạo,

Ngài Sàriputta,

Là bậc Đại trí tuệ.

Chính Ngài đang thuyết pháp,

Cho các vị Tỷ-kheo.

Ngài giảng cách tóm tắt,

Ngài cũng thuyết rộng rãi.

Như âm thanh vi diệu,

Của loại chim Sàli,

Lời Ngài giảng tuôn trào,

Tiếng Ngài nghe ngọt lịm.

Với giọng điệu ái luyến,

Êm tai, và mỹ diệu,

Chúng lắng tai nghe pháp,

Tâm phấn khởi hoan hỷ,

Này các vị Tỷ-kheo.

VI. SÀRIPUTTA (Xá-lợi-phất) (S.i,189)

1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Pubbàràma (Đông Viên), Migara - màtu pàsàda (Lộc Mẫu giảng đường), cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, tất cả đều chứng quả A-la-hán.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn, nhân ngày trăng tròn Bố-tát Tự tứ, Ngài ngồi giữa trời, xung quanh chúng Tỷ-kheo đoanh vây.

3) Rồi Thế Tôn, sau khi nhìn quanh chúng Tỷ-kheo im lặng, liền bảo các Tỷ-kheo:

4) – Này các Tỷ-kheo, nay Ta mời các Ông nói lên, các Ông có điều gì chỉ trích Ta hay không, về thân hay về lời nói?

5) Được nghe như vậy, Tôn giả Sàriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, chúng con không có chỉ trích gì Thế Tôn về thân hay về lời nói. Bạch Thế Tôn, con đường chưa sanh khởi, Thế Tôn làm cho sanh khởi; con đường chưa được rõ biết, Thế Tôn làm cho rõ biết; con đường chưa được thuyết giảng, Thế Tôn thuyết giảng. Thế Tôn biết đạo, hiểu đạo, thiện xảo về đạo; và bạch Thế Tôn, các đệ tử nay là những vị sống hành đạo, và sẽ thành tựu (những pháp ấy) về sau. Và bạch Thế Tôn, con xin mời Thế Tôn nói lên, Thế Tôn có điều gì chỉ trích con hay không, về thân hay về lời nói?

6) – Này Sàriputta, Ta không có gì chỉ trích Ông về thân, hay về lời nói. Này Sàriputta, Ông là bậc Đại trí. Này Sàriputta, Ông là bậc Quảng trí. Này Sàriputta, Ông là bậc Tốc trí. Này Sàriputta, Ông là bậc Tiệp trí. Này Sàriputta, Ông là bậc Nhuệ trí. Này Sàriputta, Ông là bậc Thể nhập trí. Này Sàriputta, ví như trưởng tử, con vua Chuyển luân vương, chơn chánh vận chuyển bánh xe đã được vua cha vận chuyển. Cũng vậy, này Sàriputta, Ông chơn chánh chuyển vận pháp luân vô thượng đã được Ta chuyển vận.

7) – Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không có gì chỉ trích con về thân hay về lời nói, vậy bạch Thế Tôn, đối với khoảng năm trăm Tỷ-kheo này, Thế Tôn có gì chỉ trích hay không, về thân hay về lời nói?

8) – Này Sàriputta, đối với khoảng năm trăm Tỷ-kheo này, Ta không có gì chỉ trích về thân hay về lời nói. Này Sàriputta, trong khoảng năm trăm Tỷ-kheo này, sáu mươi Tỷ-kheo là bậc Tam minh, sáu mươi Tỷ-kheo là bậc chứng được sáu Thắng trí, sáu mươi Tỷ-kheo là bậc Câu giải thoát, và các vị còn lại là bậc Tuệ giải thoát.

9) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

10) – Bạch Thế Tôn, một vấn đề đến với con. Bạch Thiện Thệ, một vấn đề đến với con.

11) Thế Tôn nói:

– Này Vangìsa, hãy nói lên vấn đề ấy!

12) Rồi Tôn giả Vangìsa trước mặt Thế Tôn nói lên những bài kệ tán thán thích ứng:

Nay ngày rằm thanh tịnh,

Năm trăm Tỷ-kheo họp,

Bậc Thánh cắt kiết phược,

Vô phiền, đoạn tái sanh.

Như vua Chuyển luân vương,

Đại thần hầu xung quanh,

Du hành khắp bốn phương,

Đất này đến hải biên.

Như vậy, các đệ tử,

Đã chứng được Tam minh,

Sát hại được tử thần,

Những vị này hầu hạ,

Bậc thắng trận chiến trường,

Chủ lữ hành vô thượng.

Tất cả con Thế Tôn,

Không ai là vô dụng,

Xin chí thành đảnh lễ,

Bậc nhổ tên khát ái,

Xin tâm thành cung kính,

Bậc dòng họ mặt trời.

VIII. MỘT NGÀN VÀ NHIỀU HƠN (S.i,192)

1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc) cùng đại chúng Tỷ-kheo 1.250 vị.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn với bài pháp thoại liên hệ đến Niết-bàn, thuyết giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và những Tỷ-kheo ấy chú tâm, chú ý, tập trung tất cả tâm tư, lắng tai nghe pháp.

3) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Nay Thế Tôn với bài pháp thoại liên hệ đến Niết-bàn, đang thuyết giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và những Tỷ-kheo ấy chú tâm, chú ý, tập trung tất cả tâm tư, lắng tai nghe pháp. Vậy trước mặt Thế Tôn, ta hãy nói lên những bài kệ tán thán thích ứng”.

4) Rồi Tôn giả Vangìsa, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, một vấn đề đến với con. Bạch Thiện Thệ, một vấn đề đến với con.

5) Thế Tôn đáp:

– Này Vangìsa, hãy nói lên vấn đề ấy!

6) Rồi Tôn giả Vangìsa, trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ tán thán thích ứng:

Hơn một ngàn Tỷ-kheo,

Hầu hạ bậc Thiện Thệ,

Ngài thuyết pháp vô cấu,

Niết-bàn, không sợ hãi.

Họ nghe pháp vô cấu,

Bậc Chánh Giác thuyết giảng.

Thượng thủ chúng Tỷ-kheo,

Bậch Chánh Giác chói sáng.

Bạch Thế Tôn, Thiện Thệ,

Ngài thật bậc Long Tượng,

Bậc Ẩn Sĩ thứ bảy,

Trong các vị Ân Sĩ.

Ngài trở thành mây lớn,

Mưa móc ban đệ tử.

Con từ nghỉ trưa đến,

Muốn yết kiến Đạo sư.

Ôi bậc Đại Anh hùng!

Con là đệ tử Ngài,

Con tên Vangìsa,

Đảnh lễ dưới chân Ngài.

7) – Này Vangìsa, những bài kệ này của Ông, có phải Ông suy nghĩ từ trước hay được khởi lên tại chỗ?

8) – Bạch Thế Tôn, những bài kệ này của con không phải suy nghĩ từ trước, chính được khởi lên tại chỗ.

9) – Vậy này Vangìsa, hãy cho nhiều bài kệ nữa, không suy nghĩ từ trước, được khởi lên tại chỗ.

10) – Thưa vâng bạch Thế Tôn.

Tôn giả Vangìsa vâng đáp Thế Tôn và nói lên những bài kệ tán thán Thế Tôn; những bài kệ chưa được suy nghĩ từ trước:

Thắng ác ma, tà đạo,

Ngài sống chướng ngại đoạn.

Hãy thấy bậc Giải Thoát,

Thoát ly mọi hệ phược,

Phân tích thành từng phần,

Hắc, bạch pháp phân minh.

Ngài nói lên con đường,

Nhiều pháp môn khác biệt,

Mục đích giúp mọi người,

Vượt qua dòng bộc lưu,

Chính trên pháp bất tử,

Được Ngài (thường) tuyên thuyết.

Chúng con bậc pháp kiến,

Vững trú không thối chuyển,

Bậc tạo dựng quang minh,

Ngài thâm nhập (các pháp),

Thấy được chỗ vượt qua,

Tất cả mọi kiến xứ.

Sau khi biết và chứng,

Ngài thuyết tối thượng xứ,

Pháp như vậy khéo giảng.

Ai có thể phóng dật,

Khi được biết pháp ấy,

Pháp khéo giảng như vậy?

Do vậy trong giáo pháp,

Đức Thế Tôn, Thiện Thệ.

Luôn luôn không phóng dật,

Hãy đảnh lễ, tu học.

IX. KONDANNA: Kiều-trần-như (S.i,193)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương xá), tại Veluvanna (Trúc lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Tôn giả Annàsi Kondanna, sau một thời gian khá dài, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, miệng hôn, tay xoa bóp chân Thế Tôn và nói lên tên của mình:

– Bạch Thế Tôn, con là Kondanna. Bạch Thiện Thệ, con là Kondanna.

3) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Tôn giả Annàsi Kondanna này, sau một thời gian khá dài, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, miệng hôn, tay xoa bóp chân Thế Tôn và nói lên tên của mình: ‘Bạch Thế Tôn, con là Kondanna. Bạch Thiện Thệ, con là Kondanna’. Vậy ta hãy ở trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ thích ứng tán thán Tôn giả Annàsi Kondanna”.

4) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y về một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, một vấn đề đến với con. Bạch Thiện Thệ, một vấn đề đến với con.

5) Thế Tôn đáp:

– Này Vangìsa, hãy nói lên vấn đề ấy!

6) Rồi Tôn giả Vangìsa, trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ thích ứng tán thán Tôn giả Kondanna:

Sau đức Phật hiện tại,

Trưởng lão được chánh giác,

Chính là Kondanna,

Nhiệt tâm và tinh cần,

Chứng được an lạc trú,

Sống viễn ly liên tục,

Thực hành lời Sư dạy.

Đệ tử chứng được gì,

Tất cả Ngài chứng được,

Nhờ tu học tinh tấn,

Đại uy lực Ba minh,

Thiện xảo tâm tư người.

Phật tử Kondanna,

Đảnh lễ chân Đạo sư.

X. MOGGALLÀNA: Mục-kiền-liên (S.i,194)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, trên sườn núi Isigili, tại núi Hắc Sơn, cùng với đại chúng Tỷ-kheo Tăng khoảng năm trăm vị, tất cả là bậc A-la-hán. Tôn giả Mahà Moggallàna với tâm của mình biết được tâm các vị ấy đã được giải thoát, không có sanh y.

2) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Thế Tôn nay trú ở Ràjagaha, trên sườn núi Isigili, tại Hắc Sơn cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, tất cả là bậc A-la-hán. Tôn giả Mahà Moggallàna với tâm của mình được biết tâm các vị ấy đã được giải thoát, không có sanh y. Vậy ta hãy trước mặt Thế Tôn nói lên những bài kệ thích ứng tán thán Tôn giả Mahà Moggallàha”.

3) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, một vấn đề đến với con. Bạch Thiện Thệ, một vấn đề đến với con.

4) Thế Tôn đáp:

– Này Vangìsa, hãy nói lên vấn đề ấy!

5) Rồi Tôn giả Vangìsa trước mặt Thế Tôn, nói lên những bài kệ thích ứng tán thán Tôn giả Mahà Moggallàna:

Cao trên sườn đồi núi,

Những vị chứng Ba minh,

Những vị đoạn tử thần,

Các đệ tử hầu hạ,

Bậc Thánh giả, Mâu-ni,

Đã vượt qua đau khổ.

Đại thần lực Mục-liên,

Quán tâm các vị ấy,

Biết họ được giải thoát,

Không còn có sanh y.

Như vậy họ hầu hạ,

Mâu-ni Gotama,

Ngài vượt qua đau khổ,

Mọi sở hành đầy đủ,

Mọi đức tánh vẹn toàn.

XI. GAGGARÀ (S,i,195)

1) Một thời Thế Tôn ở Campà, trên bờ hồ Gaggarà với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, với bảy trăm nam cư sĩ, với bảy trăm nữ cư sĩ và vài ngàn chư Thiên. Giữa đại chúng ấy, Thế Tôn chói sáng vượt bậc về quang sắc và danh xưng.

2) Rồi Tôn giả Vangìsa suy nghĩ: “Nay Thế Tôn trú ở Campà, trên bờ hồ Gaggarà với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, với bảy trăm nam cư sĩ, với bảy trăm nữ cư sĩ và vài ngàn chư Thiên. Giữa đại chúng ấy, Thế Tôn chói sáng vượt bậc về quang sắc và danh xưng. Vậy trước mặt Thế Tôn, ta hãy nói lên những bài kệ tán thán thích ứng”.

3) Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch:

– Bạch Thế Tôn, một vấn đề đến với con. Bạch Thiện Thệ, một vấn đề đến với con.

4) Thế Tôn đáp:

– Này Vangìsa, hãy nói lên vấn đề ấy!

5) Rồi Tôn giả Vangìsa trước mặt Thế Tôn nói lên những bài kệ thích ứng tán thán:

Như mặt trăng giữa trời,

Mây mù được quét sạch,

Chói sáng như mặt trời,

Thanh tịnh, không cấu uế.

Cũng vậy Ngài thật là

Đại Mâu-ni Hiền Thánh,

Danh xưng Ngài sáng chói,

Vượt qua mọi thế giới.

XII. VANGÌSA (S.i,196)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Lúc bấy giờ Tôn giả Vangìsa, chứng quả A-la-hán không bao lâu, thọ hưởng giải thoát lạc, ngay trong lúc ấy, nói lên những bài kệ này:

Thuở trước ta mê thơ,

Bộ hành khắp mọi nơi,

Từ làng này, thành này,

Qua làng khác, thành khác,

Ta thấy bậc Chánh Giác,

Tín thành ta sanh khởi.

Ngài thuyết pháp cho ta,

Về uẩn, xứ và giới,

Sau khi nghe Chánh pháp,

Ta bỏ nhà xuất gia.

Vì hạnh phúc số đông,

Vì thấy đạo hành đạo,

Cho Tỷ-kheo Tăng-Ni,

Bậc Mâu-ni giác ngộ,

Ngài đã chấp nhận con,

Được thành đạo với Ngài,

Con chứng đạt Ba minh,

Hành trì theo Phật dạy.

Con biết được đời trước,

Chứng thiên nhãn thanh tịnh,

Ba minh, thần thông lực,

Chứng đạt tha tâm thông.

PT & DTKVN

Năm bộ Nikaya : 

CHƯƠNG CHÍN: TƯƠNG ƯNG RỪNG

I. VIỄN LY (S.i,197)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời, một Tỷ-kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ Tỷ-kheo ấy, trong lúc đi nghỉ ban ngày, khởi lên những tư tưởng ác, bất thiện, liên hệ đến gia đình.

3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, thương xót Tỷ-kheo ấy, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tỷ-kheo ấy.

4) Sau khi đến, vị Thiện ấy nói lên những bài kệ với vị Tỷ-kheo này:

Ông ước muốn viễn ly,

Đã sống trong rừng núi,

Nay tâm Ông vọng động,

Dong duổi theo ngoại giới.

Ông đối mặt với Ông,

Hãy chế ngự lòng dục,

Nhờ vậy, Ông hạnh phúc,

Thoát ly được tham ái.

Hãy từ bỏ bất mãn,

Sống an trú chánh niệm,

Ông thành người hiền thiện,

Được chúng tôi tán thán.

Trừ bụi trần địa ngục,

Thật rất khó vượt qua,

Ông chớ vận chuyển theo,

Các bụi trần dục vọng,

Như chim, thân dính bụi,

Rung thân khiến bụi rơi.

Cũng vậy vị Tỷ-kheo,

Tinh cần, trú chánh niệm,

Vùng vẫy khiến rơi rớt,

Những bụi đời dính thân.

5) Tỷ-kheo ấy được vị Thiên cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

II. SĂN SÓC, HẦU HẠ (S.i,197)

1) Một thời, một Tỷ-kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy đang ngủ ngày.

3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, thương xót Tỷ-kheo ấy, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tỷ-kheo ấy.

4) Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ cho Tỷ-kheo ấy:

Tỷ-kheo, hãy thức dậy,

Sao Ông hãy còn nằm?

Ông được lợi ích gì,

Trong giấc ngủ của ông?

Kẻ bịnh, kẻ trúng tên,

Bị đánh sao ngủ được?

Vì lòng tin, xuất gia,

Bỏ nhà, sống không nhà,

Tín ấy cần phát triển,

Chớ để ngủ chinh phục.

(Vị Tỷ-kheo):

5) Các dục là vô thường,

Chỉ kẻ ngu say đắm,

Đã giải thoát triền phược,

Không còn bị ái trước.

Hạnh xuất gia như vậy,

Sao để dục nhiệt não?

Đã nhiếp phục dục ái,

Vượt thoát (lưới) vô minh,

Với chánh trí thanh tịnh,

Hạnh xuất gia như vậy,

Sao để dục nhiệt não?

Với minh phá vô minh,

Đoạn diệt các lậu hoặc,

Không sầu, không ưu não,

Hạnh xuất gia như vậy,

Sao để dục nhiệt não?

Tinh tấn và nhiệt tâm,

Thường dõng mãnh cầu tiến,

Hướng vọng đến Niết-bàn,

Hạnh xuất gia như vậy,

Sao để dục nhiệt não?

III. KASSAPAGOTTA HAY THỢ SĂN: (S.i,198)

1) Một thời, Tôn giả Kassapagotta trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Kassapagotta, trong khi nghỉ ban ngày, khuyên dạy một người thợ săn.

3) Một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, thương xót Tỷ-kheo ấy, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tỷ-kheo ấy.

4) Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ với Tôn giả Kassapagotta:

Trên sườn núi cheo leo,

Người thợ săn đang trèo,

Là hạng người thiếu trí,

Không sáng suốt, ngu si,

Tỷ-kheo có khuyên dạy,

Thật uổng phí thời gian.

Ta nghĩ làm như vậy,

Tự tỏ thiếu trí tuệ.

Có nghe cũng không hiểu,

Có nhìn cũng không thấy,

Dầu cho có thuyết pháp,

Kẻ ngu không thấy đích.

Tôn giả Kassapa,

Nếu Ông có cầm tay

Cho đến mười bó đuốc,

Người ấy không thấy được,

Các sắc pháp đối diện,

Vì người ấy không mắt.

5) Tôn giả Kassapagotta được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

IV. ĐA SỐ HAY DU HÀNH (S.i,199)

1) Một thời, nhiều Tỷ-kheo trú giữa dân chúng Kosala tại một khu rừng.

2) Các Tỷ-kheo ấy an cư mùa mưa xong, sau ba tháng, bắt đầu đi du hành.

3) Một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, không thấy các Tỷ-kheo ấy, liền than van, ưu buồn, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:

Hôm nay tâm của ta,

Cảm thấy không vui vẻ,

Khi thấy nhiều chỗ ngồi,

Trống không, không có người.

Những bậc Đa văn ấy,

Thuyết pháp thật mỹ diệu.

Đệ tử Gotama,

Hiện nay đang ở đâu?

4) Khi nghe nói vậy, một vị Thiên khác nói lên những bài kệ cho vị Thiên ấy:

Họ đi Magadha,

Họ đi Kosala,

Và một số vị ấy,

Đi đến đất Vajjà.

Như nai thoát bẫy sập,

Chạy nhảy khắp bốn phương.

Tỷ-kheo không nhà cửa,

Sống giải thoát như vậy.

V. ÀNANDA (S.i,199)

1) Một thời, Tôn giả Ànanda trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Ànanda sống quá bận rộn bởi nhiều liên hệ với cư sĩ.

3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy thương xót Tôn giả Ànanda, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tôn giả Ànanda. Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ với Tôn giả Ànanda:

Ông đã quyết lựa chọn,

Đời sống dưới gốc cây,

Tâm Ông quyết nhập một

Với mục đích Niết-bàn.

Cù-đàm, hãy Thiền tư,

Và sống, chớ phóng dật,

Đối với Ông, ích gì,

Tạp thoại, vô vị ấy?

4) Tôn giả Ànanda, được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

VI. ANURUDDHA. (S.i,200)

1) Một thời Tôn giả Anuruddha trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Rồi một Thiên nữ ở chúng Tàvatimsa, tên là Jàlinì, đời trước là vợ của Tôn giả Anuruddha, đi đến Tôn giả Anuruddha.

3) Sau khi đến, vị ấy nói lên bài kệ với Tôn giả Anuruddha:

Hãy hướng tâm tư Ông,

Vào đời trước của Ông,

Giữa Tam thập tam thiên,

Mọi ái dục thành tựu,

Và Ông được chói sáng,

Giữa Thiên nữ đoanh vây.

(Anuruddha):

4) Bất hạnh thay Thiên nữ,

Họ kiên trú thân kiến,

Cũng bất hạnh, họ sanh,

Bị Thiên nữ chinh phục.

(Jàlinì):

5) Họ chưa biết hạnh phúc,

Chưa thấy Dandana,

Trú xứ các Thiền nhơn,

Danh xưng giới Tam thập.

(Anuruddha):

6) Kẻ ngu, Bà không biết,

Lời nói bậc La-hán,

Mọi hành là vô thường,

Phải chịu luật sanh diệt,

Chúng sanh rồi chúng diệt,

Nhiếp chúng là an lạc.

Hiện nay đối với ta,

Không còn chỗ trú xứ,

Trên cảnh giới chư Thiên,

Ôi này Jàlinì!

Đường sanh tử đứt đoạn,

Nay tái sanh không còn.

VII. NÀGADATTA (S.i,200)

1) Một thời Tôn giả Nàgadatta trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Nàgadatta đi vào làng quá sớm và trở về quá chiều.

3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, thương xót Tôn giả Nàgadatta, muốn lợi ích, muốn cảnh giác, liền đi đến Tôn giả Nàgadatta.

4) Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ với Tôn giả Nàgadatta:

Này Nàgadatta,

Hãy vào (làng) đúng thời,

Và khi từ làng về,

Hãy về cho thật sớm.

Ông sống quá liên hệ,

Với các hàng cư sĩ,

Bị vấn vương quá nhiều,

Những cảm thọ khổ lạc.

Ta sợ kẻ bạt mạng,

Nàgadatta này,

Lại bị trói, bị buộc,

Trong gia đình thế sự.

Chớ để mình rơi vào,

Cường lực của tử thần,

Làm sao tránh né được,

Khỏi Ác ma chi phối!

5) Tôn giả Nàgadatta được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

VIII. GIA PHỤ HAY SAY ĐẮM (S.i,201)

1) Một thời, một Tỷ-kheo trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy sống thân mật quá đáng đối với một gia đình.

3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, vì thương xót Tỷ-kheo ấy, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác vị ấy, biến hình thành gia phụ của gia đình ấy và đi đến Tỷ-kheo ấy.

4) Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ với Tỷ-kheo ấy:

Trên bờ sông, cửa chợ,

Tại trạm nghỉ, lộ trình,

Dân chúng thường tập hợp,

Tranh luận liền khởi lên.

Giữa ta và giữa Ông,

Có gì là sai khác?

(Vị Tỷ-kheo):

5) Nhiều tiếng qua tiếng lại,

Bậc khổ hạnh kham nhẫn,

Chớ cảm thấy bực phiền,

Chớ phát sinh nhiễm trước.

Ai bị tiếng rối loạn,

Như nai trong rừng rú,

Được gọi là khinh tâm,

Khó tu hành thành tựu.

IX. VAJJIPUTTA: Bạt-kỳ Tử hay Tỳ-xá-lỵ (S.i,201)

1) Một thời, một Tỷ-kheo Vajjiputtaka trú ở Vesàli tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ một cuộc lễ được tổ chức suốt đêm ở Vesàli.

3) Tỷ-kheo ấy được nghe tiếng nhạc khí, tiếng cồng v.v... đánh lên, tiếng ồn ào khởi lên, liền than thở, nói lên ngay lúc ấy những bài kệ này:

Chúng ta sống một mình,

Trong khu rừng cô độc,

Như khúc gỗ lột vỏ,

Lăn lóc trong rừng sâu,

Trong đêm tối hân hoan,

Như hiện tại đêm nay,

Ai sống đời bất hạnh,

Như chúng ta hiện sống?

4) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, có lòng thương xót Tỷ-kheo ấy, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác liền đi đến Tỷ-kheo ấy.

Sau khi đến, vị ấy nói lên những bài kệ:

5) Ông sống chỉ một mình,

Trong khu rừng cô độc,

Như khúc gỗ lột vỏ,

Lăn lóc trong rừng sâu.

Rất nhiều người thèm muốn,

Đời sống như ông vậy,

Như kẻ đọa địa ngục,

Thèm muốn sanh thiên giới.

6) Rồi Tỷ-kheo ấy được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

X. TỤNG HỌC KINH ĐIỂN HAY PHÁP (S.i,202)

1) Một thời, một Tỷ-kheo sống giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy trước kia siêng năng tụng kinh rất nhiều, sau một thời gian, trở thành thụ động, im lặng, an phận.

3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy không được nghe pháp từ Tỷ-kheo ấy, liền đi đến vị ấy.

4) Sau khi đến, vị Thiên ấy nói lên những bài kệ cho Tỷ-kheo ấy:

Này Tỷ-kheo, sao Ông

Sống chung các Tỷ-kheo,

Lại không chịu tụng đọc,

Các kinh điển pháp cú?

Ai nghe thuyết Chánh pháp,

Tâm sanh được tịnh tín.

Và ngay đời hiện tại,

Được mọi người tán thán.

(Vị Tỷ-kheo):

 5) Trước kia đối pháp cú,

Ta tha thiết tìm hiểu,

Cho đến khi chứng được,

Quả vị bậc ly dục;

Từ khi chứng ly dục,

Mọi thấy, nghe, xúc cảm,

Nhờ trí tuệ hiểu biết,

Đều được bỏ một bên.

Chính các bậc Hiền thiện,

Giảng dạy là như vậy.

XI. BẤT CHÁNH TƯ DUY: (S.i,203)

1) Một thời, một Tỷ-kheo trú ở giữa dân chúng Kosala tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy, khi đang nghỉ ban ngày, khởi lên những tư duy ác, bất thiện, như dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy.

3) Rồi vị Thiên trú ở khu rừng ấy, vì lòng thương xót Tỷ-kheo, muốn lợi ích, muốn cảnh giác, liền đi đến Tỷ-kheo ấy.

4) Sau khi đến, vị Thiên ấy nói lên những bài kệ cho Tỷ-kheo:

Ông tác ý bất chánh,

Nên say đắm tư duy.

Hãy từ bỏ bất chánh,

Hãy tư duy chơn chánh,

Nương tựa Phật, Pháp, Tăng,

Giữ giới, không thối chuyển,

Ông chắc chắn chứng đạt,

Hân hoan và hỷ lạc.

Với hân hoan sung mãn,

Ông chấm dứt khổ đau.

5) Rồi Tỷ-kheo ấy, được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

XII. GIỮA TRƯA HAY TIẾNG ĐỘNG (S.i,203)

1) Một thời, một Tỷ-kheo trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy đi đến Tỷ-kheo.

3) Sau khi đến, nói lên những bài kệ này trước mặt Tỷ-kheo:

Nay chính giờ giữa trưa,

Chim chóc đậu im lặng,

Rừng lớn vang tiếng động,

Khiến ta run, hoảng sợ.

(Vị Tỷ-kheo):

4) Nay chính giờ giữa trưa,

Chim chóc đậu im lặng,

Rừng lớn vang tiếng động,

Hoan hỷ đến với ta.

XIII. KHÔNG CHẾ NGỰ CĂN HAY NHIỀU TỶ-KHEO (S.i,203)

1) Một thời, rất nhiều Tỷ-kheo trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng nọ, cống cao, ngạo mạn, ồn ào, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn không chế ngự.

2) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, vì lòng thương xót các Tỷ-kheo, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến các Tỷ-kheo.

3) Sau khi đến, vị Thiên ấy nói lên những bài kệ với các Tỷ-kheo:

Xưa sống thật an lạc,

Chúng đệ tử Cù-đàm,

Không tham tìm món ăn,

Không tham tìm chỗ trú,

Biết đời là vô thường,

Họ chấm dứt khổ đau.

Nay tự làm ác hạnh,

Như thôn trưởng trong làng,

Họ ăn, ăn ngã gục,

Thèm khát vật nhà người.

Con vái chào chúng Tăng,

Đảnh lễ một vài vị,

Vất vưởng, không hướng dẫn.

Họ sống như ngạ quỉ.

Những ai sống phóng dật,

Vì họ, con nói lên,

Những ai không phóng dật,

Chân thành con đảnh lễ.

4) Các Tỷ-kheo ấy, được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

XIV. SEN HỒNG HAY SEN TRẮNG (S.i,204)

1) Một thời, một Tỷ-kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy ăn xong, trên con đường đi khất thực trở về, đi xuống hồ nước và ngửi bông sen hồng.

3) Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, thương xót Tỷ-kheo, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác liền đi đến Tỷ-kheo.

4) Sau khi đến, vị Thiên ấy liền nói lên những bài kệ với Tỷ-kheo:

Hoa này từ nước sanh,

Không cho, Ông ngửi trộm.

Như vậy một loại trộm,

Ta gọi Ông trộm hương,

Này thân hữu của ta.

(Vị Tỷ-kheo):

5) Không lấy đi, không bẻ,

Đứng xa, ta ngửi hoa,

Vậy do hình tướng gì,

Được gọi là “trộm hương”?

Ai đào rễ củ sen,

Ăn dùng các loại sen.

Do các hành động ấy,

Sao không gọi trộm hương?

(Vị Thiên):

6) Người ty tiện độc ác,

Như vải nhớp vú em,

Với hạng người như vậy,

Lời ta không liên hệ.

Nhưng chính thật cho Ông,

Chính lời ta tương ưng

Với người không cấu uế,

Thường hướng cầu thanh tịnh.

Với kẻ ác nhìn thấy,

Nhỏ như đầu sợi lông,

Vị ấy xem thật lớn,

Như đầu mây trên trời.

(Vị Tỷ-kheo):

7) Thật sự này Dạ-xoa,

Ông biết ta, thương ta,

Hãy nói lại với ta,

Khi thấy ta như vậy.

(Vị Thiên):

8) Ta không tùy thuộc Ông,

Ông cũng không làm bậy,

Này Tỷ-kheo nên biết,

Ông có thể sanh Thiên.

9) Vị Tỷ-kheo ấy được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

PT & DTKVN

Năm bộ Nikaya : 

CHƯƠNG MƯỜI: TƯƠNG ƯNG DẠ-XOA

I. INDAKA (S.i,206)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương xá), núi Indakùta, tại trú xứ của Dạ-xoa Indaka.

2) Rồi Dạ-xoa Indaka đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những bài kệ với Thế Tôn:

Chư Phật, Ngài dạy rằng,

Sắc không phải sinh mạng,

Vậy sao sinh mạng này,

Lại có trong thân này?

Từ đâu xương thịt đến,

Trong thân thể hiện tại?

Làm sao sinh mạng này,

Gá dính trong thai tạng?

(Thế Tôn):

3) Trước tiên, Kalala,

Rồi từ Kalala,

Abbuda có mặt.

Rồi từ Abbuda,

Pesì (thịt mềm) được sanh ra.

Pesì sinh Ghana (thịt cứng),

Rồi đến Pasàkha (chi tiết),

Tóc, lông và các móng,

Tiếp tục được sanh ra.

Những gì người mẹ ăn,

Đồ ăn, đồ uống nào,

Con người trong bụng mẹ,

Ở đấy, lấy nuôi dưỡng.

II. SAKKA: (S.i,206)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương xá) trên núi Gijjhakùta (Linh thứu).

2) Rồi Dạ-xoa tên Sakka đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những bài kệ với Thế Tôn:

Thật không tốt lành gì,

Một Sa-môn như Ngài,

Đã đoạn mọi triền phược,

Đã sống chơn giải thoát,

Lại tiếp tục giảng dạy,

Những kẻ khác (tu học).

(Thế Tôn):

3) Này Dạ-xoa Sakka,

Dầu vì lý do gì,

Loài Người sống chung nhau,

Không một lý do nào,

Xứng đáng bậc trí tuệ,

Với lòng từ lân mẫn,

Nếu với tâm tín thành,

Giảng dạy những người khác,

Do vậy không hệ lụy,

Vì lòng từ lân mẫn.

III. SUCILOMA: (S.i,207)

1) Một thời Thế Tôn ở Gayà, trên hòn đá Tankita tại trú xứ của Dạ-xoa Suciloma.

2) Lúc bấy giờ, Dạ-xoa Khara và Dạ-xoa Suciloma đi ngang qua, không xa Thế Tôn bao nhiêu.

3) Rồi Dạ-xoa Khara nói với Dạ-xoa Suciloma:

– Đây là một Sa-môn.

4) – Đây không phải Sa-môn. Đây là Sa-môn giả. Hay ít nhất cho đến khi ta biết được Sa-môn hay Sa-môn giả.

5) Rồi Dạ-xoa Suciloma đi đến Thế Tôn, sau khi đến liền nghiêng thân về phía Thế Tôn.

6) Thế Tôn liền tránh né thân của mình.

7) Dạ-xoa Suciloma nói với Thế Tôn:

 – Có phải Sa-môn sợ ta?

8) – Này Hiền giả, Ta không sợ Ông. Nhưng xúc chạm với Ông là điều đáng ghét (pàpaka).

9) – Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ông một câu. Nếu Ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm Ông điên loạn, hay ta làm Ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng Ông qua bờ bên kia sông Hằng.

10) – Này Hiền giả, ở thế giới chư Thiên, Ma giới hay Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, Ta không thấy một ai có thể làm tâm Ta điên loạn, hay làm bể tim Ta, hay nắm lấy chân Ta, quăng Ta qua bờ bên kia. Tuy vậy, này Hiền giả, hãy hỏi đi như Ông muốn.

(Dạ-xoa):

11) Tham dục và sân hận,

Do nhân gì sanh khởi?

Bất mãn và thỏa mãn,

Sợ hãi từ đâu sanh?

Từ đâu được khởi lên,

Các tư tưởng, tư duy,

Như quạ được bầy trẻ,

Thả bay rồi kéo lại?

(Thế Tôn):

12) Tham dục và sân hận,

Do nhân này sanh khởi,

Bất mãn và thỏa mãn,

Sợ hãi từ đây sanh.

Từ đây được khởi lên,

Các tư tưởng, tư duy,

Như quạ được bầy trẻ,

Thả bay rồi kéo lại.

Chính do tham ái sanh,

Chính do tự ngã sanh.

Như cây nigroda (cây bàng),

Do từ thân cây sanh.

Phàm phu bám ác dục,

Như cây leo khắp rừng.

Những ai hiểu biết được,

Do nhân ấy sanh khởi,

Họ diệt trừ nhân ấy.

Hãy nghe, này Dạ-xoa,

Họ vượt bộc lưu này,

Bộc lưu thật khó vượt,

Từ trước chưa vượt qua,

Không còn phải tái sanh.

IV. MANIBHADDA (S.i,208)

1) Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Magadha, tại điện thờ Manimàlaka, tại một trú xứ của Dạ-xoa Manibhadda.

2) Rồi Dạ-xoa Manibhadda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Lành thay, thường chánh niệm,

Nhờ niệm, lạc tăng trưởng.

Có niệm, mai đẹp hơn,

Hận thù được giải thoát.

(Thế Tôn):

3) Lành thay, thường chánh niệm,

Nhờ niệm, lạc tăng trưởng,

Có niệm, mai đẹp hơn,

Hận thù chưa giải thoát.

Với ai trọn ngày đêm,

Tâm ý lạc, bất hại,

Từ tâm mọi hữu tình,

Vị ấy không thù hận.

V. SANU (S.i,209)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ, Sànu, con một nữ cư sĩ bị Dạ-xoa ám ảnh.

3) Nữ cư sĩ ấy than khóc, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:

Con ta là La-hán,

Đối với ta là vậy,

Và chính ta được nghe,

Vị La-hán nói vậy.

Nay ta thấy Sànu,

Bị Dạ-xoa ám ảnh.

Ngày mười bốn, mười lăm,

Và ngày tám nửa tháng,

Cả ngày lễ đặc biệt,

Khéo tu tám trai giới,

Tuân trì lễ Bố-tát.

Và chính ta được nghe,

Vị La-hán nói vậy,

Nay ta thấy Sànu,

Bị Dạ-xoa ám ảnh.

Ngày mười bốn, mười lăm,

Và ngày tám nửa tháng,

Cả ngày lễ đặc biệt,

Khéo tu tám trai giới,

Tuân trì lễ Bố-tát.

Những ai sống Phạm hạnh,

Dạ-xoa không ám ảnh,

Và chính ta được nghe,

Vị La-hán nói vậy.

Người nói với Sànu,

Có trí và sáng suốt,

Đây là lời Dạ-xoa,

Chớ có làm điều ác,

Công khai hay bí mật.

Nếu người làm điều ác,

Sẽ làm hay đang làm,

Ông không thoát khổ đau,

Dầu có đứng lên chạy,

Chạy một mạch, chạy dài.

(Sànu được khỏi ám ảnh):

4) Này mẹ, người ta khóc,

Là khóc cho người chết,

Hay khóc cho người sống,

Nhưng không được thấy mặt?

Này mẹ, chúng thấy con,

Hiện có mặt đang sống.

Vậy sao mẹ khóc con,

Này người mẹ (thân yêu)?

(Bà mẹ):

5) Người ta khóc cho con,

Là khóc cho con chết,

Hay khóc cho con sống,

Nhưng không được thấy mặt.

Ai đã bỏ dục vọng,

Lại trở lui đời này,

Này con, người ta khóc,

Là khóc cho người ấy,

Vì người ấy được xem,

Còn sống cũng như chết.

Nay con được kéo ra,

Khỏi than hừng đỏ rực,

Con còn muốn rơi vào,

Đống than hồng ấy chăng?

Nay con được thoát ra,

Khỏi địa ngục (đau khổ),

Con còn muốn rơi vào,

Cõi địa ngục ấy chăng?

Hãy dong ruỗi đời con,

Ta chúc con hạnh phúc,

Hãy sống như thế nào,

Không làm ai bực phiền.

Đồ vật thoát lửa cháy,

Con muốn đốt lại chăng?

VI. PIYANKARA (S.i,209)

1) Một thời Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ Tôn giả Anuruddha thức dậy khi đêm vừa mới sáng, đang tụng đọc pháp cú.

3) Một nữ Dạ-xoa, mẹ của Piyankara dỗ cho con nín như sau:

Này Piyankara,

Chớ có sanh tiếng động,

Vị Tỷ-kheo đang tụng,

Những lời về pháp cú.

Nếu chúng ta biết được,

Học được pháp cú này,

Rồi như pháp hành trì,

Chúng ta được lợi ích.

Không sát hại sanh vật,

Không cố ý nói láo,

Tự học tập giới luật,

Chúng ta thoát ngạ quỷ.

VII. PUNABBASU (S.i,209)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho chúng Tỷ-kheo về vấn đề liên hệ đến Niết-bàn, tuyên thuyết, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy chú tâm, chú ý, tập trung mọi tâm tư, lóng tai nghe pháp.

3) Rồi một nữ Dạ-xoa, mẹ Punabbasu dỗ con nín như sau:

Hãy gìn giữ im lặng,

Này Uttarika!

Hãy gìn giữ im lặng,

Này Punabbasu!

Để mẹ được nghe pháp.

Đạo sư, tối thượng Phật,

Thế Tôn giảng Niết-bàn,

Thoát ly mọi triền phược,

Mẹ đối với pháp ấy,

Thật cực kỳ ái lạc.

Đời ái lạc con mình,

Đời ái lạc chồng mình,

Nhưng đối với đạo pháp,

Mẹ ái lạc nhiều hơn.

Con hay chồng dầu thân,

Không cứu ta thoát khổ,

Không như nghe diệu pháp,

Chúng sanh được thoát khổ.

Trong đau khổ đời sau,

Dính liền già và chết,

Chánh pháp Ngài giác ngộ,

Giải thoát khỏi già chết.

Mẹ muốn nghe pháp ấy

Hãy nín đi con ơi!

Này Punabbasu.

(Punabbasu):

4) Thưa mẹ, con không nói,

Uttarà nín lặng.

Mẹ hãy lắng nghe pháp,

Nghe pháp được an lạc.

Vì không biết diệu pháp,

Chúng ta trôi sanh tử.

Giữa Nhân, Thiên mù quáng,

Ngài đem cho ánh sáng,

Giác ngộ, thân tối hậu,

Bậc Pháp nhãn thuyết pháp.

(Bà mẹ):

5) Hữu trí thay, con ta!

Con ta sanh ẵm ngực.

Nay con ta ái lạc,

Tịnh pháp Vô thượng Phật.

Này Punabbasu!

Hãy sống chơn an lạc,

Nay ta được sống lại,

Thấy được chơn Thánh đế,

Này con Uttara!

Hãy nghe theo lời ta.

VIII. SUDATTA. (S.i,210)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương xá), tại rừng Sìta.

2) Lúc bấy giờ cư sĩ Anàthapindika (Cấp Cô Độc) đã đến Ràjagaha để làm một vài công việc.

3) Cư sĩ Anàthapindika được nghe đức Phật đã ra đời và muốn đến yết kiến Thế Tôn.

4) Rồi cư sĩ Anàthapindika suy nghĩ: “Nay không phải thời để yết kiến Thế Tôn. Ngày mai mới phải thời ta đến yết kiến Thế Tôn”. Như vậy với ý nghĩ đi yết kiến đức Phật, ông Anàthapindika nằm ngủ. Trong đêm, ông ấy thức dậy ba lần, tưởng rằng trời đã sáng.

5) Rồi cư sĩ Anàthapindika đi đến cửa Sìvatthika (nghĩa địa), và có những phi nhân mở cửa.

6) Và khi ông ra khỏi thành phố, ánh sáng biến mất và bóng tối hiện ra. Ông sợ hãi, hoảng hốt, lông tóc dựng ngược và muốn đi trở về.

7) Rồi Dạ-xoa Sìvaka ẩn hình, lên tiếng như sau:

Trăm voi và trăm ngựa,

Trăm xe do ngựa kéo,

Cả trăm ngàn thiếu nữ,

Được trang sức bông tai,

Không bằng phần mười sáu,

Một bước đi tới này.

Cư sĩ, hãy tiến tới!

Cư sĩ, hãy tiến tới!

Tiến tới, tốt đẹp hơn,

Chớ có lui, thối bước!

8) Rồi với Anàthapindika, tối tăm biến mất, ánh sáng hiện ra. Và sợ hãi, hốt hoảng, lông tóc dựng ngược đã khởi lên được dịu hẳn xuống.

9) Lần thứ hai... (như trên)...

10) Lần thứ ba, với Anàthapindika, ánh sáng biến mất, bóng tối hiện ra. Và sợ hãi, hoảng hốt, lông tóc dựng ngược khởi lên. Và Anàthapindika muốn trở lui. Lần thứ ba, Dạ-xoa Sivaka ẩn hình lên tiếng như sau:

Trăm voi và trăm ngựa,

Trăm xe do ngựa kéo,

Cả trăm ngàn thiếu nữ,

Được trang sức bông tai,

Không bằng phần mười sáu,

Một bước đi tới này.

Cư sĩ, hãy tiến tới!

Cư sĩ, hãy tiến tới!

Tiến tới, tốt đẹp hơn,

Chớ có lui, thối bước!

11) Rồi với Anàthapindika, bóng tối biến mất, ánh sáng hiện ra và sợ hãi, hoảng hốt, lông tóc dựng ngược đã khởi lên được dịu bớt.

12) Rồi Anàthapindika đi đến rừng Sìta, đi đến Thế Tôn.

13) Lúc bấy giờ Thế Tôn thức dậy vào lúc đêm vừa mãn và đang đi kinh hành ngoài trời.

14) Thế Tôn thấy Anàthapindika từ xa đi đến, khi thấy vậy, từ chỗ kinh hành đi xuống, và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với cư sĩ Anàthapindika:

– Hãy đến đây, Sudatta!

15) Rồi cư sĩ Anàthapindika nghĩ: “Thế Tôn kêu tên ta”, rồi cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn ngủ có an lạc chăng?

(Thế Tôn):

Bà-la-môn tịch tịnh,

Luôn luôn sống an lạc,

Không đèo bồng dục vọng,

Thanh lương, không sanh y,

Mọi ái trước đoạn diệt,

Tâm khổ não điều phục,

Tịch tịnh, sống an lạc,

Tâm tư đạt hòa bình.

IX. SUKKA (S.i,212)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương xá), tại Veluvana (Trúc lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo-ni Sukkà, có đại chúng đoanh vây, đang thuyết pháp.

3) Rồi một Dạ-xoa có lòng tịnh tín đối với Tỷ-kheo-ni Sukkà, đi từ đường xe này đến đường xe khác, đi từ ngã tư này đến ngã tư khác ở Ràjagaha, và ngay lúc ấy, nói lên những bài kệ này:

Này người Vương xá thành,

Các Người đã làm gì,

Mà nay lại nằm dài,

Như say vì rượu ngọt.

Không hầu hạ Sukkà,

Đang thuyết pháp bất tử?

Pháp ấy không trở lui,

Cam lồ không lưng vơi.

Ta nghĩ người trí tuệ

Uống nước (cam lồ) ấy,

Chẳng khác một đám mưa,

Đối với kẻ lữ hành.

X. SUKKÀ (S.i,212)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, một người cư sĩ đang cúng dường đồ ăn cho Tỷ-kheo-ni Sukkà.

3) Rồi một Dạ-xoa, khởi lòng tịnh tín đối với Tỷ-kheo-ni Sukkà, liền đi từ đường xe này đến đường xe khác, đi từ ngã ba này đến ngã ba khác ở Ràjagaha, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:

Cư sĩ có trí này,

Chắc hưởng nhiều công đức,

Đã cúng dường món ăn,

Dâng cúng lên Sukkà,

Một vị đã giải thoát,

Tất cả mọi triền phược.

XI. CIRÀ HAY VIRÀ (S.i,215)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương xá), tại Veluvana (Trúc lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, một cư sĩ dâng y cúng dường Tỷ-kheo-ni Cirà.

3) Rồi một Dạ-xoa, khởi lòng tịnh tín đối với Tỷ-kheo-ni Cirà, liền đi từ đường xe này đến đường xe khác, từ ngã ba này đến ngã ba khác tại thành Vương xá, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:

Cư sĩ có trí này,

Chắc hưởng nhiều công đức,

Đã cúng dường tấm y,

Dâng cúng lên Cirà,

Một vị đã giải thoát,

Tất cả mọi khổ ách.

XII. ÀLAVA (S.i,218)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Àlavi, tại trú xứ của Dạ-xoa Alavakka.

2) Rồi Dạ-xoa Àlavaka nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, hãy đi ra!

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi ra.

– Này Sa-môn, hãy đi vào.

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi vào.

3) Lần thứ hai, Dạ-xoa Àlavaka nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, hãy đi ra.

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi ra.

– Này Sa-môn, hãy đi vào.

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi vào.

4) Lần thứ ba, Dạ-xoa Àlavika nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, hãy đi ra.

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi ra.

– Này Sa-môn, hãy đi vào.

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi vào.

5) Lần thứ tư, Dạ-xoa Àlavika nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, hãy đi ra.

6) – Này Hiền giả, Ta không đi ra. Hãy làm gì Ông nghĩ là phải làm.

7) – Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ông một câu hỏi. Nếu Ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm Ông điên loạn, hay ta làm Ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng Ông qua bờ bên kia sông Hằng.

8) – Này Hiền giả, Ta không thấy một ai, ở thế giới chư Thiên, Ma giới hay Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người có thể làm tâm Ta điên loạn, hay làm bể tim Ta hay nắm lấy chân, quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, hãy hỏi đi như Ông muốn.

(Dạ-xoa):

9) Cái gì đối người đời,

Là tài sản tối thượng?

Cái gì khéo hành trì,

Đem lại chơn an lạc?

Cái gì giữa các vị,

Là vị ngọt tối thượng?

Phải sống như thế nào,

Được gọi sống tối thượng?

(Thế Tôn):

10) Lòng tin đối người đời,

Là tài sản tối thượng.

Chánh pháp khéo hành trì,

Đem lại chơn an lạc.

Chân lý giữa các vị,

Là vị ngọt tối thượng.

Phải sống với trí tuệ,

Được gọi sống tối thượng.

(Dạ-xoa):

11) Làm sao vượt bộc lưu?

Làm sao vượt biển lớn?

Làm sao siêu khổ não?

Làm sao được thanh tịnh?

(Thế Tôn):

12) Với tín, vượt bộc lưu.

Không phóng dật, vượt biển.

Tinh tấn, siêu khổ não.

Với Trí, được thanh tịnh.

(Dạ-xoa):

13) Làm sao được trí tuệ?

Làm sao được tài sản?

Làm sao đạt danh xưng?

Làm sao kết bạn hữu?

Đời này qua đời khác,

Làm sao không sầu khổ?

(Thế Tôn):

14) Ai tin tưởng Chánh pháp

Của bậc A-la-hán,

Pháp ấy khiến đạt được,

Niết-bàn (chơn an lạc),

Khéo học, không phóng dật,

Minh nhãn khéo phân biệt,

Nhờ hành trì như vậy,

Vị ấy được trí tuệ.

Làm gì khéo thích hợp,

Gánh vác các trách nhiệm,

Phấn chấn, thích hoạt động,

Như vậy được tài sản,

Chơn thật đạt danh xưng,

Bố thí kết bạn hữu,

Đời này qua đời khác,

Như vậy không sầu khổ.

Tín nam gia chủ nào,

Tìm cầu bốn pháp này,

Chơn thực và chế ngự,

Kiên trì và xả thí,

Vị ấy sau khi chết,

Không còn phải sầu khổ.

Đời này qua đời khác,

Sau chết, không sầu khổ.

Ta muốn Ông đến hỏi,

Sa-môn, Bà-la-môn,

Có những pháp nào khác,

Tốt hơn bốn pháp nầy:

Chơn thực và chế ngự,

Xả thí và kham nhẫn.

(Dạ-xoa):

15) Làm sao nay ta hỏi,

Sa-môn, Bà-la-môn,

Khi nay ta được biết,

Nguyên nhân của đời sau.

Phật đến Àlavi,

Thật lợi ích cho ta.

Nay ta được biết rõ,

Cho gì được quả lớn.

Nên ta sẽ bộ hành,

Làng này qua làng khác,

Thành này qua thành khác,

Đảnh lễ Phật Chánh Giác,

Cùng đảnh lễ Chánh pháp,

Các vị chứng Pháp tánh.

PT & DTKVN

Năm bộ Nikaya : 

CHƯƠNG MƯỜI MỘT: TƯƠNG ƯNG SAKKA

I. PHẨM THỨ NHỨT

I. SUVÌRA (S.i,216)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

“– Này các Tỷ-kheo”. – Bạch Thế Tôn. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

4) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các Asùra (A-tu-la) tấn công Thiên chủ. Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Suvìra:

“ – Này Suvìra thân yêu, các Asùra ấy tấn công chư Thiên. Này Suvìra thân yêu, hãy đi nghênh đánh các Asùra”.

“ – Thưa vâng, Tôn giả”.

Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Suvìra vâng đáp Thiên chủ Sakka, nhưng phóng dật, không chịu làm gì.

5) Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Suvìra:

“ – Này Suvìra thân yêu, các Asùra ấy tấn công chư Thiên. Này Suvìra thân yêu, hãy đi nghênh đánh các Asùra”.

“ – Thưa vâng, Tôn giả”

Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Suvìra vâng đáp Thiên chủ Sakka, nhưng phóng dật, không chịu làm gì.

6) Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Suvìra:

“ – Này Suvìra thân yêu, các Asùra ấy tấn công chư Thiên. Này Suvìra thân yêu, hãy đi nghênh đánh các Asùra”.

“ – Thưa vâng, Tôn giả”.

Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Suvìra vâng đáp Thiên chủ Sakka, nhưng phóng dật không chịu làm gì.

7) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ với Thiên tử Suvìra:

Không nỗ lực, tinh cần,

Vẫn đạt được an lạc,

Suvìra hãy đi,

Giúp ta đạt pháp ấy.

(Suvìra):

8) Kẻ nhác, không nỗ lực,

Và không làm việc gì,

Mọi ước vọng thành đạt,

Hướng tối thượng là gì?

(Này Sakka).

(Sakka):

9) Kẻ nhác, không nỗ lực,

Chứng được tối hậu lạc.

Suvìra hãy đi,

Giúp ta đạt pháp ấy.

(Suvìra):

10) Này Thiên chủ Sakka,

Không làm, chứng lạc ấy,

Không sầu, không nhiệt não,

Hướng tối thượng là gì?

(Này Sakka).

(Sakka):

11) Nếu không có làm gì,

Thời không có tái sanh,

Đường ấy hướng Niết-bàn.

Suvìra, hãy đi,

Giúp ta đạt pháp ấy.

12) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka ấy, sống nhờ quả công đức của mình, trị vì và cai trị chư Thiên ở Tam thập tam thiên, sẽ là người tán thán nỗ lực và tinh tấn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Ông làm cho sáng chói, vị ấy khi các Ông xuất gia trong pháp luật khéo thuyết như vậy, nỗ lực, tinh cần hay tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng được những gì chưa chứng, để ngộ được những gì chưa ngộ.

II. SUSÌMA (S.i,217)

1) Trú ở Sàvatthi, tại Jetavana.

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “– Này các Tỷ-kheo”. “– Bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

4) – Này các Tỷ-kheo, thuở xưa các A-tu-la tấn công chư Thiên. Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Susìma:

“ – Này Susìma thân yêu, các A-tu-la ấy tấn công chư Thiên. Này Susìma thân yêu, hãy đi nghênh đánh các A-tu-la”.

“– Thưa vâng, Tôn giả”.

Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Susìma vâng đáp Thiên chủ Sakka, nhưng phóng dật, không chịu làm gì.

5) Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Susìma... nhưng phóng dật, không chịu làm gì.

6) Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Susìma... nhưng phóng dật, không chịu làm gì.

7) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ với Thiên tử Susìma:

Không nỗ lực tinh cần,

Vẫn đạt được an lạc,

Susìma hãy đi,

Giúp ta đạt pháp ấy.

(Susìma):

8) Kẻ nhác không nỗ lực,

Và không làm được gì,

Mọi dục (Kàma) đều thành đạt,

Hướng tối thượng là gì?

(Này Sakka)

(Sakka):

9) Kẻ nhác không nỗ lực,

Chứng được tối hậu lạc,

Susìma hãy đi,

Giúp ta đạt pháp ấy.

(Susìma):

10) Này Thiên chủ Sakka,

Không làm, chứng lạc ấy,

Không sầu, không nhiệt não,

Hướng tối thượng là gì?

(Này Sakka).

(Sakka):

11) Nếu không có làm gì,

Thời không có tái sanh,

Đường ấy hướng Niết-bàn,

Susìma, hãy đi,

Giúp ta đạt quả ấy.

12) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka ấy, sống nhờ quả công đức của mình, trị vì và cai trị chư Thiên ở Tam thập tam thiên, sẽ là người tán thán, nỗ lực và tinh tấn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Ông làm cho sáng chói vị ấy khi các Ông xuất gia trong pháp luật khéo thuyết như vậy, nỗ lực, tinh cần, tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng những gì chưa chứng, để ngộ những gì chưa ngộ.

III. DHAJAGGAM: ĐẦU LÁ CỜ (S.i,218)

1) (Thế Tôn) trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “– Này các Tỷ-kheo”. “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

4) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một cuộc chiến dữ dội khởi lên giữa chư Thiên và các Asùra.

5) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi chư Thiên ở Tam thập tam thiên:

“ – Này thân hữu, khi các Ông lâm chiến, nếu sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên; lúc ấy, các Ông hãy nhìn nơi đầu ngọn cờ của ta. Khi các Ông nhìn lên đầu ngọn cờ của ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược sẽ tiêu diệt.

6) Nếu các Ông không ngó lên đầu ngọn cờ của ta, thời hãy ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati. Khi các Ông ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, cũng sẽ tiêu diệt.

7) Nếu các Ông không ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati, hãy ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna. Khi các Ông ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên cũng sẽ tiêu diệt.

8) Nếu các Ông không ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna, hãy ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Isàna. Khi các Ông ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Isàna, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, cũng sẽ tiêu diệt”.

9) Này các Tỷ-kheo, khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên chủ Sakka, hay khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati, hay khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna, hay khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Isàna, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược được khởi lên, có thể sẽ biến diệt và sẽ không biến diệt.

10) Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì Thiên chủ Sakka chưa đoạn diệt tham, chưa đoạn diệt sân, chưa đoạn diệt si, còn nhát gan, hoảng hốt, hoảng sợ, hoảng chạy.

11) Và này các Tỷ-kheo, Ta nói như sau: Này các Tỷ-kheo, khi các Ông đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta: “Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”.

12) Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt.

13) Nếu các Ông không niệm nhớ đến Ta, hãy niệm nhớ đến Pháp: “Đây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu”.

14) Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến Pháp, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

15) Nếu các Ông không niệm nhớ đến Pháp, hãy niệm nhớ đến chúng Tăng: “Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc như pháp hành, tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chấp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời”.

16) Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

17) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy.

18) Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói vậy xong, bậc Đạo sư nói tiếp:

Này các vị Tỷ-kheo,

Trong rừng hay gốc cây,

Hay tại căn nhà trống,

Hãy niệm bậc Chánh Giác.

Các Ông có sợ hãi,

Sợ hãi sẽ tiêu diệt.

Nếu không tư niệm Phật,

Tối thượng chủ ở đời,

Và cũng là Ngưu vương,

Trong thế giới loài Người,

Vậy hãy tư niệm Pháp,

Hướng thượng, khéo tuyên thuyết.

Nếu không tư niệm Pháp,

Hướng thượng, khéo tuyên thuyết,

Vậy hãy tư niệm Tăng,

Là phước điền vô thượng.

Vậy này các Tỷ-kheo,

Như vậy tư niệm Phật,

Tư niệm Pháp và Tăng,

Sợ hãi hay hoảng hốt,

Hay lông tóc dựng ngược,

Không bao giờ khởi lên.

IV. VEPACITTI HAY KHAM NHẪN (S.i,220)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana... (như trên)...

2) Thế Tôn thuyết như sau:

3) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, cuộc chiến xảy ra giữa chư Thiên và các Asura, rất là khốc liệt.

4) Này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la gọi các A-tu-la:

“– Này Thân hữu, trong cuộc chiến đang khởi lên giữa chư Thiên và loài A-tu-la, rất là khốc liệt, nếu các A-tu-la thắng và chư Thiên bại, hãy trói Thiên chủ Sakka (hai tay, hai chân) và thứ năm là cổ và dắt vị ấy đến trước mặt ta, trong thành của các A-tu-la”.

5) Còn Thiên chủ Sakka gọi chư Thiên ở Tam thập tam thiên:

“– Này Thân hữu, trong trận chiến giữa chư Thiên và các loài A-tu-la, trận chiến rất khốc liệt, nếu chư Thiên thắng và các loài A-tu-la bại, hãy trói Vepacitti, vua các A-tu-la (hai tay, hai chân) thứ năm là cổ, và dắt vị ấy lên trước mặt ta, trong giảng đường Sudhamma (Thiện Pháp)”.

6) Nhưng này các Tỷ-kheo trong trận chiến ấy chư Thiên thắng và các loài A-tu-la bại.

7) Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên trói A-tu-la vương Vepacitti, trói hai tay, hai chân và thứ năm là cổ, rồi dẫn đến trước mặt Thiên chủ Sakka, trong giảng đường Sudhamma.

8) Tại đây, này các Tỷ-kheo, vua các A-tu-la, Vepacitti bị trói hai tay, hai chân và thứ năm là cổ, khi Thiên chủ Sakka đi vào và đi ra khỏi giảng đường Sudhamma, nhiếc mắng, mạ lỵ Thiên chủ Sakka với những lời thô ác, độc ngữ.

9) Rồi này các Tỷ-kheo, người đánh xe Màtali nói lên những bài kệ với Thiên chủ Sakka:

Này Thiên chủ Sakka,

Có phải là Ông sợ,

Hay vì Ông yếu hèn,

Nên mới phải kham nhẫn,

Khi Ông nghe ác ngữ,

Từ Vepacitti?

(Sakka):

10) Không phải vì sợ hãi,

Không phải vì yếu hèn,

Mà ta phải kham nhẫn,

Với Vepacitti.

Sao kẻ trí như ta,

Lại liên hệ người ngu?

(Màtali):

11) Kẻ ngu càng nổi khùng,

Nếu không người đối trị,

Vậy với hình phạt nặng,

Kẻ trí trị người ngu.

(Sakka):

12) Như vậy theo ta nghĩ,

Chỉ đối trị người ngu,

Biết kẻ khác phẫn nộ,

Giữ niệm tâm an tịnh.

(Màtali):

13) Hỡi này Vàsana,

Sự kham nhẫn như vậy,

Ta thấy là lỗi lầm,

Khi kẻ ngu nghĩ rằng:

“Vì sợ ta, nó nhẫn”

Kẻ ngu càng hăng tiết,

Như bò thấy người chạy,

Càng hung hăng đuổi dài.

(Sakka):

14) Hãy để nó suy nghĩ,

Như ý nó mong muốn,

Nghĩ rằng, ta kham nhẫn,

Vì ta sợ hãi nó.

Trong tư lợi tối thượng,

Không gì hơn kham nhẫn.

Người đầy đủ sức mạnh,

Chịu nhẫn người yếu kém,

Nhẫn ấy gọi tối thượng,

Thường nhẫn kẻ yếu hèn.

Sức mạnh của kẻ ngu,

Được xem là sức mạnh,

Thời sức mạnh kẻ mạnh,

Lại được gọi yếu hèn.

Người mạnh hộ trì pháp,

Không nói lời phản ứng,

Bị mắng nhiếc, mắng lại,

Ác hại nặng nề hơn.

Bị mắng, không mắng lại,

Được chiến thắng hai lần.

Sống lợi ích cả hai,

Lợi mình và lợi người,

Biết kẻ khác tức giận,

Giữ niệm, tâm an tịnh,

Là y sĩ cả hai,

Chữa mình và chữa người,

Quần chúng nghĩ là ngu,

Vì không giỏi Chánh pháp.

15) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka ấy đã tự nuôi sống với quả công đức của mình, đã ngự trị và cai trị chư Thiên Tam thập tam thiên, sẽ nói lời tán thán nhẫn nhục và nhu hòa.

16) Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy làm chói sáng pháp luật này bằng cách trong khi xuất gia trong pháp và luật khéo giảng này, hãy thật hành kham nhẫn và nhu hòa.

V. THẮNG LỢI NHỜ THIỆN NGỮ (S.i,222)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) – Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, một trận chiến kịch liệt xảy ra giữa chư Thiên và các Asura.

3) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:

“ – Này Thiên chủ, hãy chấp nhận, ai khéo nói, người ấy thắng”.

“ – Này Vepacitti, ta chấp nhận, ai khéo nói, người ấy thắng”.

4) Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên và các Asura sắp các hội chúng và nói:

“ – Hội chúng này sẽ phán đoán ai khéo nói, ai không khéo nói”.

5) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:

“– Này Thiên chủ, hãy nói lên bài kệ”.

6) Được nói vậy, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với Vepacitti, vua các A-tu-la:

“– Này Vepacitti, ở đây, Ông là vị Thiên lớn tuổi hơn. Này Vepacitti, hãy nói lên bài kệ”.

7) Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, vua các A-tu-la, Vepacitti nói lên bài kệ này:

Kẻ ngu càng nổi khùng,

Nếu không người đối trị,

Vậy với hình phạt nặng,

Kẻ trí trị người ngu.

8) Này các Tỷ-kheo, các A-tu-la tán thán bài kệ của Vepacitti, vua các A-tu-la. Còn chư Thiên thời im lặng.

9) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:

“– Này Thiên chủ, hãy nói lên bài kệ”.

10) Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ này:

Như vậy theo ta nghĩ,

Chỉ chế ngự người ngu,

Biết kẻ khác phẫn nộ,

Giữ niệm, tâm an tịnh.

11) Này các Tỷ-kheo, chư Thiên tán thán bài kệ của Thiên chủ Sakka, còn các A-tu-la thời im lặng.

12) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với Vepacitti, vua các A-tu-la:

“– Này Vepacitti, hãy nói lên bài kệ”

(Vepacitti):

Hỡi này Vàsava,

Sự kham nhẫn như vậy,

Ta thấy là lầm lỗi,

Khi kẻ ngu nghĩ rằng:

“Vì sợ ta, nó nhẫn”.

Kẻ ngu càng hăng tiết,

Như bò thấy người chạy,

Càng hung hăng đuổi dài.

13) Này các Tỷ-kheo, các A-tu-la tán thán bài kệ của Vepacitti, vua các A-tu-la, còn chư Thiên thời im lặng.

14) Rồi Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:

“– Này Thiên chủ, hãy nói lên bài kệ”.

15) Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ này:

Hãy để nó suy nghĩ,

Như ý nó mong muốn,

Nghĩ rằng ta kham nhẫn,

Vì ta sợ hãi nó.

Trong tư lợi tối thượng,

Không gì hơn kham nhẫn.

Người đầy đủ sức mạnh,

Chịu nhẫn người yếu kém,

Nhẫn ấy gọi tối thượng.

Thường nhẫn kẻ yếu hèn,

Sức mạnh của kẻ ngu,

Được xem là sức mạnh,

Thời sức mạnh kẻ mạnh,

Lại được gọi yếu hèn.

Người mạnh hộ trì pháp,

Không nói lời phản ứng.

Bị mắng, nhiếc mắng lại,

Sẽ hại nặng nề hơn.

Bị mắng, không mắng lại,

Được chiến thắng hai lần.

Sống lợi ích cả hai,

Lợi mình và lợi người,

Biết kẻ khác tức giận,

Giữ niệm, tâm an tịnh,

Là y sĩ cả hai,

Chữa mình và chữa người,

Quần chúng nghĩ là ngu,

Vì không giỏi Chánh pháp.

16) Này các Tỷ-kheo, chư Thiên tán thán bài kệ của Thiên chủ Sakka, còn các A-tu-la thời im lặng.

17) Rồi này các Tỷ-kheo, hội chúng chư Thiên và A-tu-la nói như sau:

18) “Những bài kệ của Vepacitti, vua các A-tu-la, nói lên là những lời bạo lực, những lời đao kiếm, đưa đến đấu tranh, bất hòa, gây hấn.

19) “Còn những bài kệ, Thiên chủ Sakka nói lên là những lời không thuộc bạo lực, những lời không thuộc đao kiếm, không đưa đến đấu tranh, không đưa đến bất hòa, không đưa đến gây hấn, thắng lợi đã về Thiên chủ Sakka, nhờ khéo nói”.

20) Như vậy, này các Tỷ-kheo, thắng lợi về Thiên chủ Sakka nhờ khéo nói.

VI. TỔ CHIM (S.i,224)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, giữa chư Thiên và các A-tu-la, xảy ra cuộc chiến rất ác liệt.

3) Này các Tỷ-kheo, trong cuộc chiến ấy, các A-tu-la thắng trận, chư Thiên bại trận.

4) Này các Tỷ-kheo, chư Thiên bại trận thời lui về phương Bắc, còn các A-tu-la đuổi theo họ.

5) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ với người đánh xe Màtali:

Hỡi này Màtali,

Hãy giữ cho gọng xe,

Tránh khỏi các tổ chim,

Giữa các cây bông gòn.

Thà trao mạng sống ta,

Cho các A-tu-la,

Còn hơn khiến các chim,

Trở thành không tổ ấm.

6) “– Thưa vâng, Tôn giả”.

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe Màtali vâng đáp Thiên chủ Sakka, liền đánh xe trở lui, cỗ xe có ngàn con tuấn mã kéo.

7) Rồi này các Tỷ-kheo, các A-tu-la suy nghĩ: “Nay cỗ xe có ngàn con tuấn mã kéo của Thiên chủ Sakka đã trở lui. Lần thứ hai, chư Thiên sẽ tiến đánh các A-tu-la”. Nghĩ vậy, họ sợ hãi lui vào trong thành phố A-tu-la.

8) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka lại thắng trận, nhờ theo Chánh pháp.

VII. KHÔNG GIAN TRÁ (S.i,225)

1) Ở Sàvatthi.

2) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka trong khi Thiền tịnh độc cư, khởi lên ý nghĩ sau đây: “Dầu ai là kẻ thù của ta. Đối với họ, ta không có gian trá”.

3) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, với tâm của mình biết tâm của Thiên chủ Sakka, liền đi đến Thiên chủ Sakka.

4) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka thấy Vepacitti, vua các A-tu-la, từ xa đi đến, thấy vậy liền nói với vua A-tu-la:

“–Hãy đứng lại, này Vepacitti, Ông đã bị bắt”.

5) “– Này Thân hữu, tâm của Ông trước như thế nào, chớ có bỏ tâm ấy”.

6) “– Này Vepacitti, Ông có thể thề: Ta không bao giờ gian trá”.

(Vepacitti):

7) Ác báo do vọng ngôn,

Ác báo do báng Thánh,

Ác báo do phản bạn,

Ác báo do vong ân.

Này Sujampati,

Ai gian trá với Ông,

Người ấy sẽ thọ lãnh,

Các quả báo như vậy.

VIII. VUA A-TU-LA VEROCANA HAY MỤC ĐÍCH (S.i,225)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang nghỉ trưa và ngồi Thiền tịnh.

3) Rồi Thiên chủ Sakka và A-tu-la vương Verocana, vua các A-tu-la, đi đến Thế Tôn; sau khi đến liền đứng, mỗi người dựa vào một cột cửa.

4) Rồi A-tu-la Verocana, vua các A-tu-la, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Mọi người phải tinh tấn,

Cho đến đích thành tựu.

Khi mục đích thành tựu,

Thời chiếu diệu chói sáng,

Chính Verocana,

Đã nói lời như vậy.

(Sakka):

5) Mọi người phải tinh tấn,

Cho đến đích thành tựu.

Khi mục đích thành tựu,

Thời chiếu diệu chói sáng,

Không gì tốt đẹp hơn,

So sánh với kham nhẫn.

(Verocana):

6) Tất cả loại chúng sanh,

Tự có mục đích mình,

Tại chỗ này, chỗ kia,

Tùy theo sự thích ứng.

Món ăn khéo chế biến,

Làm thỏa mãn mọi loài,

Khi mục đích thành tựu,

Thời chiếu diệu chói sáng,

Chính Verocana

Đã nói lời như vậy.

(Sakka):

7) Tất cả loại chúng sanh,

Tự có mục đích mình,

Tại chỗ này, chỗ kia,

Tùy theo sự thích ứng.

Món ăn khéo chế biến,

Làm thỏa mãn mọi loài,

Khi mục đích thành tựu,

Thời chiếu diệu chói sáng,

Không gì tốt đẹp hơn,

So sánh với kham nhẫn.

IX. CÁC ẨN SĨ Ở RỪNG HAY HƯƠNG (S.i,226)

1) Ở Sàvatthi.

2) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có nhiều ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện, sống cùng nhau trong những chòi lá trong rừng.

3) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka và Vepacitti, vua các A-tu-la, đi đến các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy.

4) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, sau khi mang giày ống (hia), cầm đao kiếm, có lọng che, đi vào am thất bằng cửa chính, miệt thị và phạm thượng các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy.

5) Này các Tỷ-kheo, còn Thiên chủ Sakka thời cởi giày ống, giao kiếm cho người khác, xếp lọng, đi vào am thất bằng cửa phụ, đứng phía sau các ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy, chấp tay vái chào.

6) Này các Tỷ-kheo, các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy nói lên bài kệ với Thiên chủ Sakka:

Mùi hương các ẩn sĩ,

Đã lâu ngày tu hành,

Xuất phát từ thân họ,

Được gió thổi mang đi,

Từ đó thổi đến người.

Ôi vị có ngàn mắt,

Mùi hương các ẩn sĩ,

Không được cho thanh tịnh,

Này vị vua chư Thiên.

(Sakka):

7) Mùi hương các ẩn sĩ,

Đã lâu ngày tu hành,

Xuất phát từ thân họ,

Hãy được gió mang đi,

Như vòng hoa nhiều loại,

Được trang sức trên đầu.

Chư Tôn giả, chúng tôi,

Ước mong được hương ấy,

Không gì ở nơi đây,

Làm chư Thiên ghê tởm.

X. ẨN SĨ Ở BỜ BIỂN HAY SAMBARA (S.i,227)

1) Ở Sàvatthi.

2) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có nhiều vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện, sống cùng nhau ở trong những chòi lá, trên bờ biển.

3) Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, một trận chiến xảy ra giữa chư Thiên và các A-tu-la rất ác liệt.

4) Này các Tỷ-kheo, các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy suy nghĩ như sau: “Chư Thiên sống như pháp, các A-tu-la sống phi pháp. Chúng ta có thể nguy hiểm từ phía A-tu-la. Vậy chúng ta hãy đi đến A-tu-la vương Sambara và xin được bảo đảm vô úy”.

5) Này các Tỷ-kheo, các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy, như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, biến mất trong các chòi lá trên bờ biển và hiện ra trước mặt A- tu-la vương Sambara.

6) Này các Tỷ-kheo, các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy nói lên bài kệ với A-tu-la vương Sambara:

7) Các ẩn sĩ chúng tôi,

Đến với Sambara,

Để xin Ngài bảo đảm,

Thí cho sự vô úy.

Hãy làm như Ngài muốn,

Hãy thí cho chúng tôi,

Những người đang sợ hãi,

Được khỏi phải sợ hãi.

(Sambara):

8) Ẩn sĩ như các Ông,

Không thể có vô úy,

Đã phục vụ Sakka,

Vị trí không tốt lành,

Các Ông xin vô úy,

Ta cho sự sợ hãi.

(Các ẩn sĩ):

9) Chúng tôi xin vô úy,

Ông lại cho sợ hãi,

Ta nhận vậy từ Ông,

Trọn đời, Ông sợ hãi!

Tùy hột giống đã gieo,

Ông gặt quả như vậy.

Làm thiện được quả thiện,

Làm ác bị quả ác,

Giống đã gieo và trồng,

Ông sẽ hưởng kết quả.

10) Này các Tỷ-kheo, các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy, sau khi thốt lời chú nguyện chống A-tu-la vương Sambara, như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, liền biến mất trước mặt A-tu-la vương Sambara và hiện ra trong các chòi lá trên bờ biển.

11) Này các Tỷ-kheo, A-tu-la vương Sambara, bị các ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy chú nguyện như vậy, trong đêm ấy thức dậy hoảng hốt ba lần.

II. PHẨM THỨ HAI

I. CHƯ THIÊN HAY CẤM GIỚI (S.i,228)

1) Tại Sàvatthi.

2) – Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn làm người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka.

3) Bảy cấm giới túc là gì?

4) “Cho đến trọn đời, tôi hiếu dưỡng cha mẹ. Cho đến trọn đời, tôi kính trọng gia trưởng. Cho đến trọn đời, tôi nói lời nhu hòa. Cho đến trọn đời, tôi không nói lời hai lưỡi. Cho đến trọn đời, với tâm ly cấu uế và xan tham, tôi sống trong gia đình với tâm bố thí, với tay sạch sẽ, hoan hỷ thí xả, nhiệt tình đáp ứng các yêu cầu, sung sướng phân phối vật bố thí. Cho đến trọn đời, tôi nói lời chân thực. Cho đến trọn đời, tôi không phẫn nộ, nếu tôi có phẫn nộ, tôi sẽ mau chóng dẹp trừ phẫn nộ ấy”.

5) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn làm người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka.

6) Ai hiếu dưỡng cha mẹ,

Kính trọng bậc gia trưởng,

Nói những lời nhu hòa,

Từ bỏ lời hai lưỡi,

Chế ngự lòng xan tham,

Là con người chân thực,

Nhiếp phục được phẫn nộ,

Với con người như vậy,

Chư Thiên tam thập tam,

Gọi là bậc Chân nhân.

II. CHƯ THIÊN (S.i,229)

1) Ở Sàvatthi, Jetavana.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

3) – Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy là một thanh niên Bà-la-môn tên là Magha, do vậy được gọi là Maghavà.

4) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí từ thành này qua thành khác, do vậy được tên là Purindado.

5) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí một cách trọn vẹn (Sakkaccam), do vậy được tên là Sakka.

6) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí trú xứ, do vậy được tên là Vàsavo.

7) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy có thể trong một thời gian rất ngắn suy nghĩ đến ngàn sự việc, do vậy được tên là Sahassa akkha (ngàn con mắt).

8) Này các Tỷ-kheo, Sakka trở thành người chồng của một thiếu nữ A-tu-la tên là Sujà, do vậy được tên là Sujampati.

9) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka thống lãnh và trị vì Tam thập tam thiên, do vậy được gọi là Thiên chủ.

10) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn làm người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka.

11) Thế nào là bảy cấm giới túc?

“Cho đến trọn đời, tôi hiếu dưỡng cha mẹ. Cho đến trọn đời, tôi kính trọng bậc gia trưởng. Cho đến trọn đời, tôi nói lời nhu hòa. Cho đến trọn đời, tôi không nói lời hai lưỡi. Cho đến trọn đời, với tâm ly cấu uế và xan tham, tôi sống trong gia đình với tâm bố thí, với tay sạch sẽ, hoan hỷ thí xả, nhiệt tình đáp ứng các yêu cầu, sung sướng phân phối vật bố thí. Cho đến trọn đời, tôi nói lời chân thật. Cho đến trọn đời, tôi không phẫn nộ, nếu tôi có phẫn nộ, tôi sẽ mau chóng dẹp trừ phẫn nộ ấy”.

12) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn làm người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka.

Ai hiếu dưỡng cha mẹ,

Kính trọng bậc gia trưởng,

Nói những lời nhu hòa,

Từ bỏ lời hai lưỡi,

Chế ngự lòng xan tham,

Là con người chân thực,

Nhiếp phục được phẫn nộ,

Với con người như vậy,

Chư Thiên tam thập tam,

Gọi là bậc Chân nhân.

III. CHƯ THIÊN (S.i,230)

1) Như vầy tôi nghe.

2) Một thời Thế Tôn ở Vesàli, Đại Lâm tại Trùng Các giảng đường.

3) Rồi Mahàli, người Licchavi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

4) Ngồi xuống một bên, Mahàli, người Licchavi bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thấy Thiên chủ Sakka không?

5) – Này Mahàli, Ta có thấy Thiên chủ Sakka.

6) – Bạch Thế Tôn, có thể vị ấy tương tự giống Sakka. Bạch Thế Tôn, thật khó thấy Thiên chủ Sakka.

7) – Này Mahàli, Ta biết Sakka và các pháp tác thành Sakka. Chính do chấp trì các pháp ấy, Sakka được địa vị Sakka. Và Ta biết các pháp ấy.

8) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy là một thanh niên Bà la môn tên là Magha, do vậy được gọi là Maghavà.

9) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí từ thành này qua thành khác, do vậy được gọi là Purtindado.

10) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí một cách trọn vẹn, do vậy được gọi là Sakka.

11) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí trú xứ, do vậy được gọi là Vàsavo.

12) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy có thể trong một thời gian rất ngắn, suy nghĩ đến ngàn sự việc, do vậy được gọi là Sahassa akkha (một ngàn con mắt).

13) Này Mahàli, Sakka trở thành người chồng của một thiếu nữ A-tu-la là Sujà, do vậy được gọi là Sujampati.

14) Này Mahàli, Thiên chủ Sakka thống lãnh và trị vì Tam thập tam thiên, do vậy được gọi là Thiên chủ.

15) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc, Sakka được địa vị Sakka.

16) Thế nào là bảy cấm giới túc?

“Cho đến trọn đời, tôi hiếu dưỡng cha mẹ. Cho đến trọn đời, tôi kính trọng bậc gia trưởng. Cho đến trọn đời, tôi nói lời nhu hòa. Cho đến trọn đời, tôi không nói lời hai lưỡi. Cho đến trọn đời, với tâm ly cấu uế và xan tham, tôi sống trong gia đình với tâm bố thí, với tay sạch sẽ, hoan hỷ thí xả, nhiệt tình đáp ứng các yêu cầu, sung sướng phân phối vật bố thí. Cho đến trọn đời, tôi nói lời chân thật. Cho đến trọn đời, tôi không phẫn nộ; nếu tôi có phẫn nộ, tôi sẽ mau chóng dẹp trừ phẫn nộ”.

17) Này Mahali, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka.

Ai hiếu dưỡng cha mẹ,

Kính trọng bậc gia trưởng,

Nói những lời nhu hòa,

Từ bỏ lời hai lưỡi,

Chế ngự lòng xan tham,

Là con người chân thực,

Nhiếp phục được phẫn nộ,

Với con người như vậy,

Chư Thiên tam thập tam,

Gọi là bậc Chân nhân.

IV. NGƯỜI NGHÈO (S.i,231)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương xá), Veluvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “– Này các Tỷ-kheo”.

3) “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

4) Thế Tôn nói như sau:

5) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một người ở tại thành Vương xá này; người ấy nghèo khó, bần cùng, khốn khổ.

6) Người ấy chấp trì lòng tin trong pháp luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ.

7) Người ấy do chấp trì lòng tin trong pháp luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, thiên giới, đời này và cọng trú với chư Thiên Tam thập tam thiên. Vị ấy chói sáng hơn chư Thiên khác về dung sắc và danh tiếng.

8) Ở đây, này các vị Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên bực tức, chán ghét, phẫn uất: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Thiên tử này thuở xưa làm người nghèo khó, bần cùng, khốn khổ. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, đời này và cọng trú với chư Thiên Tam thập tam thiên. Vị ấy chói sáng hơn chư Thiên khác về dung sắc và danh tiếng”.

9) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi chư Thiên ở Tam thập tam thiên: “Này chư Thân hữu, chớ có bực tức với vị Thiên tử này. Này chư Thân hữu, vị Thiên tử này trước kia làm người, chấp trì lòng tin trong pháp luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ; người ấy do chấp trì lòng tin trong pháp luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, thiên giới, đời này và cọng trú với chư Thiên Tam thập tam thiên. Vị ấy chói sáng hơn chư Thiên khác về dung sắc và danh xưng”.

10) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka để làm hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:

Ai tín thành Như Lai,

Bất động, khéo an trú,

Ai giữ giới thuần thiện,

Được bậc Thánh tán thán.

Ai tín thành chúng Tăng,

Chơn trực và chánh kiến,

Được gọi: “Không phải nghèo”,

Đời sống không hư vọng.

Do vậy người có trí,

Phải kiên trì Phật giáo,

Tín thành và trì giới,

Trí kiến đúng Chánh pháp.

V. KHẢ ÁI, KHẢ LẠC (S.i,232)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Rồi Thiên chủ Sakka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, Thiên chủ Sakka bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, địa cảnh nào khả ái, khả lạc?

(Thế Tôn):

Các cảnh vườn mỹ diệu,

Các khu rừng mỹ diệu,

Các ao sen khéo xây,

Được loài Người khả ái.

Thật sự chỉ đáng giá,

Thật là ít, nhỏ nhoi.

Tại làng hay tại rừng,

Chỗ đất thấp hay cao,

Chỗ nào La-hán trú,

Địa cảnh ấy khả ái.

VI. TỔ CHỨC LỄ TẾ ĐÀN (S.i,232)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương xá), tại núi Gijjhakùta (Linh thứu).

2) Rồi Thiên tử Sakka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Loài Người lễ tế đàn,

Chúng sanh mong công đức.

Ai làm các công đức,

Đưa đến sự tái sanh,

Chỗ nào sự bố thí,

Được quả báo thật lớn?

(Thế Tôn):

4) Ai thành tựu bốn đạo,

Ai chứng đắc bốn quả,

Tăng chúng ấy chơn trực,

Giới, định, tuệ đầy đủ.

Loài Người lễ tế đàn,

Chúng sanh mong công đức.

Ai làm các công đức,

Đưa đến sự tái sanh,

Bố thí cho chúng Tăng,

Được quả báo thật lớn.

VII. KÍNH LỄ (S.i,233)

1) Tại Sàvatti, Jetavana.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang nghỉ trưa Thiền tịnh.

3) Rồi Thiên chủ Sakka và Phạm thiên Sahampati đi đến Thế Tôn; sau khi đến, mỗi người đứng dựa vào một cột cửa.

4) Rồi Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Đứng lên bậc Anh hùng,

Bậc chiến thắng chiến trường,

Đã đặt gánh nặng xuống,

Không mắc nợ một ai,

Bộ hành khắp thế giới,

Tâm Ngài khéo giải thoát,

Chẳng khác gì mặt trăng,

Trong đêm rằm (chói sáng).

5) Phạm thiên Sahampati:

– Này Thiên chủ, kính lễ Như Lai không phải như vậy. Và này Thiên chủ, kính lễ Như Lai phải như thế này:

Đứng lên, bậc Anh hùng,

Bậc chiến thắng chiến trường,

Lãnh đạo đoàn lữ hành,

Không mắc nợ một ai,

Bộ hành khắp thế giới,

Thế Tôn hãy thuyết pháp,

Có những người sẽ hiểu.

VIII. SAKKA KÍNH LỄ (S.i,234)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Ở đây... Thế Tôn nói:

3) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với người đánh xe như sau:

“ – Này Màtali thân, hãy thắng ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe. Chúng ta hãy đi đến vườn cảnh để ngắm cảnh”.

4) “ – Thưa vâng, Tôn giả”.

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe Màtali vâng đáp Thiên chủ Sakka; sau khi thắng một ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe, liền báo với Thiên chủ Sakka:

“ – Thưa Ngài, ngàn con ngựa khéo huấn luyện đã thắng vào cỗ xe. Nay Ngài hãy làm những gì Ngài nghĩ là hợp thời!”

5) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka từ cung điện Vejàanta đi xuống, chắp tay và đảnh lễ các phương hướng.

6) Rồi này các Tỷ-kheo, người đánh xe Màtali nói lên những bài kệ với Thiên chủ Sakka:

Bậc Tam minh lễ Ngài,

Tất cả Sát-đế-lỵ

Ở trên cõi đất này,

Cũng đều đảnh lễ Ngài,

Kể cả bốn Thiên vương,

Bậc danh xưng Tam thập.

Dạ-xoa ấy tên gì,

Vị mà Ngài đảnh lễ,

Này Sakka?

(Sakka):

8) Bậc Tam minh lễ ta.

Tất cả Sát-đế-lỵ

Ở trên cõi đất này,

Cũng đều đảnh lễ ta,

Kể cả bốn Thiên vương,

Bậc danh xưng Tam thập.

Nhưng ta chỉ đảnh lễ,

Bậc thành tựu giới, luật,

Lâu ngày tu Thiền định,

Chơn chánh hành xuất gia,

Thành đạt và chứng được

Cứu cánh chơn Phạm hạnh.

Ngoài ra các gia chủ,

Làm công đức, giữ giới,

Nuôi dưỡng vợ đúng pháp,

Các cư sĩ như vậy,

Ta cũng sẽ đảnh lễ,

Hỡi này Màtali.

(Màtali):

9) Phải, tôi cũng được nghe,

Ở đời bậc tối thượng,

Sakka, Ngài đảnh lễ

Những vị Ngài đảnh lễ,

Tôi cũng đều đảnh lễ,

Ôi này Vàsava!.

10) Maghavà nói vậy,

Vua Sujampati,

Đảnh lễ các phương xong,

Lên xe dẫn đi đầu.

IX. SAKKA ĐẢNH LỄ (S.i,235)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana...

2) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với người đánh xe Màtali:

“ – Này Màtali thân, hãy thắng ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe. Chúng ta hãy đi đến vườn cảnh để ngắm cảnh”.

3) “ – Thưa vâng, Tôn giả”.

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe Màtali vâng đáp Thiên chủ Sakka, sau khi thắng một ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe, liền báo với Sakka:

“Thưa Ngài, ngàn con ngựa khéo huấn luyện đã được thắng vào cỗ xe. Nay Ngài hãy làm những gì Ngài nghĩ là hợp thời”.

4) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka, từ cung điện Vejayanta đi xuống, chắp tay kính lễ Thế Tôn.

5) Rồi Màtali, người đánh xe nói lên những bài kệ với Thiên chủ Sakka:

6) Thiên, Nhân kính lễ Ngài,

Hỡi này Vàsava.

Dạ-xoa ấy tên gì

Vị mà Ngài đảnh lễ,

Này Sakka?

(Sakka):

7) Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác,

Đời này với chư Thiên,

Bậc Đạo sư tối thượng,

Vị ấy ta đảnh lễ,

Này Màtali!

Những vị đã đoạn trừ,

Tham, sân và vô minh,

Bậc lậu tận, La-hán,

Vị ấy ta đảnh lễ.

Bậc điều phục tham sân,

Vượt khỏi (màn) vô minh,

Hoan hỷ đoạn tái sanh,

Các bậc thuộc hữu học,

Không phóng dật, tu học,

Vị ấy ta đảnh lễ,

Này Màtali.

(Màtali):

8) Phải tôi cũng được nghe,

Ở đời bậc tối thượng,

Sakka Ngài đảnh lễ,

Những vị Ngài đảnh lễ,

Tôi cũng đều đảnh lễ,

Ôi này Vàsava.

9) Maghavà nói vậy,

Vua Sujampati,

Đảnh lễ Thế Tôn xong,

Lên xe, dẫn đi đầu.

X. SAKKA ĐẢNH LỄ (S.i,235)

1) Tại Sàvatthi, ở Jetavana.

2) Ở đây... Thế Tôn nói như sau:

3) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với người đánh xe Màtali:

“ – Này Màtali thân, hãy thắng ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe. Chúng ta hãy đi đến vườn cảnh để ngắm cảnh”.

4) “ – Thưa vâng, Tôn giả”.

 Này các Tỷ-kheo, người đánh xe Màtali vâng đáp Thiên chủ Sakka, sau khi thắng một ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe, liền báo với Thiên chủ Sakka:

“ – Thưa Ngài, ngàn con ngựa khéo huấn luyện đã được thắng vào cổ xe. Ngài hãy làm những gì Ngài nghĩ là hợp thời”.

5) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka từ cung điện Vejayanta đi xuống, chấp tay đảnh lễ Tỷ-kheo Tăng.

6) Này các Tỷ-kheo, rồi người đánh xe Màtali nói lên bài kệ với Thiên chủ Sakka:

7) Chắc họ đảnh lễ Ngài,

Những người thân bất tịnh,

Chìm sâu trong thi thể,

Bị đói khát dày vò,

Có gì họ ưa thích,

Đối những vị xuất gia,

Hãy nói cho được biết,

Sở hành các ẩn sĩ,

Nhờ vậy chúng tôi nghe

Được tiếng nói của Ngài,

Hỡi này Vàsava!

(Sakka):

8) Đối với xuất gia ấy,

Điều khiến ta ưa thích,

Khi họ từ làng về,

Họ đi không tham vọng,

Vựa lúa, không cất chứa,

Không ghè, không nồi niêu,

Những gì họ tìm kiếm,

Có người khác sẵn sàng.

Do vậy, họ nuôi sống,

Theo cung cách tốt đẹp.

Họ là bậc Hiền trí,

Khuyên nhủ lời tốt đẹp.

Hay họ giữ im lặng,

Trong tư thế trầm tĩnh.

Chư thiên chiến Tu-la,

Loài Người cũng gây chiến.

Hỡi này Màtali!

Không chiến giữa gây chiến,

Trầm tĩnh giữa đao gậy,

Không chấp giữa chấp trước.

Vậy ta kính lễ họ,

Hỡi này Màtali!

(Màtali):

9) Phải, tôi cũng được nghe,

Ở đời bậc tối thượng,

Sakka Ngài đảnh lễ.

Những vị Ngài đảnh lễ,

Tôi cũng đều đảnh lễ.

Ôi, này Vàsava!

10) Maghavà nói vậy,

Vua Sujampati,

Đảnh lễ Tăng chúng xong,

Lên xe dẫn đi đầu.

III. PHẨM THỨ BA (hay Sakka năm kinh).

I. SÁT HẠI GÌ (S.i,237)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Rồi Thiên chủ Sakka đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Sát vật gì, được lạc?

Sát vật gì, không sầu?

Có một loại pháp gì,

Ngài tán đồng sát hại,

Tôn giả Gotama?

(Thế Tôn):

4) Sát phẫn nộ được lạc,

Sát phẫn nộ không sầu.

Phẫn nộ với độc căn,

Với vị ngọt tối thượng,

Pháp ấy, bậc Hiền thánh

Tán đồng sự sát hại.

Sát pháp ấy, không sầu,

Hỡi này Vàsava!

II. XẤU XÍ (S.i,237)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Tại đây... Thế Tôn nói như sau:

3) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có một Dạ-xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to (Okotimako), đến ngồi trên chỗ ngồi của Thiên chủ Sakka.

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên bực tức, chán ghét, phẫn uất: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Tên Dạ xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to lại đến ngồi trên chỗ ngồi của Thiên chủ Sakka!”.

5) Này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên càng bực tức, chán ghét, phẫn uất bao nhiêu, thời Dạ-xoa ấy càng đẹp hơn, càng dễ nhìn, càng dễ thương bấy nhiêu.

6) Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên đi đến Thiên chủ Sakka; sau khi đến, nói với Thiên chủ Sakka:

7) “– Ở đây, này Tôn giả, có một Dạ-xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to đến ngồi trên chỗ ngồi của Ngài. Ở đây, này Tôn giả, chư Thiên ở Tam thập tam thiên, bực tức, chán ghét, phẫn uất: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Dạ-xoa này xấu xí, thấp lùn, bụng to lại đến ngồi trên chỗ ngồi của Thiên chủ Sakka!”. Nhưng này Tôn giả, chư Thiên ở Tam thập tam thiên càng bực tức, chán ghét, phẫn uất bao nhiêu, thời Dạ-xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to ấy càng tốt đẹp, càng dễ nhìn và càng dễ thương bấy nhiêu. Thưa Tôn giả, có phải Dạ-xoa ấy sẽ trở thành Dạ-xoa nuôi dưỡng với phẫn nộ?”

8) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đi đến Dạ-xoa nuôi dưỡng bằng phẫn nộ ấy; sau khi đến đắp thượng y vào một bên vai, đầu gối phải quỳ trên đất, chấp tay vái Dạ-xoa nuôi dưỡng với phẫn nộ và nói lên tên của mình ba lần: “Thưa Tôn giả, tôi là Thiên chủ Sakka! Thưa Tôn giả, tôi là Thiên chủ Sakka!”.

9) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka càng nói lên tên của mình bao nhiêu thời Dạ-xoa ấy càng trở thành xấu xí, thấp lùn, bụng to bấy nhiêu; và sau khi trở thành càng xấu xí, càng thấp lùn, bụng to hơn, vị ấy biến mất tại chỗ ấy.

10) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka, sau khi ngồi xuống trên chỗ ngồi của mình, làm cho hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên, ngay lúc ấy, nói lên những bài kệ này:

Tâm ta không dễ dàng,

Để cho bị thất trận,

Không dễ bị lôi kéo,

Trong xoáy nước dục tình.

Người biết đã từ lâu,

Ta không còn phẫn nộ,

Phẫn nộ không chân đứng

Một chỗ nào trong ta.

Ta không nói ác ngữ,

Vì phẫn nộ giận hờn,

Và không có khen tặng,

Những đức tánh của ta.

Thấy được lợi ích mình,

Ta tự thân chế ngự.

III. HUYỄN THUẬT (S.i,238)

1) Tại Sàvatthi...

2) Thế Tôn nói như sau:

3) – Này các Tỷ-kheo, thuở xưa A-tu-la Vepacitti, vua các A-tu -la bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

4) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đi đến A-tu-la để hỏi thăm tình trạng bịnh hoạn.

5) Này các Tỷ-kheo, Vepacitti từ đàng xa trông thấy Thiên chủ Sakka đi đến, thấy vậy liền nói với Thiên chủ Sakka:

“– Này Thiên chủ, hãy chữa bệnh cho tôi”.

6) “– Này Vepacitti, hãy nói tôi biết ảo thuật của Sambhara”.

7) “– Này Tôn giả, hãy chờ tôi hỏi ý kiến các A-tu-la”.

8) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la hỏi ý kiến các A-tu-la:

“– Chư Tôn giả, tôi có nên nói cho Thiên chủ Sakka, ảo thuật của Sambhara không?”

9) “– Thưa Tôn giả, Ngài không nên nói cho Thiên chủ Sakka ảo thuật của Sambhara”.

10) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la nói lên bài kệ này với Thiên chủ Sakka:

Ông thuộc dòng Magha,

Là Sakka, Thiên chủ,

Là chồng của Sujà,

Ảo thuật dắt dẫn đến,

Vực sâu của địa ngục,

Tại đấy Sambhara,

Đã sống một trăm năm.

IV. TỘI LỖI (hay không phẫn nộ) (S.i,239)

1) Tại Sàvatthi... tại vườn ông Cấp Cô Độc.

2) Lúc bấy giờ hai Tỷ-kheo cãi lộn nhau. Ở đây, một Tỷ-kheo phạm tội, Tỷ-kheo ấy phát lộ tội phạm là tội phạm trước mặt Tỷ-kheo kia. Tỷ-kheo ấy không chấp nhận.

3) Rồi Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

4) – Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai Tỷ-kheo cãi lộn nhau. Một Tỷ-kheo phạm tội. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo ấy phát lộ tội phạm là tội phạm trước mặt Tỷ-kheo kia. Tỷ-kheo ấy không chấp nhận.

5) – Này các Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo này là ngu si: một vị không thấy phạm tội là phạm tội, một vị không chấp nhận phát lộ tội phạm đúng pháp. Này các Tỷ-kheo, hai vị Tỷ-kheo này là ngu si.

6) Này các Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo này là sáng suốt, một vị thấy phạm tội, một vị chấp nhận phát lộ tội phạm đúng pháp. Này các Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo này là sáng suốt.

7) Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka, để làm hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên tại hội trường Sudhamma, ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ này:

Hãy nhiếp phục phẫn nộ,

Giữ tình bạn không phai,

Không đáng mắng, chớ mắng,

Không nên nói hai lưỡi,

Phẫn nộ quăng người ác,

Như đá rơi vực thẳm.

V. KHÔNG PHẪN NỘ (không hại) (S.i,240)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo... Thế Tôn nói như sau:

3) – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka, để làm hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên tại hội trường Sudhamma, ngay trong lúc ấy nói lên bài kệ này:

Chớ để lòng phẫn nộ,

Nhiếp phục, chi phối người!

Chớ để lòng sân hận,

Đối trị với sân hận!

Không phẫn nộ, vô hại,

Bậc Thánh thường an trú.

Phẫn nộ quăng người ác,

Như đá rơi vực thẳm.

HẾT TẬP I PT & DTKVN

 

Năm bộ Nikaya :